Phát triển kinh tế di sản: Kinh nghiệm của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)
1- Không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, Hà Nội còn là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ và kết tinh những di sản văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Hiện Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa được phân bố trên các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều ở quận Hoàn Kiếm, một trong những quận lõi trung tâm của Thủ đô với mật độ di sản văn hóa cao nhất thành phố, mang đậm bản sắc văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội. Hiện quận còn lưu giữ khoảng 190 di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, như Quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân.... Đặc biệt, khu phố cổ được coi là “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội với những nếp nhà mang kiến trúc cổ, độc đáo, phản ánh đặc điểm địa lý và điều kiện sinh hoạt của người dân, thể hiện đặc điểm tôn giáo và tín ngưỡng, có sự hòa trộn của các nền văn hóa đa dạng, phong phú, sự đan xen kiến trúc nhiều thời kỳ cũng như kiến trúc phương Đông và phương Tây, cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, như đình, chùa, miếu, đền, các di tích lịch sử, cách mạng tiêu biểu tiêu biểu như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40 - 42 Hàng Bạc, di tích lịch sử cách mạng ở 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập… Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, cùng nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình đã nổi tiếng, được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như ca trù, xẩm, hát văn…, tạo nên sức hấp dẫn lớn của trung tâm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm với 36 phố phường còn từng là trung tâm buôn bán sầm uất nhất đất kinh kỳ với nhiều nghề thủ công truyền thống của người dân ở các làng nghề từ khắp nơi tụ họp về kinh đô lập nghiệp, sinh sống, dần hình thành nên các phố nghề. Hiện nay, theo Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, các tuyến phố kinh doanh truyền thống trên địa bàn quận tiếp tục được phát huy giá trị, cơ bản đáp ứng các tiêu chí văn minh thương mại với một số nghề truyền thống, như phố Hàng Gai thu hút 40 doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặt hàng tơ lụa; phố Lãn Ông thu hút 69 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đông nam dược; phố Hàng Bạc thu hút 65 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nghề kim hoàn… Tuy trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều nghề truyền thống đã mai một nhưng nếu biết phát huy, có sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân thì các sản phẩm thủ công truyền thống có thể có những bước phát triển mới, trở thành những “đại sứ văn hóa”, lan tỏa các giá trị văn hóa của Thủ đô tới đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hoàn Kiếm cũng là trung tâm của văn hóa ẩm thực với nhiều món ngon, mang phong vị đặc biệt của đất kinh kỳ. Tất cả các di sản vật thể và phi vật thể đó là nguồn lực để quận Hoàn Kiếm khai thác trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng đã có nhiều hoạt động, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch, hành động để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương có những bước phát triển đáng ghi nhận. Thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, ngày 16-10-2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa. Ngày 26-6-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Nghị quyết số 06-NQ/TU), trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác; phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tính bền vững; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; thân thiện với môi trường.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến;… bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. Trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Nghị quyết nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố và GDP quốc gia, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ đạo của thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ 26 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xây dựng 7 chương trình công tác, trong đó có 2 chương trình công tác về quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị với 7 đề án triển khai thực hiện, 1 chương trình công tác về phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội với 6 đề án nhằm tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngày 6-8-2021, Quận ủy Hoàn Kiếm ban hành Chương trình số 05-CTr/QU về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện giai đoạn 2021 - 2025”; đồng thời Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; xây dựng các không gian văn hóa; tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống, các sinh hoạt văn hóa; qua đó khai thác ngày càng hiệu quả nguồn lực di sản văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của quận theo hướng thương mại - du lịch - dịch vụ. Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm cũng phối hợp với các sở, ngành của thành phố rà soát, cập nhật các định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quận và khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai thực hiện các giải pháp cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cảnh quan của danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố chính; cải tạo vườn hoa, xanh hóa hè phố kết hợp cải tạo mặt hè, thoát nước, hạ ngầm đường dây đi nổi; cải tạo các công trình có giá trị, các công trình biệt thự xây dựng trước năm 1954; chiếu sáng các công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu; kiểm soát tổ chức, nhân dân bảo tồn nhà cổ; cải tạo, chỉnh trang các không gian công cộng và các công trình phục vụ kinh doanh thương mại, Nhà hát Lớn, phố Tràng Tiền…
Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Quận ủy Hoàn Kiếm (Tài liệu phục vụ tiếp đoàn khảo sát của thành phố Hà Nội tháng 10-2024), thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”, Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai Chương trình số 03-CTr/QU ngày 06-8-2021 về “Tạo sự chuyển biến mạnh và bền vững về quản lý đô thị, bảo tồn phát huy các giá trị di sản đô thị quận Hoàn Kiếm hiện đại, văn minh, tiến tới đô thị thông minh” và 4 Đề án thực hiện Chương trình số 03-CTr/QU của Quận ủy, Kế hoạch số 30-KH/QU ngày 01-10-2021 tổ chức thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội gắn với thực hiện Chương trình số 03-CTr/QU ngày 06-8-2021 của Quận ủy. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra của Chương trình đã đạt kết quả khá toàn diện đáp ứng nội dung, tiến độ, các chỉ tiêu yêu cầu, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, cụ thể: Đã hoàn thành 04/06 chỉ tiêu của Chương trình 03-CTr/QU của Quận ủy (trong đó 01 chỉ tiêu thuộc nhiệm vụ của thành phố); 02/06 chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Các nhiệm vụ trọng tâm đều được triển khai tích cực, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành (tuy nhiên còn một số nhiệm vụ còn định tính nên chưa giải quyết dứt điểm, cần thực hiện thường xuyên, một số nhiệm vụ do nguyên nhân khách quan phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ). Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Quận ủy Hoàn Kiếm đã xây dựng Chương trình số 05-CTr/QU, ngày 06-8-2021 về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện giai đoạn 2021 - 2025” và 6 Đề án thực hiện Chương trình số 05-CTr/QU ngày 06-8-2021 của Quận ủy; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 378/ĐA-UBND ngày 17-12-2008 của Ủy ban nhân dân quận về xây dựng “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” và Đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”. Quận đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU Thành ủy gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và Chương trình 05-CTr/QU của Quận ủy; tập trung bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn quận. Quận đã hoàn thành 26/26 chỉ tiêu của Chương trình 05-CTr/TU của Quận ủy, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cũng đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa xây dựng, thực hiện Đề án “Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch, đến năm 2025, định hướng 2030” nhằm từng bước nhận diện thương hiệu, xây dựng bản đồ di sản ẩm thực số phục vụ du lịch.
Thời gian qua, có thể thấy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản được quận chú trọng với nhiều hoạt động, như tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, cơ quan, trường học ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh cho các di tích, đồng thời, khôi phục và phát huy các giá trị di sản, như xây dựng Đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” với 14 lễ hội đặc trưng, tiêu biểu, như lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Đình Yên Thái, lễ hội Đình Kim Ngân, lễ hội trung thu phố cổ...; quản lý và phát huy tốt công tác bảo tồn di sản của khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, đặc biệt là đối với các điểm di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn. Công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo; giai đoạn 2021 - 2024, quận đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 4 di tích, đang triển khai tu bổ, tôn tạo 2 di tích. Quận cũng đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể gắn với giới thiệu nghề thủ công, phố nghề, làng nghề truyền thống; biểu diễn âm nhạc truyền thống; tổ chức tọa đàm, hội thảo, triển lãm xung quanh các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội để xứng đáng với giá trị của di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô và đất nước. Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội khảo sát các di tích xuống cấp cần đầu tư tu bỏ, tôn tạo để báo cáo đề xuất thành phố hỗ trợ về nguồn lực đầu tư 6 di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 với số tiền 361,8 tỷ đồng; đồng thời thực hiện rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn quận giai đoạn 2021 - 2025.
Để bảo đảm hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ, ngày 11-1-2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (gọi tắt là Ban Quản lý) chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích khu phố cổ Hà Nội và bảo vệ không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhờ đó, công tác thông tin, giới thiệu, quảng bá các giá trị khu phố cổ Hà Nội, lịch sử, văn hóa Hồ Gươm được triển khai bài bản và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Việc tiếp nhận, quản lý và khai thác một số di tích, công trình kiến trúc cổ đã được tu bổ, trùng tu; kêu gọi đầu tư và lập Quỹ bảo tồn khu phố cổ Hà Nội; khôi phục lại các phố nghề, làng nghề, lễ hội truyền thống khu phố cổ Hà Nội… ngày càng được chú trọng. Ban Quản lý cũng chủ trì, hướng dẫn duy trì, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố cổ Hà Nội; tổ chức thu phí và thực hiện dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan khu phố cổ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận theo quy định của Nhà nước và thành phố; đồng thời được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích, dự án liên quan đến giãn dân khu phố cổ Hà Nội; duy tu, duy trì dự án trang trí cây, hoa, xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm… Hằng năm, quận đã tổ chức giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa gắn với các hoạt động, như biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, các chương trình hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm phát triển du lịch, nâng giá trị và hình ảnh khu phố cổ tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận tại các điểm di sản tiêu biểu là: đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc, ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây, Trung tâm Thông tin di sản phố cổ - 28 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ - 50 Đào Duy Từ; tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Tượng đài vua Lê, cửa đền Bạch Mã, đền Hương Tượng, Đình Kim Ngân, đền Quan Đế, cổng Ô Quan Chưởng...; tổ chức biểu diễn nhạc đương đại tại ngã 5 phố Đông Thái, ngã tư Gia Ngư - Đinh Liệt...
2- Có thể thấy, di sản văn hóa đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của quận Hoàn Kiếm thông qua phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản cùng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ - ngành thế mạnh và trọng tâm trong cơ cấu kinh tế của quận Hoàn Kiếm ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô. Theo thống kê của các đơn vị lữ hành lớn, khoảng 60% lượng khách khi tham gia vào những hành trình du lịch khu vực phía Bắc đều đến tham quan phố cổ Hà Nội. Trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20.000 lượt khách đến với không gian phố đi bộ khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm. Cùng với đó, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2018 là gần 2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ; 9 tháng của năm 2019 đạt 1,24 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ). Hoạt động du lịch văn hóa tại quận Hoàn Kiếm cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển du lịch của thành phố Hà Nội với sự tăng trưởng liên tục và sự hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (tăng 27% so với năm 2022, tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019); trong đó du khách quốc tế đạt hơn 4 triệu lượt (tăng 266,7% so với năm 2022, tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019). Tổng doanh thu từ ngành du lịch năm 2023 đạt khoảng 87,65 nghìn tỷ đồng (tăng 45,5% so với năm 2022 và tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Trong 10 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 23,11 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa đạt 18,16 triệu lượt, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch 10 tháng đầu năm ước đạt 90.065 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, những năm qua, thành phố Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới. Liên tiếp trong năm 2022 và 2023 thành phố Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) bình chọn là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022”. Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 13 trong danh sách Top 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022; đứng thứ 22 trong danh sách Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực; xếp hạng phố cổ Hà Nội lọt Top những điểm du lịch hàng đầu khu vực châu Á năm 2022 với vị trí thứ 12.
Như vậy, việc phát huy nguồn lực di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã thúc đẩy gia tăng lượng khách tham quan, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; qua đó, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người dân, tăng thu ngân sách địa phương; đồng thời, từ đó có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống xã hội, đầu tư hơn vào công tác bảo tồn các di sản văn hóa của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đồng thời, các chính sách và chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa hiện tại ở quận Hoàn Kiếm cũng góp phần nâng cao hơn nhận thức của người dân về giá trị di sản văn hóa, giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và tăng cường trách nhiệm, sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hệ thống chính sách này cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội) thời gian qua còn có một số vấn đề bất cập; mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội cùng với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa chưa thực sự được giải quyết hài hòa nên dù đã được khai thác nhiều năm nhưng du lịch phố cổ vẫn chưa khai thác tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có và các mục tiêu phát triển. Công tác quản lý, bảo tồn di tích ở khu phố cổ quận Hoàn Kiếm còn bất cập, như nhiều hộ dân trong khu vực phố cổ gặp khó khăn trong sinh hoạt do các ngôi nhà cổ xuống cấp; kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện giãn dân trong khu vực bảo tồn còn khó khăn và nảy sinh không ít bất cập trong quá trình triển khai. Việc kết nối các tour, tuyến du lịch phố cổ chưa đồng bộ. Còn thiếu các cơ sở dịch vụ đăng ký hệ thống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch để giới thiệu với du khách. Vấn đề quản lý trật tự đô thị còn hạn chế, còn tình trạng “chặt chém” du khách; vấn đề vệ sinh môi trường đường phố, quản lý rác thải, an toàn thực phẩm... một số nơi chưa bảo đảm. Hiện nay, khu phố cổ Hoàn Kiếm lại đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải nhanh chóng bảo tồn. Do đó, thành phố Hà Nội cùng với quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan đã nghiên cứu và đang có phương án tái khởi động đề án giãn dân phố cổ trong thời gian tới. Khi được hỏi về việc này, nhiều người dân phố cổ cho rằng, khó có thể di dời người dân khỏi khu vực trên, nhiều người sẽ sẵn sàng bám trụ đến cùng chứ nhất quyết không rời khỏi phố cổ bởi họ đã quá quen với cuộc sống ở đây; thêm vào đó, phố cổ nằm giữa trung tâm Hà Nội, kinh doanh, buôn bán thuận tiện với lượng khách quen bao nhiêu năm qua. Theo nhiều người dân, sống ở trung tâm thành phố, đặc biệt là phố cổ lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp, đông đảo các đoàn khách du lịch tới thăm, từ đó công việc buôn bán trở nên thuận lợi hơn. Trong khi đó, nơi giãn dân có thể sẽ là những khu đô thị mới, vắng vẻ, không có nhiều địa điểm vui chơi, chưa nói đến việc sẽ không và nhất là không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống, do không có công ăn việc làm. Có thể thấy, người dân phố cổ luôn tìm cách để trụ lại vì nơi đây gắn với nguồn thu nhập của gia đình, chấp nhận sống cuộc sống bí bách, chật hẹp, thậm chí cả nguy cơ mất an toàn do một số ngôi nhà, công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu tiếp tục thực hiện giãn dân thì thành phố phải có những kế hoạch rõ ràng, chi tiết và có hiệu quả; nơi ở mới phải bố trí hợp lý, chất lượng nhà ổn định, có các dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện… Các chính sách phải có tính thuyết phục người dân. Nơi ở mới để phục vụ giãn dân không phải chỉ để ở mà còn phải bảo đảm có thể kinh doanh để có thu nhập và bảo tồn các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội./.
Khai thác, phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh  (09/12/2024)
Di sản văn hóa - Một nguồn vốn đặc biệt cho phát triển bền vững  (08/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân  (08/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay