Truyền thông chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
TCCS - Những năm qua, công tác truyền thông chính sách ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, công tác truyền thông chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên còn bộc lộ không ít hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, cần được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tập trung nhận diện, khắc phục.
1- Đảng và Nhà nước ta xác định chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá quan trọng để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, khái niệm chuyển đổi số lần đầu tiên được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược. Trên thực tế, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số được thể hiện qua những lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó trọng tâm là trợ giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhanh nhất tới các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ công. Hiện nay, trên 50% các ban, bộ, ngành, địa phương đã triển khai và xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phục vụ chuyển đổi số.
Dưới tác động của chuyển đổi số, truyền thông chính sách ở khu vực miền Trung - Tây nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới tại các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương đạt được những kết quả quan trọng; các kỹ thuật và công nghệ mới được sử dụng để tăng hiệu quả truyền thông.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc là nhất quán, theo nguyên tắc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Riêng đối với khu vực Tây Nguyên, bên cạnh việc phát triển các thế mạnh của vùng, cần “phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên”(1).
Những năm gần đây, công tác báo chí, truyền thông ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày càng phát triển, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ nhân dân. Các cơ quan báo chí đã phản ánh tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả về những chủ trương, chính sách quan trọng phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có những chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số. Với hơn 60 cơ quan báo chí in, 19 đài phát thanh - truyền hình địa phương, 3 đài truyền hình khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam, 8 báo - tạp chí điện tử, 25 trang thông tin điện tử của các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động đã hình thành một mạng lưới truyền thông rộng khắp từ tỉnh, thành phố đến phường, xã, buôn, làng. Đây là lực lượng nòng cốt, chủ đạo thực hiện công tác truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên.
Báo chí và truyền thông trong khu vực dành thời lượng tương xứng để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới chính quyền địa phương. Công tác báo chí và truyền thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã nghiêm túc chấp hành các định hướng tuyên truyền của các cơ quan quản lý và các cơ quan chủ quản, từng bước, kịp thời thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng số, truyền thông chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nhiều thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức. Việc tiếp cận các phương tiện truyền thông mới đã tăng lên đáng kể đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Theo Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019”, có tới 92,5% hộ gia đình dân tộc thiểu số có sử dụng điện thoại năm 2019 (cố định hoặc/và di động), tăng 17% so với năm 2015. Xét theo vùng kinh tế - xã hội, vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng điện thoại thấp nhất là 84,6% và đang tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây. Cũng theo báo cáo này, so với các vùng kinh tế - xã hội khác, Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng internet thấp nhất là 46,1%, tiếp theo Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 50%. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển quốc gia số, chính phủ số và ứng dụng công nghệ số rộng rãi thì việc truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các phương tiện truyền thông mới, dựa trên nền tảng số để người dân được tiếp cập dễ dàng, được hưởng lợi từ các sản phẩm số như các chính sách về hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa; kết nối, phát triển thương mại, văn hóa, du lịch… là hết sức quan trọng. Việc tiếp nhận các chủ trương, chính sách qua nền tảng số và các phương tiện truyền thông mới sẽ là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây nguyên tiếp cận những tiến bộ xã hội một cách nhanh nhất, từng bước thu hẹp khoảng cách so với các vùng kinh tế khác của đất nước.
2- Trong những năm qua, hoạt động truyền thông chính sách ở miền Trung - Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo những chuyển biến rõ nét về nhận thức, đổi mới tư duy và khơi dậy ý chí vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ gìn bản sắc dân tộc của từng vùng, từng địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần khắc phục:
Thứ nhất, tuy số lượng cơ quan báo chí, truyền thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên lớn, các tuyến bài được xây dựng có hệ thống, được sự chỉ đạo, quản lý thường xuyên từ Trung ương đến địa phương, nhưng hiệu quả chưa cao. Số lượng tác phẩm tuy nhiều nhưng vẫn còn các hạn chế, như chưa đa dạng các bài viết tuyên truyền về những tấm gương là người dân tộc thiểu số sáng tạo, năng động, vươn lên làm giàu, mà còn nặng những bài viết các mặt tiêu cực, thiên về phản ánh các hủ tục, hình ảnh nghèo đòi, lạc hậu, thiếu hiểu biết pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông xã hội từng bước thâm nhập vào đời sống người dân khu vực này đã phản ánh thiếu chính xác một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bị các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Thứ hai, các tuyến bài về vùng dân tộc thiểu số tuy đã tăng về số lượng, nhưng còn khô cứng, nặng về tuyên truyền chính sách một chiều, nội dung, hình thức chưa thực sự phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số; chưa sử dụng các kỹ thuật và công cụ truyền thông mới để tiếp cận ở diện rộng hơn tới đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực. Nhà báo người dân tộc còn ít, nguồn tin khan hiếm do địa bàn xa xôi và đi lại khó khăn. Mặc dù Trung ương và các địa phương đã có sự quan tâm và đầu tư cho công tác truyền thông chính sách khu vực này, nhưng nhìn chung hiệu quả truyền thông còn hạn chế.
Thứ ba, các hình thức truyền thông trực tiếp chưa phát huy được hết thế mạnh, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhà văn hóa ít thu hút được người dân tham gia; việc tuyên truyền miệng, tuyên truyền nhóm và sử dụng hệ thống tuyên truyền viên ở cơ sở còn chưa hiệu quả; hình thức truyền thông biểu diễn hay sân khấu hóa còn ít…
3- Trong thời gian tới, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, công tác truyền thông phải đi trước một bước, cần xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các thiết chế truyền thông, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở… để tuyên truyền, giải thích và định hướng cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực này hiểu rõ, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, các cơ quan truyền thông, báo chí trong khu vực cần quan tâm hơn nữa tới truyền thông chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp và phát huy thế mạnh của các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương có cơ quan đại diện trong khu vực và cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, cùng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở để đẩy mạnh truyền thông chính sách tới đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, cơ quan truyền thông, báo chí ở khu vực cần nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác dân tộc đối với các phóng viên, biên tập viên. Coi trọng việc tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông phù hợp với đặc thù từng đối tượng truyền thông, từng dân tộc trong khu vực.
Bốn là, nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục, thông tin dành cho vùng dân tộc thiểu số trong khu vực theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo, thiết thực với đồng bào. Tiếp tục mở rộng mạng lưới internet trong khu vực để đồng bào tiếp cận với các kênh truyền thông, như báo điện tử, cổng thông tin của chính quyền địa phương. Xây dựng các sản phẩm báo chí truyền thông đa nền tảng, báo chí liên kết, khai thác trên nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội… để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, theo nguyên tắc “công chúng ở đâu, truyền thông ở đó”.
Các cơ quan báo chí, truyền thông trong khu vực cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ để chia sẻ thông tin, xây dựng các tuyến bài phù hợp với sự phát triển chung của các phương tiện truyền thông mới. Cần có cơ chế phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trong khu vực để có các tuyến bài phù hợp với đồng bào trong từng địa phương.
Năm là, xây dựng mạng lưới cộng tác viên báo chí, truyền thông ở các tỉnh, thành phố trong khu vực, ưu tiên cộng tác viên là đồng bào dân tộc thiểu số để tập huấn và hướng dẫn các kỹ năng tác nghiệp báo chí cơ bản. Xây dựng đội ngũ chuyên trách hướng dẫn các cộng tác viên là đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó thu thập các ý kiến góp ý, đánh giá để các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng được các tuyến bài phong phú, phù hợp và thu hút được công chúng là người dân tộc thiểu số trong khu vực tiêp cận nhiều hơn các kênh báo chí chính thống.
Sáu là, sử dụng những người có kinh nghiệm như già làng, trưởng bản, đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở hiểu biết về văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân để cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí nhằm thay đổi nội dung, hình thức truyền thông chính sách phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Phát huy hiệu quả của các hình thức truyền thông trực tiếp, nhất là các nhà văn hóa trong khu vực để thiết chế văn hóa này thực sự trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, trao đổi thông tin, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân địa phương…
Bảy là, khuyến khích các cơ quan, tổ chức xã hội thực hiện công tác truyền thông chính sách tại khu vực, kể cả các doanh nghiệp hay các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, cần giám sát để bảo đảm những thông tin hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực là thông tin chính thống, có giá trị nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý các đối tượng lợi dụng việc “truyền thông chính sách” để tuyên truyền, kích động đồng bào chống phá Đảng và Nhà nước.
Các cơ quan báo chí, truyền thông trong khu vực cần sớm chuyển đổi mô hình tổ chức tòa soạn, chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế chuyển đổi số, tận dụng được thế mạnh của kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên./.
--------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 255
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị  (17/07/2022)
Vai trò của báo chí đối với truyền thông chính sách tự chủ đại học  (05/07/2022)
Giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi ở Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới  (21/06/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên