Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với Nga và đối sách của Chính phủ
TCCSĐT - Chính phủ Nga đã đề ra những hướng ưu tiên trong gói biện pháp chống khủng hoảng nhằm phân bổ ngân sách sao cho đạt hiệu quả nhất. Nội dung chương trình chống khủng hoảng được đưa ra lấy ý kiến xã hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Nga diễn ra một chương trình mang tính quy mô của chính quyền hành pháp và được đưa ra thảo luận rộng rãi như vậy.
Trong 8 năm từ năm 2000 đến năm 2008, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Pu-tin đã đạt được những kết quả ngoạn mục: liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; GDP tăng khoảng 70%, công nghiệp tăng khoảng 75%, và đầu tư tăng khoảng 125%. Kết quả đó góp phần đưa nước Nga trở thành một trong mười nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Không chỉ có kinh tế, nước Nga còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng về nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiết bị quân sự, năng lượng hạt nhân và nhiều lĩnh vực khác.
Sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ
Nước Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là dầu mỏ, khí tự nhiên, kim loại quý, than đá và gỗ. Trữ lượng tài nguyên đã thăm dò chiếm 21% trữ lượng của thế giới với tổng giá trị 30.000 tỉ USD, gấp ba lần so với Mỹ. Sản lượng khai thác kim cương đứng đầu thế giới, về giá trị, đứng thứ hai sau Bôt-xoa-na. Sản lượng kim cương của Nga đạt 33 triệu cara, trị giá 1,6 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu kim cương đạt 883 triệu USD.
Nga chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ, sản lượng khai thác đạt 9 triệu thùng/ngày; chiếm 34% trữ lượng khí đốt của thế giới. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và đứng thứ hai về xuất khẩu dầu thô.
Sản lượng điện chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu. Tổ hợp nhiên liệu - năng lượng Nga phát triển nhanh nhất, chiếm khoảng 1/4 GDP, 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Nước Nga đã tăng cường sự có mặt về năng lượng tại các phần lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây và Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay EU chiếm tới 93% lượng dầu xuất khẩu của Nga, chiếm tới 40% nhu cầu tiêu dùng khí đốt trong nội khối. Theo Hội đồng năng lượng thế giới (WEC), trong những năm tới, Nga vẫn là nước cung ứng năng lượng quan trọng nhất cho châu Âu.
Bên cạnh nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, ở khu vực miền Nam nước Nga còn sở hữu những vùng rộng lớn đất đen “chernozem” màu mỡ. Với loại đất này và những kỹ thuật nông nghiệp mới, nước Nga đã thực sự trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc (năm 1998, Nga từng phải nhập khẩu 20 triệu tấn ngũ cốc, nhưng tới nay, Nga đã trở thành một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc, và đứng hàng thứ năm trên thế giới).
Nước Nga trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Trước tiên, phải kể đến nạn thất nghiệp đang gia tăng hết sức mạnh mẽ. Cục Thống kê Nga cho biết, tới ngày 21-1-2009, ở nước này đã có 2,2 triệu người đăng ký thất nghiệp. Tuy nhiên, theo một số quan chức chính phủ Nga, con số thực tế phải lên tới hơn 6 triệu người không có việc làm. Làn sóng thất nghiệp ở Nga gia tăng chủ yếu tại các thành phố công nghiệp - nơi đa số người lao động phụ thuộc vào các nhà máy lớn. Ông Rô-lan Clao (Roland Klaus) − Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Nga cho hay, ở các thành phố đơn thuần là công nghiệp này, khi công nhân bị thất nghiệp sẽ gây ra những hậu quả xã hội rất nghiêm trọng và thậm chí, ảnh hưởng đó có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm.
Thứ hai, doanh thu từ việc xuất khẩu khí đốt giảm mạnh. Giá dầu thế giới giảm dẫn đến mức giá cũng như lượng xuất khẩu dầu mỏcủa Nga cũng giảm theo nhanh chóng. Điều đó khiến cho thặng dư thương mại của Nga bị tổn thất nặng nề, đồng rúp mất giá (nếu như vào tháng 5-2008, 1 USD tương đương với khoảng 23 rúp thì đến tháng 5-2009, 1USD xấp xỉ 31 rúp), và lượng dự trữ ngoại hối của Nga giảm mạnh. Do giá dầu giảm, thị trường chứng khoán cũng phải tạm thời ngừng hoạt động, cuộc khủng hoảng, theo đó, lan mạnh sang hệ thống tiền tệ cũng như hệ thống tài chính của nước Nga.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã thổi bay 2/3 tổng tài sản của các tỉ phú Nga (vào đầu năm 2008 tổng tài sản của các tỉ phú Nga là 221 tỉ USD nhưng cho đến nay chỉ còn 76 tỉ USD).
Thứ ba, nguồn vốn nước ngoài sụt giảm. Trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, tính hấp dẫn của các thị trường mới nổi lên còn mang nhiều rủi ro như Nga đã giảm mạnh đối với giới đầu tư quốc tế. Nguồn vốn đến từ bên ngoài giảm trong khi nguồn vốn dài hạn trong nước lại thiết bởi tiết kiệm dài hạn của người Nga gần như là con số không. Đa số người dân Nga đều trông chờ vào đồng lương hưu từ phía nhà nước, ít người mua bảo hiểm.
Đối sách của Chính phủ
Theo nguồn tin của Hãng thông tấn Itar Tass của Nga, trong phiên họp Chính phủ Nga ngày 19-3-2009, Chính phủ Nga đã đề ra những hướng ưu tiên trong gói biện pháp chống khủng hoảng nhằm phân bổ ngân sách sao cho đạt hiệu quả nhất.
Những vấn đề được ưu tiên là đảm bảo an sinh xã hội, chống thất nghiệp, trợ giúp người nghèo; duy trì tiềm năng công nghiệp và kỹ thuật – công nghệ của nền kinh tế; điều chỉnh những biện pháp chống khủng hoảng cho phù hợp với các mục tiêu dài hạn mà đã được đề ra trong “Chiến lược phát triển đất nước tới năm 2020”; hỗ trợ hệ thống tài chính quốc gia, bao gồm các ngân hàng, các thị trường tài chính và các tổ chức tài chính ngoài ngân hàng; kích cầu nội địa theo hướng khác nhau như thay thế nhập khẩu, áp dụng những ưu đãi đối với hàng hóa từ Nga so với hàng hóa nhập ngoại nếu có thể; giảm các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp, bao gồm cả chống tham nhũng, đồng thời phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm nhằm đạt chỉ số lạm phát theo dự báo 13-14% trong năm 2009.
Chính phủ Nga cũng đưa nội dung chương trình chống khủng hoảng này ra lấy ý kiến xã hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Nga diễn ra một chương trình mang tính quy mô của chính quyền hành pháp và được đưa ra thảo luận rộng rãi như vậy.
Trong Thông điệp về ngân sách liên bang, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nhấn mạnh, chiến lược toàn dân tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công sẽ được Nga áp dụng cho ba năm tới, đặc biệt, đề cao trách nhiệm chi tiêu hiệu quả của các cấp, các ngành; nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ông Đ.Mét-vê-đép cũng nhấn mạnh: “Trong thời kỳ khó khăn này, đặc biệt quan trọng là việc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chống khủng hoảng để không bỏ lỡ khả năng tạo đà tăng trưởng kinh tế”.
Sau Thông điệp về ngân sách liên bang của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, Thủ tướng Nga V.Pu-tin cũng yêu cầu chính phủ khẩn trương tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ mà Tổng thống đã nêu ra. Đồng thời, Thủ tướng V.Pu-tin cũng nêu rõ, nước Nga cần tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý thuế, tăng cường kiểm tra vận dụng giá chuyển đổi, đóng cửa những công ty “ảo” được dựng lên nhằm mục đích trốn thuế.
Cho đến thời điểm này, những trang báo uy tín trên thế giới đã bình luận rất nhiều về triển vọng cũng như khả năng nước Nga sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Còn đối với người dân Nga nói chung, có vẻ như cuộc khủng hoảng này chưa thực sự gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Trong một cuộc thăm dò được tiến hành ở thủ đô Mát-xcơ-va, thành phố Xanh Pê-téc-bua và bốn thành phố lớn khác của Nga, nhóm khảo sát đã hỏi 800 người độ tuổi từ 18 đến 65 và thu được kết quả khá lạc quan, có đến 70% số người được hỏi không cảm thấy rõ rệt những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đại đa số người dân Nga vẫn tin tưởng rằng dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Đ.Mét-vê-đép, cũng như sự phối hợp ăn ý giữa "bộ đôi" quyền lực Pu-tin – Mét-vê-đép, "con tàu" nước Nga sẽ tiếp tục phát triển, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới./.
Về công tác quy hoạch cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay  (05/07/2009)
Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)  (05/07/2009)
Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X  (04/07/2009)
Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ phục vụ tiêu dùng  (03/07/2009)
83,7% học sinh tốt nghiệp hệ trung học phổ thông năm học 2008-2009  (03/07/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên