Tiềm năng, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung hiện nay
TCCS - Vùng biển miền Trung bao gồm vùng biển của 14 tỉnh, thành phố trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% tổng số tỉnh, thành phố có biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố); là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế biển. Để khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của biển, làm giàu từ biển, cần các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế biển miền Trung bền vững.
Tiềm năng, cơ hội phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung
Tiềm năng
Vùng biển miền Trung chiếm phần lớn diện tích vùng biển ven bờ tây và phần trung tâm Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là một trong những vùng biển giàu san hô nhất trong Biển Đông - một nhân tố đóng vai trò quyết định đối với đa dạng sinh học và phát triển nghề cá, là nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh và bền vững. Biển miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển ngành kinh tế đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Do địa hình thềm lục địa có độ dốc lớn và sâu, các dòng chảy biển khơi “bị ép” vào gần bờ nên có nhiều loài cá nổi lớn vào theo, như cá ngừ sọc dừa, ngừ chấm bò, ngừ chấm, ngừ vằn, cá cờ, nhám, nục đỏ đuôi,... mà trong môi trường sinh thái biển ven bờ không thể có(1).
Biển miền Trung có địa hình đa dạng, nhiều bãi biển đẹp với rất nhiều đảo, vũng, vịnh, đầm phá hoang sơ, tạo nên lợi thế lớn về phát triển du lịch biển, đảo. Các điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam, như vịnh Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), bãi biển Non Nước (thành phố Đà Nẵng), đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), biển Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận), bãi biển Mũi Né (tỉnh Bình Thuận)(2)… hằng năm thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc trưng của vùng ven biển miền Trung là dải đồng bằng cát ven biển trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận(3). Thêm vào đó là các dãy cồn cát trắng trên nền đồng bằng cát ven biển, tạo nên một cảnh quan vô cùng độc đáo. Cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các tỉnh ven biển miền Trung còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, lễ hội dân gian, các giá trị văn hóa biển được ghi dấu, lưu giữ trong các tư liệu sinh hoạt và lễ hội độc đáo liên quan đến biển của ngư dân, được thể hiện đậm nét trong đời sống vật chất, tinh thần và sinh hoạt văn hóa. Điều này làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch vùng biển miền Trung.
Vùng biển miền Trung có tiềm năng lớn về khai thác, chế biến dầu, khí, chiếm 4/7 bồn trũng có tiềm năng dầu khí ở Việt Nam(4). Khu vực này hiện đang có những công trình dầu khí lớn nhất cả nước, như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tại khu vực mỏ khí Cá Voi Xanh, các mỏ khí đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác nhằm cung cấp, bảo đảm sản lượng khí cho Trung tâm Điện lực miền Trung (Khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất), bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đây là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam; bổ sung nguồn năng lượng cho miền Nam sau này, tạo đà cho phát triển công nghiệp hóa dầu Việt Nam.
Với vị trí địa lý quan trọng, là cửa mở thông thương ra biển, có nhiều vịnh, vũng sâu, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng biển nước sâu, các cảng trung chuyển quy mô lớn, như ở Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế), Vịnh Hàn (thành phố Đà Nẵng), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Vân Phong, vịnh Nha Trang, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)..., việc được phê duyệt xây dựng hàng loạt cảng nước sâu những năm gần đây đã chứng minh vị thế chiến lược của biển miền Trung trong phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Các đảo ở miền Trung hiện nay chiếm 9% trong tổng số 2.773 hòn đảo của cả nước, với diện tích khoảng 10,8% tổng diện tích các đảo ven bờ Việt Nam. Về mặt hành chính, miền Trung có 5 huyện đảo, ngoài 2 huyện đảo xa bờ (Hoàng Sa và Trường Sa), còn có 3 huyện đảo ven bờ: huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận(5). Các đảo thuộc vùng biển miền Trung phần lớn là các đảo nhỏ, nhưng do vị trí không gian và cách sắp xếp rất đặc biệt, các cụm đảo - biển ven bờ kết thành tấm bình phong án ngữ mặt tiền phía đông của đất nước. Mỗi hòn đảo không chỉ là một tiền đồn vững chắc, một “cột mốc chủ quyền” trong bảo vệ an ninh, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn tạo ra một lợi thế phát triển quan trọng cho các tỉnh miền Trung từ góc nhìn về tính liên kết vùng, miền(6).
Các đảo ven bờ là nơi có rất nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn, cùng với hệ sinh thái trên đảo - nơi có nhiều giá trị danh thắng, văn hóa - khảo cổ biển, tạo nên các giá trị bảo tồn thiên nhiên - văn hóa đầy tiềm năng(7). Vùng biển miền Trung có tới 10/16 khu bảo tồn biển của cả nước, ven biển còn có các khu di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, các vịnh đẹp và khu dự trữ sinh quyển toàn cầu, là cơ sở cho sự phát triển bền vững kinh tế biển. Đặc biệt, khu vực này có Đảo Chim nổi tiếng, nhiều hải âu đen trú ngụ, là điểm hấp dẫn đối với khách du lịch(8).
Với những tiềm năng nêu trên, vùng biển miền Trung đang có lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển bền vững, tạo tiền đề cho sự bứt phá về kinh tế - xã hội toàn vùng. Phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thách thức, thay đổi tư duy và tầm nhìn, đổi mới co# chế, chính sách và cách thức tiếp cận, vùng ven biển miền Trung được kỳ vọng sẽ có một diện mạo mới trong tương lai.
Cơ hội
Cùng với các tiềm năng, lợi thế của biển mang lại, các tỉnh, thành phố miền Trung cũng đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển trong thời gian tới:
Một là, Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách định hướng đầu tư phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển, đảo và phòng, chống thiên tai. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các chủ trương của Đảng đã và đang từng bước được thể chế hóa, đi vào thực tiễn, điển hình như: Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8-3-2019, của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản”; Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22-9-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Chỉ thị số 29/CT-TTg, ngày 1-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam”… Đặc biệt, ngày 26-7-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 892/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”. Theo đó, tại khu vực miền Trung sẽ có 3 cụm liên kết ngành kinh tế biển thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn cho sự phát triển bền vững kinh tế biển, nhiều hội thảo, diễn đàn khoa học được tổ chức bàn về phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, công tác quy hoạch, các chương trình, dự án đầu tư, thủ tục nhập cảnh của các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài... Gần đây, ngày 12-9-2022, Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Hà Nội, đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt có tính vùng, liên vùng về phát triển kinh tế biển, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đây là những gợi mở, định hướng cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế biển cho các địa phương trong vùng hiện nay…
Hai là, quy mô kinh tế biển, đảo ở miền Trung đang có sự thay đổi, việc phát triển các khu kinh tế ven biển đã tạo ra các “cực phát triển” mới. Miền Trung hiện sở hữu 11/17 khu kinh tế ven biển của cả nước, đóng vai trò là cầu nối quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên trong hội nhập, thông qua việc kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây(9). Các khu kinh tế ven biển đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, cải thiện đời sống của người dân, tạo ra thế và lực mới cho khu vực và cả nước.
Ba là, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Chính phủ phê duyệt ngày 22-9-2021, các tỉnh miền Trung có 9/15 cảng biển loại I. Cảng biển là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững(10). Cùng với đó, Chính phủ đề ra nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại cảng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của tỉnh này. Đây là lợi thế to lớn cho sự phát triển bền vững kinh tế biển khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bốn là, kinh tế các đảo đang phát triển theo hướng bền vững. Các đảo đang thu hút đông đảo khách du lịch, như Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), tạo thế cạnh tranh trong phát triển du lịch biển, đảo. Với lợi thế về vị trí địa lý, có vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn, các đảo miền Trung được mệnh danh là “thiên đường du lịch biển, đảo của Việt Nam”.
Kết cấu hạ tầng các đảo được đầu tư xây dựng, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt; thuận lợi cho việc mở rộng không gian kinh tế biển. Mô hình chuỗi đô thị đảo bắt đầu hình thành, từng bước kết nối với chuỗi đô thị ven biển. Quản lý các đảo hoang sơ được thực hiện theo hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo vệ.
Những thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi lớn, thì việc phát triển kinh tế biển miền Trung cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức:
Một là, một số cấp ủy, chính quyền, các cơ quan có liên quan nhận thức chưa đầy đủ về phát triển bền vững kinh tế biển; thiếu tầm nhìn chiến lược trong các kế hoạch phát triển kinh tế; tính liên kết vùng còn rời rạc, tồn tại hiện tượng mỗi địa phương một kiểu(11). Việc xây dựng và triển khai những quy định về quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, đảo vẫn còn lúng túng, thiếu đồng bộ(12).
Hai là, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để liên kết các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay... Nguồn nhân lực cho kinh tế biển, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo còn hạn chế.
Ba là, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến các lĩnh vực kinh tế biển. Tình hình an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông còn nhiều thách thức lớn.
Bốn là, quy mô kinh tế biển miền Trung còn nhỏ bé, chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam(13). Khai thác tài nguyên biển hiện vẫn chú trọng đến sản lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên. Khai thác ở dạng vật chất là chủ yếu, các giá trị phi vật chất ít được chú trọng, đặc biệt là khai thác giá trị không gian biển, đảo, giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái và các giá trị văn hóa biển…
Năm là, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu. Các hệ sinh thái biển, ven biển và đảo - “nguồn vốn tự nhiên” cho tăng trưởng xanh, bền vững ở biển miền Trung nhiều nơi đang bị xâm phạm, một số hệ sinh thái biển trong tình trạng rủi ro cao.
Sáu là, do đường bờ biển miền Trung có hình uốn cong về phía biển, nên là nơi thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão lụt. Hằng năm, số lượng cơn bão đổ bộ vào miền Trung ngày càng nhiều, kéo theo mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và nước biển dâng, quy mô và hậu quả gây ra ngày càng lớn, tác động nghiêm trọng đến vùng ven biển và các đảo. Việc kết hợp mục tiêu phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu trong các quy hoạch phát triển kinh tế biển chưa theo kịp diễn biến phức tạp của thời tiết nên hậu quả để lại rất nặng nề.
Giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về sự cần thiết phải phát triển bền vững kinh tế biển; nắm rõ những tiêu chí, phương pháp, cách thức tiếp cận biển theo hướng bền vững của Việt Nam và theo chuẩn quốc tế. Mỗi tổ chức và cá nhân phải nhận thức được sự cần thiết giảm thiểu các hành vi gây hại đối với môi trường và tài nguyên biển, cũng như cách ứng xử, đối phó với thiên tai, kiểm soát nguồn thải, làm sạch bãi biển.
Hai là, thành lập, hoàn thiện, quản lý, vận hành tốt các khu bảo tồn biển, ven biển và hải đảo, để bảo toàn chức năng sinh thái của vùng biển - “nguồn vốn tự nhiên” cho phát triển bền vững. Các khu bảo tồn biển phần lớn là các bãi giống, bãi đẻ và là nơi cư trú của các loài có giá trị kinh tế cao, cả những loại đặc hữu và nguy cấp. Việc duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái và các loài sinh vật biển chính là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên”, tạo ra sự phát triển ổn định của kinh tế biển. Làm tốt công tác bảo tồn thiên nhiên biển là một giải pháp quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển trong tương lai.
Ba là, không ngừng hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển; hoàn chỉnh hành lang pháp lý, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp, thống nhất về biển. Nắm bắt thời cơ, thay đổi tư duy, tầm nhìn chiến lược trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, bảo đảm tính liên kết giữa các ngành kinh tế biển, các địa phương trong vùng theo chủ trương chung của Chính phủ.
Bốn là, tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, như: Phát triển du lịch biển theo hướng du lịch sinh thái; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; phát triển năng lượng tái tạo,… làm cho miền Trung thực sự trở thành một trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Gắn phát triển kinh tế biển với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái biển trong mọi hoạt động. Xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá mức độ gây ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế để xử lý kịp thời; quản lý tốt nguồn rác thải ra biển, nhất là rác thải nhựa.
Năm là, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, như: Ứng dụng thiết bị bay không người lái vào hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu; xây dựng bản đồ 3D trực quan, chi tiết khu vực bị ảnh hưởng hoặc các khu vực rủi ro cao về lũ quét, sạt lở đất; nghiên cứu, dự báo mưa lớn bằng mô hình số; xây dựng bản đồ WebGis (giải pháp cho phép quản lý, phân tích, cập nhật, phân phối thông tin bản đồ trên mạng internet) sạt lở bờ sông, bờ biển; các ứng dụng cảnh báo sớm động đất, sóng thần (14)… cho tàu thuyền và nhân dân sinh sống, làm việc trên các vùng biển, hải đảo và ven biển.
Sáu là, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Chú trọng các dự án kinh tế lớn nhưng không làm ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh trên biển, không gây ảnh hưởng đến môi trường, nhất là ở những địa bàn có vị trí chiến lược./.
----------------------------
(1), (3), (5), (6), (7), (8), (12) Nguyễn Chu Hồi: Các lợi thế chiến lược cho kinh tế biển miền Trung phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển - từ chiến lược chính sách đến thực tiễn Việt Nam hiện nay”, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 19, 20, 23, 24, 26
(2) Bích Nguyên: “Tạo đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung”, Báo Biên phòng điện tử, https://www.bienphong.com.vn, ngày 12-6-2021
(4) Lê Thị Hòa: “Vị trí địa lý các tỉnh, thành miền Trung - nhìn từ góc độ kinh tế biển”, Tạp chí Khoa học, số 20, Trường Đại học Phú Yên, tr. 61
(9) Việt Hương: “Khu kinh tế miền Trung: Định hướng quy hoạch và bài toán liên kết”, Báo Đầu tư Online, https://baodautu.vn, ngày 26-8-2020
(10) Quyết định số 1579/QĐ, ngày 22-9-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
(11), (13) Ngô Anh Văn: “Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”, https://baochinhphu.vn
(14) Thế Văn: “Nâng cao năng lực dự báo thiên tai”, http://www.hanoimoi.com.vn
Phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay  (23/11/2022)
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận hiện nay  (11/11/2022)
Phát triển bền vững kinh tế biển ở tỉnh Quảng Bình: Kết quả và giải pháp trong thời gian tới  (30/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên