Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực mới
Một số nhà phân tích thị trường đã lên tiếng cảnh báo rằng người tiêu dùng ở các nước tiêu thụ nhiều lúa mì, nhất là các nước nghèo, có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới, sau khi giá lúa mì thế giới tăng lên kỷ lục do sản lượng giảm tại Nga và một số nước châu Âu.
Trong tuần qua, giá lúa mì - loại lương thực được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới - đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 37 năm qua.
Giá lúa mỳ giao kỳ hạn tại thị trường Chicago đầu tuần trước tăng 20%, lên 8,41 USD/bushel, tăng gần gấp đôi so với đầu tháng Bảy. Nguyên nhân chính khiến giá lúa mì tăng cao là do sản lượng ở các nước sản xuất hàng đầu thế giới là Nga, Pháp và một số nước châu Âu khác đều giảm do thời tiết xấu.
Tại Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới, đợt nắng nóng và khô hạn tồi tệ nhất trong vòng 130 năm qua đã phá hủy những cánh đồng lúa mì có diện tích tương đương với diện tích của Bồ Đào Nha, chiếm 20% tổng diện tích canh tác lúa mì của Nga. Sản lượng lúa mì của Nga trong năm nay dự kiến chỉ đạt 79,8 triệu tấn, với 97,1 triệu tấn năm ngoái.
Hiệp hội Sản xuất Ngũ cốc Nga dự báo lượng ngũ cốc xuất khẩu của nước này năm nay sẽ giảm còn khoảng 15 triệu tấn, so với 21,4 triệu tấn năm ngoái. Trong khi đó, tại Pháp, tổng sản lượng lúa mì năm nay cũng được dự báo giảm khoảng 2 triệu tấn, xuống còn 34,5-35 triệu tấn. Sản lượng của Đức cũng sẽ giảm ở mức tương đương.
Sau khi Thủ tướng Nga V.Pu-tin hôm 5-8 thông báo lệnh tạm ngừng xuất khẩu ngũ cốc (mà trước đó hai ngày, một quan chức cấp cao chính phủ nước này còn khẳng định kế hoạch xuất khẩu lúa mì năm nay của Nga sẽ không có gì thay đổi, bất chấp hạn hán ảnh hưởng đến sản lượng), nhiều chuyên gia theo dõi thị trường nông sản đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, do hiệu ứng lan truyền của việc một số chính phủ tăng cường nhập khẩu lúa mì để dự trữ.
Chuyên gia Neil Saunders thuộc công ty phân tích bán lẻ Verdict, có trụ sở tại London cho biết, cuộc khủng hoảng lúa mì toàn cầu lần trước, xảy ra năm 1973, đã khiến giá bánh mì ở Anh tăng 87%.
Về nguy cơ khủng hoảng hiện nay, ông nói sẽ là thực tế nếu dự báo giá trung bình một ổ bánh mì 800 gr ở Anh có thể tăng từ 74 xu lên 77 xu (khoảng 21.000 đồng) vào cuối năm nay và 83 xu vào cuối năm 2011. Các mặt hàng liên quan như mì sợi, thức ăn chăn nuôi cũng sẽ tăng giá, kéo theo giá thịt, dù ở mức độ thấp hơn.
Nhà kinh tế Abdolreza Abbassian thuộc Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng nếu người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lúa mì thì các chính phủ sẽ có lỗi.
Theo ông, thế giới đã quá phụ thuộc vào nguồn lúa mì được trồng ở các nước quanh Biển Đen, nơi có điều kiện thời tiết bất thường, thay vì tăng cường mua từ các nước có khí hậu ổn định như Mỹ và Canada.
Trước đây, FAO đã khuyến nghị các chính phủ cần có biện pháp phòng ngừa những tác động do hạn hán hoặc bão lụt gây ra đối với hoạt động sản xuất lúa mì.
Cuộc khủng hoảng lúa mì năm 1973, xảy ra sau đợt hạn hán bất thường một năm trước đó, cũng phá hủy khoảng 20% diện tích lúa mì của Liên Xô, khiến Mát-xcơ-va phải nhanh chóng mua toàn bộ lượng lúa mì dự trữ của Mỹ và sự kiện này được giới theo dõi gán cho cái tên “vụ cướp bóc ngũ cốc quy mô lớn.”
Cũng như các mặt hàng khác, giá lúa mì phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố cung-cầu. Giá lúa mì tăng mạnh vừa qua được xác định là do thiếu hụt nguồn cung, bởi tổng cầu của thế giới được ước tính không thay đổi.
Không chỉ Nga và các nước Tây Âu, Canada đã thông báo sản lượng lúa mì năm nay của nước này sẽ giảm mạnh do lượng mưa quá nhiều. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tích cực trên thị trường lúa mì. Sản lượng các vụ thu hoạch sắp tới ở Mỹ và Australia được dự báo sẽ cao hơn mức trung bình hàng năm nhờ thời tiết thuận lợi.
Thậm chí, một số chuyên gia còn lạc quan rằng tổng sản lượng lúa mì toàn cầu năm nay sẽ đáp ứng đủ cầu. Alex Bos, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa tại công ty Macquarie cho rằng tổng cung lúa mì năm nay sẽ vẫn “vững và thừa thãi”.
Một chuyên gia khác nhận định lượng lúa mì dự trữ trong các công ty kinh doanh mặt hàng này sẽ giúp giảm bớt tác động của một cuộc khủng hoảng nguồn cung nếu có./.
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2010  (10/08/2010)
Kỳ thi đại học, cao đẳng 2010: An toàn và thành công  (10/08/2010)
Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: năm 2011, tiếp tục khởi kiện ở một bang khác của Hoa Kỳ  (10/08/2010)
Hội Nhà báo Việt Nam, từ đại hội đến đại hội  (10/08/2010)
Việt Nam - ASEAN: chặng đường đã qua và tương lai phía trước  (10/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên