Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Kinh tế - xã hội tiếp tục đà phát triển ổn định
TCCS - Theo báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.
Cùng với lợi thế sẵn có, đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay đã trở thành điểm đến đầy tiềm năng trong bản đồ thu hút đầu tư của cả nước. Tính đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 33 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước đạt 400.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý I-2024 đã thu hút vốn FDI hơn 1,5 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước hơn 25.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư này đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện với môi trường.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 0,61%/năm; trong đó GRDP trừ dầu thô và khí đốt tăng bình quân 5,94%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 8.281 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2022 đạt 626,1 triệu đồng/lao động. Trong đó, 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh gồm: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả kết quả quan trọng. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực đáng kể để đầu tư phát triển con người và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Đến nay, tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm.
Các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 tăng 5,11%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Thời gian qua, các tuyến quốc lộ 51, 55, 56 qua địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch. Các tuyến giao thông kết nối nội vùng, như: Đường vào Khu Công nghiệp dầu khí Long Sơn, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép từng bước được đầu tư để kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển, thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, cảng biển, cảng thủy nội địa và trung tâm logistics của tỉnh. Nhằm đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, phát triển các khu du lịch, khu vực kinh tế và giải quyết tình trạng kẹt xe trên tuyến quốc lộ 51, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về nguồn vốn; chủ động phối hợp với bộ, ngành và các địa phương trong vùng thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển, kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Quy mô ngành công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt năm 2022 là 464.478,04 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 8,44%. Cơ cấu sản xuất công nghiệp chuyển dịch tích cực, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhanh, tạo nền tảng cho công nghiệp phát triển bền vững. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm hơn 85% trong tổng ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó một số ngành thuộc chế biến, chế tạo có chuyển biến mạnh mẽ, như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; ngành dệt; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm gỗ, tre, nứa; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất phương tiện vận tải; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị....
Tỉnh kiên trì tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với hình thành các mô hình cụm liên kết, chuỗi giá trị; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng 13 khu công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tính đến tháng 6-2023 là 55,45% với trên 15 khu công nghiệp được thành lập; 65,48% với trên 13 khu công nghiệp đã hoạt động. Triển khai thủ tục đầu tư 2 khu công nghiệp đã được thành lập là Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn 850ha và Khu công nghiệp Vạn Thương, trước đây là Khu công nghiệp Long Hương 400ha. Thực hiện các thủ tục thành lập mới 2 khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2025 là Khu công nghiệp HD 450ha thuộc Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ HD và Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Conac mở rộng 110ha. Tăng cường thu hút đầu tư nhiều dự án, nhà máy công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, của tỉnh như: Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, dự án Kho LNG Thị Vải, dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung,…
Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, hình thành hệ sinh thái logistics để phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, mang tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Đẩy nhanh xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung; phát triển các dự án cảng thủy nội địa. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã đưa thêm 3 cảng biển vào khai thác, nâng số cảng hoạt động lên 50 cảng biển với tổng công suất thiết kế khoảng 150,3 triệu tấn; trong năm 2021 và 2022, sản lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng bằng tàu biển đạt 76,9 triệu tấn/năm. Hoàn thành việc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 28-7-2017, của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, về “Phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” và đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn tới.
Tỉnh còn chú trọng phát triển các loại hình du lịch, gắn với tăng cường quản lý hoạt động du lịch; đổi mới sản phẩm, dịch vụ, triển khai các chương trình kích cầu du lịch; hình thành một số sản phẩm mới. Tập trung điều chỉnh quy hoạch, triển khai dự án Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994) để khai thác hiệu quả du lịch tuyến ven biển; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh trên các kênh truyền thông; thành phố Vũng Tàu tiếp tục đạt danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN 2022.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có bước phát triển, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao năm 2022 đạt 41,07% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. Hoạt động khai thác thủy sản có sự chuyển mạnh sang ngư trường xa bờ, tỷ lệ tàu khai thác xa bờ/tổng số tàu cá tăng từ 49,8% năm 2020 lên 59,3% năm 2022. Đã hoàn thành kế hoạch sắp xếp, di dời các cơ sở nuôi lồng bè vào vùng quy hoạch ổn định. Công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững được quan tâm; giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã trồng được 1.010,7ha rừng, đạt 41,3% nghị quyết; trồng 229.020 cây phân tán, đạt 89% kế hoạch.
Phát huy các kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, xuất phát từ thực tiễn yêu cầu phát triển, trên cơ sở các dự báo đã nhận định, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục quán triệt và kiên trì triển khai hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, cập nhật, bổ sung cơ sở lý luận, yêu cầu thực tiễn để đề ra các giải pháp phù hợp, với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra./.
Nam Định thông qua 14 nghị quyết về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội  (20/09/2024)
Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong ứng phó với biến đổi khí hậu  (19/09/2024)
Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững  (16/09/2024)
Phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô  (15/09/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay