50 năm ngành Lịch sử Đảng

Nguyễn Thị Mai Anh
13:45, ngày 18-05-2012

TCCSĐT – Lịch sử Đảng chính là lịch sử xây dựng tổ chức, hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là lịch sử đấu tranh anh hùng, bất khuất, lao động sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển (1962 - 2012), ngành Lịch sử Đảng đã có những đóng góp to lớn, tổng kết những bài học kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của Ðảng, góp phần bổ sung, hoàn thiện, làm sáng tỏ đường lối, chính sách của Ðảng, giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, tình cảm, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Năm mươi năm trước, ngày 24-01-1962, Bộ Chính trị (khóa III) ra Nghị quyết 41-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (nay là Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) với một số nhiệm vụ: sưu tầm, xác minh, lưu trữ và bảo quản tài liệu; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đồng thời “hướng dẫn và giúp đỡ các đảng bộ địa phương trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử của đảng bộ địa phương...”. Nghị quyết 41-NQ/TW đã khai sinh ra ngành khoa học xã hội mới: khoa học Lịch sử Đảng.

Tiếp đó ngày 28-9-1962, Ban Bí thư (khóa III) ra Thông tri 91-TT/TW về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng ở các khu, thành, tỉnh miền Bắc và Thông tri số 164-TT/TW ngày 30-7-1965 về nhiệm vụ và quyền hạn của các ban nghiên cứu Lịch sử Đảng địa phương miền Nam. Các ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ địa phương miền Bắc, giúp cấp ủy xây dựng bản lịch sử đấu tranh của Đảng bộ địa phương. Ngày 09-12-1974, Ban Bí thư ra Thông tri 309-TT/TW về một số công tác của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và cơ sở. Ở miền Bắc, cơ cấu cán bộ gọn nhẹ, có năng lực nghiên cứu, bảo đảm công tác lâu dài; ở miền Nam, do cấp ủy Đảng tại chỗ trực tiếp lãnh đạo mọi mặt. Sau giải phóng miền Nam, ngày 10-3-1978, Ban Bí thư (khóa IV) ra Chỉ thị 39-CT/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ban nghiên cứu lịch sử Đảng các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Ban có thêm chức năng tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu, cộng tác với cơ quan địa phương xây dựng bảo tàng cách mạng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống... Ngày 14-10-1982, Ban Bí thư (khóa V) ra Thông tri 18-TT/TW về công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng ở các tỉnh, thành phố và đặc khu, khẳng định hoạt động các ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố và đặc khu về cơ bản vẫn tiếp tục theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Chỉ thị 39 (năm 1978).

Từ đó đến nay, Đảng ta luôn coi trọng và quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng. Đã có nhiều công trình lịch sử Đảng quan trọng được biên soạn và xuất bản như: các tập văn kiện Ðảng 1930-1945, 1945-1954; các công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng; về Cách mạng Tháng Tám - 1945; Ba mươi năm hoạt động của Ðảng, Ba mươi lăm năm đấu tranh của Ðảng (tập 1 và tập 2)... Đặc biệt, năm 1981, cuốn Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam sơ thảo, tập I (1920-1954), Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam sơ thảo, tập II (1954-1975) được xuất bản đã đánh dấu bước tiến mới của khoa học lịch sử Ðảng và sự trưởng thành từng bước của đội ngũ cán bộ khoa học ngành Lịch sử Đảng.

Từ khóa II đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định về công tác Lịch sử Đảng, trong đó có Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 15, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, giáo dục, tuyên truyền Lịch sử Đảng đã được nâng lên một cách rõ rệt, nhất là nhận thức trong cấp ủy các cấp và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ làm công tác chuyên môn… Hoạt động nghiên cứu, biên soạn đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học lịch sử, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân.

Đóng góp quan trọng của ngành Lịch sử Đảng trong những năm qua là đã sưu tầm hàng chục vạn trang tư liệu, biên soạn, xuất bản hàng trăm cuốn sách, công trình Lịch sử Đảng, tổ chức nhiều hoạt động thông tin tư liệu, hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ… Riêng trong giai đoạn 2009-2011, cả nước đã biên soạn, xuất bản được gần 1.200 công trình,đ trong đó cấp tỉnh, thành phố gần 300 công trình, cấp quận, huyện, thị xã hơn 150 công trình, cấp xã, phường, thị trấn hơn 700 công trình… Những công trình này đã góp phần chuẩn bị tư liệu, văn kiện, tổng kết thực tiễn lịch sử, đề xuất những luận cứ khoa học phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp thành công và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đưa ra những kết luận, làm rõ hơn nhiều vấn đề mới trong Cương lĩnh và đường lối… làm phong phú hơn, đầy đủ hơn lịch sử Đảng ta, sáng rõ hơn về lý luận con đường cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Riêng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), trong những năm 2009-2012 đã hoàn thành nghiên cứu, biên soạn và tổ chức nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ trọng điểm, đặc biệt trong đó có những đề tài Ban Bí thư giao: Tu chỉnh và nâng cao Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II (1954-1975), tập III (1975-2006); hoàn chỉnh luận chứng đề tài: Tổng kết công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh trong các nhà tù, trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); tham gia 02 công trình nghiên cứu: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lịch sử chuyên gia Việt Nam giúp Cách mạng Campuchia… Viện cũng tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học như: Hội thảo 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2009); Đảng Cộng sản Việt Nam - 80 năm xây dựng và phát triển; 80 năm Xô viết Nghệ Tĩnh; 65 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Thống kê ở cấp tỉnh, thành phố, hiện đã có 63 tỉnh, thành phố đã xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930-1975; 29 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1975-2000; 28 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1975-2005; 10 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1975-2010. Ngoài ra một số tỉnh xuất bản cuốn Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh, Kỷ yếu các kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh, thành phố đến năm 2010. Hiện còn gần 20 công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố giai đoạn 1975-2005, 1975- 2010 đang được biên soạn, chuẩn bị xuất bản. Ở cấp quận, huyện, thị xã: 100% các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã hoàn thành biên soạn, xuất bản Lịch sử Đảng bộ.

Trước khi có Chỉ thị 15, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác  này còn thiếu tập trung, thống nhất. Có nơi tổ chức là một tổ, có nơi là phòng…, có nơi thuộc Ban Tuyên giáo, có nơi lại thuộc cấp ủy, văn phòng cấp ủy… Về đội ngũ cán bộ, có tỉnh không bố trí cán bộ Lịch sử Đảng. Đến năm 2011, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đã được tăng cường, củng cố một bước. 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng Lịch sử Đảng, Phòng lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, do đồng chí Trưởng ban hoặc Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách. Đội ngũ cán bộ đều có trình độ đại học trở lên, được đào tạo đúng chuyên ngành. Nhìn chung, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử chung toàn Đảng, lịch sử đảng bộ các địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể… những năm qua đã có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện được nét đặc thù từng địa phương.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình Lịch sử Đảng, nhiều nơi đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, các vị lãnh tụ, về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các địa phương. Trong các dịp kỷ niệm, nhiều địa phương cũng tổ chức giao lưu, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, giúp thế hệ trẻ ôn lại lịch sử, đây cũng là một cách tuyên truyền giáo dục Lịch sử Đảng rất được chú trọng những năm gần đây.

Công tác giảng dạy lịch sử Đảng cho các lớp trung, cao cấp lý luận chính trị - hành chính tại Học viện trung tâm và trong toàn hệ thống cũng được đổi mới một bước; công tác đào tạo cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Đảng được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng còn những hạn chế, khó khăn như: một số nơi, một số cấp ủy chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác Lịch sử Đảng; một số công trình nghiên cứu, trong đó có cả công trình trọng điểm chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tổng kết, đúc rút kinh nghiệm nâng lên thành lý luận của Đảng, chưa tương xứng với sự đầu tư thời gian, kinh phí, tiến độ còn chậm; công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng chưa được coi trọng đúng mức, chưa trở thành thường xuyên trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ nhiều địa phương còn thiếu, chưa ổn định; công tác bảo quản, sưu tầm tư liệu lịch sử tại nhiều kho chưa được chú trọng đúng mức, khai thác tư liệu còn khó khăn; công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ ở nhiều địa phương chưa thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi và nhu cầu lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác Lịch sử Đảng.

Trong 50 năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy, đào tạo, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng đã có nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện, đóng góp vào công tác tư tưởng, lý luận của cách mạng Việt Nam, trong đó có những vấn đề lý luận của hơn 25 năm đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực chống lại có hiệu quả những luận điệu sai trái và âm mưu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận Lịch sử Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng; có tác dụng thiết thực trong giáo dục lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, truyền thống cách mạng, truyền thống của Đảng; góp phần giúp bạn bè  quốc tế có cơ sở khoa học hiểu sâu sắc hơn về Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh và về cách mạng nước ta.

Hiện nay, khi toàn Đảng đang quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì các thế lực thù địch trong và ngoài nước càng ra sức tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng… Tình hình đó đã đặt ra cho khoa học Lịch sử Đảng, công tác Lịch sử Đảng toàn quốc những nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, toàn ngành đã đề ra một số giải pháp chủ yếu cần được tập trung trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu, rộng Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy Đảng với công tác Lịch sử Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của Đảng.

Hai là, thực hiện nghiêm túc quy trình nghiên cứu, biên soạn và quy định thẩm định, xuất bản sách Lịch sử Đảng… Nâng cao chất lượng, bảo đảm tính tư tưởng, khoa học, chân thực và hấp dẫn người đọc; phối hợp chặt chẽ với cơ quan lưu trữ tạo điều kiện cho việc tiếp cận, khai thác các nguồn tư liệu.

Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bằng nhiều phương thức, phù hợp với nhiều đối tượng; nâng cao nhận thức và đánh giá đúng thực trạng chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng trong các trường chính trị, các trung tâm bồi dưỡng chính trị trong phạm vi cả nước.

Bốn là, kiến nghị tăng cường đầu tư các nguồn kinh phí, bổ sung trang thiết bị cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, đặc biệt là kinh phí để bảo quản, gìn giữ, khai thác các tư liệu lịch sử về Đảng.

Năm là, tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn theo hướng ổn định, lâu dài và kế thừa có phát triển./.