TCCS - Những năm vừa qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã dồn sức thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh khi đất nông nghiệp bị thu hẹp để làm khu công nghiệp tập trung ở tỉnh Đồng Tháp, đời sống của một bộ phận nhân dân bị thu hồi đất gặp nhiều khó khăn... đang trở thành những vấn đề nan giải, rất cần sự chỉ đạo, giải quyết kịp thời của các ngành, các cấp, các địa phương...

Từ chủ trương... đến những vấn đề đặt ra trong thực hiện

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, qua 6 năm thực hiện (từ năm 2003 đến năm 2008), trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện 107 dự án án khu công nghiệp, với diện tích đất bị thu hồi là 10.000 ha; hiện trạng đất ở đô thị năm 2005 là 1.392 ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2010 là 2.111 ha (tăng 51,6%). Để làm tốt điều đó, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương về phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đưa chỉ số cạnh tranh của Đồng Tháp lên hàng thứ 5 cả nước về môi trường đầu tư. Nổi bật nhất là, năm 2008, tăng trưởng kinh tế tỉnh Đồng Tháp tăng 16,56%, cao nhất trong vòng 10 năm, trong đó, nông nghiệp tăng 6,81%, công nghiệp - xây dựng tăng 38,28%, dịch vụ tăng 19,14%, kim ngạch xuất khẩu đạt 489 triệu USD.

Tuy vậy, sau 5 năm phát triển khu công nghiệp và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bên cạnh thành tích đã đạt được, Đồng Tháp đang phải tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra liên quan đến người dân được thu hồi đất như: giá đền bù trước khi có Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND thấp hơn nhiều so với giá thị trường, gây thiệt hại cho người dân; chính sách hỗ trợ tái định cư, điều kiện nơi ở mới chưa bảo đảm ổn định đời sống; chính sách chuyển đổi nghề nghiệp còn mang tính hình thức, chưa cụ thể với từng đối tượng, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của một bộ phận dân cư nhất là người lớn tuổi, học vấn thấp, v.v... làm cho cuộc sống của người dân vùng giải tỏa gặp nhiều khó khăn cả trước mắt cũng như lâu dài. Công tác quy hoạch xây dựng các công trình chưa tính hết khối lượng giải phóng mặt bằng trong thực tế, làm xáo trộn đời sống của rất nhiều hộ dân.

Tình trạng “quy hoạch treo”, quy hoạch có sử dụng đất chậm thực hiện đã gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và đời sống người dân. Theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đến ngày 3-11-2008, có 34 quy hoạch treo, với diện tích 17 ha và 71 quy hoạch có sử dụng đất chậm thực hiện với diện tích 769 ha*. Do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế tài chính, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 41%, riêng Khu công nghiệp Trần Quốc Toản (thành phố Cao Lãnh) diện tích 58 ha đến nay chưa có nhà đầu tư thuê.

Đời sống của người dân trước khi thu hồi đất, đa số có cuộc sống ổn định, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Kết quả điều tra 165 hộ tại xã Bình Thành (huyện Thanh Bình), xã An Bình (Thành phố Cao Lãnh), phường An Hòa (thị xã Sa Đéc) cho thấy: có 25 hộ khá giả, 83 hộ trung bình và 57 hộ cận nghèo. Nghề nghiệp chủ yếu là làm vườn, làm ruộng, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ - công nghiệp, một số ít buôn bán và sản xuất công nghiệp. Bình quân thu nhập hộ khá giả khoảng 300 triệu đồng/năm, thấp nhất là 12 triệu đồng/năm. Mặc dù thu nhập không cao nhưng có việc làm ổn định, nhất là những người lớn tuổi, hàng bao đời nay gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng để mưu sinh.

Khảo sát đời sống của 457 hộ phải di dời do thu hồi đất cho thấy, phần lớn số hộ có mức sống như cũ (chiếm tỷ lệ 55,75%) nhưng có đến 29,69% số hộ nghèo hơn so với trước khi thu hồi đất. Đó là, những hộ bản thân họ trước khi giải tỏa đã nghèo, có cuộc sống tạm bợ, làm thuê, làm mướn. Đa số những hộ có diện tích đất thu hồi ít (thường dưới 1 ha) lại bị giải tỏa trắng, nên vừa phải lo nơi ở mới, vừa lo mua đất sản xuất, nên hộ nào giỏi tính toán thì mức sống cũng chỉ bằng với mức sống trước đây. Số hộ bị giải tỏa trắng vào ở trong các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn hơn do chưa thích nghi với nếp sống mới và thay đổi nghề nghiệp, việc làm, các hộ này rất dễ có nguy cơ rơi xuống nghèo và cận nghèo.

Về nghề nghiệp và việc làm của người dân sau khi thu hồi đất, phần lớn bị xáo trộn. Có 34,5% số hộ tiếp tục làm nông nghiệp tại chỗ, 35,84% số lao động có việc làm ổn định, 20% số hộ sau khi giải tỏa đã chuyển sang nơi khác làm ăn; có 43,63% số hộ đi làm thuê, làm mướn. Đáng lưu ý là có tới 29,69% số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp sau giải tỏa.

Nguyên nhân làm cho đời sống của người dân có đất thuộc diện thu hồi gặp khó khăn hơn, chủ yếu là do chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, chiếm tỷ lệ 47,87% (đa phần họ bị giải tỏa trước khi có Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND nên giá bồi thường và tái định cư thấp, khó chuyển đổi nghề nghiệp); con đông: 20,09%; trình độ thấp: 38,18%; thiếu lao động: 17,57%; không biết cách làm ăn: 16,36%; mắc các tệ nạn xã hội và các lý do khác: 11,51%.

Dự báo đời sống của người dân thuộc diện thu hồi đất trong những năm sắp tới: số hộ khá giàu cuộc sống sẽ phát triển tốt hơn 16,1%, (đây là những hộ có đất thu hồi nhiều, nhận tiền đền bù với số tiền lớn); số hộ có mức sống trung bình và giữ mức như cũ chiếm số đông 52,38% (gồm những hộ dùng số tiền đền bù tu bổ lại nhà khang trang hơn, số còn lại thì mua phương tiện để tái sản xuất, nên chỉ bảo đảm đủ cuộc sống); và số hộ sẽ nghèo hơn chiếm tỷ lệ 29,52%, (là những hộ do đất ít hoặc chỉ có chỗ ở, nhận được tiền đền bù không nhiều, không có đủ để mua phương tiện sản xuất, sống bằng nghề làm thuê, thu nhập không cao).

Và những chính sách, giải pháp tháo gỡ những “rào cản”...

Những kết quả của phát triển khu đô thị, khu công nghiệp tập trung ở Đồng Tháp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng,... Nhưng mặt trái của nó, chính là đời sống của một bộ phận người dân có đất bị thu hồi còn gặp nhiều khó khăn, từ đó làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tác động không nhỏ đến ổn định trật tự xã hội ở địa phương.

Trước thực trạng những khó khăn về đời sống của một bộ phận người dân có đất bị thu hồi, Tỉnh ủy Đồng Tháp vận dụng các chính sách bồi thường mới được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt, về cơ bản đã đáp ứng đúng mức thiệt hại của người dân bị thu hồi đất.

Để cho dân hiểu, tỉnh đã công khai hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khu đô thị, khu công nghiệp tập trung; linh hoạt vận dụng, điều chỉnh bảng giá đất, nhà ở, cây trồng trên đất, trên cơ sở giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường và chi phí thực tế xây dựng công trình, được người dân chấp thuận. Triển khai thực hiện đồng bộ nhiều phương án đền bù (931 phương án), với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là 1.949 tỉ đồng. Đời sống của người dân sau khi thu hồi đất ổn định, có 65,4% số người dân cho rằng nơi ở mới tốt hơn trước nhờ được hưởng lợi từ các dự án, được bố trí nơi ở mới có điều kiện tốt hơn về khả năng sinh lợi và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Tổ chức phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp tập trung giải quyết những khó khăn về đời sống của người dân bị thu hồi đất. Tỉnh ủy trực tiếp gặp gỡ nhân dân giải quyết những vụ việc lớn, có liên quan đến chủ trương chính sách của Tỉnh. Giao cho ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu chuyên đề “Đời sống người dân sau khi thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”; thành lập Tổ nghiên cứu và Tổ điều tra xã hội học và đi nghiên cứu thực tế cách làm của tỉnh Long An và các địa phương trong tỉnh. Qua nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo chuyên đề về những vấn đề bức xúc đang đặt ra về công bằng, dân chủ trong quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bố trí tái định cư; từ đó đề xuất những chủ trương, giải pháp góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống của người dân và đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Thường xuyên chú trọng giải quyết ổn định đời sống của người dân sau thu hồi đất, nhằm thay đổi tư duy, lối sống, nếp sinh hoạt của người dân Nam Bộ, từ bao đời nay gắn bó với miệt vườn, hàng kinh cùng dòng tộc, nay chuyển sang phố thị không phải là điều dễ dàng, nếu không thực hiện tốt chính sách bố trí tái định cư, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp cùng lo giải quyết cuộc sống của người dân, nhằm tạo điều kiện cho người dân có nhà, đất thuộc diện thu hồi sớm ổn định cuộc sống, đã có 48,5% số hộ sử dụng tiền bồi hoàn để cất nhà, nhiều người đã xây dựng được nhà ở kiên cố, bán kiên cố, không còn tình trạng nhà ở tạm bợ.

Chỉ có 23,8% số hộ thuộc diện được bố trí tái định cư nhưng không nhận nền hoặc nhận xong bán lại cho người khác, tự tìm chỗ ở mới. Điều kiện sinh hoạt của người dân ở các khu tái định cư tốt hơn trước rất nhiều, hầu hết các hộ đều có nhà vệ sinh, có đồng hồ điện và đồng hồ nước riêng. Tình trạng vệ sinh môi trường được bảo đảm, hệ thống đường giao thông trong khu vực và việc tiếp cận các dịch vụ đô thị, xã hội thuận lợi hơn, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Trước những khó khăn về đời sống người dân sau khi thu hồi đất, tỉnh đã thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm giải quyết việc làm và đời sống cho người dân như: tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, yêu cầu các khu công nghiệp tập trung phải ưu tiên tuyển dụng lao động bị thu hồi đất, hỗ trợ cho vay vốn xuất khẩu lao động,... Có 27,97% số người được học nghề, có 26,66% số lao động thuộc diện thu hồi đất được nhận vào làm trong các khu, cụm công nghiệp; số hộ có con đi xuất khẩu lao động mới có 2,42%. Do thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, kết hợp các nguồn lực (Nhà nước - doanh nghiệp - người dân), đã làm cho đời sống của 67,2% số người dân có thu thu nhập tăng lên, nhà cửa khang trang, nghề nghiệp, việc làm ổn định, con cái học hành đàng hoàng, tiện nghi sinh hoạt gia đình đầy đủ.

Tập trung tuyên truyền, vận động giải quyết những khiếu nại, kiến nghị của nhân dân. Cũng như các địa phương khác, khi tiến hành thu hồi đất phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, ở Đồng Tháp tình trạng khiếu kiện có liên quan đến giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư của người dân trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra phức tạp, hầu hết các dự án đều có phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến đời sống người dân và đang tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn.

Trong giai đoạn 2003 - 2009, toàn tỉnh đã nhận được hơn 18.000 đơn khiếu nại có liên quan đến giải tỏa, bồi thường và bố trí tái định cư. Cả hệ thống chính trị đã tập trung giải quyết, toàn tỉnh đã xây dựng được 960 tổ hòa giải, giải quyết những tranh chấp khiếu kiện của công dân xung quanh những mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình thu hồi đất. Thành lập các tổ công tác liên ngành, các tổ kiểm tra, rà soát đơn thư khiếu nại tồn đọng, kiểm tra việc thi hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tổ chức đối thoại xem xét những vụ khiếu kiện đông người, gay gắt, phức tạp, giải quyết có tình, có lý để chấm dứt khiếu kiện, nhất là những vụ khiếu kiện có liên quan giải tỏa, bồi thường hỗ trợ và bố trí tái định cư. Đến nay, đã giải quyết xong 17.438 đơn, về cơ bản đã ổn định, góp phần sớm đưa các dự án vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh./.

* Số liệu trong bài viết này, chủ yếu dựa trên Báo cáo số 326-BC/BDVTU, ngày 13-4-2009, của Ban Dân vận tỉnh ủy Đồng Tháp