1- Tiêu chuẩn đảng viên

Phần mở đầu Điều lệ Đảng do Đại hội X thông qua đã bổ sung cách diễn đạt về bản chất của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam;... .

Tuy vậy, ở khoản 1 Điều 1 nói về tiêu chuẩn đảng viên chỉ quy định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam...”

Đại hội đã bổ sung cách diễn đạt cho thống nhất với cách diễn đạt về bản chất của Đảng như đã nêu trên. Như vậy, Điều 1 được diễn đạt đầy đủ là:

"Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam".

2. Quy định về những điều đảng viên không được làm

Điều lệ Đảng Đại hội X chưa có quy định về những điều đảng viên không được làm. Nội dung này đang thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị. Điều lệ cần thể hiện chính thức vấn đề này.

Qua thảo luận, có 3 phương án có thể thể hiện trong Điều lệ:

- Nêu 1 khoản chung là đảng viên phải chấp hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm (nếu nêu tất cả những điều đảng viên không được làm vào Điều lệ Đảng thì Điều lệ sẽ rất dài và không bảo đảm tính chặt chẽ, khó sửa đổi khi cần thiết).

- Quy định trong Điều lệ Đảng một điều để thể hiện tính chặt chẽ và nghiêm minh của Điều lệ Đảng; trong đó cần nêu những điều đảng viên không được làm để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng trên cơ sở tinh gọn lại 19 điều đảng viên không được làm hiện nay.

- Không nhất thiết phải quy định về những điều đảng viên không được làm trong Điều lệ Đảng cũng như trong Quy định của Ban Chấp hành Trung ương hay Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà những điều đó cần thể chế hoá trong luật vì đảng viên cũng là công dân phải chấp hành luật pháp.

Ban Chấp hành Trung ương nêu 2 phương án để Đại hội lựa chọn là:

- Phương án 1: Bổ sung vào khoản 2, Điều 2 nội dung : đảng viên phải : "Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm".

- Phương án 2: Quy định rõ những điều đảng viên không được làm trong Điều lệ Đảng.

Đại hội đồng ý bổ sung vào khoản 2, Điều 2 nội dung : đảng viên phải: "Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm".

3- Về tính tuổi đảng của đảng viên

Trong thực tiễn thực hiện Điều lệ Đảng đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, khi đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên nên tính từ ngày ban hành quyết định kết nạp (hoặc ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp vào Đảng). Việc này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh ngày được kết nạp, tuyên thệ dưới cờ Đảng là ngày trọng đại nhất đối với đảng viên, mà còn có tác dụng động viên, khuyến khích đảng viên trong thời gian dự bị tích cực phấn đấu, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu để đủ điều kiện được công nhận là đảng viên chính thức. Vì vậy, trong Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đưa ra 2 phương án để Đại hội lựa chọn:

- Phương án 1: Sửa khoản 4, Điều 5 như sau : "Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp".

- Phương án 2 : Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội đồng ý sửa khoản 4, Điều 5 như sau : "Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp".

4. Về thành lập tổ chức cơ sở đảng

Khoản 2 Điều 21 Điều lệ Đảng hiện hành quy định: “ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị cơ sở trong quân đội, công an và các đơn vị cơ sở khác có từ 3 đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng”.

Để tránh tình trạng có quá nhiều tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy quận, huyện và tương đương, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa lại quy định này.

Điều này có thể sửa đổi như sau: “ở xã, phường, thị trấn có từ 3 đảng viên chính thức trở lên thì thành lập tổ chức cơ sở đảng. Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ 3 đảng viên chính thức trở lên thì lập tổ chức đảng; cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp ủy cấp trên nào cho phù hợp”.

Trong Đại hội XI đã nêu 2 phương án:

- Phương án 1: Sửa khoản 2, Điều 21 như sau : "ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp uỷ cấp huyện). ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp".

- Phương án 2: Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội đồng ý sửa khoản 2, Điều 21 như sau : "ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp uỷ cấp huyện). ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp".

5. Về nhiệm kỳ đại hội đảng ở những nơi thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập giữa nhiệm kỳ

Hiện nay, Điều lệ Đảng quy định: Đối với những trường hợp nêu trên thì “cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy lâm thời; chậm nhất trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định chỉ định, tổ chức đảng đó phải tiến hành đại hội; nếu kéo dài thêm thời gian phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý”.

Thực tiễn cho thấy luôn có việc chia tách, hợp nhất, sáp nhập một số tổ chức đảng giữa nhiệm kỳ. Do vậy, nếu nhiệm kỳ của các cấp ủy này cũng là 5 năm thì sẽ không khớp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và đa số các đảng bộ khác; phải đại hội nhiều lần chỉ với 2 hoặc 3 nội dung (ví dụ như trường hợp hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, hợp nhất các đảng bộ khối ở Trung ương, nếu không chỉ định cấp ủy chính thức thì tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các đảng bộ này chỉ tiến hành đại hội với 3 nội dung; việc bầu cấp ủy phải chờ hết nhiệm kỳ 5 năm).

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho phù hợp. Phương án sửa đổi, bổ sung có thể là: Từ tổ chức cơ sở đảng trở lên, nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập giữa nhiệm kỳ, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ của các cấp ủy này không nhất thiết phải là 5 năm.

Trong Đại hội XI đã nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1 : Sửa khoản 5, Điều 13 như sau : Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ đầu tiên của các cấp uỷ này không nhất thiết là 5 năm để nhiệm kỳ đại hội phù hợp với nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng cấp trên.

- Phương án 2 : Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội XI đồng ý sửa khoản 5, Điều 13 như sau : Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ đầu tiên của các cấp uỷ này không nhất thiết là 5 năm để nhiệm kỳ đại hội phù hợp với nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng cấp trên.

6- Quy định về thí điểm một số chủ trương mới

Trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá X, Ban Bí thư được giao quyền chỉ đạo làm thí điểm một số chủ trương, chính sách mới nhưng chưa có quy định trong Điều lệ Đảng.

Để có căn cứ cho việc chỉ đạo thực hiện thí điểm một số chủ trương nhằm nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, cần bổ sung vào Điều 16 của Điều lệ Đảng một khoản quy định về việc giao Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới chưa có hoặc khác với quy định của Điều lệ Đảng.

Trong Đại hội XI đã nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: Bổ sung vào Điều 16 quy định : "Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới".

- Phương án 2: Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành (không bổ sung).

Đại hội đồng ý bổ sung vào Điều 16 quy định : "Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới".

7- Về chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng, đảng đoàn

Về mô hình ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các ban đảng ở Trung ương đã tiến hành nghiên cứu, tổng kết và có báo cáo riêng về vấn đề này. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị: “cơ bản giữ mô hình như hiện có, bổ sung thành phần nhân sự một số đảng đoàn, ban cán sự đảng; kết thúc hoạt động của ban cán sự đảng ngân hàng cấp tỉnh, thành phố; rà soát, bổ sung một số nội dung, quy định cho phù hợp”.

Thực tiễn cho thấy, vẫn cần có mô hình tổ chức ban cán sự đảng, đảng đoàn như hiện nay, vì đây là tổ chức của Đảng được thành lập để bảo đảm vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy vậy, cần làm rõ hơn và chỉnh sửa chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác để có tính khả thi, phù hợp với thực tế và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn.

Về chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng, đảng đoàn quy định tại khoản 3 Điều 42, Điều 43 Điều lệ Đảng hiện hành: "Đảng đoàn lãnh đạo, thuyết phục... kiểm tra việc chấp hành đường lối..."

Đảng đoàn ban cán sự đảng không có bộ máy chuyên trách giúp việc như các cấp ủy đảng. Trong thực tế, các ban cán sự đảng, đảng đoàn không thực hiện được và không đủ điều kiện để thực hiện công tác kiểm tra. Vì vậy, Điều lệ Đảng cần sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.

Có 2 phương án có thể sửa đổi:

- Không quy định đảng đoàn, ban cán sự đảng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng mà chỉ nên là lãnh đạo công tác kiểm tra.

- Không quy định đảng đoàn, ban cán sự đảng có nhiệm vụ phải kiểm tra cũng như lãnh đạo công tác này.

Đại hội đồng ý không quy định ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng mà chỉ lãnh đạo công tác kiểm tra.

8- Về thẩm quyền kỷ luật đảng viên

Khoản 1 Điều 36 Điều lệ Đảng hiện hành quy định: “Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống) sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

Tuy vậy, tại các khoản 2,3,4 Điều 36 lại chưa thể hiện nội dung giao cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra từ cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên (kể cả cấp ủy viên các cấp đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

Điều lệ Đảng khoá IX: “Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ, vì khi nói đảng viên trong chi bộ là đã bao hàm mọi đảng viên, kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý. Trong thực tế của nhiệm kỳ vừa qua, việc chi bộ quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên các cấp đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý sinh hoạt tại chi bộ vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao) đã không xảy ra. Nếu giữ như quy định của Điều lệ Đảng từ khoá IX trở về trước thì không cần bổ sung, sửa đổi gì thêm tại các khoản 2,3,4 Điều 36; còn nếu giữ như quy định của khoản 1 Điều 36 Điều lệ Đảng hiện hành thì cũng cần bổ sung, sửa đổi các khoản khác cho thống nhất.

Trong Đại hội XI đã nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: Bổ sung các khoản 2, 3, Điều 36 về việc giao cấp uỷ từ cấp uỷ cấp huyện và tương đương trở lên thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao) cho phù hợp với khoản 1, Điều 36.

- Phương án 2: Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội XI đồng ý bổ sung các khoản 2, 3, Điều 36 về việc giao cấp uỷ từ cấp uỷ cấp huyện và tương đương trở lên thẩm quyền quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao) cho phù hợp với khoản 1, Điều 36.

9- Về các hình thức kỷ luật trong Đảng

Điều lệ Đảng hiện hành quy định có 4 hình thức kỷ luật trong Đảng là: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Qua thảo luận tại đại hội các cấp, có ý kiến đề nghị nên có hình thức lưu đảng như một số nhiệm kỳ trước đây.

Cần phải điều chỉnh, bổ sung Điều lệ thế nào để tiếp thu ý kiến này.

Trong Đại hội XI nêu 2 phương án:

- Phương án 1: Giữ 4 hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức như quy định của Điều lệ Đảng hiện hành.

- Phương án 2: Bổ sung hình thức kỷ luật lưu đảng như một số nhiệm kỳ trước đây.

Đại hội đồng ý giữ 4 hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức như quy định của Điều lệ Đảng hiện hành.

10- Về giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng

Quy định tại khoản 7 Điều 39 Điều lệ Đảng hiện hành: đảng viên có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương.

Để khắc phục tình trạng khiếu nại vượt cấp tràn lan, có ý kiến đề nghị quy định: “Cấp trên cách một cấp của cấp quyết định thi hành kỷ luật là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng...”

Trong Đại hội XI nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: Giữ như quy định tại khoản 7, Điều 39 Điều lệ Đảng hiện hành : tổ chức đảng, đảng viên có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương.

- Phương án 2: "Cấp trên cách một cấp của cấp quyết định thi hành kỷ luật là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng".

Đại hội đồng ý giữ như quy định tại khoản 7, Điều 39 Điều lệ Đảng hiện hành : tổ chức đảng, đảng viên có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương.

11- Về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân

- Về Đảng lãnh đạo quân đội nhân dân và công an nhân dân

Nhằm làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với lực lượng vũ trang, Đảng ủy quân sự Trung ương đề nghị bổ sung 2 nội dung vào khoản 1 Điều 25: (1) sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; (2) Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong Đại hội XI nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: Bổ sung 2 nội dung vào khoản 1, Điều 25: (1) Sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; (2) Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Phương án 2: Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội đồng ý bổ sung 2 nội dung vào khoản 1, Điều 25: (1) Sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; (2) Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Cụ thể hoá một số chức danh và vai trò chỉ đạo của Đảng đối với Quân đội

Đảng ủy quân sự Trung ương đề nghị nêu rõ các chức danh, như: đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương; đồng chí bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp".

Trong Đại hội XI nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: Sửa một số khoản của Điều 26, Điều 27 về việc nêu rõ các chức danh, như : Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân uỷ Trung ương; đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương trực tiếp làm bí thư đảng uỷ quân sự cùng cấp.

- Phương án 2 : Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội đồng ý sửa một số khoản của Điều 26, Điều 27 về việc nêu rõ các chức danh, như : Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân uỷ Trung ương; đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương trực tiếp làm bí thư đảng uỷ quân sự cùng cấp.

- Về tên gọi Đảng ủy quân sự Trung ương

Đảng ủy quân sự Trung ương đề nghị thay cụm từ “Đảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương)” bằng cụm từ “Quân ủy Trung ương”.

Trong Đại hội XI nêu 2 phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: Thay cụm từ: "Đảng uỷ Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân uỷ Trung ương)" bằng cụm từ "Quân uỷ Trung ương".

- Phương án 2: Giữ như Điều lệ Đảng hiện hành.

Đại hội đồng ý thay cụm từ : "Đảng uỷ Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân uỷ Trung ương)" bằng cụm từ "Quân uỷ Trung ương".

Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu

Ngoài những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng nêu trên, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chưa sửa đổi, bổ sung vào Điều lệ Đảng lần này, ví dụ:

- Tiêu đề của phần mở đầu.

- Về nội dung của phần mở đầu.

- Về vấn đề đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy.

- Thẩm quyền, nhiệm vụ của các đại biểu đại hội đảng sau đại hội.

- Về thẩm quyền, nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương.

- Về việc thay cụm từ "cán bộ chính trị" bằng cụm từ "chính ủy".

- Về thành viên Đảng ủy Quân sự Trung ương.

- Về Đảng huy, Đảng kỳ, Đảng ca....