TCCSĐT - Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyên môn, thường xuyên của công tác này chính là ở tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Do đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn viên, hội viên và tổ chức đoàn thể, nhất là ở cơ sở cần được quan tâm củng cố nhiều hơn. Đó cũng là bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác dân vận ở tỉnh Đồng Nai trong những năm qua.

Trước hết phải làm cho dân tin

Huyện Vĩnh Cửu là một trong những huyện có truyền thống làm tốt công tác dân vận của tỉnh Đồng Nai. Hằng năm, cứ vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm Ngày Dân vận 15-10, khối vận huyện và các xã, thị trấn chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang, đoàn thể về giúp dân. Vừa rồi, khối vận huyện phối hợp với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn về hai xã Phú Lý và Hiếu Liêm để cùng nhân dân làm đường nông thôn, dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa nhà cửa... Khối vận huyện cũng phối hợp với Công an huyện tổ chức mạn đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận.

Nhiều cán bộ có kinh nghiệm cho rằng, nếu hoạt động của các tổ chức đoàn thể năng động, sáng tạo và đem đến quyền lợi cho hội viên thì số lượng hội viên tham gia sinh hoạt sẽ tăng lên và góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn thể.
Đồng chí Phạm Trọng Nhân, Trưởng khối vận xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) cho biết, khi tỉnh, huyện có chủ trương chuyển đổi trồng lúa và các hoa màu khác sang cây bắp lai trong vụ đông - xuân thì xã rất lo, vì phần đông bà con chưa sẵn sàng ủng hộ. Trong khó khăn này, các đoàn thể đã thể hiện tốt vai trò vận động của mình. Từ chủ trương của khối vận, các hội, đoàn thể đã vào cuộc vận động đoàn viên, hội viên của mình hiểu rõ về lợi ích của chủ trương này. Hiện tại, xã đã thành lập được 8 câu lạc bộ năng suất cao với 463 hội viên. Đặc biệt, Câu lạc bộ Cây bắp lai, thông qua hoạt động sản xuất trên diện tích 358 héc-ta đã "sản sinh" ra nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhiều hộ có thu nhập từ 100 đến 400 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, số nông dân tự nguyện tham gia Câu lạc bộ cũng tăng lên.

Ở huyện Định Quán, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, nhiều người tự nguyện đến với Hội và trở thành những cán bộ, hội viên nòng cốt. Những cán bộ, hội viên tích cực ấy tích cực cứu giúp những cảnh đời éo le, bất hạnh. Từ những sự đồng cảm, chia sẻ ấy đã tác động rất tích cực và thu hút được thêm nhiều người vào Hội một cách tự nguyện.

Xã Phú Lâm, huyện Tân Phú lại có cách làm hay là, cấp ủy chỉ đạo cho các cán bộ đoàn thể thường xuyên tiếp cận, phối hợp với các vị chức sắc, chức việc tôn giáo. Từ những cuộc tiếp xúc, vận động ấy, nhiều chủ trương, chương trình hành động của địa phương như: xã hội hóa giao thông nông thôn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, vận động bà con tham gia bầu cử, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước... đã được các chức sắc, chức việc ủng hộ và tuyên truyền, vận động giáo dân cũng tích cực hưởng ứng, tham gia.

Thực tiễn họat động của hệ thống dân vận ở nhiều địa phương trong tỉnh đã cho thấy, Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, hội viên; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thi đua sản xuất góp phần thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

Tổ chức hội, đoàn thể đóng vai trò quan trọng

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, qua triển khai bước 1 và bước 2 Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", có thể thấy, nơi tổ chức có hiệu quả là nơi vai trò của tổ chức hội, đoàn thể được phát huy tốt. Kinh nghiệm ở huyện Xuân Lộc là, Đảng bộ lãnh đạo, chỉ đạo, phân công phân nhiệm cụ thể cho các tổ chức hội, đoàn thể; các tổ chức này tích cực vận động đoàn viên, hội viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Qua đó, nhiều hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi đã vận động con cháu mình sống có ích, không vi phạm pháp luật, không dính vào tệ nạn xã hội.
 
Các cán bộ Đoàn thanh niên ở các trường học cũng đã làm tốt vai trò vận động học sinh học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, kể những mẩu chuyện hay về Bác cho nhau nghe; học làm theo Bác những việc có ích, có ý nghĩa.
 
Cách làm của Hội Phụ nữ xã Suối Trầu, huyện Long Thành cho thấy vai trò của tổ chức Hội rất quan trọng nếu được phát huy tốt. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, chính Hội phụ nữ đã chủ động đề nghị các trường học trong xã tổ chức cho học sinh học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ thông qua các câu chuyện kể vào mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ. Kết quả bước đầu cho thấy, các cháu nhỏ đã ý thức hơn trong việc chăm lo học tập, không đánh lộn chửi thề, đi trên đường rất nề nếp, trật tự.

Nét riêng của khối vận xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất lại là chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên có chất lượng. Bởi vì, theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tân, Trưởng khối vận xã, chất lượng cán bộ, đoàn viên, hội viên thế nào thì phong trào thế ấy. Vì vậy, hằng tháng, hằng quý, thông qua các cuộc họp nhân dân, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn chủ động rà soát, tìm những quần chún thể. Nghị quyết của cấp ủy và chương trình hành động của khối vận cũng luôn đề ra chỉ tiêu cụ thể cho phát triển đoàn viên, hội viên, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể. Nhờ vậy, tỷ lệ quần chúng vào các hội, đoàn thể ở Gia Tân 2 đạt khá. Nhiều phong trào từ đó cũng được triển khai thực hiện thuận lợi, có hiệu quả.

Tương tự, ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, việc phát triển đoàn viên, hội viên và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể cũng được quan tâm đặc biệt. Khối vận xã điều tra, khảo sát tình hình quần chúng trong độ tuổi, ngành nghề, giới để giới thiệu kết nạp vào tổ chức đoàn thể. Ngược lại, tổ chức đoàn thể luôn xác định, muốn hoạt động tốt, phải chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt, thu hút hội viên, đoàn viên tham gia, và có như vậy thì mới được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ. Kinh nghiệm ở xã Tân Bình còn cho thấy, quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên phải được gắn kết thì hoạt động của tổ chức mới mạnh.

Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác dân vận ở tỉnh Đồng Nai trong những năm qua càng khẳng định, việc nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn viên, hội viên và tổ chức đoàn thể, nhất là ở cơ sở, cần được quan tâm, củng cố nhiều hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt, phải chú ý nâng cao số lượng và chất lượng của đoàn viên, hội viên trong khu vực ngoài quốc doanh, vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để làm được điều đó, công tác dân vận ở Đồng Nai đang tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đơn vị, địa phương.

- Tập trung triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nội dung, hình thức phù hợp từng đối tượng quần chúng, đem lại hiệu quả thiết thực, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng đoàn viên, hội viên.

- Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nhất là việc tổ chức thực hiện pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và nghị định về quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn./.