TCCSĐT - Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan (1).
Biểu hiện và tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống, kinh tế, xã hội

Biểu hiện của biến đổi khí hậu được thể hiện qua sự nóng lên toàn cầu, hiện tượng băng tan; mực nước biển dâng do giãn nở nhiệt trong đại dương và băng tan; thay đổi lượng mưa do nhiệt độ tăng, lượng nước bốc hơi nhiều hơn; thay đổi mùa, ảnh hưởng đến đời sống con người, sinh vật, mùa màng; thiên tai siêu bão, lũ lụt, hạn hán,...xuất hiện thường xuyên, mạnh hơn kéo dài và khó đoán hơn… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại phát triển của con người và sinh vật, như: dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế, giảm đa dạng sinh học, hủy diệt hệ sinh thái,…

Báo cáo hiện trạng môi trường không khí quốc gia năm 2013 của Việt Nam khẳng định, do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai lớn, dị thường, vượt qua những hiểu biết hiện tại của con người, đã xảy ra ngày một thường xuyên hơn, diễn biến phức tạp hơn, gây hậu quả khó lường. Báo cáo đã xem xét trên các hiện tượng thiên tai phổ biến và gây thiệt hại lớn ở nước ta là bão, lũ lụt, lũ quét và hạn hán, dông, lốc,… Đối với bão, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, quỹ đạo bão có xu thế dịch chuyển về phía Nam rất khó dự báo (2), xác định chính xác đường đi của bão. Dự báo trong tương lai, số lượng cơn bão có cường độ mạnh sẽ gia tăng. Lũ lụt, úng ngập cùng các hiện tượng tự nhiên khác (nước dâng, trượt, lở đất gây tắc tạm thời dòng lũ trên sông,…) thường gây hiểm họa lớn. Lũ lụt tự nhiên kết hợp với các tác nhân phi tự nhiên (nạn phá rừng, sử dụng đất không hợp lý, xây dựng các công trình trên sông…) ngày càng có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại về người và tài sản. Lũ do sự cố hư hỏng các công trình trữ nước, giữ nước, cản trở dòng lũ, ngập lũ do tác động của con người cũng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn.

Do tác động của biến đổi khí hậu, mưa bão gia tăng và phức tạp hơn nên nhiều hồ đã gặp sự cố, mất an toàn, gây hậu quả lớn về xã hội và môi trường đã từng xảy ra ở miền Trung và Tây Nguyên trong những năm qua. Ngoài lũ lụt ở các vùng, chúng ta phải chú ý đến lụt và ngập úng ở các đô thị, đồng bằng. Úng ngập ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng bằng nhỏ ven biển miền Trung cho thấy, nguyên nhân chủ yếu gây úng ngập nghiêm trọng không phải do nước lũ ngoài sông tràn vào mà chủ yếu do mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn tạo dòng chảy mặt lớn vượt khả năng chứa, thấm, tiêu thoát nước, có nơi còn chịu tác động tổ hợp của mưa lớn và triều cao. Nguy cơ hạn hán và thiếu nước trên diện rộng, thậm chí sa mạc hóa sẽ gia tăng do chế độ mưa, ẩm đã khác quy luật bởi biến đổi khí hậu. Mức độ gay gắt của hạn hán rất khó dự đoán và xác định trước.

Báo cáo môi trường cũng lưu ý, hạn hán thiếu nước thường xuyên xảy ra trên diện rộng, nhiều người dân đã phải di cư, hàng nghìn gia súc, gia cầm đã chết khát, chết đói, nhiều héc-ta cây trồng và rừng bị cháy khô… Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm nền nhiệt độ tăng, gia tăng bốc thoát hơi nước đồng thời giảm rõ rệt lượng mưa trong mùa khô, thậm chí kéo dài thời gian không mưa, nguồn nước trong sông mùa kiệt suy giảm đáng kể mà nhu cầu về nước sinh hoạt, đời sống, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường không ngừng gia tăng.

Lũ quét là mối nguy hiểm chết người rình rập và đột ngột xuất hiện gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, mưa cường độ lớn xảy ra thường xuyên hơn ở vùng núi cao và Tây Nguyên nước ta dẫn tới lũ quét xảy ra với tần suất cao hơn, ác liệt hơn và gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Điều đáng nói là điều kiện công nghệ hiện nay chưa thể dự báo lũ quét mà chỉ có thể cảnh báo khi lượng mưa vượt ngưỡng. Đó là một thách thức đáng kể cho ngành khí tượng thủy văn và cần những biện pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân chủ động phòng, chống.

Thực trạng chính sách, pháp luật về chủ động ứng phó với thiên tai ở Việt Nam hiện nay


Quan điểm về phòng, chống thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu đã được cụ thể hiện hóa trong các văn bản pháp luật, như: Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn năm 1994 (thay bằng Luật Khí tượng thủy văn năm 2015); Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi năm 2001; Luật Đê điều năm 2006, Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-5-2014, gồm 6 chương, 47 điều, đã cho thấy:

Một là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay;

Hai là, kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

Ba là, hoạt động phòng chống thiên tai gồm: phòng ngừa thiên tai; ứng phó thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.

Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 cũng nêu rõ, các quy định về dự báo khí tượng thủy văn phòng, chống thiên tai, như: quy định về các yêu cầu bắt buộc quan trắc khí tượng thủy văn đối với dự án thuộc một số lĩnh vực quan trọng có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội; quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tại Chương 3 của Luật (3). Một số quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập một số nội dung liên quan trực tiếp đến công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn, thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn.

Thực trạng chính sách, pháp luật về giám sát khí hậu

Chính sách, pháp luật về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013 về bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thể chế hóa trong Điều 63 Hiến pháp năm 2013. Tiếp đó giám sát khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng tiếp tục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tại Điều 4 các nguyên tắc của Luật và Chương IV với 9 điều luật (từ Điều 39 đến Điều 48), trong đó nhấn mạnh phát triển ngành và liên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng (Điểm a, khoản 1 Điều 47). Tuy nhiên, có thể thấy quy định về giám sát khí hậu không có nhiều mà chủ yếu tập trung vào các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu (gồm các quy định về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu).

Từ ngày 01-7-2016, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ hoạt động khí tượng Thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bằng Luật, góp phần hoàn chỉnh thêm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển ngành khí tượng thủy văn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sự tham gia vào hoạt động khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia (6).

Để giám sát hiệu quả biến đổi khí hậu, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 quy định: một là, Luật quy định về cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn quốc gia, bao gồm: nội dung thông tin, dữ liệu; lưu trữ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, theo hướng “Các sản phẩm của hoạt động khí tượng thủy văn được chia thành hai loại: loại phục vụ cộng đồng, phòng chống thiên tai được cung cấp miễn phí và được phổ biến rộng rãi, loại phục vụ nhu cầu riêng được coi như một loại hàng hoá dịch vụ lưu thông và người khai thác, sử dụng thì phải thực hiện nghĩa vụ về phí theo các quy định hiện hành (Chương 4, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015); hai là, về vấn đề giám sát biến đổi khí hậu đã được quy định tại Chương 5 của Luật, gồm 5 Điều (từ Điều 33 đến Điều 37) quy định về: nội dung giám sát biến đổi khí hậu; cơ sở dữ liệu về giám sát biến đổi khí hậu; đánh giá khí hậu quốc gia; kịch bản biến đổi khí hậu; lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Các quy định này là cơ sở quan trọng để giám sát hiệu quả biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu

Đối với thiên tai, hoạt động ứng phó thiên tai được thực hiện theo 3 cấp độ: phòng, ngừa thiên tai; ứng phó thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai, về cơ bản có sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương nên những năm trở lại đây thiên tai xảy ra nhiều với các biến đổi bất thường, nhưng thiệt hại về người và của được hạn chế ở mức thấp nhất. Thực tiễn cũng cho thấy đã có nhiều thay đổi trong thông tin về dự báo, cảnh báo, mang lại kết quả cao trong quá trình này. Ví dụ: bên cạnh việc dự báo về các hiện tượng thiên tai bất thường thì lại kèm theo các cảnh báo cụ thể và đặc biệt là hướng dẫn người dân cách phòng, tránh. Điều này chúng ta có thể thấy rõ thông qua các chương trình dự báo thời tiết cực đoan bất thường, đặc biệt là dự báo bão trên truyền hình hay việc dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết qua tin nhắn điện thoại hằng ngày miễn phí, rất thiết thực và hiệu quả. Về thực hiện giám sát khí hậu được giao cho Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và biến đổi khí hậu thực hiện. Trung tâm này cũng từng bước kiện toàn về tổ chức và trang bị, các trạm quan trắc ngày càng được đầu tư hiện đại hóa, bên cạnh việc quan sát khí hậu bằng công nghệ vệ tinh quang ảnh (hiện Việt Nam đã có một vệ tinh loại này VN Red Sat 1, hiện chuẩn bị phòng VN Red Sat 2);....góp phần nâng cao hiệu quả giám sát khí hậu. Việt Nam cũng tham gia vào mạng lưới cảnh báo sóng thần trên biển Đông,.... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khu vực và song phương về vấn đề này nhằm nhận được sự tranh thủ/nhận chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính từ các đối tác này.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chủ động ứng phó thiên tai và giám sát khí hậu cho thấy vẫn còn những bất cập, hạn chế, thiếu sót, như:

Một là, quy định pháp luật về thiên tai về cơ bản đã hoàn thiện tuy nhiên các quy định về giám sát khí hậu còn tản mạn và chưa hoàn thiện mà một trong những nguyên nhân là do Việt Nam chưa có chính sách nhất quán về ứng phó thiên tai và giám sát khí hậu, biến đổi khí hậu nên thực tiễn xây dựng và thực hiện pháp luật về vấn đề này vẫn chưa nhất quán. Ví dụ: quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong khi đó vấn đề về giám sát biến đổi khí hậu lại được quy định trong Luật Khí tượng thủy văn năm 2016; vấn đề ứng phó thiên tai lại được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Đê điều năm 2016, nhưng vấn đề giám sát thiên tai lại được quy định trong Luật Khí tượng thủy văn năm 2015.

Hai là, tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai và giám sát khí hậu vẫn còn chồng chéo, quá nhiều cơ quan tham gia vào quá trình này nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan này chưa phải lúc nào cũng nhịp nhàng. Ví dụ: cơ quan quản lý nhà nước về thiên tai và giám sát khí hậu là: Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Cơ quan được giao thực hiện dự báo, cảnh báo thiên tai là Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia. Cơ quan tham gia điều phối phòng, chống thiên tai là Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Về cứu nạn là Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia,... Để thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thành lập Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo thực hiện công ước khung về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto để thực hiện việc này,... Có thể thấy, quá nhiều cơ quan tham gia vào quá trình này gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền, lãng phí về nhân lực, tài chính và ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình thực thi.

Ba là, thiếu hệ thống dự báo, cảnh báo chính xác thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là những cảnh báo sau thiên tai. Ví dụ: đã từng có động đất xảy ra ở Tây Bắc và có dư chấn đến tận Hà Nội, nhưng vài tiếng sau động đất chúng ta mới thấy thông tin trên báo chí, truyền hình.

Bốn là, mạng lưới dự báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu đã được tăng cường, tuy nhiên hoạt động này những năm qua vẫn xảy ra hiện tượng dự báo thiếu chính xác. Bên cạnh đó, sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan trong ứng phó với thiên tai và sự chậm chễ trong khắc phục hậu quả là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn về người và của, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Năm là, do nhận thức về phòng chống thiên tai và giám sát khí hậu còn có những hạn chế, nên việc phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn, giám sát việc thực hiện phòng, chống thiên tai, giám sát khí hậu của các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền vẫn chưa hiệu quả.

Sáu là, để phòng, chống thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu cần nhiều chi phí để đầu tư từ cơ sở vật chất đến đào tạo nhân lực, tuy nhiên nguồn vốn phục vụ cho công tác này còn thiếu.

Bảy là, những năm gần đây mặc dù các chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu đã ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng thực tiễn thực hiện cũng cho thấy trình độ, năng lực quản lý của cán bộ về vấn đề này còn có những hạn chế, yếu kém.

Tám là, công nghệ khoa học về chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu đã xuống cấp và chưa đủ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn;

Chín là, hợp tác quốc tế về giám sát thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thực tiễn.

Để xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu, trong thời gian tới cần có sự định hướng và triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản về vấn đề này.

Về định hướng xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu

Thứ nhất,
cần phải xây dựng khung chính sách pháp luật về chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu trên cơ sở sự nhìn nhận thống nhất giữa hai hiện tượng thiên tai bất thường và biến đổi khí hậu có mối quan hệ động qua lại lẫn nhau. Khung chính sách pháp luật này là cơ sở để xây dựng và thực hiện pháp luật về ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu.

Thứ hai,
xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu phải phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu phải phù hợp với mục tiêu bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành, cũng như quyền bảo đảm, bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, quyền hưởng an sinh xã hội,...

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu phải phát huy được sức mạnh của cộng đồng, của các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông về vấn đề này.

Về giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu


Một là, cần pháp điển hóa các quy định về ứng phó thiên tai và giám khí hậu trong Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn và các luật liên quan. Trên cơ sở đó, chỉ ra những vấn đề nào đã được pháp luật quy định cụ thể, vấn đề nào pháp luật quy định vẫn còn chung chung, vấn đề nào pháp luật chưa quy định. Đặc biệt là vấn đề nào còn quy định chồng chéo, mâu thuẫn phải chỉnh sửa,... Bên cạnh đó cần quy định cụ thể hơn về dự báo khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn, các quy định về thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu tăng cường sự tham gia của tư nhân vào các hoạt động này.

Hai là, thực tiễn mưa lũ miền Trung và hạn hán đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cho thấy, các công trình thủy lợi, như đê điều, hồ chứa, hồ kênh dẫn, hồ điều hòa,... có vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước lớn tại miền Trung, Tây Nguyên, nơi đa phần có các dòng sông ngắn và dốc không giữ được nước, nghiên cứu xây dựng một số hồ chứa nước tại đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hạn hán do biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, đồng thời xây dựng hệ thống ngăn mặn xâm nhập tại đồng bằng này. Nhà nước quốc hữu hóa một số nhà máy thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân, nghiên cứu chuyển một số nhà máy thủy điện nhỏ thành hồ trữ nước, hồ điều hòa phục vụ công ích cho phát triển kinh tế xã hội khu vực đó.

Ba là,
theo pháp luật hiện hành cơ quan quản lý nhà nước về thiên tai và giám sát khí hậu là Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Cơ quan được giao thực hiện dự báo, cảnh báo thiên tai là Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia. Cơ quan tham gia điều phối phòng, chống thiên tai là Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Về cứu nạn là Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia,... Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện công ước khung về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Có thể thấy quá nhiều cơ quan tham gia vào quá trình này gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn về thẩm quyền, lãng phí về nhân lực, tài chính và ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình thực thi. Do vậy, cần phải nghiên cứu, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Đặc biệt là cơ chế phối hợp trong quản lý, xử lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bốn là, thực tiễn cho thấy nhiều dự báo, cảnh báo thiên tai được đưa ra vẫn thiếu chính xác, gây thiệt hại lớn về người và của. Khi xảy ra thiên tai, đặc biệt những sự cố môi trường, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có phần chưa nhịp nhàng. Điều này dẫn tới sự lúng túng, chậm chễ, thậm chí là ỷ lại lẫn nhau trong chỉ đạo, triển khai thực hiện ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu, gây ra thiệt hại lớn về người và của. Ví dụ: vụ thủy điện Hố Hô, xả lũ chưa báo các cơ quan chính quyền địa phương được kịp thời gây thiệt rất lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Năm là, việc cứu trợ thiên tai nhiều nơi thực hiện vẫn chưa hiệu quả. Cần nghiên cứu nâng cấp các quy định về bảo trợ xã hội đối với trường hợp thiên tai bão lũ theo hướng nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với nhu cầu tối thiểu của người dân trong từng tình huống, từng giai đoạn của thiên tai, như nếu thiên tai chuẩn bị xảy ra thì giúp người dân phòng, chống, giảm thiệt hại, khi thiên tai gây ra thiệt hại thì ưu tiên cứu người, cứu của bằng nhiều cơ chế, cách thức khác nhau. Đặc biệt là hỗ trợ cho người dân những thứ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tiếp đó là cứu đói, ổn định nhà cửa sau thiên tai,... Cần nghiên cứu xây dựng Luật về Bảo trợ xã hội. Đặc biệt cần hoàn thiện cơ chế pháp lý và trên thực tiễn cần nâng cao vai trò của cộng đồng, tổ chức xã hội và người dân trong tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai.

Sáu là,
để phòng, chống thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu cần nhiều chi phí để đầu tư từ cơ sở vật chất đến đào tạo nhân lực, tuy nhiên nguồn vốn phục vụ cho công tác này còn thiếu. Do vậy, cần tăng cường mở rộng huy động nguồn vốn không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ hợp tác quốc tế và các nguồn xã hội hóa khác cho công tác này.

Bảy là, thực tiễn cho thấy trình độ, năng lực quản lý của cán bộ về vấn đề này còn có những hạn chế, yếu kém. Do vậy, không chỉ nâng cao nhận thức cho người dân mà để phòng, chống thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu được hiệu quả cần phải đào tạo nâng cao trình độ của các cán bộ, công chức quản lý về vấn đề này.

Tám là, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu. Đặc biệt coi khoa học công nghệ đi trước một bước trong quá trình này. Ví dụ: đầu tư trang bị ra-đa dự báo thời tiết hiện đại hơn, ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ vệ tinh trong ứng phó thiên tai và giám sát khí hậu, ứng dụng các phần mềm quản lý rủi ro thiên tai,...

Chín là,
đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giám sát thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là hợp tác trong khuôn khổ các Hiệp định quốc tế và khu vực, song phương mà Việt Nam đã tham gia, như: WTO, Thỏa thuận Paris, TPP, EVFTA, ASEAN,... Bên cạnh hợp tác quốc tế, cần đẩy mạnh hợp tác song phương với các đối tác chiến lược có thể mạnh về ứng phó thiên tai và giám sát khí hậu. Sự hợp tác này sẽ giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với quốc tế, giúp Việt Nam tận dụng được nguồn tài chính, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý ứng phó rủi ro thiên tai./.

--------------------
Tài liệu tham khảo:

(1). Xem: khoản 13 Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015

(2). Ví dụ: bão Chanchu năm 2006 hay bão Maysak gây thiệt hại nặng nề về người và của cho miền Trung

(3). Đây là chương có nhiều quy định quan trọng, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống thiên tai.

(4). Theo quy định này tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành.

(5). Hoạt động truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai, phục vụ cộng đồng. Hiện tại, việc truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai được thực hiện theo Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai (triển khai Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013). Do vậy, Luật khẳng định rõ khi truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ quan, tổ chức truyền, phát tin phải chuyển tải sang ngôn ngữ dân tộc phù hợp.

(6). Luật Khí tượng Thủy văn có kết cấu, bố cục gồm 10 Chương, 55 Điều, cụ thể là: Chương I. Quy định chung; Chương II. Quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; Chương III. Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Chương IV. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; Chương V. Giám sát biến đổi khí hậu; Chương VI. Hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; Chương VII. Tác động vào thời tiết; Chương VIII. Hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn; Chương IX. Quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; Chương X. Điều khoản thi hành. Có thể khẳng định Luật Khí tượng Thủy văn đã điều chỉnh toàn diện hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam.