Nê-pan - nước Cộng hoà “non trẻ”
Ngày 15-6 tới, vị Vua cuối cùng của Hoàng gia Nê-pan Gi-a-ne-đra sẽ chính thức bắt đầu cuộc sống thường dân. Trong lúc cựu vương chuẩn bị cuộc sống mới, các chính đảng ở nước cộng hoà mới mẻ này cũng dần gạt bỏ những bất đồng, tiến tới việc thành lập chính phủ sau gần 2 tháng tiến hành bầu cử Quốc hội lập hiến.
Từ chế độ cai trị hà khắc...
Trong gần suốt chiều dài lịch sử, Nê-pan nằm dưới sự cai trị của Hoàng gia. Trước khi lên làm Quốc vương, Gi-a-ne-đra đóng vai trò mờ nhạt trong công việc triều chính, ít khi bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị. Đến tháng 6-2001, Gi-a-ne-đra lên ngôi, lúc này, người Nê-pan coi Quốc vương như hiện thân của thần bảo vệ của đạo Hin-đu, nhưng họ đã hoàn toàn thất vọng. Ngay sau khi lên ngôi, Quốc vương Gi-a-ne-đra đã tuyên bố ông sẽ không làm một quốc vương “thầm lặng” và sẽ đóng vai trò tích cực trong đời sống của người Nê-pan. Nhưng dưới thời của ông, dấu hiệu của bạo lực không hề thuyên giảm, mà trái lại, các cuộc tấn công ngày càng leo thang. Không những thế, những mâu thuẫn phát sinh từ phương thức cai trị độc tài của Quốc vương Gi-a-ne-đra khiến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội xấu đi nhanh chóng, đẩy đất nước chìm trong hỗn loạn. Hành động nhiều lần đình chỉ Hiến pháp, giải tán Quốc hội và Chính phủ, cấm các chính đảng hoạt động, hạn chế quyền công dân, bắt giam nhiều chính khách và nhà hoạt động xã hội... đã khiến Quốc vương Gi-a-ne-đra không chỉ đối mặt với lực lượng nổi dậy trong nước, mà còn phải gánh chịu sức ép quốc tế, đặc biệt là các nước như Anh, Mỹ và Ấn Độ, những đối tác hậu thuẫn Nê-pan cả về chính trị lẫn kinh tế... “Giọt nước tràn ly” khi Quốc vương Gi-a-ne-đra tiến hành thiết quân luật, thâu tóm toàn bộ quyền lực điều hành đất nước vào tháng 2-2005. Đây là hành động khiến uy tín của Quốc vương Gi-a-ne-đra suy giảm nhanh chóng.
Đến năm 2006, Quốc hội bỏ phiếu thông qua biện pháp giới hạn quyền hạn của nhà Vua. Sau nhiều biến cố, Liên minh bẩy đảng (SPA) cùng với Đảng Cộng sản Nê-pan-M (CPN-M) ra đời với mục đích chấm dứt bạo lực, chống lại sự thâu tóm quyền lực của Quốc vương, xây dựng nền dân chủ, phát triển đất nước. Trước cao trào đấu tranh vì dân chủ, tháng 4-2006, Quốc vương Nê-pan đã buộc phải khôi phục Quốc hội và giao quyền cho SPA lập chính phủ lâm thời. Đến tháng 11-2006, SPA và Đảng CPN-M đã ký hiệp định hòa bình, chấm dứt 10 năm xung đột vũ trang ở nước này, đồng thời cho phép Đảng CPN-M tham gia chính phủ Nê-pan. Tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến cũng nằm trong nội dung của thỏa thuận này. Tuy nhiên, do bất đồng giữa các đảng phái, cuộc bầu cử đã nhiều lần bị đình hoãn trong năm 2007. Ban đầu, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội dự định tiến hành vào tháng 6-2007 bị đình hoãn với lý do an ninh, tài chính. Tiếp đến là vào tháng 11-2007, nhưng cũng không thành do những bất đồng về nguyên tắc bầu cử và thể chế tương lai cho Nê-pan. Cuối năm 2007, SPA và Đảng CPN-M đạt được thỏa thuận 23 điểm, trong đó ấn định ngày bầu cử, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa liên bang Nê-pan ngay sau tổng tuyển cử và tái thiết lập cơ cấu Quốc hội, cũng như nguyên tắc bầu cử...
...Đến cuộc bầu cử lịch sử
Quốc hội lập hiến Nê-pan (CA) được bầu ra trong bối cảnh được đánh giá là mang tính lịch sử. Gần 18 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 10-4 vừa qua, đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên kể từ năm 1999 đến nay. Quốc hội lập hiến của Nê-pan gồm 601 ghế (Quốc hội hiện nay chỉ có 497 ghế), trong đó 240 ghế được bầu trực tiếp, 335 ghế được phân chia theo tỷ lệ phiếu các đảng giành được, và 26 ghế còn lại do chính phủ lâm thời chỉ định. Kỳ bầu cử Quốc hội lần này có ý nghĩa quan trọng khi Quốc hội có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp mới, chuẩn bị cho việc thiết lập nền Cộng hòa tại vương quốc vùng Hi-ma-lai-a đã có 240 năm dưới chế độ quân chủ này. Các đảng được ủng hộ cao tại đây bao gồm Đảng Quốc đại Nê-pan (NC) theo đường lối trung dung, ủng hộ nền Cộng hòa và là đảng lâu đời nhất ở Nê-pan; Đảng Cộng sản Nê-pan Mác-xít Lê-nin-nít (CPN-UML) và Đảng CPN-M. Kết quả là, Đảng CPN-M dẫn đầu ngoạn mục, bỏ xa các đảng còn lại, giành được 220 ghế trên tổng số 578 ghế trong Quốc hội lập hiến. Tuy nhiên, Đảng CPN-M cần phải có 2/3 số ghế cần thiết để có thể đứng ra thành lập chính phủ theo bản hiến pháp tạm thời. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Thủ lĩnh của Đảng CPN-M Pra-xát-đa đã đưa ra đề nghị mời các chính đảng tham gia chính phủ dưới sự điều hành của ông. Bên cạnh đó, chính đảng lớn duy nhất trong chính phủ tạm quyền là Đảng NC chiếm giữ những chức vị cao trong chính phủ như chức Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ và Tài chính. Ngoài ra, hiến pháp tạm thời còn quy định Thủ tướng có quyền bãi nhiệm người đứng đầu nhà nước, trong khi phải có đủ 2/3 số phiếu của các nghị sĩ thì Thủ tướng mới bị cách chức.
Khó khăn mới nảy sinh
Sau bầu cử là khoảng thời gian tranh chấp chức vị giữa các đảng trong việc thành lập chính phủ mới. Hai chính đảng chủ chốt ở đây tuyên bố Đảng CPN-M không thể đề cử thành viên của mình giữ chức Tổng thống hoặc Thủ tướng. Đảng NC, Đảng CPN-UML yêu cầu điều chỉnh lại các điều khoản chia sẻ quyền lực và chính thức xoá bỏ chế độ quân chủ. Còn theo Đảng CPN-M, những yêu cầu này sẽ không được đặt ra nếu như Đảng NC hay Đảng CPN-UML giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Các đảng khác cho rằng, điều khoản quy định cần 2/3 số phiếu để bãi nhiệm chức vị Thủ tướng đồng nghĩa với việc ông Pra-xát-đa không thể bị bãi nhiệm một khi ông đã được bầu vào chức vị này. Tương tự như vậy, Thủ tướng hiện nay, ông P. Côi-ra-la cũng sẽ không bị cách chức. Về phần mình, Đảng CPN-M lại cho rằng việc thay đổi điều khoản này cho phép các chính đảng bãi nhiệm Thủ tướng với đa số phiếu; tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho chính phủ có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn. Cả hai quan điểm trên đều đúng. Còn chức vị Tổng thống, dù chỉ mang tính chất nghi lễ, đang được thảo luận, song hiện vẫn chưa có kết quả. Các đảng càng cương quyết cho rằng Đảng CPN-M không thể nắm giữ chức vị Tổng thống. Đảng CPN-M càng lo ngại rằng lý do thực tế của quan điểm này sẽ tạo ra một trung tâm quyền lực thứ hai nhằm làm suy yếu chức vị Thủ tướng của Đảng này. Và cuối cùng Đảng CPN-M đặt câu hỏi là nếu chức vị Tổng thống chỉ mang tính chất nghi lễ, thì tại sao, các chính đảng cương quyết không dành chức vị này cho Đảng CPN-M? Giải pháp tạm thời là tạo ra một vai trò có tính chất nghi thức cho Tổng thống. Tổng thống có thể là Tổng tư lệnh của lực lượng quân đội Nê-pan, nhưng không được hưởng nhiều đặc quyền hơn bất kỳ vị Tổng thống nào. Vị Tổng thống này không có quyền đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp, chỉ định Tư lệnh quân đội hoặc quyết định triển khai quân đội mà không có sự đồng ý của Thủ tướng hoặc nội các. Theo giới phân tích, giải pháp có thể tính đến là việc luân phiên giữ chức vị Tổng thống giữa bốn chính đảng lớn. Liệu có phải là giải pháp tối ưu (?).
Để tiến gần hơn tới việc thành lập chính phủ mới, ngày 8-6 vừa qua, Đảng CPN-M đã nhất trí sửa đổi hiến pháp, theo đó cho phép thành lập hoặc giải tán chính phủ thông qua đa số phiếu tại CA. Quyết định này được đưa ra vài ngày sau khi Đảng CPN-M quyết định từ bỏ yêu sách đòi giữ ghế tổng thống và cho rằng Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Nê-pan cần được bầu chọn ra từ giới dân sự. Phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm sự kiện CA tuyên bố Nê-pan là nước Cộng hòa, Thủ tướng Côi-ra-la nêu rõ sự nhất trí của các chính đảng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay ở đất nước Nam Á này.
Ví trí quan trọng trong khu vực
Nằm ở vị trí giao nhau giữa Trung Quốc, Ấn Độ và chia cắt với Tây Tạng bởi dãy núi Hi-ma-lai-a, Nê-pan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và phải dựa nhiều vào viện trợ nước ngoài. Lịch sử Nê-pan thay đổi kéo theo những thay đổi trong chính sách đối ngoại của một số quốc gia láng giềng, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Về vấn đề này, học giả A. Bha-ta-sa-ri-a nhận xét tầm quan trọng chiến lược của Nê-pan không chỉ ở vị trí địa-chiến lược giữa hai cường quốc đang trỗi dậy tại châu Á, mà còn bởi vì quốc gia này đang trở thành khu vực “đệm” mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là khi quốc gia này trở thành nước Cộng hòa.
Với những chính sách chiến lược kinh tế, về lâu dài, Đảng CPN-M lựa chọn chính sách giữ khoảng cách cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi một mặt, những diễn biến hiện nay cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nê-pan đang ngày càng gia tăng. Trung Quốc và Nê-pan đã đưa ra kế hoạch thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn, đặc biệt là những đề xuất về việc xây dựng 10 tuyến đường bộ nối giữa hai nước. Trung Quốc cũng cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ xây dựng tuyến đường sắt chạy từ Lha-sa tới Kha-sa tại biên giới Nê-pan - Trung Quốc; trợ cấp khoảng 460 triệu ru-pi cho Nê-pan để xây dựng tuyến đường Si-a-phru-be-si - Ra-su-oa-gi. Ngoài việc xây dựng đường bộ và đường sắt, Trung Quốc triển khai xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu Trung Quốc dọc biên giới Nê-pan (từ chỗ chỉ có 7 trung tâm trong năm 2005, hiện đã lên tới 19 trung tâm).
Mặt khác, với cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ đã khiến nền kinh tế Nê-pan lâm vào tình trạng tồi tệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nê-pan chỉ đạt 2% trong khi tỷ lệ lạm phát lên tới khoảng 9%, tỷ lệ thất nghiệp là 42%, hơn 1/3 dân số sống ở dưới mức nghèo khổ, hơn 1/2 số dân mù chữ. Trong khi đó, từ trước tới nay, Nê-pan phụ thuộc nhiều vào kinh tế Ấn Độ. Niu Đê-li là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm tới hơn 60% thương mại của Nê-pan. Có đến 13 tuyến đường thương mại phải qua Ấn Độ. Khoảng 50% nguồn kiều hối của Nê-pan được gửi từ Ấn Độ. Giải thích về lập trường của mình về chính sách này, Thủ lĩnh Đảng CPN-M, ông Pra-xát-đa cho rằng Nê-pan sẽ duy trì chính sách cân bằng và sẽ không đứng về phía nước này để chống lại nước kia.
Về phương diện lịch sử, với việc chính trường Nê-pan mở ra một chương mới, kết thúc chế độ quân chủ lập hiến kéo dài hơn hai thế kỷ, biến nền quân chủ duy nhất trong thế giới Phật giáo thành Cộng hoà liên bang. Về mặt địa lý, Nê-pan nằm giữa hai cường quốc châu Á khổng lồ, đây sẽ lợi thế nếu quốc gia này kiên trì theo đuổi chính sách giữ khoảng cách cân bằng, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra tiến trình toàn cầu hoá và có sự thay đổi cán cân quyền lực tại châu Á như hiện nay./.
Bắc Hà: Sau 1 năm triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (12/06/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc chuyến thăm Hy Lạp  (11/06/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc chuyến thăm Hy Lạp  (11/06/2008)
Lễ phát động thi đua kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc  (11/06/2008)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước  (11/06/2008)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên