Thanh niên tình nguyện tham gia làm sạch môi trường 
 Ảnh: TTXVN
TCCS - Trong năm 2008 và 2009, mặc dù nền kinh tế trong nước có nhiều biến động phức tạp, song tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa vẫn diễn ra nhanh, tạo ra áp lực lớn tới môi trường nước ta. Kế thừa những kết quả quan trọng đã đạt được từ những năm trước, công tác bảo vệ môi trường tiếp tục khắc phục được những khó khăn, đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nhất là giải quyết thành công các điểm nóng và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Thời gian qua, chúng ta đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường. Các quy định của Luật tiếp tục được cụ thể hóa và nhanh chóng đi vào cuộc sống với nhiều nét mới có tính đột phá. Năm 2009 được ghi dấu ấn bằng những thành công trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với tổng số 21 văn bản được hoàn thành, chiếm 43% tổng số văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trong năm của toàn ngành.

Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ, như: Kiểm tra việc khắc phục vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty CPHH Vedan Việt Nam, tiến hành công bố kết quả điều tra, nghiên cứu về phạm vi ảnh hưởng và mức độ gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do vi phạm của Công ty Vedan gây ra, làm cơ sở để xác định thiệt hại, buộc Công ty Vedan phải bồi thường cho người nông dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các vi phạm của Công ty TNHH nhà máy tàu biển Huyndai-Vinashin, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại tỉnh Đồng Nai; kiểm tra, phát hiện vi phạm nghiêm trọng kéo dài của Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, đã xử phạt Công ty với số tiền trên 72 triệu đồng và truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp gần 1,1 tỉ đồng; phối hợp kiểm tra, thu thập hồ sơ thủ tục triển khai dự án Nhà máy dệt kim của Công ty TNHH Eclat Fabrics (Bà Rịa - Vũng Tàu); phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Giấy Tây Đô tại Hà Nội, Công ty chế biến Thủy sản Thụy Hải tại Thái Bình, Công ty Liên doanh Kính nổi Việt Nam tại Bắc Ninh. Tại các điểm nóng về môi trường trước đây như: Công ty Su-pe phốt-phát và Hóa chất Lâm Thao, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH Miwon thuộc tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục được kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với 793 cơ sở sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước; đã hoàn thành 181 kết luận thanh tra, kiểm tra, trong đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố xử phạt với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường với số tiền hơn 1 tỉ đồng; hiện đang hoàn thiện 612 kết luận thanh tra, kiểm tra, trong đó dự kiến đề nghị xử phạt khoảng trên 7 tỉ đồng.

Bảo vệ môi trường các lưu vực sông là một trong những nhiệm vụ được đặt ra cấp thiết. Đến nay, bên cạnh các Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đối với ba lưu vực sông chính là: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ thành lập các ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông để chỉ đạo, tổ chức triển khai Đề án. Các ủy ban đều có quy chế hoạt động riêng, trong đó quy định rõ trách nhiệm cũng như quy chế phối hợp giữa các thành viên trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tích cực phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng và triển khai các dự án về khắc phục, cải tạo ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực, trên cơ sở vận dụng các văn bản pháp luật về tài chính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg cũng đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2009, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành tình hình xử lý ô nhiễm triệt để đối với 93 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hết thời hạn xử lý; tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm triệt để và các điểm nóng về môi trường tại một số tỉnh, thành phố. Tính đến nay, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn 1 của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, có 294 cơ sở cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm 67%. Các cơ sở còn lại đang nỗ lực triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để và dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành 80% số cơ sở nằm trong giai đoạn 1.

Đổi mới và phát huy hiệu quả công tác đánh giá môi trường chiến lược. Thông qua kết quả đánh giá tác động môi trường, việc giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đã được tiến hành một cách chặt chẽ. Đặc biệt, cũng thông qua công cụ đánh giá tác động môi trường, đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái của các dự án thủy điện, thông báo và yêu cầu các địa phương phải có giải pháp kịp thời. Tiến hành xây dựng các Chương trình hành động đa dạng sinh học cho các vùng lãnh thổ. Nhất là tích cực phối hợp, xây dựng và trình Chính phủ xem xét Nghị định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.

Hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và cải thiện môi trường đạt được những kết quả nhất định. Triển khai Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010; tổ chức xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện dự án Bảo vệ môi trường làng nghề và Chương trình điều tra đánh giá mức độ ô nhiễm xuyên biên giới đối với các hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông.

Công tác đào tạo và truyền thông môi trường tiếp tục được đẩy mạnh với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức thành công Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2008 - Môi trường làng nghề Việt Nam; hoàn thiện Báo cáo môi trường Quốc gia 2009 với chủ đề môi trường khu công nghiệp Việt Nam; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho các cán bộ quản lý môi trường các bộ, ngành và cấp tỉnh... Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ môi trường được triển khai trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào các mô hình công nghệ xử lý chất thải như: mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho lưu vực sông Cầu, mô hình xử lý nước thải chăn nuôi lợn nhằm góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Mục tiêu và giải pháp năm 2010

Mục tiêu bảo vệ môi trường đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là ngăn ngừa hạn chế gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

Năm 2010, Đảng và Nhà nước ta đề ra các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh: 83%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 84%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 70%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 85%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 80%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 45%; tỷ lệ rừng che phủ: 40%.

Để đạt được mục tiêu trên, các bộ ngành được phân công chịu trách nhiệm từng công việc nỗ lực cao hơn nữa thực hiện các nhiệm vụ được giao và phối hợp chặt chẽ với tất cả các bộ ngành khác trong công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp cấp thiết sau:

Một là, triển khai quyết liệt Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương cũng như của từng cơ sở; kiên quyết đề nghị đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chây ỳ, không thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, tiếp tục tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đưa toàn diện các nội dung của Luật vào cuộc sống nhằm phát huy tác dụng và ý nghĩa của Luật; trong đó đặc biệt lưu ý việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường, đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Tiến hành rà soát, đánh giá việc thi hành Luật, xây dựng và triển khai Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu của công tác quản lý, dự kiến trình Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII thông qua.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông; tổ chức triển khai nhanh và hiệu quả các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhanh chóng kiện toàn và ổn định tổ chức của Văn phòng Lưu vực sông, lưu ý có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan; tập trung kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông.

Bốn là, tập trung mạnh mẽ vào công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt tất cả các đối tượng gây ô nhiễm nghiêm trọng và các công trình thủy điện gây tác động xấu đến môi trường. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra và kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động đối với các khu công nghiệp không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Năm là, giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và khu vực nông thôn, đặc biệt là vấn đề rác thải nông thôn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn triển khai và nhân rộng các mô hình quản lý phù hợp. Phát huy vai trò của công tác truyền thông môi trường, coi đây là mặt trận đi trước để định hướng cộng đồng và cảnh báo đối tượng gây ô nhiễm, tạo áp lực của dư luận và xã hội đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường; trước mắt tập trung xây dựng chiến lược hợp tác lâu dài với các đối tác tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v., trong đó tập trung vào vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Bảy là, nhanh chóng kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường tại các bộ, ngành và địa phương, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng vị trí chức danh của cán bộ, công chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường./.