TCCSĐT - Vùng đất Phù Khê có bề dày lịch sử - văn hóa với những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng xã, với tinh thần hiếu học, cần cù, sáng tạo... đã hun đúc, đào luyện nên nhiều thế hệ người Phù Khê đủ tài, đủ đức để gíup dân, giúp nước. Cũng mảnh đất này đã sinh ra một người con ưu tú cho Đảng, cho nhân dân, cho đất nước, một người đã trở thành niềm tự hào của quê hương Phù Khê hôm qua và cả mai sau - đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Vùng quê giàu truyền thống, địa linh, nhân kiệt

Là một khu vực quần cư cổ bên bờ con sông cũ Cổ Giang, những chứng tích khảo cổ học có thể cho biết rằng, Phù Khê ngày nay là điểm quần cư khá sớm của nguời Việt từ buổi bình minh của lịch sử trong quá trình tiến dần từ vùng đồi núi trung du xuống làm chủ miền đồng bằng châu thổ sông Hồng trù phú. Tại di chỉ Mả Đình ở Phù Khê, các nhà khảo cổ học tìm thấy lưỡi rìu đá và những mảnh gốm thuộc văn hóa Đông Sơn. Khi đào mương làm thuỷ lợi, nhân dân cũng tìm thấy những mảnh gốm, mũi tên đồng, những mảnh thuyền độc mộc có niên đại cách ngày nay 2.700 - 3.000 năm. Tại di chỉ Đồng Gio (Đình Bảng) cách Phù Khê 4 km, người ta cũng tìm thấy nhiều hiện vật như công cụ đá, mảnh gốm, đồ trang sức bằng đá, rìu đồng, mũi tên đồng... thuộc văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn.

Trước khi được biết đến dưới cái tên Phù Khê như ngày nay, vùng đất này đã có nhiều tên gọi. Ban đầu có tên là Cổ Đàm. Đến thời Trần, làng có tên là Phù Đàm - nghĩa là khu đất nổi cao ven đầm. Thời vua Lê Thế Tông, niên hiệu Gia Thái năm thứ nhất (1573), vì kiêng huý của vua là Lê Duy Đàm nên Phù Đàm đổi thành Phù Khê - bãi đất nổi ven sông. Khoảng thế kỷ XVII - XVIII, làng Phù Khê còn có tên Nôm là làng Giầm. Trước năm 1945, Phù Khê (bao gồm cả Nghĩa Lập và Tiến Bào) thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4-1946, hai thôn Nghĩa Lập và Tiến Bào được hợp nhất thành xã Nghĩa Tiến. Ngày 9-7-1949, Phù Khê sáp nhập với Nghĩa Tiến thành xã Nghĩa Khê Tiến, thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 9-1967, xã Nghĩa Khê Tiến được đổi thành xã Nghĩa Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. Đến năm 1976, Nghĩa Khê được đổi thành Phù Khê.

Nằm giữa vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ, người nông dân Phù Khê từ nghìn đời nay đã có nghề làm ruộng lúa nước truyền thống như bao người dân Việt ở các miền quê khác. Để có được những cánh đồng màu mỡ tốt tươi như ngày nay, nhiều thế hệ người Phù Khê đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức canh tác và cải tạo mảnh đất của mình. Ngoài nghề chính làm ruộng trồng lúa, người Phù Khê rất tâm đắc với câu: “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên”. Cùng với cây lúa, ngưôi nông dân Phù Khê còn có nghề chài lưới, nuôi nhiều cá, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả. Đặc biệt, làng nào ở Phù Khê cũng có nghề phụ truyền thống: “Nghĩa Lập bánh đúc cháo kê/ Tiến Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng”. Ý là, người Nghĩa Lập xưa có nghề làm hàng sáo, nấu bánh đúc cháo kê đi bán. Tiến Bào có nghề làm gạch ngói. Còn Phù Khê thì có nghề mộc mỹ nghệ khá lâu đời. Ở thôn Phù Khê Đông có nhiều địa danh nhắc trực tiếp đến nghề mộc cổ tuyền như: bãi thước thợ, bãi con quy, bãi cánh phượng, đồng ông mực...

Sản phẩm mộc mỹ nghệ trang trí của người Phù Khê nổi tiếng từ những đồ gia dụng, đồ thờ cũng trong gia đình, đến những công trình kiến trúc lớn như đình, chùa, miếu phủ, lăng tẩm... với những đường nét chạm khắc trang trí tinh xảo, đầy nghệ thuật. Chưa thể xác định được nghề mộc ở Phù Khê có từ khi nào nhưng người ta đã biết rằng đến thời Trần, thời Lê, làng nghề chạm khắc Phù Khê đã rất nổi tiếng với nhiều loại sản phẩm: hương án, long khám, hoành phi, câu đối, y môn, long châu, mành, bệ, tủ, sập... Những nghệ nhân Phù Khê đã để lại trong kho tàng văn hóa dân tộc nhiều sản phẩm của mình. Ngày nay chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng và say mê những sản phẩm được kết tinh từ trí tuệ và kinh nghiệm, từ cảm quan nghệ thuật tinh tế, từ bàn tay tài khéo của họ trên nhiều công trình nổi tiếng như đình Đình Bảng, đình Diềm  Xá, đình Chờ, chùa Bút Tháp, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tây Phương, chùa Lim, đền Ngọc Sơn... Bên cạnh nghề mộc, người Phù Khê còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Nghề này phát triển mạnh từ thời Lý với những nương dâu bạt ngàn bên con sông Ngũ huyện, trải dài sang tận Thuận Thành, Văn Giang.

Trong quá trinh định cư lâu đời trên mảnh đất quê hương, người dân Phù Khê gắn bó với nhau thành cộng đồng khá bền chặt. Tộc phả của các dòng họ ở Phù Khê đều viết về quá trình định cư lâu dài của họ ở đây. Mỗi làng đều xây dựng hương ước với những quy tắc ứng xử cộng đồng trong các việc ma chay, cưới hỏi, hội hè, đình đám... Mỗi dòng họ đều có gia phả, giữ gìn gia phong cho các thế hệ con cháu. Người Phù Khê còn giữ được cho mình kho tàng tri thức văn hóa dân gian khá phong phú: dân ca, ca dao, chuyện kể dân gian, chuyện làng nghề, giai thoại lịch sử... Đặc biệt, họ còn sáng tạo một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ riêng cho làng nghề của mình - đó là “tiếng thợ” ở Phù Khê mà nhiều người đã biết tiếng. Ban đầu, những người thợ chạm khắc gỗ dùng mật khẩu để trao đổi với nhau về vật liệu, về công cụ, về những công đoạn chế tác... mà họ không muốn cho gia chủ biết. Dần dần, những mật khẩu ấy được dùng cả trong những lĩnh vực khác của đời sống thường ngày. Cứ như vậy, ngôn ngữ mật khẩu đó ngày càng phát triển và trở thành ngôn ngữ riêng của những người thợ. Người ta gọi đó là tiếng thợ. Tiếng thợ ở Phù Khê có khoảng 3.000 từ vựng. Với vốn từ khá phong phú như vậy, người thợ ở Phù Khê có thể trao đổi một cách bình thường các công việc trong cuộc sống và nghề nghiệp.

Phật giáo có mặt ở Phù Khê khá sớm. Ngôi chùa Vĩnh Lại ở Phù Khê Đông được biết có từ thời Lê ngoạ triều, được xây từ năm Ất Tỵ, niên hiệu Cảnh Thụy năm thứ nhất (1005). Đây là một trong những ngôi chùa có niên đại xây dựng khá sớm trong vùng. Thôn Phù Khê thượng có chùa Hồng Ân xây dựng từ thời Lý với quy mô khá lớn nhưng đã bị phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp. Thôn Nghĩa Lập có chùa Cảm Ứng, thôn Tiến Bào có chùa Liên Bào. Các chùa này đều được xây dựng trong thời Lê Trung Hưng. Tục thờ thành hoàng ở Phù Khê cũng đã có từ lâu. Những vị được nhân dân phụng thờ gồm cả thiên thần và nhân thần nhưng đều là những người có công đánh giặc, giúp nước cứu dân, xây dựng quê hương.Thôn Phù Khê thượng thờ Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) tương truyền là hai vị tướng có công giúp Triệu Quang Phục đánh quân xâm lược nhà Lương. Ngoài ra, Đạm Nương là em gái của Trương Hống, Trương Hát cũng được phối thờ cùng hai vị. Nhân dân còn thờ Lỗ Ban và ông Nguyễn An - vị kiến trúc sư nổi danh - làm tổ nghề mộc. Thành hoàng được thờ ở nghè, hàng năm đến hội làng mới rước bài vị và sắc phong từ nghè về đình. Đình thôn Nghĩa Lập thờ Cao Sùng Đức, tương truyền là một vị tướng thời vua Hùng đã cùng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Đình thôn Tiến Bào thờ Thánh Thiên Cương - vị thần đã âm phù Hai Bà Trưng đánh quân Tô Định.

Hội làng Phù Khê tổ chức từ 11 đến 17 tháng Giêng. Sau khi tổ chức lễ rước, lễ tế, nhân dân tham gia nhiều trò chơi dân gian đậm màu sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp; hát dân ca, đánh cờ, chọi gà, bắt vịt... Hội làng Phù Khê xưa còn có tục thi đọc Mục lục. Giám khảo của cuộc thi là 12 ông chạ - là những vị khoa bảng, chức sắc - ngồi dọc thành hai dãy chiếu hoa trải dọc lòng đình trước hương án. một bên bày chiêng, một bên bày trống. Nếu đọc đúng một câu thì trống đánh một tiếng, chiêng đánh một tiếng, nếu đọc sai thì trống đánh một hồi nhỏ, chiêng cũng đánh một hồi nhỏ. Nội dung Mục lục nói về cội nguồn làng xã, về các phong tục tốt đẹp hoặc ca ngợi cảnh đẹp quê hương. Muốn đoạt giải, không những phải đọc đúng nội dung, mà người đọc còn phải có hơi tốt, giọng hay, đọc dõng dạc, có cung bậc trầm bổng. Tương truyền, sinh thời, Thám hoa Quách Giai (1660 - 1730) rất thích trò chơi này. Ông đã viết nhiều bài phú hay cho cuộc thi đọc Mục lục hằng năm ở quê nhà. Theo các cụ cao niên ở thôn Phù Khê đông kể lại, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Ngô Gia Tự ở làng Tam Sơn khi còn nhỏ cũng thường tham gia những cuộc thi này.

Phù Khê là nơi từ xưa được xếp vào hàng những địa phương có truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đạt. Phù Khê là một trong tứ Phù nổi tiếng vùng Kinh Bắc (Phù Đổng, Phù Lưu, Phù Khê, Phù Chẩn). Nhân dân Phù Khê rất khuyến khích con cháu học hành. Làng xã cũng chú trọng đến việc học của con em. Hương ước của các làng đều có điều khoản quy định trách nhiệm của gia đình và làng xã trong việc giáo dục con trẻ. Dù chưa có trường học công nhưng ở làng nào cũng có những thày đồ đảm nhiệm công việc dạy chữ thánh hiền cho trẻ em trong làng. Các làng đều có Văn chỉ thờ Khổng Tử, có học điền để khuyến khích việc học hành và khen thưởng những người đỗ đạt.

Qua con đường khoa cử, nhiều người con của Phù Khê đã đỗ đạt, thành danh. Chỉ tính từ năm đó đến năm 1748. ở Phù Khê và Nghĩa Lập đã có 17 người đỗ tiến sĩ trở lên (có 2 Thám hoa) và hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài. Nhiều bậc danh Nho ở Phù Khê đã làm rạng danh cho đất nước, cho quê hương như các cụ Nguyễn Huệ Tính, Nguyễn Chỉ Trai làm đến hàng Tam công thời Lê sơ; Thị giảng Đại học sĩ Nguyễn Trọng Hợp; Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Hán; Giám sát Ngự sử Nguyễn Trọng Lâm... Thám hoa Quách Giai được xếp là một trong số sáu thần đồng của đất Kinh Bắc xưa [1] . Có những gia đình cả cha và con đều đỗ tiến sĩ như các cụ Quách Toản, Quách Điển; Quách Đồng Dần, Quách Đồng Đức. Thời Pháp thuộc, Phù Khê có người thành đạt về học vấn là cụ Nguyễn Cát Ngạc. Ông là một trí thức tài năng với những công trình nghiên cứu về lịch sử sân khấu, đặc biệt là kịch nói. Hai vở kịch Chàng ngốc (1929) và Ông Tây An Nam (1930), khá nổi tiếng của ông được coi là một trong số những tác phẩm đặt nền móng cho nghệ thuật kịch nói Việt Nam. Tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh chống xâm lược của người Phù Khê toả sáng trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược từ nửa cuối thế kỷ XIX, trong phong trào Cần vương; khởi nghĩa Yên Thế; phong trào Đông kinh nghĩa thục...

Từ khi Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1873) và đặc biệt là sau khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần vương, nhân dân Phù Khê đã hăng hái tham gia nghĩa quân Đại nghĩa đoàn, còn gọi là Tam tỉnh nghĩa đoàn do Nguyễn Cao, Dương Khải, Ngô Quang Huy, Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Ở Phù Khê thượng có các cụ tú tài Nguyễn Trọng Huyên, cụ án sát Nguyễn Quang (tức Nguyễn Trọng Đạo) tham gia phong trào tích cực và đã hy sinh anh dũng. Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ, nhiều người Phù Khê đã tham gia trong hàng ngũ nghĩa quân. Phù Khê là một trong số ít những căn cứ của nghĩa quân xây dựng được ở miền đồng bằng. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Đông kinh nghĩa thục từ Hà Nội lan rộng về Từ Sơn. Phân hiệu Đông kinh nghĩa thục ở Phù Khê do ông Nguyễn Văn Châu phụ trách. Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều nhân sĩ khác như Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Văn Ái, Ngô Văn Bách, Nguyễn Văn Lãng, Nguyễn Khắc Miễn... Tổ chức Đông kinh nghĩa thục ở Phù Khê còn tổ chức tiêu diệt tên Đặng Kinh Luân là tay sai của Pháp cài vào phá hoại phong trào. Sau vụ ám sát, phong trào bị Pháp đàn áp khốc liệt và tạm lắng...

Người chiến sĩ bám sát thực tiễn đấu tranh

Nguyễn Văn Cừ đã kế thừa được tinh thần hiếu học và yêu nước của cha ông. Với trí thông minh và lòng ham học, anh là một học sinh xuất sắc. Từ khi chính thức bước chân trên con đường cách mạng, cũng với trí thông minh và lòng ham học đó, Nguyễn Văn Cừ đã nắm bắt rất nhanh lý luận cách mạng. Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng có kiến thức phong phú, có tư duy lý luận sắc bén rồi trở thành nhà lý luận Mác-xit xuất sắc của Đảng ta khi tuổi đời còn rất trẻ. Là một nhà lý luận sắc sảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng là một chiến sĩ cách mạng luôn bám sát thực tiễn phong trào, lăn lộn trong thực tiễn sôi động của cuộc đấu tranh.

Từ năm 1928, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Cừ đã tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Hội nghị Kỳ bộ Bắc kỳ của tổ chức này họp tại nhà Ngô Gia Tự (Tam Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh) ngày 28 và 29- 9- 1928, đề ra chủ trương ‘vô sản hóa”. Nguyễn Văn Cừ hăng hái đi “vô sản hóa” ở Quảng Ninh, trong vùng mỏ Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê. Tại đây, anh đã cùng sống, cùng lao động với những người công nhân mỏ. Nguyễn Văn Cừ nhận thức sâu sắc thêm về tình cảnh khổ đau, một cổ mang hai tròng áp bức của công nhân Việt Nam, về tinh thần đoàn kết và sức mạnh đấu tranh của họ... Những nhận thức đó giúp cho việc tổ chức đấu tranh và xây dựng cơ sở Đảng trong công nhân vùng mỏ của đồng chí thêm hiệu quả. Nhiều cơ sở Đảng được thành lập tại Hòn Gai, Cẩm Phả, Vàng Danh, Mạo Khê... Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân vùng than nổ ra đã hoà cùng khí thế đấu tranh đang dâng cao trong cả nước từ cuối năm 1929 đến những năm 1930 - 1931. Ngày 1- 5- 1930, cờ đỏ búa liềm được treo trên núi Bài thơ (Hòn Gai) như một lời tuyên bố, một lời kêu gọi đấu tranh của công nhân vùng than...

Cuối năm 1936, từ Côn Đảo trở về, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắt tay ngay vào việc tìm gặp các đồng chí, chắp mối, khôi phục lại tổ chức Đảng bị tan vỡ do địch khủng bố từ sau cao trào 1930 - 1931. Những nỗ lực của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã góp phần vào việc lập lại Xứ uỷ Bắc kỳ và Xứ uỷ Liên hợp Bắc kỳ - Bắc Trung kỳ (bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) vào cuối năm 1937. Mặc dù mật thám theo dõi, kiểm soát gắt gao, từ tháng 8- 1937 đến cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bốn lần từ Bắc vào Nam để họp cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với những đồng chí lãnh đạo trong Xứ uỷ Bắc Kỳ, trong Trung ương Đảng mau chóng đề ra những chủ trương phù hợp trong lúc tình hình giai đoạn này có nhiều thay đổi, cuộc đấu tranh luôn có những diễn biến mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ đạo nhiều phong trào đấu tranh công khai hoặc bán công khai cuả Đảng ta trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, với những chủ trương sáng tạo, táo bạo: Chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Đảng, điển hình là hai tờ Tin tức ở Bắc kỳ và Dân chúng ở Nam kỳ (tờ Dân chúng là cơ quan ngôn luận công khai đầu tiên của Trung ương Đảng, một tờ báo đối lập xuất bản mà chưa được phép, không những thế còn tồn tại trong gần hai năm, ra được dến 80 số với số lượng phát hành rất lớn); chỉ đạo việc đấu tranh nghị trường; phát triển các “Hội Ái hữu”... Qua những bài viết của đồng chí ngày nay còn lưu lại được trên báo Dân chúng, đặc biệt qua tác phẩm “Tự chỉ trích” nổi tiếng, có thể thấy đồng chí Nguyễn Văn Cừ là con người của phong trào, hiểu biết tình hình quốc tế và trong nước rất sâu sắc, nắm thực tiễn rất sát thực, cụ thể, hiểu rõ các giai cấp, tầng lớp xã hội, hiểu rõ những sắc thái diễn biến của cuộc đấu tranh giữa các lực lượng xã hội. Những kinh nghiệm thực tiễn phong phú đó là cơ sở quan trọng để đồng chí hình thành nên những đường lối, chủ trương đúng đắn, kịp thời.

Ngày 1-9-1939, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lúc này, Chính phủ phái hữu Đaladiê đã lên nắm quyền ở Pháp. Ngày 25-9-1939, Chính phủ này ra lệnh đàn áp Đảng cộng sản Pháp. Ba ngày sau ở Đông Đương, Chính quyền thuộc địa ra Nghị định cấm mọi hoạt động cộng sản, giải tán tất cả các tổ chức có liên hệ với Đảng cộng sản Đông Dương, tịch thu tài sản của Đảng, đóng cửa các toà báo công khai cuả Đảng... Một đợt khủng bố mới bắt đầu, thời kỳ đấu tranh công khai và bán công khai của Đảng đã chấm dứt. Bám sát những chuyển biến của tình hình quốc tế và Đông Dương, với tư duy chính trị nhạy bén, với tầm nhìn chiến lược rộng lớn và sáng suốt, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã kịp thời phân tích tình hình, chuẩn bị cho Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình mới.

Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 (vẫn gọi là Hội nghị Trung ương lần thứ 6) đã họp trong các ngày 6; 7; 8 tháng 11-1939 tại Bà Điểm - Hóc Môn dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng, chuyển hướng chiến lược về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta trong giai đoạn mới. Hội nghị xác định: Cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc Đông Dương vẫn phải bao gồm hai nội dung chống đế quốc và chống phong kiến, đây là hai nhiệm vụ quan trọng của cách mệnh tư sản dân quyền (cách mạng dân chủ nhân dân - N.V.A) … Song đứng trong tình thế khác ít nhiều với tình thế 1930-1931, chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới. Cách mệnh phản đế và cách mệnh điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa - cái nguyên tắc ấy không thể thay đổi được. Nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc.” [2].

Để tập trung lực lượng đánh đổ đế quốc, Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền kợi dân tộc; tạm gác khẩu hiệu lập “Chính quyền Xô viết công nông binh”, thay bằng khẩu hiệu lập Chính phủ dân chủ cộng hoà - là hình thức chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc, một bộ phận của giai cấp tư sản còn có thể đi chung với dân chúng trong một giai đoạn nào[3]; phương pháp cách mạng phải hướng vào dự bị những điều kiện bước tới làm bạo động cách mạng giải phóng dân tộc, chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ đế quốc và tay sai, chuyển từ hoạt động công khai và bán công khai sang hoạt động bí mật và khởi nghĩa vũ trang... Quá trình chuyển chiến lược của Đảng khởi đầu từ Hội nghị Trung ương tháng 11- 1939, và hoàn thiện ở Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Đường lối chiến lược đúng đắn đó đã soi sáng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, đã đưa tới cao trào giải phóng dân tộc 1941-1945 kết thúc bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đánh dấu sự trở lại với những tư tưởng đúng đắn cuả Nguyễn Ái Quốc về cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta, thóat khỏi xu hướng ‘tả”, quá nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp, chuyên chính công nông mà không chú ý đến đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng cho mục tiêu giành độc lập. Trong sự chuyển biến tích cực đó có những đóng góp xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Sau Hội nghị Trung ương không lâu, ngày 18-1-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Ngày 21-8-1941, đồng chí hiên ngang ngã xuống trước mũi súng kẻ thù khi vừa mới bước qua tuổi 29, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo trung kiên của Đảng: Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần... Quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ hơn 13 năm, thời gian đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư chỉ gần hai năm, nhưng đồng chí đã có nhiều cống hiến lớn cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc. Trên cương vị Tổng Bí thư, chỉ trong hơn 20 tháng, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương đề ra những quyết định quan trọng mang tầm chiến lược về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng. Những quyết định mang tính sáng tạo, độc lập tự chủ, bám sát thực tiễn cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, gắn cuộc đấu tranh đó trong phong trào đấu tranh chung của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã làm cho đường lối lãnh đạo đấu tranh cuả Đảng thời kỳ này phù hợp với sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận những đóng góp lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận. Lịch sử cách mạng Việt Nam cũng ghi nhận đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo cách mạng đầy tài năng với quan điểm thực tiễn sâu sắc. Đánh giá về điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã hoạt động cách mạng cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong những năm 1936-1939 - viết rằng: “Anh là người có quan điểm thực tiễn, luôn xuất phát từ thực tiễn để tiếp cận chân lý, tìm tòi lý luận và đề ra những chủ trương quyết sách đúng đắn, sáng tạo, không giáo điều bảo thủ” [4].

Sáng mãi tinh thần “Tự chỉ trích”

Tác phẩm “Tự chỉ trích” nổi tiếng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường xuất bản tháng 7- 1939. Vượt lên trên mục tiêu ban đầu của nó, tập sách mỏng này là một tác phẩm lý luận lớn, đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cũng qua tập sách mỏng này, chúng ta thấy rõ sự xuất sắc của một cây bút lý luận còn rất trẻ nhưng đã thể hiện một tầm nhìn chiến luợc của một trí tuệ lỗi lạc, một lập trường kiên định, với sự vân dụng phương pháp biện chứng mác-xit sát đúng với tình hình thực tế để đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo. 

Trong thời kỳ 1936-1939, tận dụng những cơ hội đấu tranh công khai và bán công khai đòi những quyền dân sinh, dân chủ cho nhân dân Đông Dương, để mở rộng lực lượng của Đảng, mở rộng diễn đàn đấu tranh, Đảng đã chủ trương vận động những người có xu hướng tư tưởng tiến bộ, tán thành cương lĩnh của Mặt trận dân chủ tham gia đấu tranh nghị trường thông qua các cuộc bầu cử tại cả ba kỳ. Ở Bắc kỳ và Trung kỳ cuộc đấu tranh nghị trường đạt nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ, những người trong danh sách của Mặt trận đã không thành. Trong Đảng diễn ra cuộc tranh luận về sự thất bại này. Qua cuộc tranh luận, nhiều đồng chí đã bộc lộ những quan điểm: hoặc chưa nắm vững những vấn đề nguyên tắc trong chính sách Mặt trận của Đảng hoặc chưa nắm vững nguyên tắc tự phê bình và phê bình của một Đảng mác-xit chân chính. Trong bối cảnh đó, tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời rất kịp thời đã thuyết minh một cách sáng rõ đường lối chính sách của Đảng, đánh tan những mơ hồ, góp phần khôi phục sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong tác phẩm của mình, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, tự chỉ trích - ngày nay chúng ta diễn đạt là tự phê bình và phê bình - là điều cần thiết; Đảng luôn hoan nghênh và đề cao ở mỗi đảng viên “quyền tự đo thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn giữ theo tinh thần Bôn sơ vích, không làm giảm uy tín cuả Đảng”[5]. Tự chỉ trích phải có nguyên tắc, tự chỉ trích là “để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mang đến thắng lợi”; “để thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự mạnh mẽ”; để “chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hiện ý chí ấy”. Đảng hoàn toàn không chấp nhận sự tự chỉ trích để đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng để đối chọi với Đảng, vin vào một số sai lầm mà mạt sát Đảng, gieo mối hoài nghi, làm giảm uy tín của Đảng. Sự tự chỉ trích phải “Công khai, mạnh dạn thành thực, vạch ra những nhầm lỗi cuả mình và tìm phương châm sửa đổi. Làm như thế không phải là làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc. Trái lại nếu  “đóng kín cửa bảo nhau” giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong hổ lốn một cục đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải là một đảng tiên phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương”. Không những phải tự chỉ trích đúng mà còn phải kịp thời, với thái độ chân tình và xây dựng. Đó chính là “sự tự chỉ trích bôn sơ vích”.

Với tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thẳng thắn và kịp thời chỉ ra những khuyết điểm, nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của cuộc vận động bầu cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ, phân tích có lý có tình những nguyên nhân khách quan và chủ quan của thất bại đó. Đồng chí cũng thẳng thắn phê phán một số ý kiến hoặc tả, hoặc hữu, đồng thời làm rõ đường lối chính sách đúng đắn và những kinh nghiệm của Đảng trong quá trình lãnh đạo Mặt trận dân chủ, qua đó kịp thời uốn nắn những lệch lạc của Mặt trận, góp phần quan trọng tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Tự chỉ trích là một tác phẩm có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bên cạnh tính lý luận sâu sắc.

Chúng ta đọc thấy ở “Tự chỉ trích” những luận điểm rất đồng nhất với những luận điểm về tự phê bình và phê bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là luật phát triển của Đảng - sự phát triển bao hàm trong đó sự tự chỉnh đốn và đổi mới. Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh coi “là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh”[6]. “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyêt điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[7]. Đối với mỗi cán bộ đảng viên, “Muốn trở thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”[8]… Chính nhờ tự phê bình và phê bình mà Đảng ta đã kịp thời phát hiện được sai lầm khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo cách mạng, kịp thời sửa chữa, tránh cả tả và hữu khuynh, phát huy vai trò tiên phong, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Thường xuyên tự phê bình và phê bình đã trở thành tuyền thống quý báu, một nguyên tắc của Đảng ta.

Cho đến ngày nay, trong bối cảnh thời đại mới, những dòng kết luận tác phẩm "Tự chỉ trích" viết cách đây đã hơn 60 năm vẫn mang đầy ý nghĩa: “Chúng ta phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh” cô độc, nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, xa rời quần chúng, và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng, nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác -  Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”.  

Với quyết tâm tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 4 đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, coi tự phê bình và phê bình là “khâu mấu chốt nhất” để kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra quyết sách và tổ chức việc thực hiện. Về hệ thống giải pháp cho những vấn đề cấp bách hiện nay, Trung ương đã đặt lên hàng đầu nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Với quyết tâm đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 vào cuộc sống để tạo được những bước đột phá có tính quyết định trong thực tế, chúng ta càng nhận rõ hơn giá trị của vũ khí tự phê bình và phê bình. Nhìn lại lịch sử nhân 100 ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ càng trân trọng hơn tinh thần Tự chỉ trích đã được đồng chí nêu bật cách đây 73 năm. Vượt qua thời gian, tinh thần Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ còn sáng mãi./.          


Tài liệu tham khảo:

[1] Sáu vị được tôn là thần đồng của đất kinh bắc xưa gồm có;

-          Trạng nguyên Lý Đạo Tải (1274), người thôn Vạn Tư, huyện Gia Bình.

-          Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư (1448), người thôn Phú Lương, huyện Quế Võ

-          Hoàng giáp Dương Như Châu (1466), người thôn Lạc Phổ, huyện Thuận Thành

-          Tiến sĩ Đàm Văn Lễ (1469), người thôn Lãm Sơn, huyện Quế Võ

-          Tiến sĩ Nguyễn Siêu Hải (1676), người thôn Khắc Niệm, huyện Tiên Du

-          Thám hoa Quách Giai (1683), người thôn Phù Khê, huyện Đông Ngàn

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng - Toàn tập, tập 6, tr.538

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng - sđd, tập 6, tr.539

[4] Trích bài viết của Đại tướng Vo Nguyên Giáp tham gia Hội thảo kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tư liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng.

[5] Những đoạn trích trong tác phẩm Tự chỉ trích dẫn từ Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.617 - 645

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 7, tr.575

[7] Hồ Chí Minh - Toàn tập, sđd - tập 5, tr.261

[8] Hồ Chí Minh - Toàn tập, sđd, tập 4, tr.26