TCCSĐT - Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức và khó khăn do các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch cúm A(H1N1)... Hội nghị thượng đỉnh của G8 diễn ra trong 3 ngày ở La-qui-la (8 đến 10-7) được đông đảo dư luận, báo chí thế giới quan tâm. Khoảng ba nghìn đại biểu và phóng viên đã tới La-qui-la trong những ngày diễn ra hội nghị này.

Ưu tiên hàng đầu cho hồi phục kinh tế

Lãnh đạo các nước nhóm G8 đã đưa ra một Tuyên bố chung về tình hình kinh tế, trong đó khẳng định, nền kinh tế thế giới mới đây đã ở trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.Mặc dù hiện đã có những dấu hiệu ổn định, tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn đứng trước những bất trắc và nguy cơ tiếp tục đe doạ sự ổn định kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng cao của các quốc gia.

Các nhà lãnh đạo nhóm G8 sẽ áp dụng các biện pháp mang tính quốc gia và tập thể cần thiết để đưa nền kinh tế thế giới trở lại con đường tăng trưởng mạnh và ổn định. Lãnh đạo các nước G8 cũng cho rằng, đã đến lúc phải chuẩn bị các chiến lược hỗ trợ kinh tế với sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tại cuộc gặp mặt lần này, nhiều nhà phân tích cho rằng, không có nhiều sáng kiến lớn xuất hiện, do đó, những bước đi cụ thể tiếp theo phải chờ tới một Hội nghị có quy mô rộng hơn giữa các nhà lãnh đạo nhóm 20 nước phát triển và mới nổi là G20, được tổ chức tại đảo La Ma-đa-lê-na (La Madalena) thuộc I-ta-li-a trong thời gian tới.

Đồng ý cắt giảm lượng khí thải carbon

Theo thoả thuận đã đạt được tại Hội nghị, các quốc gia phát triển sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải carbon - nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu, để hướng tới mục tiêu giảm được 50% lượng khí này vào năm 2050. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy mục tiêu này sẽ được thực hiện như thế nào, kinh phí ra sao.
 
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cho rằng, Hội nghị lần này chưa giải quyết được vấn đề về biến đối khí hậu nhưng cũng đã tạo ra được những bước tiến đáng kể. Ông hiểu được lý do tại sao lãnh đạo các nước đang phát triển chưa nhất trí về cắt giảm khí thải: “Các nước đang phát triển cũng mong muốn rằng họ không phải từ bỏ kế hoạch phát triển kinh tế, cũng như việc nâng cao điều kiện sống cho người dân. Mặc dù, các nước đó đã phản đối việc cắt giảm khí thải song với sự tham dự tích cực của các nước này tôi nghĩ đây sẽ là một bước khởi đầu tốt”.

Ông Ô-ba-ma cũng kêu gọi các nước phát triển tìm kiếm nguồn tài chính để tài trợ cho các nước đang triển chống lại việc biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các nước đang phát triển như Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ đã từ chối việc cắt giảm khí thải nếu các nước phát triển không đưa ra quyết tâm mạnh mẽ hơn và tăng hỗ trợ tài chính. Có thể nói, G8 đã thất bại trong việc thuyết phục các nước đang phát triển chấp nhận mục tiêu cắt giảm khí thải 50% vào năm 2050.

Vấn đề giúp các nước nghèo phát triển nông nghiệp

Chủ tịch Ngân hàng thế giới R.Dôi-e-líc (Robert Zoellick) nhấn mạnh rằng, viện trợ lương thực hiện vẫn rất cần thiết. Ông nói, các thất bại chính trị và các vấn đề thời tiết sẽ ảnh hưởng tới các nguồn cung dù các nỗ lực vẫn đang gia tăng để phát triển khu vực nông nghiệp.
 
BBC cho biết, chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế Ka-nay-a Ni-oan-de (Kanaya Nwanze) nói, ông chào đón tuyên bố sắp tới về việc đầu tư nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển. “Đã đến lúc chúng ta phải chuyển hướng vì an ninh lương thực không chỉ là viện trợ lương thực. Đó là khả năng sản xuất lương thực của người dân và giúp họ có thể tiếp cận được với các thị trường địa phương”. Ông Ka-nay-a Ni-oan-de hy vọng Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ kêu gọi các nước G8 và các nước đang phát triển mới nổi khác ủng hộ sáng kiến nông nghiệp này.

Tìm giải pháp hòa bình cho tình trạng bế tắc hiện nay liên quan chương trình hạt nhân I-ran

G8 khẳng định mong muốn tìm giải pháp hòa bình cho tình trạng bế tắc hiện nay liên quan chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, kêu gọi Chính phủ I-ran hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và hối thúc Tê-hê-ran thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết của Liên hợp quốc ngừng ngay các hoạt động làm giàu uranium của nước này. Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-kô-di tuyên bố, nhóm 8 nước phát triển đã thống nhất rằng, tháng 9 tới là hạn chót để I-ran chấp nhận đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này, nếu không họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh hơn.

Người phát ngôn của Ca-na-đa, ông Đi-mi-tri Sao-đát (Dimitri Soudas) nói: “Tất cả các nước G8 rất đoàn kết. Hiện nay, đang có sự đồng thuận cao về các hành động cứng rắn tiếp theo nếu I-ran không đạt được tiến bộ gì trong việc thương lượng hạt nhân”. Còn Mát-xcơ-va yêu cầu cần có thêm nhiều thời gian trước khi xem xét quyết định.

Trong một thông báo riêng rẽ, các nước G8 cam kết tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của I-ran. Thông báo có đoạn viết: “Chúng tôi hy vọng rằng I-ran sẽ nắm bắt cơ hội ngoại giao này”.

Chỉ trích hành động phóng tên lửa đạn đạo và các vụ thử hạt nhân Triều Tiên

Các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 chỉ trích gay gắt hành động phóng tên lửa đạn đạo và các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nhóm G8 khẳng định, hành động của Triều Tiên trong thời gian gần đây là “đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực và nền an ninh của nhiều nước khác”. Họ cũng lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ) và quay trở lại vòng đàm phán 6 bên, hãng Thông tấn của Nga Ri-a Nô-vốt-xti thông báo.

Ủng hộ việc nối lại các đàm phán giữa Ít-xra-en và Pa-lét-xtin

Nhóm G8 ủng hộ việc nối lại các đàm phán giữa Ít-xra-en và Pa-lét-xtin về việc thành lập hai nhà nước này độc lập.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G8 cũng kêu gọi nhanh chóng khởi động lại các cuộc đàm phán để tiến tới một hiệp ước cấm sản xuất các nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân và kêu gọi tất cả các nước phải hoãn toàn bộ các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn tại nơi đã hứng chịu trận động đất kinh hoàng vào tháng 4-2009 và đến nay vẫn chứng kiến các cơn dư chấn. Thủ tướng nước chủ nhà Sin-vi-ô Bia-lút-cô-ni (Silvio Berlusconi) đã dời địa điểm tổ chức hội nghị từ Sa-đi-ni-a tới La-qui-la nhằm thể hiện sự đoàn kết với các nạn nhân của trận động đất. Ông đã đưa các vị khách đến thăm một số địa điểm đổ nát - dấu tích của thảm họa thiên nhiên cách đây 3 tháng./.