Thành tựu và thách thức của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
TCCS - Sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là bản chất của chủ nghĩa xã hội, là quá trình liên tục, cần có sự nỗ lực thực chất. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần xác định rõ những đối tượng và những quyền mang tính ưu tiên, cấp bách để tập trung đầu tư nguồn lực, tạo nên chuyển biến rõ rệt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Thứ nhất, thành tựu về nhận thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Mặt khác, chúng ta hiểu rõ việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia là trách nhiệm của nhà nước có chủ quyền mà không tổ chức quốc tế, không một lực lượng bên ngoài nào có thể thay thế được. Việt Nam kiên quyết đấu tranh với những kẻ lợi dụng vấn đề quyền con người để thực hiện các hoạt động thù địch, phá hoại độc lập, chủ quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế trong thúc đẩy quyền con người.
Thứ hai, thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên mọi lĩnh vực.
Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ký kết, tham gia hầu hết các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, từ Công ước về quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội đến Công ước về chống phân biệt chủng tộc, Công ước về quyền trẻ em, Công ước về chống tra tấn, nhục hình,...
Sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, chỉ trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã tiếp tục sửa đổi một loạt các bộ luật, luật với mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Đảng lấy con người là trung tâm của phát triển, là mục tiêu và động lực của phát triển, đồng thời thực hiện những cam kết của Nhà nước Việt Nam khi tham gia hoặc ký các công ước quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn, đó là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Công chức, viên chức, Luật Bảo hiểm, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em,... Hiện chúng ta đang xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Biểu tình, Luật về hội, Luật Trưng cầu dân ý,...
Thứ ba, thành tựu trong thực tiễn bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền của Việt Nam đã thông qua và triển khai thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ phát triển các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, hải đảo, như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AID, phòng, chống mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em,...
Cùng với Chính phủ, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đã đóng góp to lớn vào việc thực hiện và thúc đẩy các chương trình, dự án hướng tới các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, như trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người già,... Hàng chục tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có mặt ở Việt Nam được tạo điều kiện hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ phát triển ở các vùng khó khăn.
Bên cạnh việc tăng cường đối thoại với các tổ chức quốc tế, quốc gia quan tâm tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam còn thực hiện Báo cáo kiểm điểm định kỳ về tình hình nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với tinh thần khách quan, cầu thị và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Với tất cả những nỗ lực trên các mặt như vậy, việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến to lớn, không thể phủ nhận.
Theo Báo cáo toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2014 về phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng 41% trong vòng hai thập niên qua. Chỉ số HDI vào năm 1991 là 0,41, tới năm 2012 là 0,617, đứng thứ 127 trong tổng số 187 quốc gia, nằm trong nhóm các nước được xếp loại trung bình về phát triển con người. Trong 30 năm đổi mới, 43 triệu người đã thoát nghèo. Nhiều chỉ tiêu của Chương trình Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn. Việt Nam đang gần tiệm cận với nhóm các nước khá trong khu vực Đông Nam Á.
Căn cứ vào sự phân nhóm của Liên hợp quốc về chỉ số HDI (bảng dưới đây), có thể thấy, HDI của Việt Nam, xét theo chỉ số bất bình đẳng, thuộc vào nhóm các nước phát triển cao; còn xét theo chỉ số bất bình đẳng giới, thuộc nhóm các nước phát triển rất cao.
Đó là kết quả của các chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong xóa đói, giảm nghèo, khắc phục bất bình đẳng giữa các khu vực, giữa nam và nữ, là điều đáng tự hào của một quốc gia đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thách thức và những ưu tiên trước mắt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Mặc dù chỉ số HDI của Việt Nam theo xu hướng đi lên, song nhịp độ cải thiện không đều, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới diễn ra từ năm 2008, chỉ số HDI của Việt Nam trong bảng xếp hạng của UNDP có sụt giảm: Năm 2007, chỉ số HDI là 0,725, xếp thứ 116 trong tổng số 182 quốc gia; năm 2012, chỉ số HDI là 0, 617, xếp thứ 127 trong tổng số 187 quốc gia.
Trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như sau:
Về khách quan: Vẫn còn một số lượng khá lớn các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, chẳng hạn, có tới 7% dân số là người khuyết tật do nhiều nguyên nhân, trong đó có di hại của chất độc da cam; 15% dân số là người dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao, có điều kiện sinh sống khó khăn, chiếm hơn 50% số người nghèo của cả nước. Biến đổi khí hậu trong vòng 1 - 2 thập niên tới có thể sẽ dẫn đến hậu quả là làm mất khoảng 12% - 15% số diện tích đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và do đó, hàng chục triệu người dân nơi đây sẽ mất nhà, mất đất, gặp khó khăn trong cuộc sống. Hàng triệu nông dân ở các vùng trên cả nước đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa, công nghiệp hóa, do chưa được chuẩn bị tâm thế trong bối cảnh đất nước triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hiện vẫn còn tới 1 triệu trẻ em mù chữ, phần lớn trong số đó sống ở các vùng duyên hải chưa được đến trường.
Bảng chỉ số HDI của Việt Nam và một số nước trong khu vực (năm 2012):
HDI | Thứ hạng | HDI theo bất bình đẳng | HDI theo bất bình đẳng giới | Nghèo đa chiều/năm | |||
Giá trị | Xếp hạng | Giá trị | Xếp hạng | ||||
Ma-lai-xi-a | 0,769 | 64 | 0,606 | 54 | 0,256 | 42 | 0,015/2007 |
Trung Quốc | 0,699 | 101 | 0,543 | 67 | 0,213 | 35 | 0,056/2002 |
Thái Lan | 0,690 | 103 | 0,543 | 67 | 0,360 | 66 | 0,006/2007 |
In-đô-nê-xi-a | 0,629 | 121 | 0,514 | 78 | 0,494 | 106 | 0,095/2007 |
Việt Nam | 0,617 | 127 | 0,531 | 70 | 0,299 | 48 | 0,017/2011 |
(Nguồn: UNDP)
Bảng phân nhóm về chỉ số HDI
| Giá trị HDI | HDI theo | HDI theo bất bình đẳng giới |
Nhóm phát triển con người rất cao | 0,905 | 0,808 | 0,193 |
Nhóm phát triển con người cao | 0,758 | 0,602 | 0,376 |
Nhóm phát triển con người trung bình | 0,640 | 0,485 | 0,457 |
Phát triển con người thấp | 0,466 | 0,310 | 0,578 |
(Nguồn: Liên hợp quốc)
Ngoài ra, ý thức tùy tiện, thiếu tôn trọng pháp luật và sự tham lam trong kinh doanh của không ít người dân đã dẫn đến nguy cơ cao về mất an toàn, an ninh đối với con người, như tai nạn giao thông tăng, thực phẩm kém vệ sinh, môi trường nước, đất, không khí xuống cấp... Chỉ tính riêng tai nạn giao thông, mỗi năm cướp đi khoảng 9.000 người, hàng chục nghìn người bị thương, góp phần đáng kể nâng cao tỷ lệ người khuyết tật trong xã hội.
Về chủ quan: Năng lực của bộ máy thi hành chính sách chưa đủ để giúp người dân ở những nơi khó khăn vượt qua đói nghèo một cách bền vững. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015 Việt Nam vẫn còn gần 5% dân số thuộc diện nghèo theo chuẩn quốc gia. Trong số đã được xóa nghèo, tỷ lệ có khả năng tái nghèo còn cao. Ngay cả các nhóm đối tượng có điều kiện thuận lợi cũng chưa cải thiện cuộc sống một cách tương xứng với tiềm năng của đất nước.
Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc ứng phó với sự gia tăng tai nạn giao thông, sự thiệt hại và rủi ro của người nông dân trong sản xuất lương thực, nuôi trồng thủy sản, sự gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả,... còn hạn chế. Nhà nước chưa có các biện pháp tuyên truyền và các công cụ pháp lý thích đáng để ngăn ngừa và trừng phạt những kẻ gây nên nguy hiểm cho người khác và xã hội.
Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng, bộ máy cồng kềnh góp phần gây nên thiếu thốn các nguồn lực để giải quyết các nhu cầu an sinh của người dân và đầu tư cho các dự án phát triển ở các vùng khó khăn. Việt Nam vẫn là nước đứng ở thứ hạng cao về chỉ số tham nhũng. Theo công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế về chỉ số tham nhũng năm 2014 ở 175 quốc gia tham gia xếp hạng, Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên tổng số 175 quốc gia, đứng thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 6 trong số 9 quốc gia Đông Nam Á.
Cải cách hành chính chưa đủ cung cấp các dịch vụ hành chính công cho người dân trong hoạt động kinh doanh, đầu tư một cách thuận lợi. Cải cách tư pháp chưa đủ ngăn chặn những sai lầm trong xét xử, dẫn đến oan sai không đáng có hoặc ngược lại, trừng trị chưa thích đáng nhiều tội phạm tham nhũng.
Tất cả những nguyên nhân ấy khiến cho chỉ số HDI của Việt Nam những năm gần đây có sự giảm sút so với giai đoạn trước năm 2007. Đó cũng là thách thức thực sự đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ và phát triển quyền con người.
Từ thực tiễn bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thời gian qua, Đảng và Nhà nước cần xác định rõ những đối tượng và những quyền mang tính ưu tiên, cấp bách, đồng thời tập trung nguồn lực để tạo nên chuyển biến rõ rệt trong những năm tới đây.
Một là, xác định quyền được sống an toàn tính mạng là quyền tối thiểu của con người. Bảo đảm cho mỗi người sống trên đất nước Việt Nam tránh được những nguy cơ đe dọa an ninh con người từ buôn bán và sử dụng ma túy, sử dụng thực phẩm bẩn, thuốc giả, bị ảnh hưởng của lở đất, lũ quét,... do hậu quả của những hành vi coi thường pháp luật, kinh doanh trái pháp luật, tàn phá rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản vô tổ chức. Muốn vậy, trong chính sách hình sự, phải tăng hình phạt đối với các tội phạm liên quan, như trừng trị nghiêm khắc những kẻ chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp lợi ích cộng đồng, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người khác; xử lý nghiêm khắc các vi phạm luật giao thông để mỗi người được an toàn khi tham gia giao thông; đồng thời, tăng cường quy hoạch và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng các công trình thủy điện, các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên; đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm hủy hoại sức khỏe thể chất và thần kinh con người.
Hai là, xác định người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già là những đối tượng đáng được ưu tiên, được chăm sóc về sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập. Đó là những đối tượng trực tiếp của các chính sách xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là ở các vùng khó khăn, bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Để có nguồn lực vật chất và con người thực hiện các chính sách này, cần tăng cường kiểm soát chi tiêu công, phòng, chống tham nhũng, tinh giản bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Chỉ cần mỗi tỉnh, thành phố giảm mua sắm một chiếc xe ô-tô công mỗi năm cũng đã có thể hỗ trợ cho hàng chục đối tượng này ở mỗi địa phương.
Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tự nguyện, phi chính phủ ở trong nước và nước ngoài tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp nhân đạo, từ thiện, giáo dục, y tế... ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch, hiệu quả; cải cách hệ thống tư pháp nhằm bảo đảm tính khách quan, góp phần quan trọng bảo vệ và đáp ứng tốt hơn các quyền tự do của con người, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của công dân./.
Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức hội nghị Quân chính năm 2016  (27/12/2016)
Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế  (27/12/2016)
Phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ môi trường  (26/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên