Quân chủng hải quân với trọng trách bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong điều kiện mới
Chủ động bảo vệ và giữ vững chủ quyền trên các vùng biển, đảo gắn với tăng cường hợp tác quốc tế, giải quyết tốt tranh chấp trên biển thông qua thương lượng, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, chủ động hội nhập là nhiệm vụ vẻ vang của Quân chủng Hải quân.
Biển, đảo, thềm lục địa - một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc
Biển và đại dương chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới và được coi là "Không gian sinh tồn" của nhân loại trong tương lai. Do vậy, tiến ra biển để khai thác và làm chủ biển là một xu thế tất yếu, đã trở thành chiến lược vươn lên của nhiều quốc gia. Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, vùng biển rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ gần bờ và xa bờ, chạy suốt từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh Thái Lan. Đặc biệt, có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên và tiềm năng kinh tế của vùng biển nước ta có tầm quan trọng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận thấy vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước và đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển, đảo; phấn đấu đến năm 2020, đưa nước ta trở thành một nước mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển đất nước.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là nguyện vọng, tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị, mà Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Xác định trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang này, hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong toàn Quân chủng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ trung ương đến các địa phương và nhân dân cả nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; chủ động đề xuất với Đảng giải quyết tốt các tranh chấp trên biển thông qua thương lượng, góp phần giữ vững ổn định và tăng cường tình đoàn kết với các quốc gia trong khu vực.
Hải quân nhân dân Việt Nam - lực lượng nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên các vùng biển, đảo
Là lực lượng nòng cốt, Quân chủng Hải quân chủ động bảo đảm và thường xuyên duy trì lực lượng thường trực tại các khu vực biển trọng điểm, nêu cao ý thức cảnh giác, sẵn sằng chiến đấu, sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống, nhất là đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền; tổ chức nhiều đợt tuần tiễu, trinh sát, phối hợp với các lực lượng liên quan để quản lý các vùng biển; đặc biệt, đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tổ chức lực lượng, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, linh hoạt, khôn khéo, đúng đối sách, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa trong mọi tình huống.
Quân chủng Hải quân kịp thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hoạt động trên biển của bộ đội biên phòng, lực lượng vũ trang các quân khu ven biển, hải quan... đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển, ngăn chặn kịp thời và đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển và bảo vệ môi trường, sinh thái, làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển.
Quân chủng Hải quân chủ động khắc phục khó khăn về phương tiện, trực tiếp tổ chức các điểm và lực lượng thường trực, cảnh báo kịp thời về tình hình thời tiết; trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân phòng tránh bão, lũ kịp thời; tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trên các vùng biển xa mà các lực lượng khác không có khả năng tới được.
Quân chủng tham gia toàn diện, có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo; tạo thêm động lực cho các ngành, các địa phương phát triển kinh tế biển, như: nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ cảng, vận tải biển, dịch vụ bảo vệ thăm dò, khai thác dầu khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện thủy, dịch vụ du lịch biển và ven biển, trồng rừng trên các đảo và ven biển; tham gia biên vẽ hải đồ, điều tra, khảo sát, nghiên cứu các đề tài khoa học về kinh tế biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.
Đẩy mạnh tuyên truyền và hợp tác quốc tế trong bảo vệ và khai thác biển
Quân chủng Hải quân chủ động đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm việc và ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với 37 tỉnh, thành phố và Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng thời đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai toàn diện, có chiều sâu công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, phù hợp. Công tác này đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là các địa phương ven biển về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tích cực, chủ động triển khai hoạt động đối ngoại quân sự trên nhiều hướng, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, đến nay, Hải quân đã tham mưu cho các ban, ngành tham gia đàm phán, đi đến ký kết các hiệp định về vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia, thỏa thuận khai thác chung với Ma-lai-xi-a; phân định ranh giới biển với Thái Lan; phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá với Trung Quốc; phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a; ký kết các thỏa thuận về tuần tra chung trên biển với hải quân các nước Trung Quốc, Thái Lan và Cam-pu-chia, thiết lập đường dây thông tin nóng với hải quân 3 nước trên và với Hải quân Phi-lip-pin; tổ chức đón tiếp nhiều đoàn cán bộ quân sự cao cấp, của các nước trong khu vực và trên thế giới đến thăm, đồng thời cử nhiều đoàn cán bộ hải quân đi thăm, làm việc, hội nghị, hội thảo... với các nước trong khu vực và thế giới, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, tinh nhuệ và hiện đại
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và hoàn thành nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang tập trung triển khai nghiêm túc, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp:
- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Tập trung lãnh đạo xây dựng Quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn Quân chủng. Chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng những vấn đề cơ bản về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và triển khai thực hiện nghiêm túc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng mọi yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các lực lượng trong toàn Quân chủng và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam với tư cách là lực lượng nòng cốt sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của Trung ương, các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có chiều sâu chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo theo hướng thiết thực, hiệu quả, kết hợp với đẩy mạnh phong trào “Vì biển, đảo quê hương”, nhất là phong trào “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.
- Chủ động đẩy mạnh xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển, cả lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... tương xứng với tầm quan trọng của biển. Phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng lực lượng chuyên trách, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, trong đó tập trung xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam có cơ cấu tổ chức hợp lý, đủ thành phần lực lượng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trên biển. Tập trung xây dựng các cụm lực lượng hải quân, vùng hải quân mạnh, làm chỗ dựa vững chắc, cầu nối giữa đất liền và biển, đảo. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý biển, đảo trong thời bình và bảo đảm tác chiến thắng lợi trong thời chiến. Kết hợp chặt chẽ với các ngành kinh tế và các địa phương, nhất là các cơ sở công nghiệp, các tập đoàn công nghiệp dân sự để kiện toàn và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hải quân như cầu cảng, sân bay, kho tàng, trạm xưởng, hệ thống thông tin trinh sát, quản lý vùng trời, vùng biển... Tận dụng tối đa những thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới để nghiên cứu, phát triển, đổi mới hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao về chất vũ khí, khí tài, khả năng phòng thủ và các trang thiết bị của Hải quân nhân dân Việt Nam.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về biển, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến từng bộ, ngành, tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho phát triển kinh tế và quản lý, bảo vệ biển một cách có hệ thống và bền vững. Đẩy mạnh hơn nữa quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề bất đồng về biên giới lãnh thổ trên biển và về ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế với các nước láng giềng. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương trên biển trong khuôn khổ của luật pháp và phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 mà nước ta đã ký kết. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự của Quân chủng theo hướng đa dạng, tích cực và chủ động. Từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Hải quân nhân dân Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.
Biển Đông và các vùng biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nơi có nhiều nguy cơ gây mất ổn định, uy hiếp chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của ta, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng và kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, pháp lý, ngoại giao, quân sự. Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông và các chiến công đã giành được trong kháng chiến chống Mỹ, Hải quân nhân dân Việt Nam hiện đang phấn đấu nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Công đoàn phải phát huy vai trò tích cực của mình trong xây dựng giai cấp công nhân*  (03/11/2008)
Công đoàn phải phát huy vai trò tích cực của mình trong xây dựng giai cấp công nhân*  (03/11/2008)
Phát triển kinh tế vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế  (03/11/2008)
Phát triển kinh tế vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế  (03/11/2008)
Mưa lũ làm 49 người chết, nhiều tuyến đê hư hỏng nặng  (03/11/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên