Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến ngày 22-01-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
14:46, ngày 23-01-2017

TCCSĐT - Theo hãng tin Kyodo, ngày 20-01, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoàn thành thủ tục trong nước cuối cùng cần thiết đối với Nhật Bản trong tiến trình thông qua hiệp định gồm 12 thành viên tham gia này.

Thí điểm phát hành trái phiếu Chính phủ có lãi suất thả nổi

Theo đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, giải pháp điều hành thị trường trong năm, “sẽ tăng phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Cụ thể ngay trong quý II, trái phiếu Chính phủ lãi suất thả nổi sẽ được phát hình thí điểm đồng thời tiếp tục phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 20 năm, 30 năm”.

Tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ đầu năm 2017, vị lãnh đạo này cũng cho hay, trong quý I của năm, thị trường phái sinh trái phiếu sẽ đi vào hoạt động ngay và chuyển chức năng thanh toán trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm củng cố hoạt động công bố thông tin trên thị trường.

Về mục tiêu huy động vốn của năm 2017, kế hoạch Bộ Tài chính đặt ra mức dự kiến trái phiếu Chính phủ đạt 250.000 tỷ đồng, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 34.395 tỷ đồng và trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 8.000 -10.000 tỷ đồng.

Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP


Trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 tại thành phố Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp làm việc với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, ngài Chủ tịch đánh giá cao vai trò và tiềm năng phát triển của Việt Nam; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình đối tác công-tư (PPP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị WEF duy trì tổ chức Hội nghị WEF Mê Công; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các tập đoàn và chuyên gia hàng đầu của WEF, tư vấn chính sách trong lĩnh vực năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Sau buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Klaus Schwab dự lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Việt Nam là nước đầu tiên mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.

Theo thỏa thuận, Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Diễn đàn này; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua việc nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua TPP


Theo hãng tin Kyodo, ngày 20-01, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoàn thành thủ tục trong nước cuối cùng cần thiết đối với Nhật Bản trong tiến trình thông qua hiệp định gồm 12 thành viên tham gia này.

TPP dường như không chắc được thực hiện đầy đủ khi mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-01, đã tuyên bố đưa Mỹ ra khỏi hiệp định này. Mặc dù vậy, ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục vận động Mỹ về TPP trong chuyến công du hồi tuần trước đến các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các nước tham gia ký kết TPP là Australia và Việt Nam.

Phát biểu tại một cuộc họp liên quan đến TPP trước khi Nội các Nhật Bản đưa ra quyết định trên, Bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết Tokyo sẽ thông báo cho New Zealand, nơi hiệp định này chính thức được ký kết hồi tháng 02-2016, rằng Nhật Bản đã hoàn thành các thủ tục trong nước đối với hiệp định này.

Chính quyền của Donald Trump bao trùm ngày họp cuối cùng của Davos

Rạng sáng 21-01 theo giờ Việt Nam, Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 đã bế mạc tại Davos, Thụy Sĩ sau 4 ngày làm việc với hàng trăm phiên thảo luận. Do diễn ra trùng với thời điểm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump, nhiều ý kiến xoay quanh tính hiệu quả của chính quyền mới tại Mỹ cũng đã bao trùm ngày họp cuối cùng.

Một số nhà lãnh đạo đến từ Serbia, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ đều bày tỏ hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới của Mỹ. Theo đó, Thủ tướng Andrei Plenkovic của Croatia - một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tin tưởng Mỹ sẽ vẫn là một quốc gia toàn cầu quan trọng và là đối tác có trách nhiệm trong các quan hệ quốc tế, thì người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hy vọng Ankara và Washinton sẽ có thêm nhiều cuộc đối thoại mang tính xây dựng trên một loạt vấn đề, trong đó có tình hình tại Trung Đông và nhiều vấn đề nóng khác.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến bày tỏ nghi ngại về chính quyền mới tại Mỹ. Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger cho rằng chưa bao giờ các nước lại có quá nhiều vấn đề để ngỏ trong chính sách an ninh toàn cầu như hiện nay, cũng như chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với sự bất ổn do khủng hoảng như hiện tại. Đây đều là những vấn đề cần giải quyết nhanh chóng vì lợi ích của cả nước Mỹ và châu Âu. Ông Ischinger hy vọng ngay sau lễ nhậm chức, Washington sẽ đưa ra những tuyên bố rõ ràng về chính sách của mình.

Cũng trong ngày họp cuối cùng tại Davos, nhiều vấn đề nóng khác đã được đưa ra thảo luận, chẳng hạn như Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã kêu gọi một mối quan hệ đối tác gần gũi với Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit (nước Anh rời khỏi EU), không chỉ trong thương mại và còn trong an ninh và một loạt vấn đề khác.

Singapore sẽ là thị trường IPO “nóng" nhất Đông Nam Á năm nay

Singapore sẽ là nơi chứng kiến nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khu vực Đông Nam Á trong năm 2017 với các thương vụ bán cổ phiếu của doanh nghiệp và quỹ tín thác bất động sản, khi các đồng tiền khu vực biến động và niềm tin của giới đầu tư thấp, làm hạn chế các thương vụ như vậy ở những thị trường khác.

Thị trường chứng khoán của Singapore trong thời gian qua đã được xem như là một trung tâm hoạt động dành cho các quỹ tín thác của doanh nghiệp và các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT), mang thu ổn định cho các nhà đầu tư. Điều này phần nào giúp Singapore bù lại sự sụt giảm số vụ bán cổ phiếu khi các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc ưa chuộng mức định giá cao và tính thanh khoản tốt của thị trường chứng khoán Hong Kong.

Theo số liệu của Thomson Reuters, số vốn huy động thông qua các vụ IPO tại Singapore đã đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2016, tăng gấp năm lần so với năm 2015, năm có mức huy động thấp nhất kể từ năm 1998. Trong khi đó, các chuyên gia cho hay việc bình thường hóa các hoạt động IPO ở Trung Quốc có thể giúp nâng cao hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp và đưa thêm vốn trực tiếp vào nền kinh tế thực./.