TCCS - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Những biện pháp này đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong bối cảnh hiện nay.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tây Ninh thực hiện kiểm tra các tài xế trên quốc lộ 22 qua thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh_Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Cơ sở pháp lý và thực tiễn

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông và tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”(1). Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25-5-2023, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” xác định “Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Hiện đại hóa trung tâm giám sát, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan”(2). Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19-4-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an, toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới” nêu rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông....; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, tài chính, ngân hàng”(3). Trước đó, ngày 3-2-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”. Tại khoản 1, Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường”(4). Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể có thẩm quyền được phép áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua các tài liệu âm thanh, hình ảnh được ghi lại bằng thiết bị camera giám sát giao thông, máy đo tốc độ và thiết bị ghi âm lắp đặt trên phương tiện này.

Trong xu thế đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia gắn với chuyển đổi số, đối với lĩnh vực quản lý giao thông đường bộ, việc ứng dụng khoa học - công nghệ ngày càng trở nên phổ biến, phát huy hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, vấn đề thu thập và bảo quản bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) vốn được xem là trở ngại lớn trong công tác quản lý giao thông đường bộ ở nước ta trước kia đang dần được tháo gỡ thông qua hệ thống camera giám sát(5). So với hình thức phạt tại chỗ ngay ở thời điểm phát hiện hành vi vi phạm hành chính về TTATGT (phạt nóng(6)), việc xử phạt thông qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có điểm khác biệt cơ bản, đó là hành vi xử phạt không diễn ra đồng thời tại thời điểm phát hiện vi phạm (phạt nguội(7)). Việc áp dụng phương tiện kỹ thuật công nghệ tiên tiến, có độ phân giải cao, bao quát toàn cảnh, chức năng nhìn đêm... đã giúp camera giám sát trở thành phương tiện vai trò quan trọng trong xử phạt vi phạm về TTATGT.

Việc phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT thông qua hệ thống camera giám sát có những ưu điểm sau: Hệ thống này giúp lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động giao thông trên các tuyến đường, kịp thời phát hiện những tình huống giao thông khẩn cấp, như sạt lở đường sá, mưa bão, lũ lụt, các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, cháy nổ...; thu thập thông tin và kiểm soát phương tiện ra vào tuyến giao thông, phát hiện hành vi vi phạm quy định về TTATGT; phân tích, xác định được lưu lượng, chủng loại, thời gian, quy luật hoạt động của phương tiện trên tuyến giao thông. Trên cơ sở đó, giúp cho công tác chỉ huy, chỉ đạo của lực lượng CSGT diễn ra một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác, có thể kịp thời tổ chức, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phù hợp. Hệ thống giám sát với tính năng hiện đại, ghi nhận chính xác hành vi vi phạm, chụp ảnh và tự động nhận dạng được biển số của phương tiện, kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu đăng ký xe, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT có thể nhanh chóng tra cứu, xác minh thông tin chủ phương tiện và gửi thông báo vi phạm kèm mức xử phạt. Hình thức quản lý hoạt động giao thông này giúp giải phóng sức lao động, đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa quy trình xử lý vi phạm và hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ cho các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng CSGT. Hình ảnh phương tiện vi phạm ghi nhận qua hệ thống camera giám sát rõ nét, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bằng chứng pháp lý, nghiệp vụ..., bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chính xác, công bằng trong xử lý vi phạm, tránh bỏ lọt các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực TTATGT đường bộ qua phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vẫn còn một số bất cập, hạn chế:

Thứ nhất, cơ sở pháp lý về việc xác định vị trí và số lượng camera cần lắp đặt chưa rõ ràng. Nếu lắp đặt quá nhiều mắt điện tử, lắp đặt ở vị trí khó quan sát không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn có thể gây ra tâm lý không thoải mái đối với người dân, do đó làm giảm hiệu quả giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân thông qua hệ thống camera giám sát. Theo quy định tại khoản 1a, 1b, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý VPHC phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc “nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật” nhằm mục tiêu “phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời(8) vi phạm. Hiện nay, công tác xử lý VPHC bằng hình thức “phạt nguội” vẫn còn khá chậm trễ, từ vài tháng thậm chí đến hằng năm, chỉ đến khi chủ phương tiện đi đăng kiểm mới nhận được thông báo xử phạt. Cùng với đó, có tình trạng người dân không hiểu quy định pháp luật, vi phạm nhiều lần với cùng một lỗi nhưng không được thông báo, nhắc nhở và hướng dẫn kịp thời, dẫn tới số tiền phạt phải nộp lớn. Với trình tự và thời gian tiến hành xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua phương tiện giám sát hiện nay, một mặt chưa đáp ứng nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời theo quy định pháp luật, mặt khác làm giảm ý nghĩa giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Thứ hai, trong một số trường hợp như chủ phương tiện cho mượn xe, mua bán phương tiện giao thông không sang tên..., chủ phương tiện thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo và không đăng ký lại thông tin… gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện gửi thông báo xử phạt và bằng chứng vi phạm để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nộp phạt theo quy định của pháp luật. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động giám sát chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung tại các thành phố lớn, các nút giao thông trọng điểm ở khu vực đô thị, trên các tuyến quốc lộ hoặc đường cao tốc. Công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn tới đường truyền bị gián đoạn, ảnh hưởng tới hoạt động giám sát. Thực trạng này dẫn tới hệ quả, công tác xử lý vi phạm chưa bảo đảm nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật(9) đối với các chủ thể vi phạm…

Việc cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm do chủ phương tiện chưa nộp phạt nguội là chưa đúng quy định của pháp luật. “Phạt nguội và đăng kiểm là hai vấn đề khác nhau. Phạt nguội hành vi vi phạm luật giao thông là chức năng của cơ quan công an, còn chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam là kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp phép cho phương tiện được lưu hành”(10). Căn cứ khoản 1, Điều 3 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, ngày 9-11-2015, của Bộ Giao thông Vận tải, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, chứ không kiểm tra về việc chủ phương tiện đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt hay chưa. Trong trường hợp quá thời hạn chấp hành quyết định VPHC mà người vi phạm cố tình chây ì, không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Để nâng cao hiệu quả xử phạt VPHC về TTATGT qua hệ thống camera giám sát, cần chú ý một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng tách các quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, trong đó có hệ thống camera giám sát trong việc phát hiện VPHC thành một phần riêng. Trong đó, cần quy định rõ về nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi VPHC; về hình thức, quy trình xử phạt vi phạm hành chính; về căn cứ xác định số lượng, vị trí camera lắp đặt; về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong xử phạt VPHC; vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể cung cấp hoặc đăng tải hình ảnh, video... về tính xác thực của thông tin (dưới dạng hình ảnh, âm thanh) được trích xuất từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Song song đó, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý công nhận việc cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ được phép sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi VPHC trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp, đăng tải để làm bằng chứng ra quyết định xử phạt; đồng thời, có cơ chế bảo đảm an toàn, bí mật cho những người cung cấp thông tin về hành vi VPHC cũng như trách nhiệm của người cung cấp thông tin về tính xác thực của tài liệu cung cấp. Tăng cường chế tài xử phạt các hành vi VPHC trong lĩnh vực TTATGT đường bộ cùng các biện pháp cưỡng chế thi hành. Áp dụng mức phạt lũy tiến đối với người vi phạm tái phạm sau khi đã bị xử phạt. Quy định rõ mức phạt đối với người chậm nộp phạt.

Quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện giao thông. Tăng mức xử phạt đối với hành vi mua bán phương tiện giao thông nhưng chậm thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu. Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến việc sử dụng hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền nội dung quy định việc sử dụng hệ thống camera giám sát trong bảo đảm TTATGT, giúp nhân dân hiểu rõ quy định, đồng thời giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông một cách tự nguyện và đầy đủ. Ngoài ra, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị cho thuê phương tiện, các công ty dịch vụ vận tải nhằm quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê phương tiện, lưu trữ thông tin người thuê xe tự lái,… qua đó xác định chính xác người thực hiện hành vi vi phạm, người có trách nhiệm bồi thường hoặc khắc phục thiệt hại khi xảy ra các hành vi vi phạm.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho học sinh_Ảnh: TTXVN

Ba là, tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát, trang bị phương tiện nghiệp vụ hiện đại cho lực lượng CSGT. Thời gian qua, mặc dù hệ thống camera giám sát đã được quan tâm lắp đặt rộng rãi, tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn, số lượng camera giám sát vẫn còn hạn chế. Do đó, cần nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội phương án đầu tư, trang bị các thiết bị giám sát, nhất là camera thông minh tích hợp công nghệ tự động phát hiện, xử lý vi phạm, thiết bị cầm tay chuyên dụng được kiểm định chất lượng... Cân đối nguồn thu từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ với định mức chi cho đầu tư các thiết bị nghiệp vụ này. Ưu tiên lắp đặt hệ thống camera giám sát đối với các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường có hoạt động giao thông phức tạp. Nâng cao chất lượng toàn hệ thống giám sát nhằm xác định đúng hành vi vi phạm. Nghiên cứu xã hội hóa, xây dựng các dự án đầu tư, hợp tác công - tư (PPP) để khối tư nhân tham gia mở rộng và nâng cấp hệ thống phương tiện, thiết bị nghiệp vụ giám sát hoạt động giao thông, lắp đặt hệ thống bảng điện tử thông tin về diễn biến tình hình giao thông tại các giao lộ liền kề, các tuyến đường trọng điểm có mật độ phương tiện lưu thông lớn. Tích hợp gắn camera giám sát giao thông với giám sát an ninh để phát hiện tội phạm hoạt động trên đường. Ngoài ra, cần làm tốt công tác vận hành, bảo trì và bảo vệ hệ thống camera giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông.

Bốn là, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng hệ thống camera giám sát. Việc sử dụng hệ thống camera giám sát đòi hỏi các cán bộ CSGT phải có hiểu biết về đặc tính kỹ thuật, nguyên lý cấu tạo và tính năng, tác dụng của hệ thống. Do đó, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho lực lượng CSGT, bảo đảm trình độ, kỹ năng khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống giám sát. Cán bộ CSGT sau khi được tập huấn, bồi dưỡng sẽ là nhân tố quan trọng trong việc phối hợp thực hiện hiệu quả các mặt công tác bảo đảm TTATGT, trong đó có việc vận hành, quản lý và khai thác, sử dụng hệ thống giám sát bằng hình ảnh trên các tuyến giao thông đường bộ.

Năm là, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT, dữ liệu tai nạn giao thông, đăng ký xe. Theo đó, các dữ liệu này có thể liên kết với nhau, phục vụ hiệu quả hơn quá trình giám sát các hành vi và lịch sử tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Ngoài việc phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT, hệ thống giám sát cần được phát huy để lưu trữ các thông tin hình ảnh, diễn biến giao thông trên các tuyến đường, qua đó hỗ trợ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xác định truy tìm các đối tượng gây tai nạn… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế kết nối với cơ sở dữ liệu của ngành giao thông vận tải, như cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu về hệ thống giám sát hành trình... để phát huy tối đa hiệu quả khai thác hệ thống dữ liệu cũng như hệ thống giám sát bằng hình ảnh trên các tuyến đường bộ./. 

---------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 116
(2) Xem: Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25-5-2023, của Ban Bí thư, về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới", http://www.danvan.vn/Uploads/2023/6/15/23-1-%C4%91%C3%A3%20tr%C3%ADch%20xu%E1%BA%A5t%20(1).pdf
(3) Xem: Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19-4-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới”, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2023/4/10-ttg.signed.pdf
(4) Xem: Luật số 15/2012/QH13: Luật Xử lý vi phạm hành chính, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=163070
(5) Camera giám sát là một thiết bị nghe nhìn có thể chụp và ghi lại nhiều hình ảnh, thông tin âm thanh khác nhau trong khu vực theo thời gian thực. Căn cứ vào yêu cầu ứng dụng khác nhau, camera giám sát có thể được chia thành hai loại: cố định và di động
(6) Hình thức phạt này thường được gọi là “Phạt nóng”. Theo đó, người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính ngay tại chỗ
(7) Hình thức này thường được gọi là “Phạt nguội”. Theo đó, thông qua hệ thống camera giám sát, máy bắn tốc độ kèm hình ảnh..., hình ảnh về hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông được ghi lại và truyền về trung tâm xử lý. Sau đó, trung tâm sẽ in ảnh, trích xuất thông tin chủ phương tiện vi phạm rồi gửi thông báo phạt kèm bằng chứng tới địa chỉ của chủ phương tiện đó. Bên cạnh những hình ảnh thu được từ hệ thống camera do nhà nước lắp đặt, CSGT cũng áp dụng xử phạt căn cứ vào những thông tin vi phạm về giao thông do người dân quay phim, chụp ảnh và cung cấp cho cảnh sát hoặc đăng tải lên các trang mạng xã hội
(8) Xem: Luật số 15/2012/QH13: Luật Xử lý vi phạm hành chính, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=163070
(9) Điều 16 Hiến pháp năm 2013
(10) Lê Trung Hiếu: Hoàn thiện các quy định pháp luật về phạt nguội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23 (351)-2017