1. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh làm việc với Ban Dân vận Trung ương

Theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị với các ban của Ðảng, ngày 23-6-2008, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh làm việc với Ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Hà Thị Khiết, Ủy viên trung ương Ðảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, báo cáo với Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh về tình hình công tác dân vận thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đề nghị ngành dân vận tiếp tục triển khai thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng, kết luận của Hội nghị công tác dân vận toàn quốc tháng 3-2008, biến những chủ trương nói trên thành những việc làm thực tế và chương trình hành động thiết thực, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này. Tổng Bí thư nhấn mạnh, một trong những tư tưởng lớn của Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng là phát huy sức mạnh toàn dân tộc, do đó công tác dân vận là rất quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và của mỗi cán bộ, đảng viên.

2. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm Cộng hòa Bun-ga-ri và Cộng hoà Pháp

Ngày 23-6-2008, Ðoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, kết thúc thành công chuyến thăm Cộng hoà Bun-ga-ri. Hai bên ra Tuyên bố chung về hợp tác giữa Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Bun-ga-ri, theo đó, Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trước hết trong lĩnh vực lập pháp và các hoạt động giám sát của Quốc hội, nỗ lực cùng Chính phủ hai nước tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc và ổn định cho sự phát triển bền vững quan hệ truyền thống giữa hai nước; tiến hành trao đổi đoàn giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, các nghị sĩ, hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, quy trình thủ tục nghị viện cho các đại biểu và cán bộ Quốc hội; tham vấn lẫn nhau về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn liên nghị viện như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Ðối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP) và các diễn đàn liên nghị viện khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
bắt đầu chuyến thăm Cộng hoà Pháp
Ngày 24-6-2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm Cộng hoà Pháp trong bối cảnh quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Pháp ngày càng tốt đẹp. Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định chính sách của Đảng và Nhà Việt Nam “coi trọng quan hệ với châu Âu, coi đây là những đối tác chiến lược”; góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp; đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Việt - Pháp cả trên phương diện song phương và đa phương, nhất là quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

3. Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni thăm chính thức Việt Nam

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
tiếp Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni.
Ngày 24-6-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt chào mừng Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni thăm chính thức Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 41 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967). Đây là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ láng giềng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước của Việt Nam và Cam-pu-chia, củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngày 25-6-2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni. Quốc vương Xi-ha-mô-ni chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Quốc vương và Đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thắm tình đoàn kết, hữu nghị. Quốc vương Xi-ha-mô-ni ca ngợi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước trước đây; chúc mừng những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; tin tưởng nhân dân Việt Nam sẽ thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, góp phần tích cực vào xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni là sự kiện trọng đại, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hai nước, là động lực thúc đẩy và đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

4. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện công bố các thông tin chính thức của Chính phủ trên Internet

Ngày 25-6-2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 83/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, có tên giao dịch quốc tế “Vietnam Goverment Web Portal” (viết tắt VGP), thuộc Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quản lý trực tiếp, toàn diện. Chức năng, nhiệm vụ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ gồm tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức của Chính phủ trên Internet; đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên Internet với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cơ quan liên quan; tích hợp thông tin các dịch vụ công của Chính phủ trên Internet. Nhiệm vụ Cổng thông tin điện tử Chính phủ gồm chuẩn hóa phần mềm sử dụng, khai thác tài nguyên thông tin quốc gia trong kết nối các trang tin hoặc cổng thông tin điện tử thành hệ thống mạng thông tin điện tử thống nhất trên internet; tổ chức, thực hiện giao lưu, giao ban, đối thoại trực tuyến và các hình thức giao tiếp khác bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan với nhân dân; tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên internet gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và đề nghị giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm Cổng thông tin điện tử Chính phủ là phát triển đa dạng nội dung, hình thức hoạt động và các ứng dụng, sản phẩm truyền thông đa phương tiện để nâng cao năng lực thông tin, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình hình kinh tế - xã hội, thời sự trong nước và quốc tế, phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động của Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định.

5. Hội thảo quốc tế về chống tham nhũng và cải cách hành chính

Ngày 25-6-2008, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC tổ chức hội thảo quốc tế về chống tham nhũng và cải cách hành chính. Tham gia Hội thảo có các đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức chống tham nhũng khu vực, quốc tế; đại diện một số bộ, ngành, địa phương trong nước. Đây là diễn đàn để đại diện các cơ quan chống tham nhũng của các nền kinh tế thành viên APEC, các chuyên gia, học giả quốc tế và Việt Nam chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cùng thảo luận tìm ra các biện pháp hữu hiệu, thiết thực nhất cải cách hành chính gắn với chống tham nhũng, đặc biệt là trong công tác quản lý cán bộ, quản lý tài chính công, tổ chức bộ máy hành chính và thủ tục hành chính. Các đại biểu trong nước và quốc tế đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về chống tham nhũng và cải cách hành chính. Đây là hai vấn đề có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau: đẩy mạnh cải cách hành chính là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

6. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp Bộ trưởng Bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên

Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh
tiếp ông Ju Jang Song -
Bộ trưởng Bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên
Ngày 26-6-2008, tại Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh thân mật tiếp Ðoàn đại biểu cấp cao Bộ Bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên đang ở thăm Việt Nam do đồng chí Ju Jang Song - Ủy viên Trung ương Ðảng Lao động Triều Tiên, Bộ trưởng bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên dẫn đầu. Ðồng chí Ju Jang Song báo cáo với Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh về kết quả làm việc và về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên với Bộ Công an Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ đất nước; bày tỏ vui mừng thấy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước Việt Nam - Triều Tiên tiếp tục được củng cố, có những bước phát triển quan trọng trong thời gian qua. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh hoan nghênh đồng chí Ju Jang Song và Ðoàn đại biểu cấp cao Bộ bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên sang thăm Việt Nam; chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Triều Tiên anh em đã giành được trong thời gian qua; vui mừng nhận thấy trong những năm gần đây quan hệ giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Triều Tiên tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng gìn giữ và làm hết sức mình để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đích thân xây đắp, vì sự nghiệp cách mạng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh hoan nghênh những tiến triển gần đây trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

7. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 27-06-2008, thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã đổi mới trong tư duy và hành động, tập trung trí tuệ để đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu”, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng, chúng ta vẫn chưa có nhiều sản phẩm khoa học được công bố quốc tế; tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp chưa theo kịp tốc độ phát triển; chưa có nhiều nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư, tập thể khoa học mạnh đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia ở trình độ quốc tế. Tổng Bí thư nêu lên 4 vấn đề cần có giải pháp giải quyết là môi trường làm việc; chế độ thu nhập thỏa đáng; cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và tôn vinh xứng đáng. Tổng Bí thư đề nghị phải thay đổi tư duy “công chức hoá” đội ngũ trí thức làm công tác nghiên cứu, trả công cho nhà khoa học tương xứng với lao động trí tuệ của họ; xây dựng đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành; có cơ chế đặc biệt để tìm kiếm, nhập khẩu, giải mã và làm chủ công nghệ; thu thập thông tin khoa học và công nghệ; thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tới Việt Nam làm việc. Những vấn đề này sẽ đóng góp vào nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) sắp tới về trí thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

8. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn GE

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thân mật tiếp ông Giôn G.Rai-xơ, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ và chế tạo đa ngành GE (Hoa Kỳ).

Ngày 27-6-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thân mật tiếp ông Giôn G.Rai-xơ (John G. Rice), Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ và chế tạo đa ngành GE (Hoa Kỳ). Chủ tịch nước chúc mừng Tập đoàn GE đã nhận giấy phép đầu tư Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị máy phát điện đặt tại thành phố Hải Phòng, hoan nghênh và đánh giá cao Tập đoàn GE mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cảm ơn GE vừa tổ chức chương trình đào tạo các nhà quản lý cho Việt Nam, đồng thời tin tưởng vào tương lai thành công của sự hợp tác giữa GE với các đối tác Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn, công ty của Hoa Kỳ. Ông G.Rai-xơ khẳng định cam kết của GE đầu tư dài hạn vào Việt Nam và báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết quả các cuộc trao đổi với phía đối tác Việt Nam về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như sửa chữa, thay động cơ máy bay, công nghệ lọc nước.

9. Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2008

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2008

Ngày 28-6-2008, tại Hà Nội, Hội xã hội học Việt Nam phối hợp với Dự án nghiên cứu liên ngành “Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi” thuộc chương trình Hợp tác nghiên cứu Việt Nam-Thụy Điển, tổ chức hội thảo khoa học"Gia đình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Văn hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của gia đình, là cái gốc của văn hóa làng, văn hóa nước. Với tinh thần đó, Hội thảo đã tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn (1) Những vấn đề chung về hôn nhân và gia đình hiện nay; (2) Các khía cạnh giới và bạo lực gia đình; (3) Các quan hệ xã hội trong gia đình; (4) Cách tiếp cận quân sự trong nghiên cứu gia đình. Trên cơ sở nhận diện thực trạng hôn nhân và gia đình Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi, các ý kiến tại hội thảo bước đầu chỉ ra những tiến bộ và tiêu cực trong đời sống gia đình, những nhân tố mới du nhập và mới nảy sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay; đồng thời, dự báo xu hướng biến đổi của hôn nhân và gia đình Việt Nam trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới./.