Điểm sáng về tăng cường vai trò y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh ban đầu
TCCS - Hành trình về khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số ở Hà Nội sẽ chẳng bao giờ mờ phai trong ký ức những bác sĩ trẻ. Nhất là những chuyến đi luôn được thực hiện đúng những ngày tháng 7 tri ân hằng năm. Năm 2019, dấu ấn còn đọng mãi với cán bộ Sở Y tế Hà Nội khi đã tổ chức khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho 1.400 đồng bào dân tộc thiểu số hiện sinh sống tại 7 xã thuộc khu vực miền núi của huyện Ba Vì. Điều này một lần nữa khẳng định những sáng tạo của ngành y tế Thủ đô trong việc tăng cường vai trò y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh ban đầu.
Niềm vui về với bản làng
Nhớ lại những kỷ niệm đẹp đó, cũng như bao người dân khác, ông Nguyễn Văn Lương (62 tuổi) thôn Pheo (xã Minh Quang) có mặt từ sớm tại Trạm y tế xã Minh Quang khi biết đoàn công tác về cấp phát thuốc và khám chữa bệnh cho bà con. Nơi đây, bà con dân tộc thiểu số hiểu biết còn hạn chế nên mỗi khi có bệnh lại nghe Mo làng chữa bệnh bằng bùa chú là chủ yếu. Bao đời nay thế rồi dù biết bệnh chẳng thuyên giảm nhiều. Nên nghe chuyện cán bộ về khám, chữa bệnh cho bà con, bản làng lại như có hội… Bà Lăng Thị Sinh (73 tuổi) người dân tộc Dao, ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) kể lại, thời gian gần đây bị bệnh ngoài da, nhưng do công việc nương rẫy bận rộn, điều kiện kinh tế khó khăn cho nên chưa đi khám được. Khi nghe tin có đoàn bác sĩ từ Hà Nội vào khám bệnh miễn phí, bà đến Trạm Y tế xã Minh Quang từ rất sớm để được nghe bác sĩ tư vấn và khám bệnh. Các bác sĩ đã tiến hành khám, kê đơn, cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn phương pháp điều trị. Ðồng thời, tư vấn cho bà các kiến thức phòng tránh một số bệnh phổ biến, giúp chị nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Còn bà Dương Thị Hồng (70 tuổi ở xóm Lặt) phấn khởi cho biết, đây là lần đầu tiên được đi khám bệnh, được cấp thuốc uống mà… không mất tiền. Do điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân bị khiếm thị, gia đình nhiều năm qua là hộ nghèo nên khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng rất hạn chế. Không chỉ hộ bà Hồng mà hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo thuộc huyện Ba Vì đã được đội ngũ trên 50 y, bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Câu lạc bộ Blouse trắng với sự hỗ trợ của hàng chục thanh niên tình nguyện hướng dẫn, khám các bệnh về tai, mũi, họng, răng hàm mặt, điện tim, siêu âm và được cấp, phát thuốc miễn phí. Càng ý nghĩa hơn khi Sở Y tế phối hợp với Ban Dân tộc thành phố và Thành đoàn Hà Nội đã dành trao 350 suất quà cho 350 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 7 xã dân tộc miền núi thuộc huyện Ba Vì.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội khẳng định, hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí là cơ hội lớn của đoàn viên thanh niên Thủ đô thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách”, đồng thời cũng là dịp để các bác sĩ trẻ hiểu rõ hơn đạo lý nghề y. Đồng chí Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, chương trình khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và các em thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động thường niên, đã diễn ra 7 năm liên tục. Đây là việc làm rất nhân văn và có ý nghĩa lớn nhằm góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi của Thủ đô có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, kịp thời nhất.
Tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, để người dân hiểu rõ vai trò y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh ban đầu và phối hợp cùng, đoàn công tác đã tổ chức đồng thời tại 3 trạm y tế ở các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh, Minh Quang để bảo đảm mọi đối tượng đều được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chung của thành phố. Có được thành công của 7 năm thực hiện chương trình không thể không nhắc tới đóng góp rất lớn của 62 y, bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố. Họ đều là những người sinh hoạt trong Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, có chuyên môn tốt, nhiệt huyết và trách nhiệm vì cộng đồng.
Sau 7 năm triển khai, chương trình khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiền, năm 2019, đã tổ chức khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho 1.400 đồng bào dân tộc thiểu số 7 xã khu vực miền núi của huyện Ba Vì. Những năm qua, dù đã được thành phố quan tâm nhiều mặt, nhưng đời sống của đồng bào các dân tộc vẫn còn khó khăn. Chương trình được Ban Dân tộc thành phố phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với việc chăm lo sức khỏe, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, giúp bà con có thêm nghị lực, tự tin để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đồng thời thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hạnh phúc chung vui với bà con
Với các y, bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện Trung ương và Hà Nội chuyến đi thiện nguyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con thêm nhiều ý nghĩa trong hành trang làm nghề. Để chuẩn bị cho những bệnh viện dã chiến những điều kiện khang trang, thân thiện nhất, phòng khám bệnh được bố trí thông thoáng, có biển hướng dẫn rõ ràng. Các tình nguyện viên là giáo viên các trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong khu vực tận tình tiếp đón, hướng dẫn người dân lấy sổ khám chữa bệnh, quy trình khám bệnh, lấy thuốc. Hơn 70 y, bác sĩ đã tình nguyện về với bản, làng thăm khám, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Minh Trọng, Trưởng Câu lạc bộ tình nguyện Blouse trắng, thành viên Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội cho biết, do đời sống khó khăn nên đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi huyện Ba Vì không có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và con em. Người dân địa phương chủ yếu mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, thoái hóa xương, tai mũi họng, nhiều phụ nữ mắc bệnh phụ khoa. Các em nhỏ đều bị sâu răng và suy dinh dưỡng.
Về với đồng bào, về với nghĩa tình, nên những ánh mắt tin cậy, sự háo hức mong chờ của bà con chính là động lực đã tiếp thêm năng lượng để các y, bác sĩ hoàn thành thiên chức “lương y như từ mẫu”. Chuyến đi như trải nghiệm ý nghĩa với các bác sĩ trẻ Nguyễn Duy Cường, Bệnh viên Giao thông vận tải, Nguyễn Thanh Thuý, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Nguyễn Minh Trọng, Bệnh viện K. Bác sĩ trẻ Nguyễn Minh Trọng chi sẻ, đã từng tham gia nhiều chuyến khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng mỗi lần là sự trải nghiệm ý nghĩa. Đó cũng chính là lý do mà dù phải xuất phát từ Hà Nội rất sớm, số lượng người đến khám đông, các bác sĩ đã làm việc hết công suất nhưng không ai thấy mệt mỏi. Chúng tôi đều cố gắng làm việc một cách hiệu quả nhất mong sao có thể khám được cho nhiều người, bởi chúng tôi đều hiểu, với đồng bào nơi đây để đến viện khám bệnh là cả chặng đường gian nan, vất vả. Còn bác sĩ trẻ Phạm Phương Thảo Anh (Bệnh viện Quân y 103) lần đầu tham gia chương trình chia sẻ, sẽ còn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa về với bà con vì qua đó có thể mang kiến thức để giúp đỡ và tư vấn cách giữ gìn sức khỏe cho mọi người. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh ban đầu
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 50/53 dân tộc thiểu số với trên 92.000 người sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận huyện, thị xã. Trong đó, khoảng 75% dân tộc thiểu số sống tập trung ở 154 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Cùng với quan tâm, chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng thông qua các kế hoạch số 166 và số 138, với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô. Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, chương trình là hoạt động thường niên và là năm thứ 7 liên tiếp được cơ quan liên ngành của thành phố triển khai trên địa bàn các xã. Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi của Hà Nội có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, được chăm sóc sức khỏe kịp thời. Không chỉ là dịp thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái giữa các cộng đồng dân tộc trên địa bàn thành phố, đây còn là dịp để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm, tấm lòng hảo tâm đối với đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn./.
30 trẻ mắc tim bẩm sinh được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí  (25/10/2019)
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc  (27/09/2019)
Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết  (27/09/2019)
Vấn đề nóng trong ngành y tế: Khoa cấp cứu cần “cấp cứu”  (26/09/2019)
Các bệnh viện mắt chú trọng quản lý chất lượng lâm sàng, hạn chế sai sót chuyên môn  (26/09/2019)
Sống khoa học lành mạnh để nâng cao sức khỏe  (25/09/2019)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay