V. I. Lê-nin và tư tưởng về xây dựng chủ nghĩa xã hội

Lương Ninh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:29, ngày 08-09-2016

TCCSĐT - Ngày nay, người ta nhắc đến V. I. Lê-nin và tư tưởng về chủ nghĩa xã hội của ông với những thái độ và quan điểm không giống nhau. Việc đánh giá di sản của V. I. Lê-nin trở thành vấn đề thời sự và có liên quan đến vận mệnh, tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, cũng như sự vận dụng những tư tưởng của V. I. Lê-nin vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở trên thế giới hiện nay.

1. Đã qua rồi thế kỷ XX với những biến động cực kỳ to lớn và hiệu ứng của nó đã, đang và sẽ còn tác động trong phong trào cách mạng thế giới. Có thể khẳng định, trong gần suốt thế kỷ đó, không có một nhân vật lịch sử nào mà tác phẩm của mình được xuất bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng, ở nhiều quốc gia với số lượng rất lớn như các tác phẩm của V. I. Lê-nin. Cũng không có một nhà hoạt động chính trị nào mà học thuyết của mình lại được hàng triệu triệu người đồng tình và vận dụng; còn kẻ thù thì lại điên cuồng tấn công nhiều đến mức như V. I. Lê-nin.

Trải qua một thời kỳ đấu tranh không khoan nhượng chống bọn cải lương và xuyên tạc chủ nghĩa Mác đủ loại để bảo vệ chủ nghĩa Mác; đồng thời V. I. Lê-nin tiếp tục bổ sung và phát triển toàn diện, sáng tạo chủ nghĩa ấy theo yêu cầu của vận động lịch sử trên phạm vi toàn thế giới. Đúng như V. I. Lê-nin nói: “Chúng ta không hề coi lý luận Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý thuyết đó chỉ đặt nền móng cho một môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”(1)…

Thật vậy, V. I. Lê-nin đã góp phần hoàn thiện và làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác. Đó là đã hoàn thiện phương pháp tư duy biện chứng duy vật và lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội khoa học. Cụ thể, V. I. Lê-nin đã phát triển và hoàn thiện lý luận về chuyên chính vô sản, về xây dựng khối liên minh công nông, về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về chủ nghĩa quốc tế vô sản, về việc xây dựng và củng cố Đảng vô sản kiểu mới. Đặc biệt, V. I. Lê-nin đã xây dựng lý luận mới hoàn chỉnh về cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã chứng minh và khẳng định khả năng chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi ở một nước riêng lẻ…

Đảng Cộng sản Nga do V. I. Lê-nin sáng lập là tấm gương cổ vũ phong trào vô sản trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của V. I. Lê-nin vĩ đại, Đảng Cộng sản Nga đã dìu dắt giai cấp vô sản Nga tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ theo con đường dân chủ và xã hội chủ nghĩa, giành chính quyền và xây dựng nhà nước đầu tiên của quần chúng cần lao. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 mở đầu thời đại mới trong lịch sử loài người. Đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và dân chủ, nước Nga là thành trì không gì lay chuyển nổi của độc lập và tự do. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phe hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa hùng mạnh đứng đầu là Liên Xô đã được hình thành, đối lập với phe đế quốc chủ nghĩa.

Tên tuổi của V. I. Lê-nin, học thuyết của Người gắn liền với mọi thắng lợi của phe hòa bình và dân chủ kéo dài từ sông En-bơ đến Thái Bình Dương, từ Bắc cực đến vùng nhiệt đới. Bởi vậy, tất cả những người bị áp bức và những người bất hạnh đều coi ngọn cờ của V. I. Lê-nin đang được những người Cộng sản tất cả các nước giương cao, là tượng trưng cho lòng tin và bó đuốc sáng của niềm hy vọng, là nguồn cổ vũ đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh để bảo vệ và củng cố hòa bình… Những nguyên tắc của V. I. Lê-nin về quyền dân tộc tự quyết; về chung sống hòa bình; không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; về quyền bình đẳng và hai bên cùng có lợi trong quan hệ giữa các nước;… đang chỉ cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc con đường đấu tranh giải phóng, giành thống nhất, độc lập, tự do cho dân tộc.

2. Đối với các dân tộc châu Á, cũng như với các dân tộc khác trên toàn thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; học thuyết V. I. Lê-nin giống như mặt trời đưa lại nguồn sáng mới. V. I. Lê-nin rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc châu Á, coi đó là bộ phận hợp thành không thể tách rời của cuộc đấu tranh của quần chúng lao động toàn thế giới chống lại đế quốc áp bức. Người chỉ rõ, sự thức tỉnh của châu Á và bước đầu đấu tranh giành chính quyền của giai cấp vô sản tiên tiến châu Âu đánh dấu giai đoạn mới của lịch sử toàn thế giới. Năm 1913, V. I. Lê-nin viết: Toàn thể châu Âu ở địa vị chỉ huy, toàn thể giai cấp tư sản châu Âu đang câu kết với tất cả lực lượng phản động và các lực lượng thời trung cổ ở Trung Quốc. Nhưng toàn bộ châu Á trẻ trung, tức là hàng trăm triệu quần chúng lao động ở châu Á, có bạn đồng minh vững chắc là giai cấp vô sản tất cả các nước văn minh. Không có một lực lượng nào trên thế giới lại có thể ngăn chặn. Thắng lợi của giai cấp vô sản sẽ giải phóng cả các dân tộc châu Âu và cả các dân tộc châu Á.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh quốc tế xuất hiện nhiều nhân tố mới, với tư duy mới, V. I. Lê-nin đã nêu ra khả năng phát triển không theo con đường tư bản chủ nghĩa đối với các nước lạc hậu. Người khẳng định: “… Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(2). Tư tưởng đó của V. I. Lê-nin có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức to lớn đối với các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Trước hết, chúng ta chứng kiến các nước Trung Á trong Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết với sự giúp đỡ anh em của nước Nga đã từ chế độ tiền tư bản chủ nghĩa, thậm chí tiền phong kiến bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Thứ hai, chúng ta chứng kiến nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ cũng đi theo con đường đó và đạt được những thành tựu vô cùng tốt đẹp. Thứ ba, chúng ta chứng kiến Việt Nam, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cu-ba và một số nước khác cũng chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa với những thành công bước đầu rất đáng khích lệ.

Thực tế lịch sử này đã minh chứng ảnh hưởng to lớn của tư tưởng của V. I. Lê-nin đối với phương Đông. Và không chỉ như thế, ông chỉ rõ: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi một dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(3). Trong Thư gửi những người Cộng sản A-déc-bai-gian, Gru-di-a, Ác-mê-ni-a,…V. I. Lê-nin viết: “… Những người cộng sản ở Cáp-ca-dơ cần hiểu được những nét đặc thù của hoàn cảnh của họ, khác với hoàn cảnh và những điều kiện của Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga, là họ hiểu được rằng họ không cần phải sao chép y nguyên sách lược của chúng tôi, mà cần thiết phải cải biến sách lược đó một cách có suy nghĩ chín chắn cho phù hợp với những điều kiện cụ thể khác nhau”(4). Những tư tưởng này của V. I. Lê-nin toát ra hai điểm cơ bản: Một là, tất cả các dân tộc đều tiến lên chủ nghĩa xã hội với những quy luật chung của nó. Hai là, làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi những người cộng sản phải nắm đúng, đầy đủ, sâu sắc những đặc thù của dân tộc mình.

Việt Nam là một quốc gia ở phương Đông, trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài bị tàn phá hết sức nặng nề, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta quyết tâm đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc điểm đặc thù của nước ta là, từ hình thái kinh tế - xã hội của một nước thuộc địa, nửa phong kiến trải qua cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, mặc dù chế độ mới đã đem lại quyền tự do, dân chủ chưa từng có cho nhân dân, nhưng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta chưa hoàn thiện. Ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, tư tưởng tiểu nông vẫn nặng nề trong xã hội. Chế độ tập trung quyền lực cao độ là hết sức cần thiết trong kháng chiến nhưng di sản của nó vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt dân chủ trong thời bình.

Về điều này, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, tự mãn với những kết quả ban đầu trong tiến trình mở rộng dân chủ. Đối với Người, xây dựng và thực hành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp lâu dài của cách mạng nước ta. Thậm chí, Người còn coi đây còn là một cuộc đấu tranh liên tục, kiên trì và hết sức phức tạp. Vấn đề này, trước đây, V. I. Lê-nin đã từng chỉ rõ: trong xã hội có giai cấp, không có và tuyệt đối không thể có một nền dân chủ chung chung, phi giai cấp, ngoài giai cấp. Càng không thể có nền “Dân chủ thuần túy”. Ông cho rằng, bọn Sai-đê-man và bọn Cau-xky nói, “dân chủ thuần túy” hay ”dân chủ” nói chung để lừa bịp quần chúng và che giấu - không cho họ thấy tính chất tư sản của nền dân chủ (5). Ông nhấn mạnh: “Chế độ dân chủ thuần túy” chẳng qua chỉ là một câu nói giả dối của một kẻ thuộc phái tự do tìm cách lừa bịp công nhân. Và, V. I. Lê-nin yêu cầu người mác-xít phải biết phân biệt dân chủ của ai và vì ai? Tự do đối với ai? và vì ai?. “Tự do đối với bọn bóc lột có nghĩa là nô lệ đối với người bị bóc lột. Dưới chế độ tư bản liệu có thể có bình đẳng giữa người bị bóc lột và kẻ đi bóc lột không?”. Câu trả lời tất nhiên là: “Không!”(6). V. I. Lê-nin quả quyết, dân chủ tư sản có nghĩa là “bảo hộ phe thiểu số”, tức là thiểu số giai cấp tư sản”(7).

V. I. Lê-nin không những là nhà lý luận vĩ đại, Người còn là một lãnh tụ, là nhà hoạt động thực tiễn thiên tài, đầy bản lĩnh: luận chiến, thuyết giảng, tổ chức cán bộ, tổ chức sự kiện... Đơn cử một trong những hoạt động thực tiễn ấy là tổ chức Quốc tế Cộng sản của những nhà cách mạng do chính V. I. Lê-nin sáng lập năm 1919. Chính thông qua hoạt động của Quốc tế Cộng sản đã từng bước trang bị cho những người lao động ở các nước tư bản và các nước thuộc địa tư tưởng giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc; qua đó, giúp họ đoàn kết lại vùng lên tự giác đấu tranh vì lẽ công bằng và giành lấy tự do và độc lập.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhớ lại điều này. Đó là vào tháng 7-1920, lần đầu tiên Người đọc: “Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo “Nhân đạo” (Pháp). Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta (8).

Ngoài ra, chính Quốc tế Cộng sản đã gánh vác nhiệm vụ quan trọng là đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng quốc tế. Nhiều năm làm việc tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này và với tính cương nghị cùng với chí hướng của Người, chỉ trong một thời gian ngắn, một đội ngũ ưu tú những chiến sĩ đấu tranh vì tự do và độc lập của cách mạng Việt Nam đã được đào tạo. Họ là những chiến sĩ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đã lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trở thành những nhà lãnh đạo nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi V. I. Lê-nin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi V. I. Lê-nin là một người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa… Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi.., các dân tộc phương Đông đã coi V. I. Lê-nin là hiện thân của tình anh em bốn bể. Không những họ biết ơn Người mà còn tha thiết yêu mến Người. Họ tôn kính Người...

Đến đây, xin trở lại luận điểm đặc sắc của Người: Toàn bộ châu Á trẻ trung, tức là hàng trăm triệu quần chúng lao động ở châu Á, có bạn đồng minh vững chắc là giai cấp vô sản ở tất cả các nước văn minh. Không có một lực lượng nào trên thế giới lại có thể ngăn chặn. Dự báo này được kiểm chứng hoàn toàn đúng với thực tế lịch sử đã diễn ra trong nửa sau của thế kỷ XX: Trên thế giới có hơn một chục Đảng Cộng sản cầm quyền, hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, đủ sức kiềm chế mọi hành động đơn phương, hiếu chiến, chống phá cách mạng của chủ nghĩa đế quốc. Cũng chính bởi sự tồn tại của hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, hàng trăm dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, làm tan rã chủ nghĩa thực dân mới. Ghi vào lịch sử thế giới những trang vàng về sự hình thành và phát triển của phong trào không liên kết trên phạm vi toàn cầu; là thành tựu to lớn của các Đảng Cộng sản cầm quyền trong thế kỷ XX. Chính những người cộng sản, trước hết là các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa được soi sáng bởi tư tưởng của V. I. Lê-nin đã ghi tạc những dấu son chói lọi vào tiến trình phát triển của văn minh nhân loại.

Nhưng thật trớ trêu là vì sao khi đạt đến đỉnh cao thì Liên Xô tan rã (1991)?. Trả lời câu hỏi này, đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công trình khảo cứu lý giải. Trong đó, có cả những ý kiến của của chính người trong cuộc - những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô. Về nguyên nhân của sự tan rã, tất nhiên có hoạt động chống phá của các thế lực chống Cộng quốc tế thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”; nhưng đó không phải là nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ yếu. Chính là thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng và không có cơ chế để giám sát quyền lực hữu hiệu; đặc biệt là thiếu cơ chế giám sát hoạt động của những người lãnh đạo Đảng Cộng Liên Xô, làm cho Đảng “tuy đông về số lượng” với hàng chục triệu đảng viên, “nhưng kém về chất lượng”. Và cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng mà các thành viên trong tổ chức có quan hệ với nhau lỏng lẻo, Đảng mất sức sống, mất sức chiến đấu.

Như vậy, có thể khẳng định, chính sự thấm nhuần và trung thành với những tư tưởng bất hủ của V. I. Lê-nin, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng vô sản và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên một Liên bang Xô viết, một hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hùng cường với sứ mệnh lịch sử không gì có thể thay thế được đưa lịch sử nhân loại tiến những bước dài tới thịnh vượng, giàu có, độc lập, tự do và hòa bình ở thế kỷ XX. Và, chính sự xa rời những tư tưởng cách mạng bất hủ của V. I. Lê-nin, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết, của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Không chỉ có thể, nó còn đưa đến hậu quả nặng nề là phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng, thoái trào. Đây là bài học xương máu mà những người mác-xít, những Đảng Cộng sản không thể không ghi nhớ một cách sâu sắc./.

------------------------

(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1974, t. 4, tr. 232

(2) Dẫn theo: Viện Mác - Lê-nin: Chủ nghĩa Lê nin và công cụộc đổi mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb. Thông tin lý luận, H.1990, tr.45

(3) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M. 1981, t. 30, tr. 159 - 160

(4)V. I. Lê-nin: Sđd, 1978, t. 43, tr. 236

(5) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1978, t. 37, tr. 479, 304

(6) V. I. Lê-nin: Sđd, 1979, t. 39, tr. 301

(7) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M. 1978, t. 37, tr. 308

(8) Hồ Chí Minh: Về Lê-nin và chủ nghĩa Lê-nin, Nxb. Sự thật, H.1977, tr. 73

(9) Xvet-la-na Mac-tưn-chúc: Lê-nin nói về chủ nghĩa Mác, Nxb. APN, M. 1987, tr.105 - 106