Tai tiếng, tai hại và tai họa

Lưu Linh Sa
19:03, ngày 19-05-2011

TCCSĐT - Việc người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Đô-mi-ních Xtrau--Can (Dominique Xtrauss-Kahn) bị cảnh sát Mỹ bắt giữ với lời cáo buộc phạm tội hiếp dâm làm sôi động chính trường thế giới và dư luận xã hội ở nước Pháp. Lời cáo buộc đó đúng, sai thế nào thì hạ hồi sẽ được phân giải, nhưng dù có đúng hay sai thì cũng đều là cú đòn chí mạng giáng vào công danh sự nghiệp của ông Xtrau-xơ-Can. Thiên hạ quan tâm và ồn ào về vụ bê bối này không phải vì cá nhân ông Xtrau-xơ-Can  mà vì cương vị hiện tại mà ông Xtrau-xơ-Can đang nắm giữ trong IMF và vai trò mà ông Xtrau-xơ-Can  lẽ ra có thể đảm nhiệm được trên chính trường nước Pháp.

Ông Xtrau-xơ-Can đứng đầu IMF mà IMF hiện lại rất quan trọng, thậm chí gần như không thể thiếu, đối với việc giải quyết những hậu quả và đối phó với những tác động của cuộc khủng hoảng nợ trên thế giới. Trong thời gian lãnh đạo IMF đến nay, ông Xtrau-xơ-Can đã thành công với việc nâng cao vai trò của IMF,  làm cho IMF có được uy tín và ảnh hưởng sâu rộng hơn trước. Chẳng phải IMF đã ra tay cứu nhiều quốc gia ở châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ đó sao. Không có sự chung tay của IMF, EU đâu có thể giải cứu được Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha khỏi khủng hoảng tài chính. Vụ bê bối khiến IMF hiện như rắn mất đầu và chắc gì người kế nhiệm lại có khả năng nhanh chóng thay thế đầy đủ ông Xtrau-xơ-Can ở cương vị lãnh đạo IMF giữa khi “nước vẫn còn đang sôi”, “lửa vẫn còn rất bỏng” về tài chính đối với không ít quốc gia trên thế giới. Ở cái thời mà cuộc khủng hoảng tài chính ở một quốc gia có thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện tại, ông Xtrau-xơ-Can đã thành công trong việc đưa IMF trở thành thể chế tài chính thế giới không gì có thể thay thế được. Vụ việc này không chỉ là tai tiếng đối với cá nhân ông Xtrau-xơ-Can, mà còn làm IMF mất thể diện và uy tín, còn gây khó khăn cho IMF trong việc duy trì và tăng cường vai trò cũng như uy danh mới vực lại được.

 

Ông Xtrau-xơ-Can còn là ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Xã hội Pháp cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới. Kết quả thăm dò dư luận vào thời điểm hiện tại cho thấy chỉ có ông Xtrau-xơ-Can trong số tất cả các ứng cử viên tiềm năng của phe đối lập mới có đủ khả năng và triển vọng đánh bại đương kim Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới ở Pháp. Bây giờ, cánh tả ở Pháp không chỉ mất ứng cử viên sáng giá nhất này mà còn có nguy cơ sa vào cuộc phân tranh nội bộ giành quyền được đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Chính trường nước Pháp bị xáo trộn mạnh mẽ chính vì thế. Hơn nữa, những cáo buộc đối với ông Xtrau-xơ-Can cũng không thể không ảnh hưởng đến thể diện của nước Pháp ở thế giới bên ngoài.

 

EU cũng bị vạ lây không chỉ bởi đang rất cần IMF và ông Xtrau-xơ-Can để tiếp tục giải cứu những thành viên lâm vào khủng hoảng tài chính và đồng EURO mà còn phải đối phó với nguy cơ bị mất “người của mình” trên cương vị đứng đầu IMF. Cho tới nay, một quy tắc bất thành văn vẫn được áp dụng là Mỹ cử người làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) còn EU cử người đứng đầu IMF.  Một khi người của EU bị tai tiếng và ô danh như thế thì sẽ rất khó khăn trong việc làm cho người kế nhiệm vẫn là người của EU, nhất là khi các nền kinh tế mới nổi đã và đang có tiếng nói và trọng lượng ngày càng tăng trong IMF nói riêng và trên chính trường thế giới nói chung.

 

Cho nên mới nói,  chuyện xảy ra với cá nhân một người, nhưng cả tai tiếng, tai họa và tai hại lại không chỉ liên quan đến mỗi con người ấy./.