Đồng chí Lê Hồng Phong - Người cộng sản ưu tú, chiến sỹ cách mạng kiên cường
Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất, vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta, trong một giai đoạn đầy thử thách và cam go của cách mạng Việt Nam từ những năm 30 đến đầu những năm 40 của thế kỷ XX.
Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, quê ở làng Thông Lạng (nay thuộc xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, một vùng đất địa linh nhân kiệt mang đậm dấu ấn lịch sử của truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất trong cuộc đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm hàng nghìn năm lịch sử. Những truyền thống lịch sử đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách, tình cảm, ước mơ, đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, thương dân và định hướng cuộc đời cũng như sự nghiệp của Lê Huy Doãn. Vì vậy, lúc chưa đầy 22 tuổi, được giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tìm đường sang Thái Lan, rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, đồng chí đã gia nhập Tâm Tâm Xã, một tổ chức cách mạng của những người yêu nước Việt Nam. Năm 1925, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách, rồi được vào học trường võ bị Hoàng Phố. Sau đó, theo sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong được sang Liên Xô học tập lý luận cách mạng tại trường Đại học Phương Đông. Trong hơn hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí đã hiến dâng trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cống hiến lớn nhất của đồng chí Lê Hồng Phong là đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục cơ sở đảng, thúc đẩy hoạt động của Đảng khi cách mạng gặp bước khó khăn, thoái trào.
Chỉ đạo khôi phục Đảng trong thời kỳ đầy khó khăn
Ngay khi vừa mới ra đời, với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ đoàn kết xung quanh mình tất cả giai cấp và các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mở đầu là cao trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà tĩnh (1930 - 1931), mặc dù phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ, nhưng cuối cùng lại thất bại bởi thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, dìm phong trào trong biển máu, hòng khuất phục nhân dân ta. Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), chúng tiếp tục thực hiện cuộc khủng bố trắng cực kỳ khắc nghiệt, tiến công trực tiếp vào các cơ sở đảng, khiến cách mạng Việt Nam phải chịu những tổn thất lớn. Hàng vạn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắn giết hoặc bị tù đày, các cơ sở đảng tan vỡ hàng loạt.
Trước tình hình đó, vào cuối năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông, đồng chí Lê Hồng Phong đã được Quốc tế Cộng sản cử về nước với nhiệm vụ nặng nề: chỉ đạo việc khôi phục và phát triển các tổ chức đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đồng chí đã chắp nối liên lạc với các đồng chí trung kiên của Đảng, tìm cách xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng. Tuy nhiên, tình hình tư tưởng của một số đảng viên và quần chúng công nông bị lung lay, phong trào cách mạng có biểu hiện đi xuống. Trước tình trạng đó, nhằm kịp thời ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng, bộ phận lãnh đạo tạm thời của Đảng công bố bản “Chương trình hành động của Đảng” tháng 6-1932, do đồng chí Lê Hồng Phong khởi thảo và chủ trì thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, tổ chức Ban Trung ương lâm thời. Đó là nhân tố quan trọng để khôi phục tổ chức đảng dẫn đến thành công của Đại hội Đảng lần thứ nhất vào đầu năm 1935. “Chương trình hành động của Đảng” là một văn kiện chính trị quan trọng trong đó khẳng định sự đúng đắn của đường lối cách mạng Việt Nam được đề ra trong Luận cương chính trị năm 1930, những tổn thất, khó khăn mà Đảng đang gặp phải chỉ là tạm thời, không thể vì thế mà dao động, bi quan, thất vọng. Luận cương khẳng định rằng chỉ có hăng hái đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng thì nhân dân lao động mới có thể tiến hành cách mạng thành công, mới có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Bên cạnh đó, chương trình hành động cũng đã vạch rõ phương hướng đấu tranh cách mạng, nêu rõ những yêu cầu chung của Đảng và của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh đó. Chương trình hành động đã mang lại cho cán bộ, đảng viên và quần chúng niềm tin vững chắc vào tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào quần chúng. Trên cơ sở nội dung chương trình hành động, Lê Hồng Phong đã cùng một số đồng chí trong Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cho phong trào ở trong nước. Sau khi học xong, số cán bộ này trở về nước, từng bước xây dựng lại các tổ chức của Đảng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo mục tiêu của chương trình hành động.
Với hoạt động tích cực của đồng chí Lê Hồng Phong, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài đã liên hệ, chỉ đạo với các tổ chức đảng trong nước, lập lại những cơ sở đảng ở những nơi bị vỡ, xây dựng cơ sở đảng ở những nơi chưa có, tiến tới thống nhất lực lượng cách mạng trong cả nước. Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài đã xuất bản Tạp chí Bôn-sơ-vích, cơ quan lý luận bí mật của Đảng, làm nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ, đảng viên hành động theo đường lối chủ trương của Đảng. Tạp chí này được đưa về phát hành đều kỳ trong nước và được các địa phương sao chép lại để phổ biến rộng rãi. Nhờ đó, đầu năm 1933- 1934, các xứ ủy Nam kỳ, xứ ủy lâm thời Bắc kỳ và xứ ủy Trung kỳ được tổ chức lại. Một số tỉnh ủy, thành ủy cũng đã được củng cố và xây dựng…. Khi các tổ chức Đảng trong nước, đặc biệt là các xứ ủy đã được chấn chỉnh, Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài, đứng đầu là đồng chí Lê Hồng Phong, đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ gồm đại biểu các đảng bộ trong nước tới họp ở Ma Cao (Trung Quốc) để cùng thống nhất nhận định tình hình, đề ra chủ trương mới, nhằm củng cố tổ chức đảng, khôi phục và phát triển các tổ chức quần chúng và chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng. Cuối tháng 3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội này là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn của cách mạng Việt Nam. Thành công của Đại hội là dấu hiệu đánh dấu sự phục hồi của Đảng, ghi nhận sự đóng góp to lớn của Ban Chỉ huy ở ngoài, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong…
Tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII (tại Mát-xcơ-va), đồng chí Lê Hồng Phong đã đọc bản tham luận quan trọng về phong trào cách mạng Đông dương dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cũng tại Đại hội này, Đảng ta được công nhận là một bộ phận chính thức của Quốc tế Cộng sản, và đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Điều đó đã nói lên ảnh hưởng và uy tín của Đảng ta trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế….
Cùng với việc khôi phục và phát triển hệ thống tổ chức đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã có những đóng góp quan trọng trong việc khởi xướng và chỉ đạo cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ ở nước ta những năm 1936-1938. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng có những thành công quan trọng, đã khôi phục lại cơ quan lãnh đạo ở Trung ương, từ đó phục hồi lại hệ thống tổ chức của Đảng, quy tụ các phong trào trong toàn quốc vào một mối duy nhất. Nhưng vì thiếu thông tin, chưa nắm vững tình hình quốc tế nên Đại hội cũng đã có một số hạn chế trong nhận định, đánh giá tình hình trong nước và thế giới, do vậy chưa đề ra được chủ trương và phương pháp đấu tranh thích hợp. Tháng 7-1936, đồng chí Lê Hồng Phong, cùng với Trung ương Đảng đã triệu tập và chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tại Thượng Hải (Trung Quốc). Căn cứ vào diễn biến của tình hình thế giới và Đông Dương, Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, xác định rõ mục tiêu trực tiếp là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát-xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân sinh, dân chủ và hòa bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai.Vì vậy, lực lượng cách mạng cần tập trung mũi nhọn vào chúng sẽ có tác dụng phân hóa kẻ thù, cô lập bọn phản động. Theo đề nghị của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Hội nghị quyết định thành lập một mặt trận rộng rãi, lấy tên là Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và các dân tộc ở Đông Dương để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền dân chủ sơ đẳng. Cùng với việc chuyển hướng về nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị quyết định thay đổi các hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh của quần chúng, từ tổ chức bí mật, đấu tranh bất hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang tổ chức và đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp là chủ yếu. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn quốc, lại được Mặt trận nhân dân Pháp ủng hộ nên phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ lan rộng khắp Đông Dương. Mở đầu là phong trào Đông Dương đại hội với hàng trăm ủy ban hành động được thành lập ở khắp nơi. Các cuộc biểu tình, bãi công đòi dân sinh, dân chủ, đòi thả tù chính trị diễn ra sôi nổi, tiêu biểu là các cuộc bãi công của hàng vạn công nhân mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả, các tờ báo tiến bộ, trong đó có nhiều tờ báo của Đảng được xuất bản công khai đã góp phần quan trọng cho công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương của đảng tới quần chúng nhân dân, uy tín chính trị của Đảng đã lan rộng. Sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân đã buộc chính quyền thuộc địa phải ban bố một số quyền tự do, dân chủ và thả hàng nghìn tù chính trị...
Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong nước, cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn để trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào. Nắm sát tình hình thực tế, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng quyết định chuyển Mặt trận nhân dân phản đế thành Mặt trận dân chủ nhằm tập hợp rộng rãi hơn nữa đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng có thể để xây dựng lực lượng, thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Với những chủ trương đúng đắn của Đảng, việc tập hợp lực lượng đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy họ đấu tranh giành nhiều thắng lợi mới. Trong lúc phong trào đấu tranh đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 22-6-1938, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt. Bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ và tra tấn dã man nhưng chúng đã không khai thác được gì ở đồng chí. Vì không đủ chứng cớ để buộc tội, nên tòa án của Thực dân Pháp đành kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở quê nhà nhưng vẫn bị bọn mật thám theo dõi rất chặt chẽ, nhằm tách đồng chí ra khỏi tổ chức, cắt đứt mọi mối liên lạc với Trung ương Đảng cũng như với phong trào cách mạng. Tuy vậy, chính quyền thực dân vẫn không yên tâm về sự tự do của người chiến sĩ cộng sản kiên cường này, vì vậy, nhân khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, dù thời gian quản thúc chưa hết, tháng 1-1940, bọn mật thám Pháp đã thực hiện việc bắt Lê Hồng Phong lần thứ hai và đưa vào giam tại khám lớn Sài Gòn.
Đồng chí Lê Hồng Phong - trong những ngày ở nhà tù Côn Đảo
Thực dân Pháp luôn coi Lê Hồng Phong là phần tử nguy hiểm, chúng biết rõ đồng chí là một cán bộ lãnh đạo quan trọng của Đảng, là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, tuy không có chứng cứ gì để buộc tội nhưng chúng vẫn kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc với một lời buộc tội vu vơ là người chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuối năm 1940 chúng đày đồng chí ra Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong bị cầm cố ở xà lim Sở Muối, trên con đường từ thị trấn đi ra mũi Cá Mập, cách trung tâm thị trấn khoảng một cây số. Mục đích của chúng là cô lập đồng chí Lê Hồng Phong với tổ chức tù chính trị Côn Đảo. Tuy nhiên, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức đảng ở Côn Đảo đã liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong và nhận được sự chỉ đạo, góp ý chân tình của đồng chí. Những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo là quãng thời gian mà đồng chí phải trực tiếp đối mặt với mọi âm mưu, thủ đoạn dã man và thâm độc nhất của kẻ thù. Với những kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn và kiến thức học được trong các trường học lý luận trước đây đã giúp đồng chí hiểu thêm tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh giai cấp. Đây không chỉ là một thử thách mà còn là đòi hỏi của cuộc đấu tranh để giữ vững phẩm chất, khí tiết của người cộng sản trên thực tế trong hoàn cảnh tù đầy vô cùng khắc nghiệt.
Chế độ cấm cố khắc nghiệt, bữa ăn hằng ngày là gạo mốc và cá khô mục, thêm vào đó là những cuộc khủng bố, đánh đập của bọn gác ngục làm cho sức khoẻ đồng chí Lê Hồng Phong suy sụp và bệnh tật phát triển rất nhanh. Bất cứ bệnh gì thầy thuốc nhà tù cũng chỉ cho có hai thứ thuốc: nước vôi và bột than. Chỉ trường hợp cấp cứu mới đưa vào Nhà thương và được tiêm một, hai ống thuốc hồi sức. Sự thật là những tù nhân bệnh tật chẳng được chữa chạy gì. Họ chỉ được tập trung về một nơi và lần lượt chết ở đấy. Tất cả tù nhân bị bệnh vẫn bị xiềng chân, cầm cố, chế độ ăn uống tồi tệ, các yêu sách đều được trả lời bằng roi vọt.
Đây là thời kỳ khủng bố khốc liệt tại Nhà tù Côn Đảo. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) đã khiến cho bọn thực dân vừa điên cuồng khủng bố trả thù, vừa nơm nớp lo sợ. Chúng sợ cả những người tù đang bị xiềng xích, đọa đày. Hằng ngày, bọn gác ngục săm soi, khám xét rất kỹ lưỡng để tìm cớ đàn áp tù nhân, thấy một viên phấn, một mẩu giấy là chúng khép vào tội "liên lạc", "hoạt động chính trị", thấy tù nhân tụ tập sinh hoạt là chúng vu cáo "âm mưu bạo động" và đàn áp rất dã man. Đối với đồng chí Lê Hồng Phong, bọn cai ngục đã thực thi một chế độ “lao động và nuôi dưỡng” đặc biệt, vô cùng hà khắc. Có lần chúng đánh vào đầu đồng chí Lê Hồng Phong ngay trong bữa ăn, máu chan đỏ bát cơm. Đồng chí vẫn điềm nhiên cầm bát cơm đẫm máu ngồi ăn một cách ung dung, ăn để có sức đấu tranh với quân thù, một lý do rất giản dị của người chiến sĩ cách mạng kiên cường Lê Hồng Phong!
Có thể nói, trong hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ cộng sản Việt Nam bất khuất, kiên trung và những nhà yêu nước nhiệt thành bị rơi vào tay giặc trong lịch sử đấu tranh cách mạng trường kỳ trên đất nước ta, đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một trong những người bị quân thù hành dạ dã man tàn bạo nhất. Vì biết rõ vai trò quan trọng của đồng chí trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng Đông Dương nên những tên cầm đầu của bọn thực dân khát máu đã ra lệnh cho lũ thuộc hạ mất hết tính người, tìm mọi cách để nhanh chóng giết hại đồng chí. Trải qua biết bao lần kẻ thù đã thẳng tay sử dụng đủ loại nhục hình man rợ nhất để dày vò đến cực độ thể xác đồng chí Lê Hồng Phong nhưng vẫn không mảy may làm nao núng được ý chí sắt thép của đồng chí.
Một người tù cùng thời ở Côn Đảo kể lại: Sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, cái tím bầm lại, cái sưng húp, có chỗ loét ra, ri rỉ máu… Người đồng chí gầy đét, chỉ còn da bọc xương. Nước da đồng chí tái nhợt. Tất cả cái tiều tuỵ ấy lại được phơi ra dưới manh áo chàm rách mướp, thấm đẫm hồ hôi và bê bết máu… Những đòn thù tàn ác, dã man đã làm cho đồng chí Lê Hồng Phong kiệt sức dần và mất ngày 5-9-1942. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong còn nói to lời trăng trối cho bạn tù ở các phòng bên: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng". Lòng tin vững chắc đó là nhân tố quan trọng tạo nên những phẩm chất đạo đức cách mạng, lý tưởng sống cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với Đảng, đối với nhân dân, mãi mãi là nguồn sức mạnh cho các thế hệ đảng viên trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng, vì sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu cao tấm gương về ý chí cách mạng kiên cường, khí phách hiên ngang và đạo đức cách mạng trong sáng, suốt đời hy sinh phấn đấu hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân. Lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của đồng chí trước khi trút hơi thở cuối cùng trong nhà tù đế quốc "Hãy giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng" đã, đang và sẽ mãi mãi ghi sâu trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc và chắc chắn vào lực lượng vĩ đại, tương lai vẻ vang của giai cấp, của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới để cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay./.
Đồng chí Lê Hồng Phong với sự nghiệp cách mạng Việt Nam  (04/09/2012)
Đồng chí Lê Hồng Phong với việc khôi phục, phát triển Đảng trong thời kỳ khó khăn của Đảng  (04/09/2012)
Tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ  (03/09/2012)
Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương kiểm điểm, phê bình  (03/09/2012)
Hội nghị hợp tác khu vực sông Mê-kông - sông Hằng  (03/09/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên