Một sự thất vọng lớn

Bắc Hà
22:49, ngày 22-03-2009

TCCS ĐT - Thất vọng - đó là tâm trạng khi người ta đọc Báo cáo nhân quyền năm 2008 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, và theo dõi sự kiện Toà án tối cao Mỹ đã quyết định không xem xét đơn kháng án của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin người Việt Nam.

Thắng lợi của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 ở Mỹ và việc ông Ba-rắc Ô-ba-ma, người da màu gốc Phi trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã khơi dậy trong cộng đồng quốc tế hy vọng về một khả năng thay đổi nước Mỹ: “Xây dựng lại nước Mỹ”.

Những ai theo dõi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa hai đảng, và cũng chỉ có hai đảng mà thôi - Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ, thì đều bị thuyết phục bởi thông điệp Thay đổi (Change) của Đảng Dân chủ. Có lẽ người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ không phải vì màu da của ông Ba-rắc Ô-ba-ma, mà vì sự khát khao của cả một dân tộc lớn muốn thấy một nước Mỹ khác với những gì họ đã chứng kiến trong quá khứ. trong nước, đó là tệ phân biệt chủng tộc, sự phân cực giàu nghèo, nạn thất nghiệp, bạo lực và lạm dụng tình dục.

Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế đã và đang diễn ra lại làm bộc lộ thêm một ung nhọt mà lâu nay người ta không biết, thậm chí, còn tưởng là sự ưu việt của nước Mỹ, đó là các ngân hàng siêu hạng, các quỹ quốc gia khổng lồ trong tay các “đại gia” chẳng qua chỉ là những chiếc bơm không khí cho quả bong bóng kinh tế bùng nổ, nói đúng hơn, chỉ là phương tiện làm giàu cho một số người. Ở nước ngoài, đó là sự can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền với bất cứ giá nào: chiến tranh, cấm vận, kỳ thị với các quốc gia không theo cái gậy chỉ huy của họ, thúc đẩy các mâu thuẫn nội bộ dân tộc…Tuy nhiên, người ta có những căn cứ để tin vào khả năng thay đổi của nước Mỹ.

Trong bài phát biểu nhận chức của ông Ba-rắc Ô-ba-ma, ngày 20-1-2009, tân Tổng thống Mỹ đã thể hiện một cách khá văn hoa, nhưng không kém rõ ràng những ý tưởng lớn của mình. Ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã đúng khi nhận xét: “Đất đã chuyển dời dưới chân họ và rằng những luận điểm chính trị cũ rích từng huỷ hoại chúng ta suốt một thời gian dài không còn hiệu quả nữa”. Luận điểm này không chỉ đúng với nước Mỹ, mà còn phù hợp với bối cảnh chính trị quốc tế ngày nay. Điều đó có nghĩa là những chính sách đối ngoại sô-vanh, cường quyền, cho dù là của ai, trên lĩnh vực nào: kinh tế, quân sự hay chính trị, dân chủ, nhân quyền… đều đã trở nên lỗi thời.

Nghe bài phát biểu này, cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm tới thông điệp mong muốn thay đổi hình ảnh cũ của nước Mỹ, khi ông Ba-rắc Ô-ba-ma nói: “Xin gửi lời tới nhân dân và chính phủ các nước đang theo dõi buổi lễ hôm nay, từ những thủ đô tráng lệ cho tới những thôn làng nhỏ nhất, như nơi cha tôi đã sinh ra, rằng xin hãy biết nước Mỹ là bạn của mỗi quốc gia.

Nhưng hy vọng càng lớn bao nhiêu, thì sự thất vọng lại càng nặng nề bấy nhiêu, khi người ta đọc Báo cáo nhân quyền năm 2008 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, và theo dõi sự kiện Toà án tối cao Mỹ đã quyết định không xem xét đơn kháng án của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin người Việt Nam.

Trái với thông điệp “Thay đổi”, báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 25-2-2009, dường như chẳng có gì thay đổi, từ quan điểm đến nội dung và ngôn từ. Có thể nói, đó vẫn là một văn bản “cắt - dán” những báo cáo trước đây.

Ai cũng biết, quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Tất cả các quốc gia - dân tộc, dưới hình thức này hay hình thức khác, trong giai đoạn lịch sử này hay giai đoạn lịch sử khác, đều đã ít nhiều đóng góp vào giá trị đó. Đã có một nhà nghiên cứu nói rằng, không một quốc gia nào được độc chiếm giá trị nhân quyền. Điều đó cũng có nghĩa là không một chính phủ nào được coi mình là chuẩn mực về nhân quyền, được xem mình là quan toà phán quyết đúng, sai trên lĩnh vực này.

Điều đáng buồn là trong bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi mà báo cáo nhân quyền năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhìn nhận vấn đề dân chủ và nhân quyền theo cách lỗi thời. Vẫn biết rằng, công việc soạn thảo báo cáo hằng năm này dựa trên một đạo luật của Mỹ từ thời kỳ chiến tranh lạnh, khi thế giới đang tồn tại trong bối cảnh hai cực về chính trị - tư tưởng. Với nhiều thế hệ chính phủ Mỹ, dân chủ và nhân quyền không phải vì những giá trị đích thực, vốn có của nó, mà chỉ là phương tiện để “chiến thắng mà không cần chiến tranh”, như cựu Tổng thống Ních - xơn đã từng viết.

Nếu thật sự vì dân chủ và nhân quyền thì vì sao lại ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, ném bom huỷ diệt thành phố Đret-xđen (Đức), ném bom phá đập thuỷ điện (Hàn Quốc), sử dụng đạn chứa U-ra-ni nghèo ở I-rắc, đặc biệt là rải hàng triệu lít chất độc hoá học đi-ô-xin xuống làng bản, đồng quê Việt Nam [1]. Chẳng lẽ giết người, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em và huỷ hoại môi trường là để bảo vệ quyền con người hay sao?

Cũng cần lưu ý những ai đó đang ôm ấp giấc mơ làm hại người khác có thể đem lại lợi lộc cho mình rằng, có lực ắt có phản lực.

Về nội dung của Báo cáo nhân quyền năm 2008, họ lại nhắc lại điệp khúc “Nhà nước Việt Nam là chế độ độc đảng, công dân không thể thay đổi được chính phủ của họ… Chính phủ giam giữ các cá nhân kêu gọi thay đổi chế độ… Chính phủ hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp…”. Mặc dù trong Báo cáo này họ buộc phải thừa nhận Việt Nam đã có tiến bộ trên lĩnh vực nhân quyền, “người dân nhìn chung được tự do hành đạo, và Chính phủ tiếp tục hợp pháp hoá nhiều giáo đoàn”, song ở đây, một lần nữa Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp cận vấn đề dân chủ – nhân quyền theo kiểu cũ. Nghĩa là họ vẫn xem dân chủ, nhân quyền của mình là mẫu mực và chỉ dựa vào thông tin của một nhóm người nào đó về một số sự kiện riêng biệt nào đó để đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia.

Họ đã cố tình quên đi vấn đề nhân quyền cơ bản của một đất nước. Đó là: Trước hết, phải dựa trên độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Thứ hai, lợi ích của đại đa số nhân dân phải luôn luôn được ưu tiên, chứ không phải là quyền của một số ít người, thậm chí là quyền của những kẻ phản bội tổ quốc, những kẻ đã và đang mưu toan thực hiện các kế hoạch khủng bố, lật đổ... Thứ ba, muốn thúc đẩy dân chủ, nhân quyền thì, trong nước phải luôn giữ vững được sự ổn định chính trị - xã hội, vì đó là tiền đề để giải quyết các vấn đề khác; trong quan hệ quốc tế, phải hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận những đặc thù về lịch sử, văn hoá, như Điều 1 “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, năm 1966, quy định.

1. Tất cả các quốc gia dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.

2. Vì lợi ích của dân tộc mình, các dân tộc đều có quyền tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình”
 
Nguồn: Điều 1 “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, năm 1966

Như vậy, theo công ước nhân quyền trên, việc nhân dân Việt Nam, thông qua Quốc hội, thiết lập thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là không có gì mâu thuẫn với luật nhân quyền quốc tế. Tất nhiên, dân tộc Việt Nam không ngồi chờ các văn kiện của Liên hợp quốc, cũng như các công ước nhân quyền rồi mới xây dựng thể chế chính trị của mình.

Ngay sau khi giành được độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đặc biệt quan tâm tới nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, hợp hiến của dân, do dân và vì dân. Hiếm có một cuộc cách mạng nào, ngay sau khi giành được chính quyền, lực lượng lãnh đạo đã tổ chức bầu cử tự do trong toàn quốc, xây dựng và công bố Hiến pháp… Tất cả những công việc đó chỉ làm trong một năm. Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn trung thành với nguyên tắc đó.

Khi đọc Báo cáo nhân quyền năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ, người ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: Vì sao báo cáo này lại đưa ra nhận định rằng, “công dân không thể thay đổi chính phủ của họ”? Lô-gíc của những đòi hỏi trong báo cáo nhân quyền nói trên là khuyến khích các phương pháp thay đổi chính phủ, chế độ xã hội bằng con đường phi pháp và ban thưởng cho các nhà nước nhu nhược, yếu hèn.

Sở dĩ Việt Nam ngày nay được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, trước hết vì Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị, mở rộng dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhất là đã thành tích xoá đói, giảm nghèo “rất ấn tượng”. Đồng thời, Việt Nam luôn cởi mở với bè bạn năm châu, luôn tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam cũng như các quốc gia khác còn phải tiếp tục giải quyết một số vấn đề liên quan trực tiếp và gián tiếp đến dân chủ và nhân quyền, như tình trạng quan liêu, tham nhũng, sự phân hoá giàu - nghèo, thiếu việc làm, quyền của người tiêu dùng được hưởng thụ các dịch vụ, hàng hoá theo tiêu chuẩn chất lượng và giá cả hợp lý... Song, con đường giải quyết những vấn đề trên không thể theo cái cách mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ áp đặt, như trong Báo cáo nhân quyền 2008, mà phải dựa trên những nỗ lực của Chính phủ, của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và mỗi người dân, đồng thời, còn phải dựa trên sự hợp tác xây dựng, tôn trọng lẫn nhau giữa các chính phủ.

Liệu Chính phủ Mỹ ngày nay có thể thay đổi được hình ảnh của mình trong ký ức của nhân dân thế giới hay không? Câu trả lời là “có”, nhưng với điều kiện Chính phủ Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận đã lỗi thời về những vấn đề quốc tế, đặc biệt là trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền; đồng thời, không can thiệp vào công việc của các quốc gia, dân tộc khác và dám nhận lấy trách nhiệm của mình về những tội ác mà các chính phủ trước đây đã gây ra đối với các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Việt Nam./.
 

[1] Báo cáo của nhà nghiên cứu chiến tranh người Ca-na-đa, gốc Việt - Đinh Khánh