Thế giới hy vọng gì ở Diễn đàn Đa-vốt 2013?
TCCSĐT - Như thường niên, tháng 01-2013, các nhà lãnh đạo hàng đầu về chính trị và kinh tế sẽ hội tụ tại Đa-vốt (Davos), Thụy Sỹ - thị trấn cao nhất châu Âu - để dự cuộc hội đàm có lịch sử hơn 40 năm - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Song nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi: Diễn đàn năm nay sẽ bàn gì? Liệu có tìm ra biện pháp giải quyết triệt để những vấn đề thời sự của kinh tế thế giới?
Từ khi ra đời đến nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới hay còn được gọi bằng cái tên ngắn gọn Diễn đàn Đa-vốt vẫn được coi là nghiêm ngặt, không phải chỉ bởi tấm vé mời, cũng không phải chỉ bởi hơn 2.600 “phù hiệu trắng” dành cho các quan khách đại diện cho hơn 100 quốc gia, mà còn bởi tính “độc quyền” của nó. Trong khi những phù hiệu trắng được dành miễn phí cho các đại diện khách mời thuộc những nhóm cố định như lãnh đạo các nước, lãnh đạo tôn giáo, các nhà học thuật, doanh nhân xã hội, thành viên các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí, thì đối với những doanh nghiệp, giá vé vào cửa trị giá khoảng 20.000 USD.
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Khôi phục sự năng động” - đây được coi như một mệnh lệnh chứ không chỉ là một khẩu hiệu có tính mô tả, giống như một lời kêu gọi chứ không chỉ là sự xác nhận những hành động của các nhà lãnh đạo thế giới về việc giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
“Thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt là tình trạng bất ổn kéo dài của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại những nền kinh tế chủ chốt đã trải qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng”, Clau Soáp (Klaus Schwab), nhà kinh tế học người Đức, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 1971, cho biết. Ông C. Soáp nhấn mạnh: “Sự tăng trưởng trong tương lai đòi hỏi sự năng động - tầm nhìn táo bạo và hành động còn táo bạo hơn. Chỉ một trong hai thuộc tính - khả năng phục hồi (của nền kinh tế) hoặc sự năng động (của các nhà lãnh đạo) thôi thì chưa đủ”.
Kể từ Diễn đàn Kinh tế Đa-vốt 2012, đã có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhưng phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới về những vấn đề nóng hổi đang diễn ra như khủng hoảng nợ công vẫn tiếp diễn theo hướng xấu tại châu Âu hay “vách tài khóa” tại Mỹ khó có thể được coi là năng động.
Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2013 của Diễn đàn Đa-vốt được tổng hợp từ nghiên cứu thường niên của hơn 1.000 chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã thể hiện một cái nhìn bi quan khi cho rằng cộng đồng quốc tế khó có khả năng giải quyết các thách thức toàn cầu như hiện tượng Trái đất nóng lên bởi các nền kinh tế đầu tàu trên thế giới vẫn tiếp tục suy yếu trong năm 2013.
Báo cáo này cũng khẳng định sự bất bình đẳng thu nhập và những khoản nợ công sẽ là hai vấn đề tác động nhiều nhất đến cộng đồng toàn cầu trong thập kỷ tới. Báo cáo cũng cảnh báo viễn cảnh tồi tệ là sự sụp đổ tài chính có hệ thống.
Sự suy yếu tại các khu vực kinh tế trọng điểm càng tạo thêm những khó khăn cho việc “chữa lành vết thương” của nền kinh tế toàn cầu. Số liệu thống kê tháng 11-2012 của Diễn đàn Đa-vốt cho thấy châu Âu tiếp tục suy thoái kép với những con số tăng trưởng trì trệ đã được thống kê tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai-len và I-ta-li-a.
“Thắt lưng buộc bụng” - liều thuốc đắng được kỳ vọng sẽ chữa lành căn bệnh nan y của các nền kinh tế châu Âu, không chỉ bị “ghét cay ghét đắng”, bằng chứng là hàng triệu người dân châu Âu đã đổ ra đường để biểu tình phản đối, mà theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, những biện pháp này cũng không chứng minh được tính hiệu quả.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Crít-tin La-gác-đơ (Christine Lagarde) là một trong số những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới kêu gọi làm chậm lại những biện pháp khắc khổ, còn nhà kinh tế trưởng của IMF Ô-li-vi-ơ Blan-chác (Olivier Blanchard) cho rằng các nhà lãnh đạo đánh giá chưa đúng ảnh hưởng của những biện pháp khắc khổ này.
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ được “yên ả” trong một thời gian ngắn nhờ “hiệu ứng Đra-ghi (Draghi)” khi tháng 9-2012, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ma-ri-ô Đra-ghi (Mario Draghi) cam kết sẽ mua không giới hạn các khoản nợ ngắn hạn của các thành viên Eurozone đang phải vật lộn với khủng hoảng, nhằm vực dậy liên minh tiền tệ gồm 17 nước, với điều kiện các nước này chấp nhận một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên “cơn đau” vẫn còn dai dẳng tại nhiều khu vực của châu Âu, và Hy Lạp là một trong số đó, khi nước này vẫn phải chịu đựng những hậu quả từ suy thoái kinh tế và các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Dự đoán kinh tế Hy Lạp tăng trưởng -6% năm 2012.
Trong khi đó, theo các nhà quan sát thị trường thì “khách hàng tiềm năng” chuẩn bị nhận gói cứu trợ tiếp theo có thể là Tây Ban Nha. Nước lớn thứ tư châu Âu không chỉ đang bị lung lay về vị trí kinh tế mà còn chuẩn bị đối mặt với những bất ổn về chính trị khi Ca-ta-lô-ni-a (Catalonia) - khu vực giàu có nhất và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất Tây Ban Nha, chiếm 16% dân số và 19% GDP của Tây Ban Nha - muốn tách ra thành một nước độc lập.
Nằm ngoài Eurozone, Anh được các nhà kinh tế dự đoán sẽ bị hạ mức tín dụng 3 A (AAA) trong năm 2013. Đây được xem là hệ quả có nguồn gốc từ Mỹ, khi chính nền kinh tế hàng đầu thế giới này lần đầu tiên cũng bị cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor's (S&P) hạ mức xếp hạng tín dụng từ 3 A (AAA), xuống còn 2 A+ (AA+) vào tháng 8-2012.
Trên thang điểm của S&P, mức cao nhất 3 A dành cho các nước được cơ quan này đánh giá là đáng tin cậy nhất về khả năng thanh toán các trái phiếu mà họ phát hành. Từ khi được thành lập vào năm 1941, S&P không bao giờ nghi ngờ về tính ưu việt của nền tài chính Mỹ và luôn luôn cho Mỹ điểm 3 A, song có vẻ như đến năm 2012 thì “nhà giàu” Mỹ cũng phải “khóc”.
Mặc dù các nhà lập pháp Mỹ cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận nhằm tránh cho nước Mỹ va vào “vách tài khóa” nhưng sự chia rẽ về chính trị sẽ vẫn được coi là một trở ngại trong việc giải quyết những vấn đề tài chính của Mỹ những năm tới, như mức trần nợ công là một ví dụ.
Mức vay của Mỹ đã đạt đến giới hạn hợp pháp là 16.394 nghìn tỷ USD, điều đó có nghĩa là Kho bạc Mỹ sẽ phải viện đến “các biện pháp đặc biệt” để bảo đảm rằng Chính phủ có thể chi trả được những hóa đơn này.
Nếu mức trần nợ công không sớm được tăng lên, Mỹ có thể sẽ lâm vào phá sản. Tuy nhiên, bất chấp những trải nghiệm đau thương từ các cuộc thương thuyết về “vách tài khóa”, các chính khách Mỹ vẫn cho thấy một thực tế đáng lo ngại rằng họ sẽ tiếp tục trung thành với đảng phái của mình, và theo đuổi chính sách “bên bờ miệng chiến tranh” khi phải tìm kiếm các giải pháp tài chính cho nền kinh tế Mỹ.
Còn trong thế giới A-rập, làn sóng chính biến bắt đầu từ Mùa xuân A-rập 2 năm trước sẽ vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ai Cập - nước A-rập đông dân nhất, có vai trò địa - chính trị quan trọng nhờ mối quan hệ thân thiết đối với I-xra-en cũng cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ khi nước này tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên kể từ khi ông Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarak) bị lật đổ, và đã tìm được nhà lãnh đạo mới là ông Mô-ha-mét Mô-si (Mohamed Morsy).
Tuy nhiên ông M. Mô-si đã bị các nhà phê bình chỉ trích là “độc quyền” khi dùng đặc quyền của mình để thông qua một Hiến pháp khung Hồi giáo, theo đó quy định Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc “bảo vệ các dân tộc và đạo đức” và cấm “xúc phạm nhân phẩm”. Hiến pháp khung này cũng quy định các cơ quan tư pháp không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống M. Mô-si ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30-6-2012 cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua và Quốc hội mới được bầu.
Tuy nhiên, Hiến pháp vẫn giữ lại một điều khoản chung chung vốn gây nhiều tranh cãi dưới thời ông H. Mu-ba-rắc, trong đó quy định “các nguyên tắc của luật Hồi giáo” vẫn là nguồn cơ bản của luật pháp.
Cho rằng bản hiến pháp trên “hủy hoại các quyền tự do cơ bản”, hàng chục ngàn người biểu tình đã tụ tập tại Thủ đô Cai-rô nhằm gây sức ép với Tổng thống M. Mô-si. Kết quả là ngày 28-11-2012, ông M. Mô-si tuyên bố sẽ từ bỏ các đặc quyền mới của mình ngay sau khi Ai Cập có một bản Hiến pháp mới.
Còn hiện nay, Chính quyền của ông M. Mô-si đang đau đầu vì những khó khăn trên “mặt trận kinh tế” khi phải tìm biện pháp giải quyết vấn đề dự trữ ngoại hối thấp, tỷ lệ thất nghiệp 12% và thâm hụt ngân sách lớn, đồng thời khôi phục hiệu quả nền kinh tế Ai Cập.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu năm 2013 có khởi đầu cho một bình minh mới hay liệu các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tiếp tục quay trở lại khu nghỉ dưỡng tại Đa-vốt vào năm 2014 để tìm biện pháp tháo gỡ cho những vấn đề không hề mới này./.
Nguyễn Thị Bình - nhà ngoại giao nhân dân  (23/01/2013)
Tọa đàm trực tuyến về lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (23/01/2013)
Tọa đàm trực tuyến về lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (23/01/2013)
Một số so sánh quyền con người với quyền công dân  (23/01/2013)
Một số so sánh quyền con người với quyền công dân  (23/01/2013)
Tổng Bí thư gửi điện cảm ơn tới Tổng thống Cộng hòa Italy  (23/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên