TCCSĐT - Ngày 29-5, tại thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức Hội thảo “Đường Hồ Chí Minh: đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ”. Tham dự hội thảo có Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Chính ủy Quân khu 7; Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước.
 
Cùng dự hội thảo có các đồng chi bí thư, phó bí thư tỉnh ủy các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Tây Nguyên; các tướng lĩnh, đại diện các quân đoàn, binh đoàn, các học viện, nhà trường quân đội cùng hơn 100 nhà khoa học, nhân chứng lịch sử...

Hội thảo nhận được gần 100 tham luận của các nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội gửi đến, góp phần làm rõ hơn vai trò những đơn vị đã có công lớn, trực tiếp tham gia trong việc nối liền tuyến giao liên Nam-Bắc, mở đường hành lang chiến lược từ phía Nam ra Bắc.

Những tham luận trình bày tại Hội thảo đều khẳng định, sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, sáng tạo và tài tình của Ðảng ta trong việc quyết định mở con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đến chiến trường Nam Bộ. Một con đường góp phần phát huy sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa - nhân tố quyết định, kết hợp sức mạnh tại chỗ của cách mạng miền nam - nhân tố quyết định trực tiếp, tạo sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Đường Hồ Chí Minh là công trình vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là sản phẩm của ý chí sắt đá thống nhất Bắc - Nam của cả dân tộc; sự lao động anh dũng, sáng tạo của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ý kiến tham luận của Đại tướng Lê Đức Anh đã nêu rõ: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ ra đời từ năm 1959 mà nó kế thừa từ khi Nguyễn Huệ đưa quân từ Phú Xuân (Huế) vào Nam kỳ để đánh Nguyễn Ánh và giặc Xiêm, rồi mở đường ngược ra Bắc để đại phá quân Thanh. Trong kháng chiến chống Pháp đã từng có đường giao liên đưa nhiều cán bộ cao cấp, vũ khí từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Trên thực tế, tại Nam bộ, cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, đã có các đoàn soi đường, vận chuyển chiến lược từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ. Do đó, khi nói đường Trường Sơn là đường chiến lược chi viện sức người sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường lớn miền Nam (trong kháng chiến chống Mỹ) là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Vì khi tuyến đường Trường Sơn mở đến Tây Nguyên đã gặp đoạn đường Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ, góp phần chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt.

Với đường lối đối ngoại đúng đắn, hàng hóa, vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc đã được vận chuyển đến cảng Xihanukvin rồi từ đó vào Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Thành công của đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ còn gắn liền với sự giúp đỡ to lớn của hai nước láng giềng Lào và Cam-pu-chia. Vì vậy, làm nên đường Trường Sơn là công sức của cả quân và dân cả hai miền Nam, Bắc; sự giúp đỡ của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng khẳng định: quá trình hình thành và phát triển đường Hồ Chí Minh là sự gắn liền với công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng tại chỗ, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Đồng thời cũng khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam; Bộ Tư lệnh Miền, của các cấp đảng bộ các địa phương; Ðảng bộ, Bộ Tư lệnh các quân khu, quân đoàn dọc tuyến đường vận tải; sự đóng góp sức người, sức của của các đơn vị quân đội, lực lượng thanh niên xung phong, đồng bào các dân tộc trên tất cả các tuyến đường từ nam Tây Nguyên đến miền Ðông Nam Bộ.../.