Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long
Khẳng định vị trí chiến lược của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người lao động. Để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách này, báo chí, đặc biệt là hệ thống báo Đảng tại địa phương có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền.
Việc tuyên truyền trên hệ thống báo Đảng nhằm mục đích giúp nông dân nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nắm bắt, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần cải thiện đời sống, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững. Báo chí còn có nhiệm vụ phản ánh thực tế cuộc sống của người lao động tại địa phương, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, những vấn đề tồn đọng chưa giải quyết,… giúp cho những người làm công tác quản lý, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể nhìn nhận một cách thấu đáo về thực tế đời sống của người dân nông thôn, từ đó tham mưu cho Đảng ban hành những chủ trương, quyết định cụ thể, phù hợp với thực tế, giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, từng bước tham gia hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa của đất nước.
Trong thời gian qua, hệ thống báo Đảng ở các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL (trong giới hạn bài viết chỉ khảo sát các báo Đồng Tháp, Đồng Khởi, Cần Thơ) đã dành một vị trí nhất định trên mặt báo cho các vấn đề về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, tuy nhiên, có lẽ vẫn là chưa đủ.
Kết quả đạt được
Về nội dung tuyên truyền, với định hướng là tập trung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, các báo đã dành nhiều chuyên trang, chuyên mục cho các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Báo Đồng Tháp tập trung làm rõ các nội dung và mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, chính người dân ở nông thôn đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai và tổ chức thực hiện chương trình Xây dựng nông thô mới, cụ thể: tham gia góp ý giám sát thực hiện quy hoạch, chủ động thực hiện các tiêu chí về nhà ở, công trình vệ sinh, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao đời sống cho chính người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí theo hướng dẫn của Chính phủ. Những tổ chức và cá nhân điển hình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, như hiến đất làm đường, cất trường học, đóng góp tiền, công sức làm cầu đường nông thôn... đã được phản ánh trên báo Đồng Tháp, tạo thành những mô hình mới, cách làm hay được các địa phương khác làm theo. Ngoài ra, báo còn giới thiệu về mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, những cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới, cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Báo Đồng Tháp còn có cả chuyên mục “Kinh nghiệm làm giàu” phản ánh những mô hình làm ăn của nông dân trong và ngoài tỉnh, như mô hình nuôi rắn, trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, nấm bào ngư... Nhiều mô hình được nông dân áp dụng hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Tiếp thu nhanh chóng những chủ trương, quyết sách lớn của Nhà nước ban hành, báo Cần Thơ đã đã thông tin kịp thời các cuộc họp, công tác triển khai, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Cùng với các nội dung trên, những cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước và cả ở cấp độ Trung ương cũng được báo Cần Thơ tuyên truyền một cách nhanh nhất đến độc giả, nhằm giúp các ngành hữu quan sớm rút kinh nghiệm, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Bên cạnh đó, báo còn lồng ghép đăng tải Bộ tiêu chí quốc gia và Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về nông thôn mới; những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề khó khăn cũng như những mô hình, điển hình hay để các địa phương rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Cùng với những thông tin, số liệu, sự kiện phản ánh kết quả của phong trào, các bài viết còn nêu lên những vấn đề bất cập, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng trong bộ tiêu chí Chính phủ ban hành về xây dựng nông thôn mới. Nhiều bài viết đã tập hợp, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, đặc biệt là sức mạnh của giai cấp nông dân trong quá trình thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ở Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.
Với đặc thù là tỉnh thuần nông, báo Đồng Khởi tỉnh Bến Tre thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ tuyên truyền của mình, trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên mặt báo đã có chuyên trang “Nông - Lâm - Ngư” chuyên tuyên truyền về 3 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng, báo Đồng Khởi đã chuyển chuyên mục “Nông - Lâm - Ngư” thành chuyên mục “Nông thôn ngày nay”. Khi Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2011 báo Đồng Khởi tăng thêm chuyên mục “Nông thôn mới”. Cả hai chuyên mục trên đều tập trung tuyên truyền chủ trương, giải pháp của địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; công tác xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; các loại dịch bệnh nguy hiểm và biện pháp phòng trừ dịch bệnh; quản lý cộng đồng trong vùng sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều nội dung khác của quá trình xây dựng nông thôn mới. Trên chuyên mục kinh tế của báo cũng tập trung tuyên truyền về tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh như: chủ trương thu hút vốn đầu tư, thu hút nguồn lực trong nhân dân, chính sách phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, văn hóa - xã hội; đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án kinh tế, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm… Tập trung phản ánh các mô hình và gương điển hình làm kinh tế giỏi, thông tin về gói hỗ trợ cho người trồng dừa; tuyên truyền cách phòng bệnh, công tác kiểm tra giám sát, khống chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và nông, thủy sản; tuyên truyền các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn; các hoạt động của các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, chống hàng gian, hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khởi công xây dựng, khánh thành các công trình giao thông tỉnh, xây dựng nông thôn mới…
Về hình thức và phương thức tiến hành, báo Đồng Tháp thường dành khoảng 43% tổng tiện tích “đất” của mình cho các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ tháng 4-2011, báo Đồng Tháp thực hiện thêm chuyên trang “Xây dựng nông thôn mới”, mỗi tháng ra một kỳ vào ngày thứ Sáu của tuần cuối tháng. Chuyên trang do các doanh nghiệp tài trợ. Đến nay, báo Đồng Tháp đã thực hiện được 24 kỳ chuyên trang “Xây dựng nông thôn mới” với 72 bài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài việc đăng tải các tin bài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các chuyên mục rải rác khắp mặt báo, từ ngày 12-01-2011, báo Cần Thơ chính thức khởi đăng chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” trên trang 5. Chuyên mục này định kỳ xuất hiện trên trang 5 vào ngày thứ 4 của tuần thứ II và tuần thứ IV hằng tháng. Nội dung của chuyên mục này phản ánh khá sinh động phong trào xây dựng nông thôn mới ở thành phố Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL. Ngoài ra, báo còn xây dựng chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” trên báo điện tử Cần Thơ tại địa chỉ http://www.baocantho.com.vn.
Báo Đồng Khởi số phát hành thứ tư có chuyên trang về nông thôn mới, số phát hành thứ sáu có chuyên trang về nông thôn ngày nay. Ngoài ra, chuyên mục “Tiếng nói người dân” chiếm diện tích 1/2 trang 3, phản ánh những vấn đề thắc mắc của người dân được các cơ quan có thẩm quyền trả lời cũng là một diễn đàn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kể từ khi cả nước thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, báo Đồng Khởi có nét đặc thù riêng cả về hình thức, phương thức tiến hành tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ký hợp đồng với Tòa soạn báo Đồng Khởi mở chuyên trang tuyên truyền Chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi tháng đăng 4 kỳ, mỗi kỳ đăng 1 trang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mua 250 tờ báo với tổng giá trị hợp đồng là 192.000.000 đồng, phát hành trong các đơn vị trực thuộc Sở, các chuyên mục đã thông tin kịp thời đến bạn đọc về hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả; các cuộc hội thảo; hội nghị chuyên đề; tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới nhằm giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh phương thức phát hành báo in, các chuyên mục “Nông thôn ngày nay”, “Xây dựng nông thôn mới” cũng được xuất hiện trên báo Đồng Khởi điện tử tại địa chỉ website http://www.baodongkhoi.com.vn
Và những vấn đề đặt ra
Bên cạnh thành tựu đạt được trong việc tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở ĐBSCL vẫn còn rất nhiều thách thức.
Thứ nhất, có những nhà báo viết mảng đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng nhìn về nó với ánh mắt hời hợt, thiếu quan tâm tới những khó khăn, vướng mắc mà người nông dân đang đối mặt… Thậm chí, đôi lúc còn đưa những thông tin thất thiệt gây hại cho nông dân (như các vụ việc báo chí đưa thông tin sai sự thật về các sản phẩm nông nghiệp có chất độc gây ung thư, nhiễm chì, nhiễm chất hóa học)… khiến hàng ngàn nông dân sống dở chết dở. Mặt khác, thực tế những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được phản ánh qua báo chí vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Chưa có nhiều tác phẩm báo chí có nội dung phong phú, phản ánh sinh động đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, như bàn về mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp cơ chế thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tín dụng trong nông nghiệp, các gương và mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, nét văn hóa và sinh hoạt ở nông thôn... Chưa có nhiều bài viết nêu bật những vấn đề được dư luận quan tâm như xây dựng nông thôn mới, phát triển nghề cá gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, cách thức làm giàu...
Thứ hai, nhiều vấn đề cấp bách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa được phản ánh kịp thời. Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để báo chí trở thành hơi thở và cuộc sống của bà con nông dân? Đi tìm câu trả lời ấy có phần trách nhiệm lớn thuộc về các nhà báo. Thực tiễn những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất cần báo chí phải đưa ra được những đề xuất, kiến nghị, lý giải, mổ xẻ phân tích xác đáng. Ví dụ: Vì sao chúng ta là nước xuất khẩu gạo đứng hàng nhất, nhì thế giới, giá gạo hiện nay đang ở mức cao nhất so với những năm qua, nhưng người nông dân hầu như không nhận được phần tương ứng với sức lao động của mình. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, một phần lớn nông dân phải rời khỏi nông thôn, họ sẽ cư trú ở đâu trong đô thị ngày mai, họ sẽ làm gì để trở thành tầng lớp thị dân mới? Làm sao để cuộc sống của người dân gắn với công ăn việc làm ổn định, được học hành và hưởng các dịch vụ kèm theo? Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách của các vùng quê nông thôn với thành thị? Làm sao để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các làng quê? Làm thế nào để nông thôn tạo được công việc mới, có điều kiện phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ mang lại thu nhập và nâng cao đời sống văn hóa ngày một khá lên cho người nông dân?...
Thứ ba, làm thế nào để nông dân tiếp cận được nhiều hơn với báo chí, với thông tin là vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra. Nhìn một cách tổng thể, công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền trên báo Đảng nói riêng về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, có rất ít bài viết đi sâu phản ánh thực tiễn, nhất là những bài phản ánh mặt tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thậm chí trong chừng mức nào đó còn chưa kịp thời phản ánh những vấn đề nóng bỏng, bức thiết đặt ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn…
Thứ tư, những khó khăn về kinh phí của các cơ quan báo Đảng và năng lực của người làm báo Đảng đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Cụ thể, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thêm các chuyên mục trong chuyên trang tuyên truyền về tam nông, xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư về nội dung trên các mặt báo còn nghèo nàn, ít thông tin mới, nhất là báo điện tử do chế độ công tác phí, nhuận bút cho các nhà báo còn thấp. Việc đưa báo Đảng, nhất là những số báo có chuyên đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới một cách liên tục đến cơ sở (cấp xã) và nông dân… còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một khó khăn lớn cũng phải nói đến là nguồn nhân lực. Lực lượng phóng viên vừa yếu lại thiếu, vừa phải đảm nhiệm những lĩnh vực tuyên truyền khác như: công nghiệp, thương mại - dịch vụ, môi trường, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn,… Trình độ hiểu biết không chuyên, vì đa số phóng viên tốt nghiệp ngữ văn, báo chí và các chuyên ngành khác, hầu hết họ lại chưa được tập huấn chuyên sâu, phần lớn chủ yếu họ tự trang bị kiến thức, tự tìm hiểu…; chưa được đào tạo một cách bài bản nên đôi lúc nhiều bài viết chưa phản ánh thật sâu sắc, sinh động và có tính hệ thống… Vì vậy, hầu hết các bài viết còn nặng yếu tố chính trị, cách thức thông tin tuyên truyền đơn giản, chủ yếu là thông tin khai thác số liệu báo cáo nên hiệu quả tác động chưa cao. Để thực hiện những tác phẩm báo chí về chủ đề tam nông thật sự thiết thực, phong phú, hiệu quả hơn nữa, đội ngũ nhà báo viết chuyên về vấn đề này rất cần được bổ sung kiến thức nền tảng, chuyên sâu liên quan đến nội dung nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở ĐBSCL
Một là, về mặt kỹ thuật, chủ động nắm vững nội dung tuyên truyền để xây dựng những chương trình, kế hoạch tuyên truyền cụ thể. Có thể điều chỉnh lại một số chuyên mục về “Nông thôn mới”, “Nông thôn ngày nay”, “Xây dựng nông thôn mới” tập trung thành một chuyên trang “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Tăng cường những bài viết sâu, phản ánh đúng thực tiễn, nhất là phản ánh những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đồng thời phản ánh những vấn đề bức xúc của người nông dân cùng với những kiến nghị, đề xuất của họ. Bỏ bớt các bài phản ánh đơn thuần như trước đây để bổ sung các bài mang tính phân tích, đánh giá, hoặc những bài đặt viết, bài phỏng vấn các chuyên gia về tam nông; những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới; ngoài những chuyên mục sẵn có cũng cần bổ sung thêm một số chuyên mục gần gũi với nhà nông hơn như “Câu chuyện nông thôn”, “Tiếng nói nhà nông”, “Nhịp cầu nhà nông”… thể loại mẩu chuyện nêu lên những chủ đề mang tính thời sự nổi bật của người dân nông thôn.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần có sự thay đổi phương thức tuyên truyền trên các phương tiện báo chí. Ban Tuyên giáo tỉnh phải thực sự là đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm làm đầu mối, là trung tâm cho việc tuyên truyền, quy tụ các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh: báo Đảng tỉnh, đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để thống nhất chỉ đạo nội dung, thời lượng, phương thức tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng những chuyên trang, chuyên mục cụ thể, sống động. Có sự phân công trách nhiệm và phối hợp tốt vai trò, vị trí lãnh đạo giữa Ban Tuyên giáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan báo Đảng và bộ phận phát hành. Ban Tuyên giáo có trách nhiệm lãnh đạo chung; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nội dung tuyên truyền; cơ quan báo chí có nhiệm vụ thực hiện đổi mới các hình thức in ấn, phát hành bảo đảm báo sớm đến tay người đọc; Hội Nông dân tổ chức sinh hoạt cộng đồng các nội dung viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho bà con nông dân.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc tổ chức trao đổi, các tọa đàm, các giải báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực tế cho thấy, tại các buổi này thường có đầy đủ 4 nhà: Nhà nước (đại diện chính quyền các cấp), nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhất là lực lượng đông đảo các nhà nông, đây là cơ hội giao lưu rất có ý nghĩa, các thành viên tham dự hội thảo, tọa đàm đều có thể trao đổi trực tiếp những đề xuất, kiến nghị của mình…
Tiến hành phối kết hợp các loại hình báo chí. Cụ thể, như tổ chức thông tin thường xuyên qua hệ thống thông tin đại chúng bằng việc đẩy mạnh triển khai các loại tài liệu tuyên truyền trong nhân dân như tài liệu hỏi đáp, tài liệu bướm liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sổ tay xây dựng nông thôn mới. Tăng cường triển khai các loại hình tuyên truyền trực quan như panô, áp-phích... phát động và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới trong cán bộ và trong nhân dân. Tranh thủ các kênh thông tin là bản tin của các huyện, xã để đăng tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng các chương trình hành động của tỉnh, huyện… Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ vai trò của hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, nhất là vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, trước hết là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi,... thông qua các chuyên đề báo cáo tại các buổi hội, họp định kỳ.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là nâng cao trình độ các nhà báo. Tiến hành tổ chức tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận ứng dụng công nghệ mới trong quy trình làm báo theo hướng hiện đại đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Muốn có những bài viết hay, phóng viên phải gắn bó, lăn lộn với thực tiễn, trực tiếp ghi nhận, phản ánh đúng những vấn đề đang đặt ra. Từ đó, giúp các cơ quan tham mưu hoạch định nhiều chính sách kịp thời, tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Để phản ánh đầy đủ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở ĐBSCL trên báo Đảng, ngoài lực lượng nhà báo chuyên trách, cần xây dựng tốt hệ thống mạng lưới cộng tác viên cùng tham gia viết bài phản ánh thực tế, tiếp cận gần hơn với nông dân, nắm bắt được những thông tin phản hồi từ thực tiễn cơ sở để chuyển tải trên diễn đàn của các phương tiện truyền thông hiệu quả hơn. Lực lượng kỹ sư, cán bộ chuyên ngành về nông nghiệp, nông thôn ở địa phương, các nhà khoa học làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, các cán bộ tuyên truyền ở cơ sở… đều là những nguồn lực quý báu cần tận dụng để có những bài viết sinh động, ấn tượng.
Bốn là, giải quyết các nhu cầu về chính sách. Trước hết, cần có chính sách đãi ngộ đối với phóng viên, biên tập viên và các cộng tác viên chuyên viết về mảng đề tài tam nông. Vì đây là chủ đề rộng, đòi hỏi người viết phải lăn lộn với thực tế để bắt nhịp được với cuộc sống. Quá trình tác nghiệp như vậy rất tốn kém thời gian và kinh phí để tiếp cận thực tế. Bên cạnh đó, cũng rất cần phải hỗ trợ nguồn kinh phí cho các báo Đảng ở địa phương để tập trung cải tiến nội dung, hình thức, xây dựng mạng lưới phát hành đến các vùng sâu, vùng xa giúp người dân tiếp cận các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.
Báo chí Thái Lan bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/06/2013)
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei  (30/06/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phát huy thời cơ toàn cầu hóa để phát triển nhanh và bền vững  (30/06/2013)
Công điện khẩn về cơn bão số 3  (30/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay