Đăk Hà nâng cao toàn diện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Lê Quang Thới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum
22:13, ngày 05-12-2013
TCCSĐT - Trong hơn hai năm qua, với sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, chủ động của Ban Thường vụ Huyện ủy; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã đạt được kết quả khả quan.

Gắn việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, Huyện ủy xác định việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là việc học suốt đời, là việc làm tự giác của mỗi người, mỗi tổ chức, không ai có thể làm thay. Trên tinh thần "nói đi đôi với làm", "học để làm theo", "làm theo rồi lại học" thông qua nhiều hình thức như sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, gia đình; qua công tác tự phê bình, phê bình; qua gương người tốt, việc tốt; phát huy tính chủ động sáng tạo, khắc phục tâm lý trông chờ sự hướng dẫn của cấp trên, nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, cơ quan, đơn vị. Huyện ủy đã chỉ đạo tổ chức " Sinh hoạt tư tưởng" sáng thứ hai hằng tuần cho cán bộ, đảng viên cấp huyện và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức sinh hoạt; tổ chức lớp bồi dưỡng cho bí thư chi bộ, trong đó hướng dẫn đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 10-1-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào trong sinh hoạt chi bộ định kỳ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đổi mới công tác sinh hoạt chi bộ định kỳ, trong đó các chi bộ cần dành ít nhất 30 phút để sinh hoạt chuyên đề và cử một đến hai đồng chí báo cáo liên hệ việc làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trước chi bộ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong huyện hằng tháng tổ chức cho cán bộ, công chức không phải là đảng viên báo cáo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các xã, thị trấn đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, tọa đàm; cụ thể hóa trong từng phong trào thi đua.

Với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: quyết không cam chịu đói nghèo, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”, huyện Đăk Hà đã thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân", trong đó công tác xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền được xác định là khâu đột phá. Huyện đã phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Tổ chức họp dân vừa để thực hiện công tác tuyên truyền vừa để bàn bạc, thống nhất từng nội dung trong việc thực hiện các đề án, đồ án xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, huyện đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong nhân dân. Tại xã Hà Mòn, qua ba năm đã huy động sự đóng góp của nhân dân hơn 11 tỷ đồng và là xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum cũng như của khu vực Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới với cả 19 tiêu chí; xã Đăk Mar đến nay cũng đã đạt chuẩn 17 tiêu chí và phấn đấu cuối năm 2013 là xã thứ hai của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; ba xã (Đăk La, Đăk Hring, Đăk Ui) đạt từ 5-8 tiêu chí, ba xã (Đăk Pxi, Ngọk Wang, Ngọk Réo) đạt dưới 5 tiêu chí; các xã còn lại đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới đều có sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân về nhân lực và vật lực; hàng trăm hộ dân đã không tiếc đất đai, tài sản trên đất, sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất mà không đòi hỏi bồi thường để xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "...nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì" và “để cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương nâng cấp “Ngân hàng” lương thực cộng đồng thành “Ngân hàng” cộng đồng tại các thôn trên địa bàn huyện (mỗi ngân hàng có 20 triệu đồng, 03 tấn lương thực và 05 tấn phân bón các loại) nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số; khắc phục, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu ăn lúc giáp hạt và tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nông dân có kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, tránh tình trạng tư thương ép giá trong mua bán vật tư nông nghiệp và nông sản; xây dựng cộng đồng dân cư phát triển toàn diện. Huyện đã chủ trương thành lập đội chống bỏ học tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là việc làm cụ thể, thiết thực để duy trì sĩ số học sinh, góp phần nâng cao chất lượng học tập. 

Trăn trở, lo toan về sự cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, Huyện ủy huyện Đăk Hà đã có sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao các phòng ban chuyên môn, hướng dẫn đưa tiến bộ khoa học công nghệ (chế phẩm sinh học) vào sản xuất trên các loại cây trồng (cây lúa, cao su, cà phê...). Việc sử dụng giống mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong vụ Đông xuân 2012 - 2013, huyện đã triển khai sử dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao cho 100 ha cây cà phê và 55,9 ha lúa nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chủ trương “Dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi diện tích sắn bạc màu sang trồng cây cao su hộ gia đình, huyện đã trích hàng tỷ đồng hỗ trợ nhân dân, nhất là các hộ nghèo trồng cao su. Trong 2 năm, nhân dân đã trồng mới 755,16 ha cao su, nâng tổng diện tích cao su toàn huyện lên 6.817,46 ha, trong đó diện tích của nhân dân là 4.550,07 ha. Xác định công tác dạy nghề sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, phát triển nghề phụ cho lao động nông nhàn, các hộ nghèo người dân tộc thiểu số, người tàn tật góp phần giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề huyện triển khai tốt việc dạy nghề và phát triển nghề phụ trong nhân dân như: phát triển nghề đan lát, vận động nhân dân tận thu nguyên liệu dưới tán rừng (tre, nứa, lồ ô...) để tăng thêm thu nhập cho người dân; trong 02 năm qua, huyện đã tổ chức đào tạo 47 lớp nghề cho lao động ở nông thôn với 1.541 học viên.

Làm theo tấm gương đạo đức của Bác về “tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”, huyện đã thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa liên thông”. Phân công cán bộ của huyện, xã làm việc ngày thứ 7 để giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân, từng bước thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức từ quản lý sang phục vụ. Công tác tiếp công dân của Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc huyện ủy được duy trì thường xuyên (3 ngày/tháng); tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân và cán bộ, công chức trên địa bàn huyện ít nhất 2 lần/năm; tiếp nhận và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để nảy sinh những vấn đề bức xúc và tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp. Huyện đã chỉ đạo triển khai mô hình “một văn phòng” ở các xã, thị trấn. Qua triển khai thực hiện, bước đầu đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giảm phiền hà đối với các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân trong quá trình liên hệ công tác; cải cách một bước về các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian trong việc giải quyết các công việc của cơ quan; tham mưu có hiệu quả cho thường trực, thường vụ cấp ủy về công tác xây dựng Đảng theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Các cơ quan, đơn vị hạn chế tối đa các hội nghị có quy mô lớn; thực hiện lồng ghép hoặc cắt giảm các cuộc họp không cần thiết để tăng cường đi cơ sở nắm tình hình; việc tổ chức hội nghị bảo đảm chất lượng, tiết kiệm.

Từ thực tiễn triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, huyện Đăk Hà đã rút ra được một số kinh nghiệm ban đầu, đó là:

Một là, nơi nào có sự quan tâm, lo lắng để lãnh đạo, chỉ đạo, sự gương mẫu của cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị; sự chịu trách nhiệm của bí thư cấp ủy trong chỉ đạo triển khai thực hiện; nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo thì nơi đó triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. 

Hai là, mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải gắn kết được việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, của từng cơ quan, đơn vị; đặc biệt phải gắn chặt thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với quá trình học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay". 

Ba là, trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở tránh rập khuôn, máy móc; phải cụ thể hóa những nội dung thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW phù hợp với nhiệm vụ và đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương; cần phát huy tính chủ động sáng tạo của cơ sở nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.