TCCSĐT - Ngày 8-10-2011, Vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Gru-di-a về vấn đề Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kết thúc mà không có kết quả nào. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tbi-li-xi (Tbilisi) của Gru-di-a sau khi tham gia vòng đàm phán này, Thứ trưởng Ngoại giao Gru-di-a S. Ca-pa-nát-de (S. Kapanadze) nói rằng, Tbi-li-xi thấy không cần phải tiến hành vòng đàm phán tiếp theo, nếu Nga không thay đổi lập trường liên quan đến bất đồng hiện nay giữa hai bên.
1. Đan Mạch công bố thành phần nội các mới

Ngày 3-10-2011, Chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ Đan Mạch, đồng thời là nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Đan Mạch, bà Hen-lê Tho-ninh-Smít (Helle Thorning-Schmidt), đã đệ trình lên Nữ hoàng Đan Mạch Ma-gơ-rét Đệ nhị (Margrethe II) danh sách Chính phủ liên hiệp. Theo danh sách được công bố, Chính phủ mới bao gồm 23 thành viên, trong đó 9 nữ bộ trưởng. Ông Bia-nơ Cô-ri-đôn (Bjarne Corydon), thuộc Đảng Xã hội dân chủ, vốn là cố vấn kinh tế của bà Hen-lê Tho-ninh-Smít được bầu làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Vin-li Xô-e-vơ-đan (Villy Soevndal), Chủ tịch Đảng Nhân dân xã hội, đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Chủ tịch Đảng Xã hội tự do, bà Mác-gơ-rét Ve-xta-giơ (Margrethe Vestager), được bầu làm Bộ trưởng Kinh tế và Nội vụ. Theo chương trình này, Chính phủ mới ở Đan Mạch sẽ tiến hành một chương trình thúc đẩy đầu tư và kích cầu để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nới lỏng chính sách đối với người nước ngoài, hủy bỏ các biện pháp kiểm tra và kiểm soát ở cửa khẩu biên giới với các nước thành viên EU là Thụy Điển và Đức, thành lập một ủy ban nghiên cứu đề xuất các biện pháp cải cách thuế theo hướng công bằng hơn về xã hội và giảm thuế thu nhập. Ngoài ra, Chính phủ mới của bà Hen-lê Tho-ninh-Smít sẽ nâng mục tiêu bảo vệ khí hậu trái đất và bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái thành trọng tâm.


2. Hội nghị Bộ trưởng Nông, Lâm nghiệp ASEAN


Ngày 6-10-2011, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 (AMAF-33) đã diễn ra tại thủ đô Gia-các-ta (Jakarta) của In-đô-nê-xi-a. Phó Tổng Thư ký ASEAN Xun-đram Pu-xơ-pa-na-than (Sundram Pushpanathgan) cùng các nhà lãnh đạo ngành nông nghiệp và lâm nghiệp 10 nước ASEAN đã tham dự Hội nghị. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu. Hội nghị đã bầu Bộ trưởng Nông nghiệp In-đô-nê-xi-a Xu-xu-ô-nô (Suswono) làm Chủ tịch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào Vi-lay-vanh Phôm-ke (Vilayvanh Phomkhe) làm Phó Chủ tịch AMAF - 33. Sau một ngày họp kín, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung khẳng định sự đóng góp tích cực của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thực phẩm trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Hội nghị cũng bày tỏ ủng hộ hoàn toàn đối với các biện pháp thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009 - 2015, đồng thời đánh giá cao những tiến bộ đạt được của các ngành nông, lâm nghiệp và thực phẩm, đặc biệt trong việc nâng cao khả năng bảo đảm an ninh lương thực - thực phẩm trước những tác động của biến đổi khí hậu.


3. Châu Âu nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng


Ngày 6-10-2011, tại cuộc họp Hội đồng hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Béc-lin (Berlin, Đức), ECB đã thông qua quyết định giữ nguyên lãi suất đối với các hoạt động tái huy động vốn chủ chốt là 1,5%. Bên cạnh đó, ECB thông báo những biện pháp mới nhằm giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn, trong đó có kế hoạch cung cấp các khoản tín dụng mới có thời hạn cho các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng như tái khởi động chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước đang ngập trong nợ nần ở Eurozone. Trước đó, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Ô-li Ren (Olli Rehn) cũng cho biết, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng một kế hoạch phối hợp tái cấp vốn cho các ngân hàng trong liên minh nhằm tránh tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ dẫn đến nguy cơ phá sản như trường hợp ngân hàng De-xia (liên doanh giữa Pháp và Bỉ) mới đây. Trong một diễn biến có liên quan, ngày 6-10, các nghị sĩ Quốc hội Hà Lan đã nhất trí ủng hộ kế hoạch cải cách Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) nhằm tăng cường khả năng và quyền hạn của EFSF trong nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong các nước khu vực. Như vậy, cho đến nay đã có 15 nước Eurozone ủng hộ cải cách EFSF. Nếu được toàn bộ 17 nước trong khu vực chấp thuận thì kế hoạch này mới có hiệu lực. Hiện nay còn Man-ta và Xlô-va-ki-a chưa thông qua kế hoạch này.


4. Áp-ga-ni-xtan kỷ niệm 10 năm cuộc chiến chống Ta-li-ban


Ngày 7-10-2011, Áp-ga-ni-xtan tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày phát động cuộc chiến chống Ta-li-ban (Ta-li-ban) do Mỹ đứng đầu, một cuộc chiến đã dẫn tới việc lật đổ chế độ Ta-li-ban chỉ vài tuần sau đó. Buổi lễ diễn ra đơn giản trong bối cảnh an ninh được thắt chặt sau khi xảy ra loạt vụ tấn công đẫm máu ở quốc gia Nam Á này thời gian qua. Đối với nhiều người dân Áp-ga-ni-xtan, lễ kỷ niệm là dịp để họ đánh giá lại tác động của cuộc chiến đối với đất nước cũng như ảnh hưởng đối với họ trong tương lai. Theo thống kê, sau 10 năm phát động, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Áp-ga-ni-xtan và gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ USD. Hãng truyền hình CNN thì đưa ra một vài số liệu thống kê để phác họa bức tranh tương tự về chi phí và thiệt hại thực sự do cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan gây ra. Theo CNN, trong 10 năm qua đã có hơn 2.700 binh lính Mỹ và ít nhất 26 đồng minh khác của Mỹ bị thiệt mạng ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó có 382 binh lính Anh và 157 binh lính Ca-na-đa. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, hơn 14.000 binh lính Mỹ bị thương ở Áp-ga-ni-xtan. Chính phủ Áp-ga-ni-xtan cho biết hiện có khoảng 140.000 binh sĩ nước ngoài đồn trú tại nước này, trong đó 100.000 người là binh sĩ Mỹ. Theo kế hoạch, toàn bộ số binh sĩ này sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan trước cuối năm 2014, trong khi quyền kiểm soát an ninh đất nước hiện đang từng bước được chuyển giao cho quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan.


5. Giải Nô-ben Hòa bình năm 2011


Ngày 7-10-2011, Ủy ban giải Nô-ben đã quyết định trao giải Nô-ben Hòa bình năm 2011 cho 3 phụ nữ là Ê-len Giôn-xơn Xơ-líp (Ellen Johnson Sirleaf), Lây-ma Gơ-bô-ê (Leymah Gbowee) và Ta-oa-cun Ca-man (Tawakkul Karman) vì các nỗ lực đấu tranh phi bạo lực, sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ trong tiến trình kiến tạo hòa bình của họ. Ê-len Giôn-xơn Xơ-líp (Ellen Johnson Sirleaf) là Tổng thống Li-bê-ri-a. Kể từ lúc nhậm chức năm 2006, bà đã có rất nhiều đóng góp cho việc đảm bảo hòa bình ở Li-bê-ri-a, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ. Lây-ma Gơ-bô-ê là người đã tổ chức cho phụ nữ thuộc mọi sắc tộc và tôn giáo tham gia phong trào hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến thứ hai ở Li-bê-ri-a vào năm 2003, đồng thời bảo đảm quyền của phụ nữ được tham gia các cuộc bầu cử. Ta-oa-cun Ca-man là người đóng vai trò hàng đầu trong cuộc đấu tranh đòi quyền của phụ nữ ở Y-ê-men. Phần thưởng của giải Nô-ben Hòa bình năm nay được chia đều cho ba nhân vật nói trên.


6. Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của I-ta-li-a và Tây Ban Nha


Ngày 7-10-2011, Công ty đánh giá tín nhiệm Fitch đã hạ bậc tín nhiệm của I-ta-li-a và Tây Ban Nha, tạo thêm sức ép cho hai nước này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khiến những nỗ lực của Rô-ma và Ma-đrít để ổn định tài chính công gặp nhiều khó khăn. Fitch đã hạ bậc tín nhiệm của I-ta-li-a từ AA- xuống mức A+ với triển vọng tiêu cực, do nợ công ở mức cao và tăng trưởng kinh tế thấp, đồng thời cho rằng Rô-ma cần có giải pháp phức hợp để ổn định tình hình tài chính của nước này. Trong khi đó, Tây Ban Nha bị hạ hai bậc tín nhiệm nợ công dài hạn, từ mức AA+ xuống AA-, với triển vọng tiêu cực, do khủng hoảng nợ công ngày càng tăng và những nguy cơ đối với nỗ lực củng cố tài chính đang nảy sinh từ hoạt động ngân sách của một số khu vực kết hợp với việc Fitch hạ mức tín nhiệm về triển vọng tăng trưởng trung hạn của Tây Ban Nha. Theo dự đoán của Fitch, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Tây Ban Nha sẽ vẫn ở dưới mức 2% từ nay đến năm 2015. Fitch cho biết việc hạ mức tín nhiệm của hai nước trên đã phản ánh cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày một tăng trong Eurozone.


7. Tổng thống Y-ê-men tuyên bố sớm từ bỏ quyền lực


Ngày 8-10-2011, Tổng thống Y-ê-men A-li Áp-đu-la Xa-lê (Ali Abdullah Saleh) tuyên bố ông sẽ từ bỏ quyền lực trong những ngày tới. Tổng thống Xa-lê cũng cho biết ông sẽ sớm triệu tập một cuộc họp của Quốc hội Y-ê-men để thông báo một cách minh bạch mọi diễn biến tình hình. Tuy nhiên, ông Xa-lê không đề cập đến việc có thực hiện chuyển giao quyền lực theo như kế hoạch mà Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đưa ra trước đây hay không. Mặc dù vậy, ông khẳng định: "Vẫn còn những người yêu nước, và dù là lãnh đạo dân sự hay quân sự, họ cũng có khả năng lãnh đạo đất nước Y-ê-men". Tổng thống Xa-lê cũng nhắc lại rằng, nhân dân Y-ê-men đang phải chống chọi với những âm mưu phá hoại lớn trong suốt 9 tháng qua. Tại Y-ê-men, các cuộc biểu tình phản đối 33 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo kỳ cựu này bùng nổ từ đầu năm và kéo dài đến nay. Tình hình chính trị Y-ê-men trở nên bế tắc hoàn toàn kể từ khi ông Xa-lê trở về nước ngày 23-9, sau ba tháng dưỡng thương tại A-rập Xê-út. Trước đó, ông Xa-lê cũng đã từng tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền lực và ký vào kế hoạch giải quyết khủng hoảng do GCC đề xuất để trao lại quyền lực cho phe đối lập, nhưng sau đó ông lại bác bỏ.


8. Gru-di-a phủ quyết Nga gia nhập WTO


Ngày 8-10-2011, vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Gru-di-a về vấn đề Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kết thúc mà không có kết quả nào. Vòng đàm phán được tiến hành tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tbi-li-xi (Tbilisi) của Gru-di-a sau khi tham gia vòng đàm phán này, ông Ca-pa-nát-de nói rằng, Tbi-li-xi thấy không cần phải tiến hành vòng đàm phán tiếp theo nếu Nga không thay đổi lập trường liên quan đến bất đồng hiện nay giữa hai bên. Trong khi đó, phát biểu với báo giới cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Ma-xim Mét-vét-cốp (Maxim Medvedkov) tuyên bố yêu cầu nói trên của Gru-di-a không thuộc phạm vi trách nhiệm của WTO. Bất đồng chính giữa hai nước trong đàm phán gia nhập WTO là việc Nga không ủng hộ đề nghị của Gru-di-a về triển khai quan sát viên quốc tế tại các trạm kiểm soát dọc biên giới hai nước cộng hòa ly khai Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a. Nga bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập WTO từ năm 1993 và đến nay đã hoàn tất đàm phán với nhiều nước thành viên WTO, trong đó có Mỹ và các nước Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, sau 18 năm, tiến trình đàm phán này vẫn chưa hoàn tất và Nga hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đứng ngoài WTO.


9. Ba Lan tiến hành bầu cử quốc hội


Ngày 9-10-2011, gần 26.000 điểm bầu cử ở Ba Lan và nước ngoài đã mở cửa để đón hơn 30 triệu cử tri nước này đi bỏ phiếu bầu 460 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ Quốc hội nước này. Tranh cử vào Hạ viện Ba Lan có 7.035 ứng cử viên và tranh cử vào Thượng viện có 500 ứng cử viên thuộc 7 chính đảng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Đảng Cương lĩnh Công dân (PO) của Thủ tướng Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) nhận được 35,5% số phiếu ủng hộ, trong khi Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đối lập của cựu Thủ tướng Y-a-rô-xláp Ca-trin-xki (Jaroslaw Kaczynski) giành khoảng 29% phiếu bầu. Dư luận cho rằng, PO sẽ giành chiến thắng, song không chắc giành được đa số áp đảo. Ba chính đảng khác có thể giành quyền đại diện tại Quốc hội Ba Lan khóa mới gồm Phong trào ủng hộ Palikota, Liên minh các lực lượng dân chủ cánh tả và Đảng Nông dân Ba Lan, với khả năng giành được lần lượt 10,3%, 9,2% và 8,7% số phiếu bầu. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào 21 giờ địa phương. Dự kiến, Ủy ban Bầu cử quốc gia Ba Lan sẽ công bố kết quả bầu cử sơ bộ trong ngày 10-10-2011.


10. ILO: Hơn 215 triệu trẻ em phải làm việc sớm trên khắp thế giới


Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có hơn 215 triệu trẻ em phải làm việc sớm trên khắp thế giới, trong số đó có 113 triệu em thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ Lao động Hoa Kỳ cũng công bố báo cáo về tình trạng sử dụng lao động trẻ em ở châu Á, trong đó liệt kê các sản phẩm do trẻ em làm ra ở 140 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó cho thấy, ở một số nước, trẻ em phải làm việc ở những cánh đồng bông và lúa mì, kể cả tham gia sản xuất gạch, xi măng và cao su. Thậm chí, trẻ em còn làm những việc không phù hợp như quấn thuốc lá, pháo hoa, linh kiện điện tử... Bà Xu-đa Mu-ra-li (Sudha Murali), chuyên gia bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, một số trẻ em bị buộc phải làm việc để trả nợ cho cha mẹ. Bên cạnh đó, một số em phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, chẳng hạn như làm việc trên cánh đồng đang phun thuốc trừ sâu...
Tuy nhiên, theo bà Xim-rin Xinh (Simrin Singh), phát ngôn viên của ILO tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tình trạng trẻ em phải làm việc sớm đang được cải thiện và hiện có những chuyển biến tích cực. Ở một số nước khác như Ấn Độ, Chính phủ cũng đề ra chương trình "bữa ăn trưa" cho trẻ em tại trường. Điều này phần nào giúp giảm bớt nỗi lo lắng của cha mẹ về chuyện ăn uống của trẻ./.