Toàn quốc kháng chiến với bài học xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nguyễn Mạnh Hà Đại tá, PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
12:48, ngày 19-12-2011
TCCSĐT- Cách đây tròn 65 năm, ngày 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, đặc biệt là ở các đô thị, đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trên quy mô cả nước chống thực dân Pháp xâm lược. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những bài học của Toàn quốc kháng chiến vẫn còn giữ nguyên giá trị và cần được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất.
Sau gần 16 tháng kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời cùng với quyền làm chủ cuộc sống mới trong độc lập, tự do của toàn dân được xác lập, trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống “thù trong giặc ngoài”, giặc đói, giặc dốt, đấu tranh ngoại giao để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh lan rộng, tranh thủ thời gian xây dựng, củng cố lực lượng mọi mặt…, cuộc kháng chiến toàn quốc đã được mở đầu ngay tại Thủ đô Hà Nội. Quân và dân ta buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập non trẻ mới giành được. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lời hịch của non sông - tối ngày 19-12-1946, đã khẳng định lý do chiến đấu của quân dân ta: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Hỡi đồng bào. Chúng ta phải đứng lên”. Người đã thay mặt nhân dân cả nước biểu thị lòng yêu nước, ý chí quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, dù phải hy sinh, gian khổ đến đâu chăng nữa: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu biết rõ tình thế và vận mệnh dân tộc lúc đó, với lòng yêu nước nồng nàn, toàn dân đã đồng loạt đứng lên kháng chiến với thế chủ động tiến công và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tiếp bước Hà Nội nổ phát súng đại bác ở Pháo đài Láng mở đầu kháng chiến toàn quốc, các đô thị khác như Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Đà Nẵng…, dưới sự chỉ huy chung, theo một kế hoạch thống nhất từ Bộ Tổng chỉ huy, đã chủ động nổ súng tiến công quân xâm lược, hợp thành một bản hợp xướng - hùng ca của lòng yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng, tạo nên một sự mở đầu hiệu quả và hoàn hảo cho hành trình những năm kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Ngày 19-12-1946 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một sự kiện trọng đại, trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước quật khởi, hào hùng của sức mạnh đoàn kết toàn dân trước vận mệnh của đất nước đang lâm nguy. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm rưỡi, sức mạnh của toàn dân tộc đã hai lần được bộc lộ một cách hùng tráng, tập trung và đồng thời trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi cả nước tháng 8-1945 và Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946. Hai sự kiện lịch sử khởi nghĩa giành độc lập và giữ gìn, bảo vệ độc lập dân tộc đó đều do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo, được toàn dân, toàn quân đồng lòng, đồng tâm hưởng ứng và thực hiện, nên đã giành được thắng lợi to lớn.

Việc phát động Toàn quốc kháng chiến đã chứng tỏ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt trong nhận định tình hình, đánh giá đúng âm mưu và hành động của kẻ thù, cũng như khả năng mọi mặt và lực lượng của ta, lựa chọn đúng thời cơ, thời điểm và địa điểm để chủ động nổ súng tiến công giành lấy lợi thế ngay từ những ngày đầu, chủ động chuyển cả nước vào kháng chiến trường kỳ một cách nhanh chóng. Đó là một thành công lớn về nghệ thuật mở đầu chiến tranh, đặc biệt là lại chọn mở đầu ở chính Thủ đô, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá của đất nước.

Phát động Toàn quốc kháng chiến vào thời điểm so sánh sức mạnh lực lượng quân sự còn bất lợi cho ta, nền kinh tế bảo đảm phục vụ kháng chiến, quốc phòng còn nhỏ bé, với muôn vàn khó khăn, đã chứng tỏ sự đúng đắn và quyết đoán, sự thể hiện niềm tin mãnh liệt vào quần chúng nhân dân và quân đội nhân dân của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, cũng chứng tỏ niềm tin vô bờ bến của quân, dân cả nước vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm biến “mỗi làng, xã, góc phố là một pháo đài, mỗi quốc dân là một chiến sĩ”, chiến đấu với kẻ thù đến thắng lợi hoàn toàn. Toàn quốc kháng chiến được phát động và triển khai rộng khắp đã góp phần đánh bại thêm một bước quan trọng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo tiền đề thuận lợi để đánh bại hoàn toàn chiến lược này vào Thu - Đông năm 1947, đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc phát triển sang một giai đoạn mới, với thế mới và lực mới.

Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lập nên bao kỳ tích: đi tiên phong trong việc đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và đội quân viễn chinh Pháp, lập lại hoà bình trên một nửa nước; tiếp đó, đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu mới cùng đội quân xâm lược đông hàng triệu tên của đế quốc Mỹ và tay sai, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm chiến đấu vì độc lập, tự do. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, bộ mặt đất nước đang có những đổi thay nhanh chóng theo hướng phát triển, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được tăng cường và khẳng định. Có được những thành quả to lớn, vĩ đại đó, không thể không nói tới tinh thần quật khởi, ý chí quyết chiến quyết thắng, vượt mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu vì độc lập dân tộc, tự do cơm áo cho nhân dân của những ngày Toàn quốc kháng chiến.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những bài học của Toàn quốc kháng chiến cách đây 65 năm, vẫn còn giữ nguyên giá trị và cần được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả cao nhất.

Đó là bài học về nhạy bén, tỉnh táo nắm bắt tình hình thời cuộc, đón nhận, tận dụng cơ hội, cũng như đương đầu, hoá giải thách thức để xây dựng và phát triển. Thời cơ, thời điểm phát động Toàn quốc kháng chiến, giành lấy chủ động trong thế bị động, trong hoàn cảnh còn muôn vàn khó khăn, kém đối phương về sức mạnh quân sự, kinh tế… chính là những ví dụ cụ thể, sinh động và sâu sắc về tính chủ động, sáng tạo trong xử lý những vấn đề liên quan đến hội nhập và giữ vững quốc phòng, an ninh khi tình hình thế giới đang có những biến động mau chóng, phức tạp, khó lường hiện nay.

Đó là bài học về phát huy lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của toàn dân, sự đồng tâm, hiệp lực của các lực lượng vào thực hiện thắng lợi việc phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Thực tế diễn biến những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến cho thấy, sức mạnh vĩ đại của nhân dân đã được phát huy trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, bởi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho toàn dân hiểu và tin tưởng vào sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa, vào tiền đồ vẻ vang của dân tộc một khi kháng chiến thành công. Ngày nay, tinh thần yêu nước, quật khởi và sức mạnh của khối đoàn kết toàn đã luôn và rất cần được phát huy và phải trở thành nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó còn là bài học về tạo dựng niềm tin mãnh liệt của toàn dân đối với Đảng vào sự nghiệp cách mạng, vào con đường xây dựng một đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi có chung niềm tin mới có thể xây dựng được khối đoàn kết mới; có niềm tin thì mới có quyết tâm, từ quyết tâm mới có chủ trương, biện pháp hành động đúng. Trong tình hình hiện nay, khi mà các phương tiện thông tin đại chúng có sức mạnh chi phối đến tư tưởng, hành động của mỗi người, nhất là khi các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lợi dụng các phương tiện truyền thông để xuyên tạc, bóp méo sự thật, lợi dụng những sai lầm, yếu kém, thoái hoá, biến chất của một bộ phận đảng viên, cán bộ để tuyên truyền, kích động, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân… thì việc tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết toàn dân thành sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước càng trở nên cấp thiết. Phải xây dựng được nhận thức đúng mới có hành động đúng. Thực tế của Toàn quốc kháng chiến đã cho thấy, một khi nhân dân đặt niềm tin vào Đảng và Bác Hồ đang chèo lái con thuyền cách mạng gặp những khó khăn to lớn, thì nhân dân tự nguyện kết thành một khối xung quanh Đảng và Bác Hồ, tạo nên sức mạnh vô địch để đánh thắng kẻ thù. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong, gương mẫu cả trong lời nói và hành động. Các đường lối, chủ trương của Đảng cần phản ánh và thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, của dân tộc để giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tinh thần quật khởi của ngày Toàn quốc kháng chiến sống mãi, trở thành hành trang quý giá, là động lực cho mỗi chúng ta, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.