Hôm nay 30-6-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 9 dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến hai vấn đề lớn.

1. Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII

Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và từ thực tiễn kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá khái quát như sau: Kỳ họp đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; đã hoàn thành chương trình kỳ họp với khối lượng công việc khá lớn, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, tiết kiệm được thời gian. Không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn đầy trách nhiệm; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được cải tiến; được dư luận cử tri ghi nhận.

Cụ thể là:

- Việc xem xét quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở phân tích đánh giá khách quan diễn biến tình hình và khả năng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cả năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2008 trong tình hình mới, trong đó có điều chỉnh một số chỉ tiêu và nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

- Về công tác xây dựng pháp luật, mặc dù số lượng các dự án được xem xét thông qua hoặc cho ý kiến tương đối nhiều nhưng do được chuẩn bị chu đáo nên các khâu từ thảo luận, tiếp thu đến giải trình và thông qua được tiến hành nhanh gọn, bảo đảm đúng tiến độ. 11 dự án luật và Nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đã được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các đại biểu thảo luận, cho nhiều ý kiến, sẽ được phân tích, tiếp thu, chỉnh lý để thông qua tại kỳ họp thứ 4.

- Về hoạt động giám sát chuyên đề Xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Báo cáo giám sát đã cơ bản phản ánh được thực trạng sức khoẻ các tầng lớp nhân dân; chính sách, chế độ đối với các cán bộ y tế. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, đồng thời đề xuất được những giải pháp có tính khả thi cho thời gian tới.

- Hoạt động chất vấn tiếp tục có bước chuyển biến. Số lượng các chất vấn tại kỳ họp này nhiều hơn bất cứ kỳ họp nào trước đây (gồm 304 chất vấn của 133 đại biểu ở 52 Đoàn đại biểu Quốc hội). Các câu hỏi nhìn chung ngắn gọn, có chiều sâu và tập trung vào những vấn đề được cử tri quan tâm. Người trả lời chất vấn đã thể hiện thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm trước công việc, trước Quốc hội và cử tri, sẽ thực hiện tốt những vấn đề đã “hứa” trước Quốc hội.

- Đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác, Quốc hội đã xem xét, quyết định với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, theo đúng quy định của pháp luật, đạt tỷ lệ tán thành cao...

Ủy ban Thường vụ cũng đã chỉ ra những thiếu sót tồn tại của kỳ họp thứ 3 cần phải rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau như việc chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền phải có định hướng từ đầu về các nội dung quan trọng của kỳ họp; tài liệu kỳ họp rất nhiều nhưng chưa được gửi cho đại biểu đúng thời gian quy định mà phần lớn đến kỳ họp mới gửi, rất khó cho việc nghiên cứu trước của đại biểu...

2. Dự kiến nội dung và thời gian tiến hành kỳ họp thứ 4

a. Về nội dung

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội bao gồm:

- Các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009.

- Các báo cáo công tác của Chánh án toàn án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

- Các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãnh phí.

- Các báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Các báo cáo về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

- Các báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước; tình hình quốc phòng, an ninh.

- Các báo cáo về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia; về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

- Các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.

- Xem xét báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008 và thông qua Chương trình hoạt động giám sát năm 2009 của Quốc hội.

- Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri.

- Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

- Nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Dự kiến thực hiện giám sát chuyên đề:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.

Công tác xây dựng pháp luật:

- Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật và 1 Nghị quyết

1. Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi),

2. Luật Công vụ,

3. Luật Quốc tịch (sửa đổi),

4. Luật Thi hành án dân sự,

5. Luật Bảo hiểm y tế,

6. Luật Công nghệ cao,

7. Luật Đa dạng sinh học,

8. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

9. Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009.

Quốc hội cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật:

1. Luật Quản lý nợ khu vực công,

2. Luật Bảo hiểm tiền gửi,

3. Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm,

4. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai,

5. Luật Lý lịch tư pháp,

6. Luật Thủ tục hành chính,

7. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự,

8. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự,

9. Luật Bồi thường nhà nước,

10. Luật Báo chí (sửa đổi),

11. Luật Quy hoạch đô thị (bào gồm cả quản lý hạ tầng đô thị),

12. Luật Cơ quan đại diện Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm cả vấn đề lãnh sự).

b. Về thời gian tiiến hành kỳ họp:

Để có đủ thời gian cho công tác chuẩn bị nhưng cũng phải bảo đảm xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 trước ngày 15-11-2008 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự kiến khai mạc kỳ họp vào thứ hai ngày 20-10-2008 và bế mạc kỳ họp vào cuối tháng 11-2008.

Ngoài 2 nội dung chính trên đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu dự án Pháp lệnh công an xã.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung, thời gian dành cho các công việc và cách thức tiến hành của kỳ họp, Văn phòng Quốc hội sẽ xây dựng dự kiến chương trình và lập danh mục tài liệu các nội dung của kỳ họp để có cơ sở cho các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị phần việc của mình./.