Nhân ngày nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10-8), cùng với việc chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục, chứng cứ mới để chuẩn bị cho vụ kiện tại một bang khác của Hoa Kỳ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn của VOVNews với ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAVA.

PV: Thưa ông, mới đây Hạ viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong phiên điều trần này?

Ông Trần Xuân Thu: Phiên điều trần ngày 15-7 vừa qua là phiên điều trần thứ 3 mà Hạ viện Mỹ đã tiến hành. Hạ nghị sĩ Faleomaveaga là người đề xuất và điều hành cả 3 phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ về vấn đề da cam/dioxin của Việt Nam, lần thứ nhất vào tháng 5/2008 và lần thứ 2 vào tháng 6/2009.

Theo chúng tôi, phiên điều trần lần này khá thành công, có những bước chuyển biến mới so với các lần trước. Ở phiên điều trần thứ nhất, không có nạn nhân tham gia và chủ yếu là thu hút sự tham gia của dư luận Mỹ. Ở những lần trước, phía Mỹ chưa công nhận vai trò của các nạn nhân chất độc da cam cũng như vai trò của VAVA. Ngay cả GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch VAVA lúc đó tham gia phiên điều trần cũng chỉ với tư cách là nhà khoa học.

Ở phiên điều trần lần này, phía Mỹ đã công nhận sự có mặt của đại diện VAVA và nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bài phát biểu của GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tại đây đã cung cấp rất nhiều thông tin khoa học, là căn cứ để các nhà lập pháp Mỹ có thể nghiên cứu việc tài trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Cũng tại phiên điều trần, sự có mặt của chị Trần Thị Hoan, nạn nhân chất độc da cam/diooxin Việt Nam là một thực tế khách quan về cuộc sống hiện tại của các nạn nhân tại Việt Nam. Qua đó, người dân Mỹ nói chung và các nghị sĩ Mỹ nói riêng quan tâm hơn tới tác hại của chất độc da cam/dioxin.

Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8, VAVA tổ chức các hoạt động nhiều hoạt động hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin như: tiếp tục góp phần làm cho nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài hiểu rõ hơn về thảm hoạ chất độc da cam ở Việt Nam; biểu dương, động viên những tấm gương đã vượt lên hoàn cảnh éo le để hoà nhập cộng đồng; Phát động “Tháng thi đua vận động quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin” từ ngày 10/7 đến ngày 10/8/2010; Tổ chức giao lưu nghệ thuật “Công lý và trái tim” lần thứ 5; Thực hiện chuyên đề “Ngày da cam – Orange day” vào đúng ngày 10/8 trên kênh truyền hình VTV4 và các báo;Tổ chức “Nhắn tin từ thiện”….

Phiên điều trần lần này cũng được sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn nước ngoài. Đó là những thành công của chúng ta tại phiên điều trần.

PV: Thưa ông, cả 3 lần kiện, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đều bị phía Mỹ bác đơn. Vậy VAVA dự định tiếp tục tiến hành vụ kiện như thế nào?

Ông Trần Xuân Thu: Những lần trước, chúng ta đã qua 3 toà: Tòa Sơ thẩm, Tòa Phúc thẩm và Tòa Tối cao Hoa Kỳ, nhưng tất cả các Tòa này đều ở vùng New York và một số bang lân cận, chứ chưa phải ở các bang khác. Phán quyết của Toà Tối cao Hoa Kỳ ở vùng New York chỉ có tác dụng ở vùng đó. Như thế, chúng ta vẫn có quyền kiện lên Tòa án Hoa Kỳ.

VAVA hiện nay đang chuẩn bị các thủ tục để tiếp tục vụ kiện. Chúng tôi đang thực hiện theo hướng tìm khả năng kiện ở một bang khác, dưới sự giúp đỡ của các bạn luật sư Hoa Kỳ trước đây đã giúp đỡ chúng ta. Hiện nay các luật sư đang xem xét sẽ đệ đơn từ bang nào, bị đơn sẽ là ai, nguyên đơn là ai và lý do gửi lên toà…. Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất mọi thủ tục, chứng cứ mới để đầu năm 2011 sẽ tổ chức khởi kiện.

PV: Thưa ông, vụ kiện đã kéo dài được 6 năm, vậy các luật sư Hoa Kỳ có cùng chúng ta đi đến cùng vụ kiện?

Ông Trần Xuân Thu: Hiện nay vụ kiện ở vùng New York đã kết thúc, có một số luật sư không tiếp tục tham gia vụ kiện. Các luật sư Hoa Kỳ tham gia giúp chúng ta trên tinh thần vô tư, họ cam kết khi nào thắng kiện mới nhận thù lao. Từ trước khi tiến hành vụ kiện, VAVA cũng đã có hợp đồng với họ. Vì thế, khi vụ kiện ở vùng New York kết thúc, họ cũng không có yêu cầu gì, nhưng VAVA đã có một phần hỗ trợ họ trong suốt thời gian họ giúp chúng ta.

Trong vụ kiện lần này, sẽ có thêm một số luật sư mới. Về cơ bản, đây vẫn là những người hiểu chúng ta và đối phương, họ hết lòng giúp đỡ Việt Nam tiến hành vụ kiện.

PV: Thưa ông, vụ kiện ở bang New York coi như là đã kết thúc. Vậy các nguyên đơn trong vụ kiện này có tiếp tục tham gia ở vụ kiện mới?

Ông Trần Xuân Thu: Ban đầu nguyên đơn chỉ có 3 người, 2 người đã mất và chỉ còn lại 1 người. Sau này thì có thêm vài chục người nữa tham gia. Đó là các nguyên đơn kiện ở bang New York. Còn trong vụ kiện mới, có thể khẳng định là hầu hết những người này sẽ không tham gia. Vụ kiện mới sẽ có các nguyên đơn mới. Số lượng là bao nhiêu thì hiện nay chúng tôi đang lựa chọn theo yêu cầu của phía các luật sư Hoa Kỳ.

PV: Thưa ông, tính đến thời điểm này, vụ kiện đã kéo dài được gần 6 năm. Vậy Hội có những hoạt động gì để vụ kiện không bị “quên lãng” trong dư luận thế giới?

Ông Trần Xuân Thu: Trong thời gian qua, bạn bè thế giới luôn luôn quan tâm và theo dõi các động thái của Việt Nam. Vì việc này giờ đã là việc chung của thế giới, không chỉ của riêng Việt Nam. Giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin không chỉ là việc làm nhân đạo mà còn là lời cảnh báo các tổ chức cực đoan hãy dừng tay khi có ý định gây chiến tranh, giết hại người dân bằng các loại chất độc hóa học. Nhờ sự quan tâm đó, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã có nhiều hoạt động yêu cầu phía Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân da cam. Các phong trào đó ngày càng phát triển mạnh ở chính Việt Nam, Mỹ và nhân dân khắp nơi trên thế giới.

Đấu tranh của chúng ta là đòi công lý nói chung, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin chỉ là một phần của cuộc đấu tranh đòi công lý.

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ cùng với các bạn Hoa Kỳ như Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình, Hội thanh niên chống chiến tranh Việt Nam… thực hiện các cuộc đấu tranh đòi công lý. Hiện nay, các tổ chức này đang cùng phối hợp để đệ đơn lên Quốc hội Hoa Kỳ, yêu cầu giúp đỡ cho các nạn nhân da cam của Việt Nam và Mỹ. Việc làm này được sự ủng hộ của Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Hoa Kỳ, các Hạ nghị sĩ có uy tín đã nhận trách nhiệm xem xét, nghiên cứu vụ việc.

Ngoài ra, chúng tôi nhờ các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ xem xét để vấn đề chất độc da cam được đưa ra trong các cuộc họp của Chính phủ Hoa Kỳ.

 PV: Thưa ông, phía Mỹ đã có một số cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề về da cam. Mới đây, khi tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ARF lần thứ 17 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Clinton cũng đã cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam để giải quyết hậu quả của chất da cam. Ông nhìn nhận như thế nào về động thái này?

Ông Trần Xuân Thu: Những động thái này là do kết quả của vụ kiện. Vụ kiện đã góp phần cho việc thay đổi thái độ, động thái nói chung của phía Chính quyền Hoa Kỳ.

Từ năm 2007, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra ngân sách là 3 triệu USD, năm 2009 cũng là 3 triệu USD, và năm 2010 cũng là 3 triệu USD và phía Mỹ sắp tuyên bố là thêm khoảng 12 triệu USD nữa. Có nghĩa là trong năm 2010 là 15 triệu USD. Điều này cho thấy các động thái của Hoa Kỳ được tăng thêm. Điều quan trọng nữa là các động thái này được chính các nhà chức trách Hoa Kỳ tuyên bố, trong đó có Ngoại trưởng Clinton, trợ lý Bộ trưởng, Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ… Họ công nhận trách nhiệm của Hoa Kỳ tham gia vào việc khắc phục hậu quả này.

Từ trước đến nay, họ ít nhận trách nhiệm đối với nạn nhân mà chỉ nhận trách nhiệm về việc thanh khiết môi trường, thì đến nay, họ đã quan tâm đến nạn nhân, thậm chí còn nói ưu tiên cho các nạn nhân. Ngay cả từ ngữ sử dụng cũng đã thay đổi. Trước kia, họ tránh nói đến các nạn nhân da cam/dioxin mà chỉ nói đến người khuyết tật, thì giờ đây họ đã nói tới các nạn nhân chất độc da cam, hoặc người khuyết tật liên quan đến chất độc da cam. Trước kia, số tiền họ dành cho nạn nhân là 1 triệu USD, hiện đã tăng thêm 2 triệu USD. Những điều này nói lên việc các động thái đối với các nạn nhân chất độc da cam đã tăng lên.

Trước kia, phía Mỹ cũng cam kết thanh khiết môi trường ở Việt Nam nhưng thực tế việc làm của họ cũng không được rõ, kể cả việc giải ngân. Bây giờ họ đã đưa ra kế hoạch, công nghệ cụ thể.

PV: Thưa ông, đa phần các nạn nhân chất độc da cam đều có cuộc sống hết sức khó khăn. Cùng với việc đồng hành cùng họ tham gia vụ kiện đòi công lý, việc làm thiết thực nhất mà Hội và cộng đồng đang làm để giúp đỡ các nạn nhân là gì, thưa ông?

Ông Trần Xuân Thu: Hội và cộng đồng hiện nay đã và đang chia sẻ rất mạnh mẽ đối với các nạn nhân. Kể từ khi thành lập (năm 2004), Hội đã kêu gọi được tất cả các nhà hảo tâm, kể các em học sinh cho đến người già, bạn bè ở các châu lục… giúp đỡ các nạn nhân. Tính đến nay, cộng đồng đã ủng hộ các nạn nhân số tiền khoảng 150 tỷ đồng, được dành vào việc làm nhà, sửa nhà, cấp học bổng, xin việc, làm, hộ trợ ốm đau...

Trong ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 10-8-2009, chúng tôi đã đưa ra chương trình quyên góp 64 tỉ đồng trong vòng 5 năm (2009-2013) để xây dựng các trung tâm bán trú, 1.100 học bổng, 1.100 việc làm, 550 nhà tình nghĩa… Tính đến thời điểm này, chỉ sau 1 năm kêu gọi, chương trình này đã nhận được 45 tỉ đồng từ cộng đồng và sẽ hoàn thành trong vòng cuối năm 2010. Điều này cũng chứng minh một điều, sự quan tâm chia sẻ của động đồng đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin là rất lớn.

PV: Xin cảm ơn ông.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOVNews, ông Trần Xuân Thu cho biết: Việc xử lý môi trường nhiễm chất độc da cam ở nước ta từ trước đến nay vẫn thực hiện chủ yếu là chôn lấp. Còn công nghệ mới Mỹ sắp thực hiện ở Việt Nam là giải hấp nhiệt, chưa được sử dụng ở nước ta. Công nghệ này đã được họ sử dụng ở bang California- một bang có yêu cầu tương đối cao về thanh khiết.

Trước tiên việc thanh khiết môi trường sẽ thực hiện ở điểm nóng Đà Nẵng. Người ta sẽ làm các giếng nhiệt, giải hấp thụ các chất độc xuống đó, với nhiệt độ cao từ 300-500 độ C. Sau đó, hấp thu các chất độc đó bằng than hoạt tính. Về việc thải ra môi trường ở mức độ nào là chấp nhận được, VAVA đang chờ câu trả lời chính xác ở phía Mỹ. Nếu đúng như họ nói khoảng 2 nanogam/m2 thì có thể chấp nhận được. Công việc này họ đang chuẩn bị bắt tay và chờ trả lời của phía Việt Nam.

Là một người tham gia chính cho việc tiêu độc ở các điểm nóng ở Việt Nam và qua theo dõi nhiều về vấn đề chất độc da cam/dioxin, ông Thu cho rằng đây là một công nghệ chấp nhận được. Ông cũng đã phát biểu trước cơ quan tư vấn của Việt Nam về vấn đề da cam ủng hộ công nghệ này. Công nghệ này cũng được đa số các nhà khoa học Việt Nam ủng hộ.

Về việc giải ngân số tiền phía Mỹ cam kết hỗ trợ cho việc thanh khiết môi trường ở Việt Nam, theo ông Trần Xuân Thu, phía Mỹ cũng đã giải ngân được vài triệu USD, nhưng phần lớn số tiền này dùng vào việc chuẩn bị và do các công ty Hoa Kỳ chi tiêu, còn phía Việt Nam tham gia còn rất hạn chế. VAVA đã đưa ra đề nghị, Việt Nam phải cùng tham gia trong quá trình giải ngân để hai bên thảo luận đưa ra phương án hiệu quả nhất. VAVA cũng đề nghị số tiền đó phải được tăng cường vào việc giúp đỡ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.