Công bố cuốn sách “Hoàng thúc Lý Long Tường”
TCCSĐT - Chiều ngày 28-6-2010, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp tổ chức Lễ công bố cuốn sách “Hoàng thúc Lý Long Tường” và trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường - cùng gia đình.
Nguyên Ủy viên thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Pắc Sốc Hoan; Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Nguyễn Duy Hùng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đại diện Hiệp hội Ngoại giao, Hiệp hội Giao lưu văn hóa dân tộc Việt Nam - Hàn Quốc, đại diện các công Hàn Quốc tại Việt Nam, dòng họ Lý ở các địa phương, Chủ tịch Hiệp hội người Hàn Quốc tại Việt Nam... đã tham dự buổi lễ.
Hoàng thúc Lý Long Tường là cuốn tiểu thuyết lịch sử dày gần 500 trang do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản. Mặc dù chính sử Việt Nam không ghi chép, nhưng đối chiếu với tư liệu ở Hàn Quốc và tư liệu Việt Nam, có thể xác định Lý Long Tường là Hoàng tử thứ 7 con vua Lý Anh Tông (1138-1175), em vua Lý Cao Tông (1176-1210) và là chú vua Lý Huệ Tông (1211-1224).
Cách đây gần 785 năm, trước những biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Lý, chuyển giao vương quyền cho nhà Trần sau hơn 200 năm trị vì đất nước sáng chói võ công, văn trị (1009 - 1215), Hoàng thúc Lý Long Tường đã bí mật vượt biển qua Trung Quốc rồi đến Cao Ly ẩn cư. Sẵn mang trong mình kiến thức uyên thâm về binh pháp và dòng máu thượng võ của Đại Việt, Hoàng thúc Lý Long Tường đã sát cánh cùng quân và dân Cao Ly chiến đấu và đánh thắng đạo quân của đế chế Mông Cổ tổ chức xâm lược Cao Ly, lập công lớn, được triều đình Cao Ly phong tặng chức Hoa Sơn quân vì Đại Việt có núi Hoa Sơn và ban cho thực ấp để phụng thờ tổ tiên, dựng cửa Thụ Hàng môn để ghi công trạng. Kể từ đó các thế hệ con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn đã sinh sống, phát triển và hoà nhập vào cộng đồng như cư dân Cao Ly trước đây cũng như Hàn Quốc sau này.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà nghiên cứu Đông phương học - nhà văn Khương Vũ Hạc xuất bản lần đầu tiên tại Hàn Quốc năm 1967, được độc giả Hàn Quốc rất hoan nghênh và làm xúc động con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn. Năm 1994, đại diện dòng họ Lý Hoa Sơn tìm về quê tổ Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Có thể nói, sự kiện một Hoàng thúc Đại Việt sang định cư ở Cao Ly và con cháu dòng họ của ông được vinh hiển, hòa nhập vào cộng đồng dân cư Cao Ly trước đây, nay là đất nước Hàn Quốc, đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước, ngày nay mối quan hệ đó đã được lãnh đạo hai nước xác định nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược”.
Cuốn tiểu thuyết Hoàng thúc Lý Long Tường không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm về một nhân vật lịch sử vốn là một Hoàng tử nhà Lý của nước Đại Việt, nhập cư vào Cao Ly, rồi trở thành anh hùng chống quân xâm lược Mông Cổ, được Vua Cao Ly thời đó và nhân dân Hàn Quốc thời nay hết sức trân trọng mà tinh thần xuyên suốt cuốn tiểu thuyết lịch sử là tấm lòng trân trọng của tác giả Khương Vũ Hạ đối với cuộc đời và sự nghiệp anh hùng của Hoàng thúc Lý Long Tường và mối quan hệ hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt - Hàn.
Trong quá trình biên tập xuất bản, cuốn sách nhận được nhiều sự đóng góp quý báu của giáo sư Phan Huy Lê và Thượng tọa Thích Vân Phân - Ban Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam. Với tình cảm thiêng liêng và tâm huyết của mình, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường, đã cộng tác chặt chẽ với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia để cho ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường lần thứ hai, được biên dịch, biên tập kỹ hơn, với số lượng lên tới 10.550 cuốn.
Nhân dịp cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường - một trong những cuốn sách quan trọng của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia ra mắt tại Hà Nội nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng công bố quyết định số 1532/QĐ-CTN của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận quốc tịch Việt Nam của ông Lý Xương Căn cùng gia đình. Đây là việc làm thiết thực thể hiện chủ trương nhất quán, khẳng định quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, đồng thời có tác dụng khuyến khích, vận động bà con hướng về cội nguồn và tuyên truyền về chủ trương đại đoàn kết dân tộc.
Như vậy kể từ chuyến vượt biển gần 800 năm trước của Hoàng tử Lý Long Tường, đến nay ông Lý Xương Căn là người đầu tiên họ Lý Hoa Sơn chính thức được mang quốc tịch Việt.
Hiện Việt Nam có khoảng 80.000 người đang sinh sống và học tập tại Hàn Quốc. Những năm gần đây, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc được đánh giá là có sự phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, Hàn Quốc còn là nơi có hai dòng họ Lý gốc Việt đến sinh sống từ hàng trăm năm trước. Với 4.500 người sinh ra và trưởng thành tại Hàn Quốc, mới đây đại diện hai dòng họ Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện đã trở về Việt Nam tìm lại gốc tích, cội nguồn./.
Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (CNUCED)  (28/06/2010)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 42 (6-2010)  (28/06/2010)
Ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn  (28/06/2010)
Sức hấp dẫn mạnh mẽ từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung  (27/06/2010)
Khai mạc Hội nghị cấp cao G20  (27/06/2010)
Khai mạc Hội nghị cấp cao G20  (27/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên