Hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa. Đây được coi là nền tảng đẩy mạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, quảng bá mạnh mẽ văn hóa, hình ảnh, con người của tỉnh ra quốc tế, giúp khẳng định và giữ vững thương hiệu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh miền đất giàu đẹp phía Đông Bắc của Tổ quốc, có những thắng cảnh rực rỡ. Vị trí địa lý, lịch sử hình thành và quá trình sinh sống của các thế hệ người dân Quảng Ninh đã hình thành nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng, mang lại nét đặc trưng văn hóa rất riêng và là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch của tỉnh. Các di sản văn hóa phản ánh sự phát triển của địa phương theo dòng lịch sử, đó là sự phát triển liên tục, không ngừng của Quảng Ninh trải qua các thời kỳ tiền sử, sơ sử, lịch sử đến ngày nay.
Quảng Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, trong đó nổi bật là kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nơi lưu giữ các giá trị nổi vật toàn cầu đã 3 lần được công nhận là di sản của nhân loại; có Yên Tử - nơi Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa phật, là nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, cùng với hệ thống hàng trăm đình, chùa, am, tháp ở tỉnh Hải dương, tỉnh Bắc Giang là di sản đang được đề cử xem xét công nhận là di sản của nhân loại.
Hệ thống di sản văn hóa vô giá của tỉnh Quảng Ninh với 635 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong đó có 8 khu di tích quốc gia đặc biệt đứng thứ 2 chỉ sau Thủ đô Hà Nội, tỉnh có 56 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 101 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 465 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 12 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là 1 trong 11 tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 bảo vật quốc gia (12 bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, 1 bảo vật được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử); có 2 nghệ nhân nhân dân và 38 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng.
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Nói cách khác xem di sản là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế địa phương. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm. Đối với Quảng Ninh đây là tiềm năng đặc biệt rất lớn.
TT |
Cấp xếp hạng |
Cả nước |
Quảng Ninh |
% |
1 |
Di sản thiên nhiên thế giới |
9 |
1 |
11 |
2 |
Quốc gia đặc biệt |
130 |
08 |
6,15% |
3 |
Quốc gia |
3.621 |
56 |
1,54 |
4 |
Cấp tỉnh |
10.000 |
101 |
1,01 |
5 |
Kiểm kê trong danh mục |
40.000 |
465 |
1,16 |
6 |
Di sản văn hóa PVT ghi vào danh mục quốc gia |
570 |
12 |
2,1 |
Trong thời gian qua, công tác quản lý các di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định liên quan. Qua các biện pháp quản lý, bảo tồn của tỉnh, các di sản văn hóa đã và đang khẳng định vị thế, vai trò không chỉ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, mà còn là nguồn tài nguyên du lịch bền vững, là những điểm đến thu hút khách du lịch, ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có di sản.
Bên cạnh những giải pháp quyết liệt trong cơ chế, chính sách, tỉnh còn tập trung nguồn lực đặc biệt là huy động nguồn lực ngoài ngân sách để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tiến hành kiểm kê, số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản; hiện khoảng 120 di tích, di sản của Quảng Ninh đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.
Tỉnh cũng ban hành các đề án phát triển du lịch, hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh khu vực di sản thế giới) với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới, vừa góp phần giảm tải cho khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, di sản đặc sắc của địa phương, như nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Từ đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, ổn định sinh kế của nhân dân.
Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Hội xuân Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông...). Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách du lịch mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản, đưa di sản thực sự “sống” trong cộng đồng sở hữu di sản.
Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ, thương mại nói chung, từ các di sản nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của tỉnh, đóng góp tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiêu biểu là đóng góp của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với số lượng khách tham quan du lịch ngày càng tăng từ khi được công nhận di sản thế giới. Giai đoạn từ năm 2010 - hết tháng 9-2024, đã tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 39,6 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt gần 17,1 triệu lượt, khách nước ngoài đạt trên 22,5 triệu lượt; thu phí tham quan đạt hơn 8.039 tỷ đồng.
Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho thành phố Hạ Long trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản.
Bảo tàng Quảng Ninh là điểm sáng trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh. Kết quả từ năm 2019 đến nay (7-2024) Bảo tàng đã đón 2.831.900 lượt khách thăm quan, số tiền thu phí là 69.763.745.000 đồng. Bảo tàng Quảng Ninh là đơn vị tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu chính là thu phí tham quan bảo tàng. Từ nguồn thu phí tham quan được giữ lại đơn vị đã chủ động chi thường xuyên (gồm chi lương, phụ cấp, tiền công và các khoản đóng góp; thanh toán dịch vụ công cộng; chi phí nghiệp vụ chuyên môn...), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thông qua hình ảnh của di sản cũng từng bước trở thành biểu trưng nhận diện, thương hiệu cho địa phương góp phần thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư kinh tế cho địa phương và thúc đẩy sự hòa nhập của kinh tế địa phương vào hoạt động kinh tế chung của cả nước.
2- Về hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh
Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã quy định rõ “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Luật cũng dành riêng một mục “Hợp tác quốc tế về di sản văn hóa” với 3 điều, qua đó khẳng định mạnh mẽ Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản được thực hiện thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp đầu tư:
Công tác nghiên cứu, thu thập tư liệu, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, ngành quản lý được triển khai tích cực thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo có quy mô trong nước và quốc tế. Hội thảo quốc tế bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới (tỉnh Quảng Ninh phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2012); Hội thảo quốc tế bảo tồn, phát huy bền vững giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (năm 2014); Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” được UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia tổ chức ngày 19-6-2015 tại thành phố Hạ Long; Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa” do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, nhân Kỷ niệm 760 năm Ngày sinh và 710 năm Ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức ngày 6-12-2018, tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (TP. Uông Bí); Hội thảo khoa học quốc tế “Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ XIII” tại Quảng Ninh vào tháng 12-2018, do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với sự tham dự của 150 đại biểu... Phối hợp nghiên cứu điều tra, thăm dò, khai quật khảo cổ học với các chuyên gia quốc tế: Thăm dò địa điểm Đồng Chổi (2019).
Công tác tuyên truyền quảng bá, phát huy các giá trị di tích luôn được quan tâm, các di tích được đưa vào tuyến điểm du lịch cố định, thu hút sự quan tâm của du khách, trong đó nổi bật là vịnh Hạ Long. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long từng bước được đổi mới; hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long trên các mạng xã hội được chú trọng đẩy mạnh (Youtube, Facebook, Twitter, Zalo,...); tích cực hợp tác truyền thông với các đài phát thanh, báo, tạp chí để đăng tải các chuyên đề, viết bài chuyên sâu về Di sản vịnh Hạ Long; tăng cường liên kết với Câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản vịnh Hạ Long; mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long tại các thị trường khách trọng điểm trong nước và quốc tế thông qua nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng(1). Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch trên các thiết bị di động thông minh; duy trì tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vịnh Hạ Long thông qua các ấn phẩm, tăng cường tuyên truyền, thông tin cho khách du lịch thông qua đội ngũ hướng dẫn viên(2)…
Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã thiết lập và tăng cường duy trì, mở rộng mối quan hệ trực tiếp với các tổ chức thế giới: Ủy ban Di sản thế giới, Trung tâm Di sản thế giới, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Mạng lưới các khu bảo tồn biển, Mạng lưới các di sản thiên nhiên thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, Mạng lưới các nhà quản lý di sản thế giới biển, Câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới, Mạng lưới G20 các quốc gia có kỳ quan được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới (New7Wonders).... Qua đó, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế - văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản đã được triển khai, nhiều chương trình dự án được tài trợ thực hiện, đưa vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ di sản thế giới, trong đó đã thu hút được nhiều dự án triển khai ở vịnh Hạ Long(3) liên quan đến các lĩnh vực: nghiên cứu, bảo tồn di sản; bảo vệ môi trường và giáo dục cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý di sản. Ngoài ra, Ban quản lý vịnh Hạ Long còn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia IUCN, UNESCO trong quản lý di sản, đặc biệt là về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đánh giá sức tải, quản lý du lịch bền vững.
3- Các Biện pháp, giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh
Nhận thức được giá trị của di sản, phát triển kinh tế di sản một cách bền vững, song song với công tác bảo tồn, hoạt động khai thác giá trị vào mục đích du lịch đang được tỉnh trăn trở, tiếp tục tích cực triển khai thực hiện tốt hơn nữa.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lĩnh vực văn hóa - thể thao đang đề xuất mục tiêu chung: Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia, tầm quốc tế, điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN gắn với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; quần thể di tích và danh thắng Yên Tử; quần thể di tích Thương cảng cổ Vân Đồn,... và các dịch vụ du lịch biển đảo đẳng cấp thế giới. Là trung tâm thể thao, trung tâm văn hóa, nghệ thuật của quốc gia với mạng lưới cơ sở văn hóa và thể dục thể thao đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật và một số giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế. Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và của đất nước mang lại sự đổi mới cho nền kinh tế, trở thành tài nguyên vững chắc cho phát triển dịch vụ văn hóa và thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên địa bàn tỉnh. Từng bước nâng hạng thể thao thành tích cao, thể thao phong trào phát triển sâu rộng. Đến năm 2030, nằm trong những tỉnh trung tâm phát triển thể thao thành tích cao của cả nước.
Như vậy, để thực hiện tốt kinh tế di sản, nâng cao vị thế của di sản tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, viên chức, người lao động và cộng đồng địa phương về bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua việc:
- Tuyên truyền, phổ biến các quy chế, quy định của Nhà nước, địa phương và UNESCO nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và thái độ trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ di sản cũng như những lợi ích mà cộng đồng được hưởng khi tham gia các hoạt động bảo vệ di sản và phát triển du lịch.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức và người lao động về nghiệp vụ quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững giá trị di sản; xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch; trong đó đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về văn hóa đối ngoại, ngoại ngữ.
- Phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước tổ chức trao đổi thực tập sinh, tình nguyện viên và cử cán bộ tham dự các hội thảo, lớp tập huấn về di sản và du lịch ở trong nước và quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết, kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn di sản và phát triển du lịch trong khu di sản.
- Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động du lịch.
- Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, cơ chế quản lý nhà nước về di sản và du lịch, hệ thống thống kê, kiểm soát khách du lịch, tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm Quy hoạch chung phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh, Kế hoạch quản lý di sản và các quy định của UNESCO; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, cảnh quan môi trường, hoạt động du lịch, quy hoạch kiến trúc.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, mô hình hợp tác công tư trong quản lý, bảo tồn di sản và phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm xâm hại đến di sản; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn các điểm du lịch.
Ba là, tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư để tu bổ, tôn tạo các điểm tham quan di sản, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch.
Thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di sản đã được phê duyệt; tiếp tục kêu gọi, huy động và tìm kiếm nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế để thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo cảnh quan môi trường khu di sản; định hướng phát triển không gian khu vực di sản, phân định ranh giới vùng cấm và hạn chế xây dựng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cần thiết phục vụ du lịch nhằm kết nối các khu, điểm du lịch, các di sản trong và ngoài tỉnh.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý di sản gắn với phát triển du lịch.
Tiếp tục phối hợp với bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và quốc tế có uy tín tổ chức khảo sát, nghiên cứu các giá trị của di sản làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan tư vấn UNESCO, Trung tâm Di sản thế giới và các thành viên Ủy ban Di sản thế giới để tham vấn, cập nhật thông tin, quy định và yêu cầu của UNESCO đối với việc quản lý, bảo vệ di sản cũng như chủ động cung cấp thông tin báo cáo về tình trạng bảo tồn di sản và thực hiện các dự án mới liên quan đến di sản.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường vai trò giám sát cộng đồng, cộng quản của nhân dân.
Năm là, tăng cường hợp tác, kết nối các tour, tuyến, khu, điểm du lịch trong nước và quốc tế để hình thành các chương trình, sản phẩm du lịch chuyên đề, liên vùng.
Tích cực chủ động phối hợp liên kết với các tỉnh, thành phố có di sản thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các hãng lữ hành trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình du lịch liên vùng, liên tỉnh theo chủ đề và tổ chức kết nối, hỗ trợ nhau trong công tác xúc tiến, quảng bá di sản và du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến Quảng Ninh với điểm nhấn chính là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Sáu là Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác truyền thông giữa tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước để tăng cường quáng bá thường xuyên hình cảnh vùng đất, con người, văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh, nhất là trên các nền tảng số với sự đa dạng ngôn ngữ và các hãng truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới.
Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa thông qua các hoạt động đối ngoại với các địa phương, tổ chức quốc tế mà tỉnh có quan hệ hợp tác, qua các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch..., qua các ấn phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật để tăng cường quảng bá hệ giá trị Quảng Ninh, hệ giá trị con người, tiềm năng và thế mạnh, điểm đến đầu tư, du lịch hấp dẫn, thân thiện của Quảng Ninh với bạn bè quốc tế.
Bảy là, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế di sản, nghiên cứu, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, Bảo tàng Quảng Ninh. Triển khai áp dụng vào thực tiễn các giải pháp phát triển kinh tế di sản, thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư đang thu hút được khách kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản. Trên cơ sở kết quả đạt được để xác định các nhóm, các khu vực trọng điểm làm trung tâm để lan toả, phát triển mô hình, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế di sản, mạnh mẽ đưa kinh tế di sản vào đời sống, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng, chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Các giải pháp trên đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp hướng tới kinh tế di sản sẽ là động lực tăng trưởng mới, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế địa phương và quốc gia, hướng tới phát triển bền vững với yếu tố cốt lõi là sự tham gia của toàn xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện; góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc./.
---------------------
(1) Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, VITM Hà Nội, Triển lãm thế giới EXPO Dubai, Chương trình “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”, sự kiện Sea Games 31, sự kiện Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF)...
(2) Giai đoạn 2010 - 9/2024: Trên website, fanpage và Instagram vịnh Hạ Long đã có 8.986 tin, bài được đăng tải với nội dung phong phú, đa dạng về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long; biên tập, xuất bản, tái bản 10 đầu ấn phẩm (gồm: Giá trị địa chất-địa mạo vịnh Hạ Long; Thực vật vịnh Hạ Long; vịnh Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới; tờ gấp vịnh Hạ Long-Di sản thiên nhiên thế giới; tờ gấp Động Cỏ (Thiên Cảnh Sơn); các dạng địa hình karst trên vịnh Hạ Long; sách ảnh vịnh Hạ Long, video clip quảng bá Di sản vịnh Hạ Long; bộ thuyết minh nội dung Di sản vịnh Hạ Long dành cho hướng dẫn viên; bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và nụ cười Hạ Long), in ấn 5.000 túi vải và 1.000 tờ gấp tuyên truyền Nhãn sinh thái Cánh buồm xanh phục vụ tuyên truyền, quảng bá đến khách du lịch và các doanh nghiệp. Hướng dẫn, thuyết minh cho 790.833 lượt khách lượt khách, cung cấp thông tin cho 160.772 lượt khách.
(3) Dự án nâng cao năng lực cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long do UNESCO tài trợ; Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải ở các phương tiện thủy trên vịnh Hạ Long do Trường Đại học Phủ Osaka - Nhật Bản tài trợ; Dự án thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; Dự án đánh giá hiệu quả quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long do UNESCO tài trợ từ Quỹ Di sản thế giới; Dự án sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ tài trợ; Dự án nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; Chương trình tư vấn về quản lý du lịch bền vững, quản lý rác thải và bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long do Văn phòng IUCN Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội tài trợ...
Quảng Ninh đổi mới, hướng công tác dân vận về cơ sở, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (14/12/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển