Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Ghi nhận khái quát về những việc làm được
1. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo nông thôn mới Thành phố, Ban chỉ đạo nông thôn mới các huyện đã tích cực triển khai, phân công cán bộ kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện Chương trình đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra. Công tác khảo sát, xây dựng đề án tại các xã nhân rộng bảo đảm các yêu cầu. Các sở, ngành, đoàn thể đã tăng cường chỉ đạo triển khai các dự án, điểm trình diễn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ văn hóa - xã hội - môi trường, xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
2. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nông thôn mới Thành phố đã phối hợp với các thành viên tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo đã tổ chức hội thảo, hướng dẫn các địa phương lập các đề án “phát triển sản xuất - kinh doanh và giải pháp nâng cao thu nhập”. Ban quản lý nông thôn mới các xã đã tổ chức khảo sát, hướng dẫn các ấp, các hộ gia đình về tổ chức lại sản xuất, ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp; tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp về xã liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ.
3. Qua gần 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã điểm, có thể nói những nhân tố nông thôn mới của xã ven đô thị dần hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng, thể hiện rõ nhất là: kết cấu hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng; Sản xuất phát triển góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao, đã xuất hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, có thể nhân rộng (như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh…), ngành nghề nông thôn được khôi phục, phát triển, góp phần nâng cao thu nhập - chưa kể giải quyết nông nhàn (như: bánh tráng, xe nhang…); Đời sống vật chất, tinh thần tại các xã điểm không quá cách biệt so với nội thành, nhân dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch; Quy chế dân chủ cơ sở ngày một mở rộng. Các tiêu chí chủ yếu như thu nhập, liên kết sản xuất, chuyển dịch lao động, quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông… đã hoàn thành. Riêng xã Tân Thông Hội - xã điểm do Trung ương chọn đã đạt 19/19 tiêu chí vào năm 2012. Đối với 5 xã điểm do Thành phố chọn: xã Thái Mỹ cơ bản đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và Lý Nhơn, huyện Cần Giờ cơ bản đạt 18/19 tiêu chí, 2 xã còn lại là Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đạt 17/19 tiêu chí. Tổng kinh phí thực hiện phát triển sản xuất tại các xã điểm đến tháng 1-2013 trên 4.450 tỷ, trong đó nguồn vốn từ cộng đồng chiếm tỷ lệ hơn 97%. Các kết cấu hạ tầng được xây dựng đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương. Song song đó, bằng các giải pháp đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm… đã chuyển dịch trên 13.000 lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; thu hút đầu tư, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư.
4. Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ từ thành phố đến huyện trực tiếp tham gia, cán bộ xã đến ấp được nâng lên một bước (thể hiện cụ thể tại chất lượng cán bộ đạt chuẩn, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ - theo báo cáo đánh giá của Sở Nội vụ, so với khi bắt đầu xây dựng đề án). Vai trò hạt nhân Đảng lãnh đạo, đảng viên gương mẫu tiên phong, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và địa phương với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới được đề cao. Nhận thức trong nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực (hạn chế tư tưởng ỷ lại vào nguồn lực nhà nước so với trước đây), người dân tin tưởng, tự tin và chủ động tham gia vào từng việc trong xây dựng nông thôn mới.
5. Qua Chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới đã ghi nhận các điển hình tập thể và cá nhân trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu, hiếu học… làm cơ sở khen thưởng và nhân rộng. Chỉ riêng hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại 6 xã thí điểm đã có 7.005 hộ dân, hiến 725.872m2 đất, quy giá trị là 615 tỷ 617 triệu đồng; Kết quả đạt được của từng mô hình cho phép xác định rõ hơn nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế và chính sách cần thay đổi để xây dựng nông thôn mới cho những xã ven đô khác hiệu quả hơn.
Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để huy động nguồn lực xã hội hóa
Công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các cấp, các ngành đã được đẩy mạnh; nhiệm vụ của công tác tuyên truyền của Thành phố đã làm được điều cần làm đó là làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ mỗi người nông dân cần phải lo cho chính mình, cho nhà mình, vườn tược của mình, đồng ruộng của mình, sạch từ nhà ra đồng, đẹp từ nhà ra vườn… Có thông suốt được như vậy thì bộ mặt nông thôn mới sẽ từng ngày thay đổi đẹp đẽ hơn.Việc lồng ghép phổ biến nội dung về xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện tại các buổi họp thôn, ấp, khóm… Đặc biệt, từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã được phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, đoàn thể, cán bộ ở các cấp một cách rõ ràng để thực hiện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bước đầu đã tạo được sự đồng thuận cao và sự hưởng ứng tích cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp đã huy động các nguồn lực tham gia thực hiện các nội dung của đề án. Các điển hình như nông dân hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập… là các tấm gương điển hình quý giá, luôn được chú trọng nêu gương để tiếp tục nhân rộng. Thành phố tạo điều kiện cho người dân thảo luận góp ý cách thực hiện tiêu chí như thế nào trên bộ tiêu chí chung, cách áp dụng vào tình hình thực tế tại địa phương, giám sát xây dựng các công trình công cộng, trao đổi kinh nghiệm trong canh tác, chăn nuôi; chủ động tìm hiểu tiếp thu phát huy sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, có kinh nghiệm vận động người dân hiến đất làm đường là cán bộ giải thích cho người dân biết rõ ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện dự án; khi đó người dân sẽ nhận thức được việc làm đường là để phục vụ cho chính bản thân mình và cho địa phương, từ đó tự nguyện hiến đất. Với sự đồng thuận của người dân, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã vận động được 946 hộ dân hiến 30.180m² đất, vật kiến trúc trong phạm vi mở đường trị giá khoảng 169,5 tỷ đồng, chiếm 62,83% tổng giá trị công trình.
Ở huyện Củ Chi, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo được xác định rất rõ là: Muốn thực hiện thành công xã nông thôn mới thì trước hết từng người dân phải thông suốt chủ trương, phải hiểu tường tận Chương trình mục tiêu. Vì vậy, song song với triển khai thực hiện các tiêu chí, lãnh đạo huyện Củ Chi quán triệt tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ Đảng, đặc biệt là người dân hiểu được mục đích, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới. Nhờ phát huy vai trò dân chủ, các đề án triển khai đều được công khai đến tận hộ dân để người dân bàn bạc thảo luận, biểu quyết và cùng tham gia nên khi triển khai thí điểm xã nông thôn mới ở Tân Thông Hội và Thái Mỹ, người dân đã tự nguyện hiến đất trị giá khoảng 126 tỷ đồng để xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng.
Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của người dân trong việc góp công, góp sức, vật chất xây dựng kết cấu hạ tầng rất quan trọng. Khi làm tuyến đường Xuân Thới Thượng 18 và Xuân Thới Thượng 41, gia đình ông Phạm Văn Cáo ở Ấp 1 đều bị vướng cả hai mặt của khuôn viên nhà tổng cộng gần 400m2 đất giá trị gần 1,7 tỷ đồng. Ông Cáo đã không ngần ngại hiến đất mà không đòi hỏi một sự bồi thường nào.
Chỉ riêng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã có 1.758 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các công trình công cộng với trên 36.797m2 trị giá trên 167 tỷ đồng, nhưng khi được vận động thì họ sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ khoản đền bù nào. Xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cũng có 863 hộ tham gia hiến trên 12.462m2 đất với trị giá trên 73 tỷ đồng để làm đường giao thông.
Tính trên tổng thể 6 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có 7.005 hộ dân khi có đường giao thông đi qua đều hiến đất, với khoảng 725.872m2 đất và công trình kiến trúc với tổng trị giá trên 615 tỷ đồng. Như vậy là 100% hộ dân khi có đường giao thông hay dự án đi qua đều sẵn sàng hiến đất để xây dựng công trình. Điều này đã giảm rất lớn chi phí của ngân sách nhà nước cho việc đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn.
Qua 3 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã điểm có 311,67km đường giao thông đã được nâng cấp và làm mới; nạo vét, gia cố 72,575km và xây dựng mới 41,35km kênh mương; xây mới và nâng cấp 25 trường học; xây dựng mới 4 trung tâm văn hóa - thể thao và 4 chợ đạt chuẩn; xây mới và nâng cấp 6 trạm y tế…
Một số kinh nghiệm bước đầu
Một là, tiến hành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong Đảng và trong cộng đồng dân cư để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, không phải là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân phải là chủ, làm chủ; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới thành công và bền vững.
Hai là, để xây dựng nông thôn mới cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị của Ban Chỉ đạo các cấp: phân công, phân cấp, thường xuyên kiểm tra khảo sát, sơ kết, tổng kết thúc đẩy thực hiện một cách hiệu quả.
Ba là, phải coi trọng đến công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng nông thôn mới là một chính sách và chương trình kinh tế - xã hội tổng hợp. Giai đoạn đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ có lúng túng vì chưa được trang bị kiến thức xây dựng nông thôn mới: về nội dung, trình tự, các bước tiến hành, phương pháp xây dựng đề án, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản… đội ngũ này cần phải được tập huấn, bồi dưỡng.
Bốn là, xây dựng nông thôn mới cấp xã phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của xã, tránh rập khuôn, máy móc. Do điều kiện, xuất phát điểm có khác nhau: trong việc xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện phải căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể, lợi thế và nhu cầu thiết thực của địa phương, của người dân để chọn các nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau.
Năm là, đa dạng hóa nguồn huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết. Xây dựng nông thôn mới phải huy động tổng hợp các nguồn lực: vốn cộng đồng, vốn doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng xã hội, vốn nhà nước. Vốn nhà nước chỉ đầu tư cho các công trình thiết yếu, có sức lan tỏa, tạo động lực, tạo niềm tin cho người dân và toàn xã hội tham gia.
Sáu là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó huy động nguồn lực của nội thành hỗ trợ ngoại thành, huy động cộng đồng đầu tư. Nghiên cứu có các chính sách, chế độ (với những tiêu chuẩn cụ thể…), kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Những xã có cán bộ nhiệt tình, nhân dân đồng thuận, chủ động xây dựng nông thôn mới, có nhiều cách làm hay, hiệu quả thì ưu tiên hỗ trợ và khen thưởng; thực hiện luân chuyển cán bộ theo hướng phát triển để động viên làm tốt hơn.
Vẫn rất cần sự quyết tâm cao của cả xã hội
Trong bài phát biểu chỉ đạo buổi tổng kết tháng 3-2013, qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nhấn mạnh: Chính tính đúng đắn của chủ trương đã khơi gợi và phát huy nội lực nhân dân tại các xã. Khẳng định, nhân dân là chủ thể quyết định sự thành công của chương trình. Các doanh nghiệp với tâm huyết, tình cảm gắn bó mật thiết với nông dân và nông thôn đến đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Hàng ngàn cá nhân hiến đất làm đường, phát triển sản xuất, vượt khó làm giàu… Có thể khẳng định, những nhân tố nông thôn mới các xã ven đô thị đã hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng, làm cơ sở cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình ở tất cả các xã còn lại. Cái được lớn nhất là Nghị quyết của Đảng hợp lòng dân đã đi vào cuộc sống. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trách nhiệm trước dân.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo ra diện mạo mới cũng chính là quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Hải chỉ đạo: tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã điểm; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố; phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm hơn nữa. Đảng ủy các xã đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng đi sát, lắng nghe ý kiến của người dân. Thành phố cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân, nông nghiệp… tạo điều kiện thúc đẩy, gắn với thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020. Các doanh nghiệp Thành phố có phương án hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ giải quyết đầu vào, đầu ra cho nông sản tại các xã…
Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là nhân rộng mô hình nông thôn mới ra 50 xã còn lại để đến năm 2015 tất cả 56/56 xã của Thành phố cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong 6 xã lúc bắt đầu xây dựng nông thôn mới có những xã chỉ đạt 5 tiêu chí, nhưng sau 3 năm xã ít nhất cũng đã đạt 17 tiêu chí. Vậy các xã làm sau đã có kinh nghiệm, thì sự chỉ đạo, cách làm và bước đi phải phù hợp hơn để đạt kết quả nhanh hơn. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục phát huy trí tuệ, tinh thần tiến công cách mạng, không ỷ lại, chờ đợi nguồn vốn của Thành phố, phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng nông thôn mới cho chính nhân dân để tìm kiếm cách làm hiệu quả nhất, nhanh nhất./.
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri  (14/05/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư nhân 50 năm "Nghìn việc tốt"  (14/05/2013)
Khai mạc phiên 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (14/05/2013)
Kịch bản “sẵn có” cho sự can thiệp quân sự vào Xy-ri  (14/05/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay