Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pháp: kỳ vọng nhiều, kết quả không mấy ấn tượng
TCCSĐT- Trong hai ngày 3 và 4-11-2011, tại thành phố Cannes của Pháp đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 với kỳ vọng để lại dấu ấn lịch sử giúp EU thoát khỏi vòng xoáy cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa sự ổn định toàn cầu. Nhưng những gì đã đạt được tại Hội nghị lần này đã không để lại mấy ấn tượng và khủng hoảng nợ công vẫn đe dọa sự tồn tại của Eurozone.
Từ kỳ vọng về một Hội nghị để lại dấu ấn lịch sử
Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2011 tại Pháp, dư luận và giới phân tích dự báo sự kiện này sẽ để lại dấu ấn lịch sử như Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Mỹ năm 2008 trên cơ sở so sánh bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Mỹ năm 2008 và năm 2011 ở Pháp diễn ra trong thời điểm đặc biệt và mang dấu ấn lịch sử.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2008 diễn ra tại Mỹ ngay sau khi hàng loạt ngân hàng ở nước này sụp đổ dẫn tới nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Trong tình cảnh đó, Chính phủ Mỹ đã mời lãnh đạo các nước thuộc G20 tới Washington tiến hành cuộc họp cấp cao lần đầu tiên để bàn về các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế tương tự như cuộc đại suy thoái đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Và tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đó, lãnh đạo các nước G20 đã đưa ra được các giải pháp có tác dụng ngăn ngừa khủng hoảng như sử dụng các gói kích thích kinh tế; nhà nước ra tay cứu giúp các ngân hàng và các tổ chức tài chính; nhiều nước chuyển sang phát triển thị trường nội địa v.v.. Các giải pháp đó đã có hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn khủng hoảng có thể dẫn tới cuộc đại suy thoái.
Còn Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2011 ở Pháp diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và nhiều nước khác có nguy cơ đưa thế giới sa vào vòng xoáy khủng hoảng mới, còn nguy hiểm hơn đợt khủng hoảng năm 2008. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới nhận định, vòng xoáy khủng hoảng nợ công năm 2011 có thể gây ra những hậu quả nặng nề hơn, có thể là thảm hoạ tài chính trên phạm vi toàn cầu. Do đó, cuộc khủng nợ công ở châu Âu là tâm điểm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pháp. Ngoài ra, Hội nghị G20 lần này còn diễn ra trong bối cảnh phong trào “Đánh chiếm Phố Wall” bùng phát từ Mỹ đã lan tỏa sang hơn 80 nước, trong đó có nhiều nước châu Âu, khiến cho giải pháp “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp và nhiều nước khác bị thách thức nghiêm trọng. Đó là lý do khiến cho Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2011 ở Pháp được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử.
Kỳ vọng đầu tiên và quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pháp lần này là giúp EU và Eurozone thực thi gói giải pháp vừa được thông qua tại kỳ họp thượng đỉnh vào ngày 26-10-2011, bao gồm chấp thuận xóa 50% khoản nợ công 350 tỉ euro của Hy Lạp; tái cấp vốn cho các ngân hàng, ước tính trên 100 tỉ euro từ nhiều nguồn khác nhau; nâng mức của Quỹ ổn định tài chính châu Âu khoảng 250 tỉ euro hiện nay lên tới khoảng 1.000 tỉ euro.
Đến những kết quả không mấy ấn tượng
Không khí bao trùm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pháp lần này là cuộc khủng hoảng nợ công ở EU nói chung và Hy Lạp nói riêng. Tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy tuyên bố: “Đồng tiền chung châu Âu euro là tài sản của EU, là bảo đảm hòa bình trên lục địa châu Âu và các quốc gia ở châu lục này phải bảo vệ nó. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập EU”.
Trong khi các nhà lãnh đạo G20 chuẩn bị bàn thảo về biện pháp giải cứu Hy Lạp, thì một tin gây sốc đến từ Athena: Thủ tướng Georges Papandreou dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 4 và 5-12-2011 về gói cứu trợ Hy Lạp do EU đề xuất. Trước sự kiện bất ngờ này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải đưa ra tối hậu thư đối với Hy Lạp là sẽ không có bất cứ sự giúp đỡ nào từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước khi công bố kết quả trưng cầu ý dân. Trước sức ép của EU và phe đối lập, Thủ tướng Georges Papandreou đã phải quyết định từ bỏ kế hoạch trưng cầu ý dân và quyết định này đã tạo ra tia hy vọng le lói tại Hội nghị thượng đỉnh G20.
Tuy nhiên, hy vọng le lói đó vẫn không đủ thắp sáng nhiệt tình của các thành viên G20 đóng góp vào Quỹ Ổn định tài chính châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế để giúp các nước EU vượt qua khủng hoảng. Tổng thống Mỹ Barack Obama thì cho rằng, trong tình thế khủng hoảng hiện nay, Mỹ không thể giúp được gì cho EU, vả lại các nước khác nên giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng, bởi Mỹ là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu nên một khi kinh tế Mỹ phục hồi và phát triển thì cả thế giới đều được lợi. Thủ tướng Anh David Cameroon cho rằng, các nước EU cần tự giải quyết khó khăn của chính mình, còn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thì khẳng định, chính châu Âu phải tự giải quyết chuyện nợ nần của mình trước tiên. Trả lời nhật báo Pháp Le Figaro ngày 3-11-2011, ủy viên Ủy ban Chính sách tài chính Lý Đạo Quỳ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói, Trung Quốc có thể hỗ trợ Eurozone khoảng 100 tỉ USD, nhưng châu Âu cần phải thỏa mãn một số điều kiện. Một là, Trung Quốc phải biết chắc chắn là Quỹ Ổn định tài chính châu Âu có thể giúp ổn định tình hình EU. Hai là, Trung Quốc phải có được những khoản bảo đảm cụ thể.
Về những giải pháp chung nhằm ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu, trước hết phải kể tới việc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Trong vấn đề này, không có một kết quả cụ thể nào được đưa ra mà chỉ đạt được kết luận chung của Hội nghị là “đã đạt được những tiến bộ trên con đường cải cách hệ thống tiền tệ” và cam kết của các quốc gia “tăng cường sự linh hoạt của tỉ giá để phản ánh thực chất những nền kinh tế.”
Về việc góp tiền cho IMF, các thành viên G20 đã đạt được thỏa thuận cấp thêm tiền để IMF có tiềm năng ứng phó với các tình huống khủng hoảng. Hội đồng bình ổn kinh tế, một cơ quan do G20 thành lập năm 2009, sẽ công bố danh sách 29 ngân hàng lớn được coi là trụ cột trong cuộc khủng hoảng nhằm áp dụng chính sách bảo vệ các Ngân hàng này. Nhưng sớm nhất, đến đầu năm 2012 việc này mới được tiến hành.
Về tỉ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) - một chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn của G20, Trung Quốc lâu nay bị chỉ trích cố tình định giá đồng NDT thấp hơn thực chất để đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, Mỹ và Trung Quốc cam kết điều chỉnh lại tỉ giá NDT so với đồng USD. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đưa ra cam kết trên trong tổng thể cam kết cả gói, bao gồm tăng cường tiêu thụ nội địa, cải cách hệ thống phúc lợi xã hội, tăng thu nhập tầng lớp bình dân, tiến tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như hiện nay. Như vậy, Trung Quốc sẽ thay đổi tỉ giá đồng NDT theo một lộ trình cần nhiều thời gian.
Về giải pháp đánh thuế các giao dịch tài chính, các nước châu Âu, đặc biệt là nước chủ nhà Pháp, rất kỳ vọng sẽ được các thành viên khác của G20 ủng hộ sáng kiến này. Nhưng Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều thành viên khác đã không ủng hộ đề xuất đánh thuế các giao dịch tài chính do Pháp đưa ra. Theo ông Dvorcovich, đặc phái viên của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại G20, Nga cũng chưa có ý định áp dụng thuế đối với các dịch vụ ngân hàng vì một lý do đơn giản là hình thức đánh thuế này không có lợi xét từ quan điểm kinh tế cũng như lĩnh vực tài chính của Nga, đặc biệt là hiện nay Nga đang thực hiện kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.
Những kết quả khác mà Hội nghị G20 đạt được là ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; G20 đồng ý đề xuất của Nga về việc phân tích hoạt động khai thác tài nguyên ở thềm lục địa, theo đó thiết lâp cơ chế trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực khai thác và vận chuyển dầu mỏ và khí đốt ở thềm lục địa; các nước không thâm hụt nhân sách nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để ủng hộ và phát triển thị trường trong nước như Trung Quốc hoặc Đức, còn Mỹ sẽ có trách nhiệm giảm tỉ lệ nợ công theo GDP xuống con số thích hợp không muộn hơn giữa thập kỷ này nhằm xác lập lại cán cân thương mại toàn cầu và phục hồi tăng trưởng kinh tế, tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; giao cho Hội đồng ổn định tài chính thường xuyên kiểm soát hoạt động thưởng tiền cho các quan chức cấp cao thuộc hệ thống ngân hàng, bảo đảm cho cho quá trình thưởng được thực hiện minh bạch và vừa phải; nỗ lực đầu tư để tăng sản xuất nông nghiệp lên 70% để nuôi sống dân số trên Trái Đất sẽ lên tới hơn 10 tỉ vào năm 2050, đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động trên thị trường nông sản.
Nhìn vào danh mục những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tại Pháp có thể thấy, ngoài những biện pháp cụ thể trong một số lĩnh vực không được coi là “nóng”, G20 đã không đạt được kết quả ấn tượng mang tính đột phá như dư luận mong đợi trong những lĩnh vực có tầm chiến lược. Như vậy, việc EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone có vượt qua vòng xoáy khủng hoảng và tiếp tục phát triển hay không sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của chính các nước thành viên, trước hết là Hy Lạp, nơi cuộc khủng hoảng kinh tế đang đe dọa sự tồn tại của Eurozone và đã có dấu hiệu dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị./.
Đồng hành cùng dân tộc với tinh thần ích nước, lợi dân  (06/11/2011)
Ổn định Biển Đông: Cần sự hợp tác giữa các bên  (06/11/2011)
Tăng cường và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc  (06/11/2011)
Pakistan dành cho Ấn Độ quy chế thương mại tối huệ quốc  (06/11/2011)
Căn cứ quân sự của Mỹ tại Kyrgyzstan sẽ đóng cửa vào năm 2014  (06/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay