Phát triển thị trường và thương mại vùng Tây Bắc - Thực tiễn, vấn đề và giải pháp

TS. Doãn Công Khánh Viện Nghiên cứu Thương mại
13:40, ngày 22-03-2017

TCCSĐT - Những năm gần đây, trên bình diện cả nước nói chung và nông thôn miền núi, vùng cao, biên giới Tây Bắc nói riêng, thương mại, thị trường đã có bước phát triển, gắn kết với thị trường cả nước. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh và phân tích thực trạng thị trường ở các khu vực, thì có thể nói thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới Tây Bắc nước ta vẫn là một thị trường nghèo với sức mua bình quân đầu người khá thấp.

Thị trường đang có khuynh hướng bị khu vực hóa với một số vùng hết sức khó khăn, có nơi thậm chí chưa có những tiền đề cần thiết cho kinh tế hàng hóa. Quỹ mua nhỏ, mang tính phân tán, nhìn chung, thu nhập chưa đạt đến mức đủ lớn làm thay đổi về chất của thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới Tây Bắc hiện nay.

Thực trạng phát triển thị trường và thương mại vùng Tây Bắc

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong giai đoạn 2005 - 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của vùng Tây Bắc có xu hướng tăng nhưng thiếu tính ổn định, từ 107,63 triệu USD (năm 2005) lên 800,32 triệu USD (năm 2014). Nhịp độ tăng đạt bình quân 24,97%/năm, cao hơn so với nhịp tăng bình quân của cả nước (18,56%/năm). Tuy nhiên, xét về quy mô kim ngạch của khu vực so với cả nước còn khiêm tốn, chỉ bằng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2014). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người của khu vực hiện còn khá thấp, chỉ đạt 182 USD/người, trong khi của cả nước đạt 1.656 USD/người (cao gấp hơn 9 lần so với khu vực Tây Bắc). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực là nông sản như chè, ngô, sắn, rau quả, thảo quả và một số khoáng sản các loại… Tuy nhiên, những mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Nhìn chung, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của khu vực không ổn định, xu hướng chuyển dịch không rõ ràng. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 40,8%; nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 29,0%; nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng không đáng kể (11,6%). Cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch còn khá chậm. Châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu (chiếm 86,3%) và tỷ trọng của thị trường này hầu như không thay đổi trong 5 năm gần đây.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của khu vực trong giai đoạn này tăng nhanh, từ 44,21 triệu USD năm 2005 lên 563,90 triệu USD năm 2014 (12,8 lần), bình quân 32,7%/năm, chiếm 0,38% so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Hàng nhập khẩu chủ yếu của khu vực trong thời gian qua là máy móc thiết bị, thiết bị động cơ thủy điện, nguyên phụ liệu, phôi thép, phân bón, hóa chất, thạch cao, than cốc, điện năng, hoa quả tươi, lá thuốc lá, cây cao su, hộp giấy bao bì đóng gói sữa tươi, máy trộn sữa, rót sữa, hàng công nghiệp tiêu dùng chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, với tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu chiếm gần 95,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả khu vực. Tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường khác chỉ chiếm khoảng 4,5%.

Hạ tầng thương mại

Các loại hình chợ


Theo thống kê, khu vực Tây Bắc hiện có 437 chợ, chiếm 5,1% số chợ của cả nước. Tính bình quân có 0,44 chợ/xã, phường, thị trấn, mật độ này khá thấp so với cả nước (0,76 chợ/xã, phường, thị trấn). Bán kính phục vụ của một chợ 6,1km, cao hơn nhiều so với cả nước (3,5km). Chủ yếu là chợ truyền thống, kinh doanh tổng hợp, thiếu vắng chợ chuyên doanh và chợ đầu mối. Cơ sở vật chất của mạng lưới chợ còn nhiều yếu kém, chủ yếu là chợ hạng III (91,3%), được xây dựng bán kiên cố và chợ tạm, tỷ lệ chợ phiên khá cao. Lượng hàng hóa lưu thông qua chợ chưa nhiều, chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của dân cư như lương thực, thực phẩm. Thực trạng này phần nào hạn chế vai trò của mạng lưới chợ đối với sự phát triển thương mại, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc trong thời gian qua.

Siêu thị, trung tâm thương mại

Trên địa bàn Tây Bắc có 29 siêu thị và 04 trung tâm thương mại. Hầu hết các siêu thị này có quy mô nhỏ, kinh doanh tổng hợp (25 siêu thị hạng III; 03 siêu thị hạng II; 01 siêu thị hạng I). Số lượng và quy mô của loại hình thương mại này tại khu vực Tây Bắc còn khiêm tốn so với nhiều khu vực khác trong cả nước.

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu

Toàn vùng có 467 cửa hàng, tính bình quân có 0,469 cửa hàng/xã, phường, thị trấn. Bán kính phục vụ của cửa hàng xăng dầu đạt bình quân 0,009 cửa hàng/km2, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, có sự phân bố không đồng đều về số lượng cửa hàng giữa các vùng (miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới). Các cửa hàng tập trung tại các thị xã, thị trấn và các điểm nút giao thông quan trọng. Tại các huyện, đặc biệt là những huyện vùng sâu, vùng xa số lượng cửa hàng kinh doanh không nhiều, thậm chí có những huyện chỉ có 1 - 2 cửa hàng.

Trung tâm hội chợ, triển lãm

Khu vực Tây Bắc chỉ có duy nhất 01 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại tại tỉnh Lào Cai (Trung tâm hội chợ triển lãm Kim Thành). Hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại của các tỉnh khác trong khu vực còn khó khăn (thường phải tổ chức ngoài trời tại các trung tâm thương mại của tỉnh hoặc thuê các nhà văn hóa, công viên…) nên hiệu quả hạn chế.

Hệ thống kho hàng, kho ngoại quan, trung tâm logistics

Hệ thống kho, bãi giao nhận hàng hóa khu vực Tây Bắc đang được đầu tư xây dựng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và một số cửa khẩu phụ. Dịch vụ logistics cũng đang được hình thành. Tuy nhiên, hệ thống kho hàng, kho ngoại quan, trung tâm logistics tại khu vực này còn kém phát triển, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Mặc dù còn hạn chế nhưng vai trò của thương mại và thị trường đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Bắc ngày càng được khẳng định. Sự phát triển của hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất của khu vực, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và khai thác những tiềm năng thế mạnh của các tỉnh trong khu vực. Sự phát triển của thương mại trong nước tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới như Tây Bắc thì sự phát triển của thương mại ngoài việc bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân còn góp phần lưu thông không chỉ tại địa bàn trong nước mà còn xuất khẩu cả ra thị trường nước ngoài.

Hạn chế đối với phát triển thương mại, thị trường khu vực Tây Bắc


Thương mại tại khu vực Tây Bắc mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua (23,1%/năm) nhưng xét về quy mô còn khiêm tốn, tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội bình quân đầu người của khu vực còn thấp hơn nhiều so với bình quân của cả nước (12,13 triệu đồng so với 32,53 triệu đồng). Cơ cấu mặt hàng, ngành hàng lưu thông trên thị trường còn đơn giản. Nhiều sản phẩm hàng hóa của dân cư khu vực sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được do không tìm được đầu ra. Các tỉnh Tây Bắc chưa tạo được những mặt hàng xuất khẩu chủ lực dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu không ổn định. Hàng hóa xuất khẩu còn chủ yếu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc chủ yếu thị trường Trung Quốc…

Kết cấu hạ tầng khu vực Tây Bắc còn lạc hậu, chậm phát triển, hạn chế lưu thông hàng hóa của dân cư và sự phát triển của thương mại ở khu vực này. Đặc biệt, hạ tầng thương mại nông thôn còn nhiều yếu kém, chưa tạo thuận lợi đối với hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư.

Biên giới Tây Bắc chủ yếu là các tỉnh nghèo, kém phát triển so với mức trung bình của cả nước. Chi tiêu cho đời sống chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập (bình quân 80,2%). Khuynh hướng tự cấp, tự túc không những không được khắc phục mà ngược lại càng được củng cố thêm, cộng với tư tưởng phát triển nông nghiệp truyền thống đã ngự trị lâu dài, mang tính phổ biến sẽ là một trong những tác nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển thị trường. Trong hoàn cảnh đó, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội không những chưa bảo đảm sản sinh ra một nền thương mại phát triển, đủ năng lực hướng dẫn cho các hoạt động sản xuất và làm năng động các yếu tố sản xuất, mà còn chưa đủ sức để dung dưỡng một nền thương mại lớn.

Tiềm năng phát triển công nghiệp của các tỉnh biên giới chủ yếu là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, để phát triển các ngành công nghiệp, các tỉnh biên giới không những sẽ gặp phải khó khăn về điều kiện giao thông mà còn vấp phải khó khăn về bài toán hiệu quả trong điều kiện các ngành công nghiệp kỹ thuật cao đang có lợi thế hơn hẳn và xu thế, yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Định hướng và giải pháp

Phát triển thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới Tây Bắc không chỉ góp phần kích thích sản xuất hàng hóa, nâng cao dân trí, góp phần tạo tích lũy từ nội bộ nền kinh tế mà còn là cơ sở, chỗ đứng vững bền để mở rộng kinh tế đối ngoại. Với quan điểm như vậy, định hướng và những giải pháp cần hướng tới là:

Tổ chức lại không gian thị trường

Trong giai đoạn 2017 - 2020, không gian phát triển thị trường nông thôn miền núi sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Phương hướng tổ chức không gian cần được xác định như sau:

Một là, lấy đơn vị thôn, xóm, làng, bản làm không gian cơ sở để phát triển mạng lưới trên địa bàn nông thôn. Trong không gian đó sẽ chủ yếu tập trung phát triển các cơ sở bán lẻ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhu cầu ăn uống và đồ dùng cá nhân.

Hai là, lấy các trục giao thông liên thôn, liên xã có điều kiện và tiềm năng phát triển thương mại, nhất là đối với các thôn, xã ở xa khu vực thị trấn huyện lỵ để hình thành các trục thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản và nhu cầu mua hàng hóa tiêu dùng của dân cư nông thôn. Tại các trục này có thể kết hợp giữa phát triển chợ và dãy cửa hàng, hoặc phát triển các điểm thu mua, bán lẻ hàng hóa, có quy mô lớn hơn so với các thôn, xóm. Các mặt hàng tiêu dùng có thể mở rộng sang các nhóm hàng may mặc, đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn,…

Ba là, ngoài địa bàn thị trấn huyện lỵ, trên địa bàn các huyện sẽ tiếp tục phát triển các khu vực thị tứ (hoặc có điều kiện trở thành thị tứ) trở thành các điểm sáng trên thị trường nông thôn cả về tiêu thụ sản phẩm (nông sản và sản phẩm làng nghề) và bán lẻ hàng tiêu dùng. Kết hợp giữa phát triển thị trường bán lẻ với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn nông thôn, nhất là tiêu thụ nông sản. Trong đó, tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung sẽ phát triển các khu vực bán lẻ tương đối tập trung với nhiều loại hình đa dạng. Các khu vực này có thể tách rời, hoặc liền kề với khu vực xây dựng các chợ đầu mối thu mua, phân luồng bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp. Đối với những vùng sản xuất nông sản chưa phát triển, chủ yếu phát triển chợ vừa phục vụ tiêu thụ nông sản vừa bán lẻ hàng tiêu dùng, do tiêu thụ nông sản ở khu vực này cũng chủ yếu để phục cho tiêu dùng của dân cư.

Hoàn thiện và bổ sung chính sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại

Việc sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn miền núi, vùng cao, biên giới là rất cần thiết, theo đó:

Ngoài chợ hạng 1 và trung tâm triển lãm cần xem xét bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng thương mại chủ yếu khác (kho, trung tâm logistic) vào danh mục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 29-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại ở nông thôn được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư như các dự án về nông nghiệp theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhà nước cần tạo nguồn vốn ổn định và có kế hoạch thực hiện thường xuyên theo chính sách hỗ trợ vốn đầu tư chợ theo Nghị định 114/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14-01-2003 về phát triển và quản lý chợ.

Áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mở rộng cơ sở kinh doanh trực thuộc ở địa bàn nông thôn hoặc sử dụng các hợp tác xã, hộ kinh doanh (ở mức độ nhất định) trên địa bàn nông thôn làm đại lý mua hàng nông sản và bán vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mức giảm thuế nhiều hay ít tuỳ thuộc vào số cơ sở kinh doanh tăng thêm, số hợp tác xã và hộ kinh doanh tham gia vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp với tư cách đại lý. Thời hạn áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể kéo dài trong thời gian 5 năm (kể từ ngày hoạt động) áp dụng đối với các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ ở địa bàn xã.

- Áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hợp tác xã đối với phần thu nhập từ các dịch vụ phục vụ xã viên (cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá cho các hộ nông dân là xã viên hợp tác xã). Các hoạt động giao dịch giữa xã viên hợp tác xã và hợp tác xã không bị đánh thuế VAT. Đồng thời, cần tránh đánh thuế trùng lắp (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) đối với hợp tác xã và xã viên hợp tác xã.

- Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, là đại lý mua hàng nông sản và đại lý bán vật tư sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... được xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân hằng năm. Mức giảm cụ thể căn cứ vào số lượng hàng nông sản được tiêu thụ và số vật tư cung ứng cho nông dân (có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã). Các hộ kinh doanh tự nguyện đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc thực hiện phương thức nhượng quyền thương mại được xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân.

Phát triển nhanh hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu

Tây Bắc là một trong những khu vực có tiềm năng, lợi thế đối với phát triển kinh tế cửa khẩu. Cần tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các khu kinh tế cửa khẩu thông qua việc đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn từ quỹ đất, vốn tín dụng ưu đãi và thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, ngân sách Trung ương ưu tiên tập trung đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, có ý nghĩa động lực trong giao thương kinh tế và thương mại của cả nước nói chung và của khu vực Tây Bắc nói riêng, bảo đảm sự ổn định về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu, khu phi thuế quan, cụ thể hóa các quy định ưu đãi về đầu tư kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu để thu hút các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng mang tính khả thi, có hiệu quả cao.

Phát triển nhanh các Cụm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp kỹ thuật cao cùng với xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân nông nghiệp

Cần xác định lợi thế tương đối của vùng, đặc thù, khả năng cạnh tranh để tổ chức tập hợp nông dân trong vùng để xây dựng thành "Cụm liên kết sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao" có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù sản xuất ở quy mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình, nhưng lưu thông phải từng bước trở thành lưu thông lớn mới mở rộng quy mô sản xuất và thực diện chuyên môn hóa. Vì thế cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn miền núi là hộ gia đình. Ở đây cần đặc biệt coi trọng vai trò cung ứng dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp (nếu còn tồn tại), vai trò các hợp tác xã dịch vụ tự nguyện. Cần tổ chức lại hợp tác xã mua bán theo đúng nguyên tắc kinh tế tập thể. Các tổ chức này cùng với thương nhân, các hộ nông nhàn hình thành một mạng lưới kinh doanh đa dạng, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể chính của kênh mua buôn, bán buôn các tư liệu sản xuất quan trọng và các nông phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng tập trung, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu./.
-----------------------------------------------------------
1. Vũ Thị Lộc, (2014), Nghiên cứu giải pháp thương mại nhằm phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc nước ta đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Công Thương

2. Lê Thông (2009), Địa lí các tỉnh và thành phố Việt Nam - Tập 3: Các tỉnh vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ, NXB Giáo dục, Hà Nội

3. Niên giám thống kê của các tỉnh Tây Bắc

4. Tổng cục Hải quan, 2015

5. Tổng cục Thống kê, 2015