Phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ môi trường
Chiều 26-12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường giai đoạn 2012 - 2016, ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020, biểu dương các khu dân cư tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.
* Tích cực thực hiện các tiêu chí về môi trường
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau khi thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2012 - 2016, nội dung phối hợp về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được thực hiện cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong các chương trình phối hợp, thống nhất hành động của mặt trận các năm. Nhiều nơi đã lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.
Cùng đó, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động cũng đã được Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh, trong đó có gắn với các chủ đề thiết thực về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, sản xuất tiêu dùng bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên... Công tác xây dựng mô hình điểm với các chủ đề “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; xây dựng mới các mô hình khu dân cư phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…phát triển mạnh.
Về công tác tập hợp ý kiến nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong các năm 2013 - 2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống; những vấn đề môi trường mà nhân dân nêu ý kiến như: các dự án khai thác đá, tận thu khoáng sản titan, tình trạng nhiễm mặn do sản xuất muối… Hầu hết những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về ô nhiễm môi trường qua phản ánh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã được các cấp chính quyền xử lý, giải quyết.
Công tác phối hợp đã đóng góp tích cực trong xây dựng tính tự quản, tự giác của người dân ở các cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vai trò chủ thể của chính người dân ở khu dân cư thực hiện bảo vệ môi trường đã có chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức cuộc sống của hộ gia đình cũng như sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Kết quả này đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí về môi trường của các đại phương đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, một số hạn chế của chương trình phối hợp cũng được chỉ ra như việc hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường chưa được đầu tư tương xứng; sự phối hợp chủ yếu là hoạt động bề nổi, chưa có điều kiện đi sâu nắm bắt và tháo gỡ giúp địa phương giải quyết những bức xúc về công tác bảo vệ môi trường…
* Vận động nhân dân tham gia
Tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, hai bên phối hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm vững, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới; tiếp tục xây dựng mới, nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thực hiện hình thức mai táng đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học. Đồng thời, hai bên phối hợp vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng, thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, nhất là các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên với ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp trong triển khai công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận sự đóng góp quan trọng của hàng triệu người dân tại 110 nghìn khu dân cư, các tổ chức tôn giáo, các đoàn thể đã tham gia công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, công tác quản lý môi trường ngày càng tốt hơn, hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, bộ máy hành động quyết liệt hơn, hệ thống xử lý rải thải, nước thải tốt hơn. Nhưng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng gia tăng, nỗi lo lắng của nhân dân ngày càng lớn, điều đó xuất phát từ thực tế quản lý môi trường ngày càng nhiều thách thức. Bộ máy quản lý không thể gia tăng, trong khi số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị ngày càng mở rộng.
Với bộ máy thanh tra môi trường hiện nay, phải hết 100 năm mới thanh tra hết số lượng doanh nghiệp, khu công nghiệp... Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Nhân dân sẽ giám sát, phát hiện các cơ sở vi phạm về môi trường, khi có phát hiện sai phạm thì thanh tra nhà nước mới vào cuộc để chỉ rõ sai phạm và có chế tài xử lý. Đó chính là vai trò thanh tra, giám sát của nhân dân. Việc Mặt trận, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ký kết chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là để phát huy vai trò đó của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: những giải pháp bảo vệ môi trường hiện nay là khá đầy đủ. Nhiều mô hình về xây dựng cuộc sống xanh, sạch đã được xây dựng; nhiều giải pháp, công nghệ để chuyển hóa chất thải, nguồn nước thành nguồn năng lượng sạch. Tuy vậy, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cần tiếp tục có những giải pháp để giảm chất thải, sản xuất sạch hơn, sống sạch hơn. Muốn vậy phải đầu tư nguồn lực; tăng cường vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi trong cuộc sống.
Cùng với đó, cần tăng cường giám sát các cơ quan, doanh nghiệp có nguồn xả thải; huy động nhân dân vào cuộc mạnh mẽ; xây dựng mô hình quản lý môi trường, trong đó Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một giải pháp tối ưu. Theo đó, cần phân công rõ vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể. Điển hình như, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát xả thải của các doanh nghiệp; Hội Nông dân Việt Nam giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giám sát xử lý rác sinh hoạt của gia đình ở phường xã, khu dân cư; Hội Phụ nữ Việt Nam giám sát việc xả thải, xả rác của chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ ăn uống, lò giết mổ; Tổng hội Y học Việt Nam giám sát xả thải của các bệnh viện, cơ sở y tế; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam giám sát chất lượng nước của đô thị, địa phương; Hội Cựu chiến binh Việt Nam giám sát việc khai thác khoáng sản, cát sỏi... Đối với giám sát việc xả thải của các khu công nghiệp, dự án công trình lớn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì thực hiện - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ Mặt trận các cấp xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư bảo vệ môi trường; giám sát việc xả thải của các khu công nghiệp, dự án, công trình lớn; vận động người dân hỏa táng; tuyên dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.../.
Đảng đoàn Quốc hội quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  (26/12/2016)
Đảng đoàn Quốc hội quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  (26/12/2016)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Lào và đồng chủ trì cuộc Họp tham vấn thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Lào lần thứ III  (26/12/2016)
Xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà  (26/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên