TCCSĐT - Từ tháng 7-2012, Cộng hòa Síp chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm 2012 từ Đan Mạch. Kể từ khi gia nhập EU (năm 2004) đến nay, đây là lần đầu tiên Cộng hòa Síp đảm đương trọng trách chèo lái con tàu EU hiện đang trong cơn bão nợ công trầm trọng.
Thành viên nhỏ

Là một quốc đảo nằm ở phía Đông Địa Trung Hải với dân số khoảng 1 triệu người, từ năm 2004, Cộng hòa Síp đã gia nhập EU và bắt đầu sử dụng đồng euro vào năm 2008. Tuy nhiên, ngay trước khi trở thành Chủ tịch EU, Cộng hòa Síp đã theo chân Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha gia nhập danh sách những nước cần cứu trợ của Eurozone. Điều này có nghĩa là gần 1/3 trong số 17 nước của khối đồng tiền chung châu Âu đang ở trong tình trạng báo động và đã đưa ra yêu cầu được cứu trợ về tài chính. Trong bối cảnh trên, chi phí đi vay của Italia cũng đang tăng lên và rất có thể đây sẽ là nước tiếp theo trong khối Eurozone buộc phải đưa ra yêu cầu cứu trợ tài chính.

Theo giới phân tích, Cộng hòa Síp đang đứng trước sức ép phải tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thứ 2 là Cyprus Popular Bank do đầu tư nặng vào trái phiếu Hy Lạp và đang phải chia sẻ những diễn biến bất ổn từ nền kinh tế nước này. Theo tính toán, hiện các ngân hàng Síp đang đầu tư tổng cộng khoảng 29 tỉ euro (tức chiếm tới hơn 160% GPD) để mua trái phiếu của Hy Lạp. Và yêu cầu cứu trợ nền kinh tế được Chính phủ Síp đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Cộng hòa Síp xuống mức rủi ro cao nhất từ BBB- xuống BB+, đồng thời đưa ra dự báo rằng, quốc đảo này sẽ phải cần đến thêm 4 tỉ euro (tức 5 tỉ USD) để tái cơ cấu vốn của lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc Cộng hòa Síp chưa thể thống nhất lãnh thổ giữa người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ với người Síp gốc Hy Lạp trên quốc đảo của mình cũng là một vấn đề gây thêm khó khăn cho họ. Nguyên nhân là năm 1974, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng miền bắc hòn đảo này với lý do ngăn chặn ý đồ của Athens muốn sáp nhập đảo Síp (hay còn gọi là đảo Cyprus) với Hy Lạp. Sau cuộc chiếm đóng đó, hai vùng lãnh thổ trên đảo Síp được chia cắt bởi đường biên giới xanh (Green line) do Liên hợp quốc kiểm soát. Từ năm 2008, tiến trình đàm phán giữa hai bên do Liên hợp quốc bảo trợ đã được tái khởi động nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện tại, người Síp gốc Hy Lạp đang là đại diện cho quốc đảo này trên phương diện quốc tế và EU, song Chính phủ nước này chỉ thật sự kiểm soát khoảng 60% lãnh thổ ở vùng phía nam, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại là quốc gia duy nhất công nhận nhà nước của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc quốc đảo. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố, quốc gia thành viên EU này sẽ đóng băng quan hệ với Liên minh nếu Cộng hòa Síp được giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối này vào tháng 7-2012. Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo EU rằng, khi đàm phán hòa bình trên đảo Síp vẫn chưa đến hồi kết và EU trao chức Chủ tịch luân phiên cho Cộng hòa Síp thì sẽ có một cuộc “khủng hoảng thật sự” trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

Thách thức lớn


Cộng hòa Síp là nền kinh tế nhỏ thứ 3 trong khối. Từ tháng 8 năm ngoái, Chính phủ Síp đã thông qua một kế hoạch kinh tế "thắt lưng buộc bụng" khi khoản nợ công đã tương đương 80% GDP và đang đi tìm kiếm nguồn khoản vay mới, khoảng từ 3 đến 5 tỉ euro, nhưng rất "sợ" những điều kiện của gói cứu trợ tài chính của EU và IMF. Năm ngoái, Síp đã vay của Nga 2,5 tỉ euro, nay đang tìm cách để vay tiếp của Nga khoảng 5 tỉ euro nữa. Và ngay trước khi đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, Síp đã là thành viên thứ 5 của EU dựa vào nguồn tài chính bên ngoài để khắc phục khủng hoảng, đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên giữ chức Chủ tịch luân phiên EU phải cầu viện sự giúp đỡ của các thành viên trong khối nhằm giải quyết vấn đề riêng của mình. EU đang chao đảo với cuộc khủng hoảng nợ công và tình trạng thiếu tài chính, mà "mắt xích" yếu nhất là Hy Lạp và Tây Ban Nha. Kết quả của Hội nghị cấp cao mới đây đã cho thấy, EU đang lúng túng trong việc tìm ra những giải pháp nhằm thoát khỏi khủng hoảng và những thành viên của EU cũng đang hoang mang và giảm niềm tin vào tương lai nhất thể hóa của cả khối.

Đây được coi là thời khắc mang tính quyết định của lịch sử cộng đồng EU khi các nước thành viên đã và đang phải đối mặt với những thách thức khổng lồ về mặt kinh tế và xã hội. Để vượt qua những thách thức đó, châu Âu cần thông qua những quyết định quan trọng mà sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và Cộng hòa Síp sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Xét cả về lý do khách quan và chủ quan, có thể thấy, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Cộng hòa Síp trong 6 tháng tới quả là quá sức đối với quốc gia nhỏ bé này. Có lẽ lường trước sứ mệnh và trọng trách của mình, Cộng hòa Síp đã đưa ra một chương trình nghị sự rất khiêm tốn cho thời gian đảm nhận trọng trách vai trò Chủ tịch EU. Trọng tâm là kết thúc đàm phán về ngân sách chung cho giai đoạn 2014-2020. Công việc trước mắt là xử lý thủ tục và quy trình cần thiết để giải ngân những khoản tiền cứu các ngân hàng của Tây Ban Nha và của chính mình. Nhưng cả những việc ấy cũng rất khó khăn.

Theo quy chế của EU, mỗi nước thành viên thay nhau làm Chủ tịch khối trong 6 tháng. Cùng điều hành hoạt động của khối 27 nước châu Âu, còn có Chủ tịch EC và Chủ tịch EU, với phương châm “tùy theo sức của mình” Síp sẽ không quá chú trọng về chủ đề “thu hẹp” hay “mở rộng” châu Âu mà sẽ tập trung thúc đẩy một châu Âu tốt đẹp hơn, hướng tới mục tiêu hợp lý hơn cho mọi công dân của mình cũng như thế giới. Cơ chế hoạt động của EU đã được điều chỉnh nhiều lần. Trong tình huống này, việc cải tổ EU càng trở nên cấp bách để có thể kéo châu Âu ra khỏi thời kỳ "họa vô đơn chí" có nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 ở bên kia Ðại Tây Dương. Sứ mệnh lớn này có lẽ là quá sức đối với thành viên nhỏ nhưng nếu ở vị trí tương tự của Síp không phải thành viên nào cũng thành công./.