TCCSĐT - Theo số liệu công bố ngày 2-8-2010, từ đầu mùa hè đến nay, trên toàn Liên bang Nga đã xảy ra 30 nghìn vụ cháy rừng và than bùn trên tổng diện tích gần 558 nghìn ha, gây thiệt hại hơn 6,5 tỉ rúp, cướp đi sinh mạng của 40 người, thiêu trụi gần 2.000 ngôi nhà khiến hơn 3.000 người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", 400 người phải nhập viện do hít phải khói. Chiều 2-8, Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp do nạn cháy rừng tại bảy vùng của Nga, trong đó có Thủ đô Mát-xcơ-va.
 
1. Thảm họa cháy rừng ở Nga

Theo số liệu công bố ngày 2-8-2010, từ đầu mùa hè đến nay, trên toàn Liên bang Nga đã xảy ra 30 nghìn vụ cháy rừng và than bùn trên tổng diện tích gần 558 nghìn ha, gây thiệt hại hơn 6,5 tỉ rúp, cướp đi sinh mạng của 40 người, thiêu trụi gần 2.000 ngôi nhà khiến hơn 3.000 người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", 400 người phải nhập viện do hít phải khói. Chiều 2-8, Tổng thống Nga Ð. Mét-vê-đép đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp do nạn cháy rừng tại bảy vùng của Nga, trong đó có Thủ đô Mát-xcơ-va. Cùng ngày, tại hội nghị chống cháy rừng ở Mát-xcơ-va, Thủ tướng Nga V. Pu-tin đã kêu gọi chính quyền các cấp huy động mọi lực lượng vào việc chống cháy rừng. Chính phủ đã quyết định chi hơn 5 tỉ rúp cho các địa phương đang bị "giặc lửa" hoành hành. Ngoài nhân viên của Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Quốc phòng Nga đã điều động hơn 4.000 binh sĩ, khoảng 25 nghìn xe cơ giới cùng 200 máy bay, 27.000 phương tiện kỹ thuật chống cháy rừng và hơn 170.000 người của các lực lượng tình nguyện cùng tham gia dập các đám cháy rừng. Tình trạng khô hạn trên diện rộng và kéo dài tại Nga đã tàn phá khoảng một phần năm diện tích gieo trồng lúa mì vụ này. Ngoài ra, hai máy bay của Bộ Tình trạng khẩn cấp U-crai-na cũng đã bay tới Nga tham gia chữa cháy. Ngày 4-8 Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép tiến hành phiên họp mở rộng với Hội đồng An ninh Nga bàn biện pháp bảo vệ các công trình trọng yếu chiến lược, bao gồm cả các công trình quốc phòng, khỏi nạn cháy rừng đang diễn biến ngày càng phức tạp tại ít nhất 17 vùng của Liên bang Nga.

2. Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

Ngày 2-8-2010, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dị Cương cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc chính thức công bố Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Theo ông Vương Tùng Kỳ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, mặc dù chưa có các con số chính thức nhưng căn cứ vào tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP), Trung Quốc năm ngoái chỉ kém Nhật 3%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay dự kiến đạt 10,5% so với 2,4% của Nhật Bản, do vậy việc tổng lượng GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản là điều chắc chắn. Tuy nhiên, ông Vương Tùng Kỳ cũng cho biết, mặc dù tổng lượng GDP vượt qua Nhật Bản, nhưng GDP bình quân trên đầu người của Trung Quốc vẫn còn rất thấp, hiện đứng ở ví trí 100 trên thế giới. Chất lượng kinh tế cũng như sức cạnh tranh quốc tế của kinh tế Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa so với Nhật. Ông khẳng định, điều cơ kết cấu kinh tế, nâng cao trình độ kinh tế và mức GDP bình quân trên đầu người là nhiệm vụ quan trọng nhất của phát triển kinh tế Trung Quốc hiện nay.

3. Hội nghị quan chức cấp cao về môi trường ASEAN năm 2010

Từ ngày 2 đến 7-8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao về môi trường ASEAN năm 2010. Tham dự có quan chức cấp cao đến từ các nước ASEAN và sáu nước đối thoại gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên; lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: Hội nghị ASOEN lần thứ 21 và sáu hội nghị chuyên đề về Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN + 3. Hội nghị ASOEN lần thứ 21 tập trung điểm lại tình hình hoạt động các nhóm công tác về môi trường như: Nhóm về môi trường biển và vùng ven bờ; nhóm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học... Hội nghị quan chức cấp cao về môi trường ASEAN + 3 mục đích xem xét lại quá trình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN + 3, cụ thể là: Hợp tác ASEAN và Trung Quốc; hợp tác ASEAN và Nhật Bản; hợp tác ASEAN và Hàn Quốc nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực, trên toàn cầu và những cam kết quốc tế mới.

4. Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua kế hoạch hành động chống buôn người

Ngày 3-8-2010, trong phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu chống buôn người và khẳng định cam kết bảo vệ các nạn nhân, truy tố các tội phạm. Kế hoạch này sẽ được phát động chính thức trên toàn cầu tại cuộc họp cấp cao các nước thành viên Liên hợp quốc trong tương lai gần. Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên, các tổ chức quốc tế và khu vực thực hiện đầy đủ các điều khoản của Kế hoạch, các nước chưa phê chuẩn cần đẩy nhanh việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và nghị định thư của Công ước về ngăn chặn, đàn áp và trừng phạt tội buôn người. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng quyết định thành lập các quỹ tín dụng dành cho các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Theo quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Kế hoạch hành động toàn cầu chống buôn người sẽ được phát động chính thức trên toàn cầu tại cuộc họp cấp cao các nước thành viên Liên hợp quốc trong tương lai gần. Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các tổ chức của Liên hợp quốc hợp tác với nhau và với các đối tác của Liên hợp quốc nỗ lực chống nạn buôn người và bảo vệ quyền của các nạn nhân; đồng thời yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc tăng nguồn tài chính cho Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm để cơ quan này thực hiện hiệu quả hơn các chức năng phòng và chống tội phạm.

5. Năm quốc tế thanh niên

Ngày 3-8-2010, Liên hợp quốc đã tuyên bố Năm Quốc tế Thanh niên bắt đầu từ ngày 12-8 nhằm phát huy tài năng sáng tạo, sự năng động và nguồn lực to lớn của thanh niên vào sự nghiệp thúc đẩy hòa bình và phát triển kinh tế. Liên hợp quốc khẳng định thanh niên với hy vọng và ước mơ sẽ nắm giữ tương lai của hành tinh. Việc giúp thanh niên tiếp cận các nguồn đầu tư và dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc trao quyền cho họ bắt đầu và mở rộng các hoạt động kinh doanh, trao niềm tin để họ tham gia tích cực vào cuộc sống cộng đồng. Đầu tư vào thanh niên là đầu tư vào tương lai, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên đóng góp sức trẻ đầy sinh lực và sức sáng tạo cho tổ quốc và thế giới. Liên hợp quốc nêu rõ Năm Quốc tế Thanh niên phải là cơ hội để thanh niên trên toàn cầu nâng cao nhận thức và đẩy mạnh các hành động cải thiện thế giới. Với sự ủng hộ và cam kết vì thanh niên, thanh niên sống nghèo khổ ở nông thôn có thể thay đổi từ những người dễ bị tổn thương nhất trong thế giới ngày nay thành những thành viên tích cực, năng động và có ảnh hưởng trong xã hội. Ngày nay, thanh niên cần sự ủng hộ của xã hội nhưng ngày mai, xã hội cần sự đóng góp, sự sáng tạo, cam kết và sự lãnh đạo của họ. Khi phát huy được tài năng và giành được niềm tin, thanh niên cần được tham gia hoạch định chính sách cộng đồng và tham gia vai trò quản lý trong các tổ chức địa phương.

6. UNESCO công nhận thêm 21 di sản thế giới mới

Từ ngày 25-7 đến ngày 3-8-2010, tại thủ đô Bra-xi-li-a (Brasilia) của Bra-xin, trong kỳ họp thường niên thứ 34, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận 21 địa danh là di sản thế giới mới trong tổng số 39 địa danh được đề cử xét duyệt lần này. Trong số các địa danh được công nhận lần này có 15 Di sản Văn hóa, 5 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Văn hóa - thiên nhiên. Đợt công nhận này của Ủy ban Di sản của UNESCO đã nâng tổng số di sản Thế giới lên thành 911 di sản. Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội được vinh dự là di sản thứ 900 được UNESCO công nhận, với lời nhận xét của Ủy ban Di sản rằng, các công trình của Hoàng Thành “là biểu hiện của một nền văn hóa độc đáo tại Đông Nam Á, với nét đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Hồng”. Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Phran-sét-cô Ban-đa-rin (Francesco Bandarin) cho biết, đây là phiên họp công nhận nhiều di sản thiên nhiên nhất từ trước tới nay, đồng thời có 3 quốc gia lần đầu tiên có di sản được lọt vào danh sách này là Tajikistan, các quần đảo Marshall và Kiribati. Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa thêm 4 địa danh vào danh sách Di sản bị đe dọa và đưa quần đảo Galapagos của Ê-cu-a-đo ra khỏi “bản danh sách đen” này.

7. Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương về MDGs

Trong hai ngày 3 và ngày 4-8-2010, tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) đã diễn ra Hội nghị cấp bộ trưởng châu Á - Thái Bình Dương về Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) nhằm đánh giá kết quả thực hiện MDGs trong khu vực, đúc rút những kinh nghiệm thành công, khẳng định lại cam kết và đề ra những biện pháp thúc đẩy trong thời gian tới. Dự hội nghị có hơn 50 đoàn đến từ các quốc gia trong và ngoài khu vực, lãnh đạo Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Ông Ban Ki Mun kêu gọi Hội nghị làm nổi bật những khoảng cách trong phát triển cũng như những thách thức mà khu vực phải đối mặt, đặc biệt trợ giúp các nước còn tụt hậu; tiếp tục các nỗ lực tăng cường vai trò của hệ thống quốc tế, hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam, hợp tác khu vực để hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình thực hiện các MDGs.

8. BP khống chế được dầu tràn ở Vịnh Mê-hi-cô

Ngày 5-8-2010,giới chức Mỹ và Tập đoàn Năng lượng BP của Anhchính thức thông báo, việc bịt miệng giếng dầu Ma-con-đô bằng bê-tông do vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20-4-2010 ở Vịnh Mê-hi-cô, đã thành công. Không còn hiện tượng dầu rò rỉ ra biển. Tuy nhiên, các kỹ sư vẫn phải xác định liệu có còn chỗ rò rỉ nào khác ngoài điểm đặt giàn khoan hay không, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ sự biến đổi áp suất trong giếng dầu. Ðây là thảm họa dầu tràn tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, gây thiệt hại nặng về kinh tế và sinh thái. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma khẳng định "cuộc chiến kéo dài nhằm chặn đứng dầu tràn và giữ dầu tại giếng bị vỡ đang đi đến hồi kết", song ông cũng cảnh báo còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục thảm họa tràn dầu này. Chính phủ Mỹ ước tính đã có khoảng 206 triệu ga-lông (tương đương 780 triệu lít) dầu thô phun trào ra biển. Ðến nay, BP đã chấp nhận chi 20 tỉ USD cho các cư dân ven bờ bị thiệt hại. BP có khả năng sẽ phải trả thêm 17 tỉ USD tiền phạt vì đã để thất thoát số lượng dầu này.

9. Cu-ba phản bác việc Mỹ đưa Cu-ba vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố quốc tế

Ngày 5-8-2010, Chính phủ Cu-ba ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc Mỹ liệt quốc đảo này vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố quốc tế, đồng thời yêu cầu Chính phủ Mỹ ngay lập tức xóa tên Cu-ba khỏi danh sách này. Quan chức Bộ Ngoại giao Cu-ba phụ trách khu vực Bắc Mỹ Josefina Vidal nêu rõ bằng việc đưa Cu-ba vào danh sách này, Mỹ đã làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Oa-sinh-tơn chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và đây cũng là bằng chứng cho thấy Mỹ vẫn duy trì các khía cạnh vô lý trong chính sách thù địch chống Cu-ba. Tuyên bố trên của Cu-ba được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo thường niên về chủ nghĩa khủng bố năm 2009, cáo buộc Cu-ba tiếp tay cho các nhóm vũ trang của Cô-lôm-bi-a và tổ chức ly khai ETA của Tây Ban Nha, hai tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố. Trong báo cáo này, Mỹ cũng chỉ trích các đồng minh của Cu-ba tại Mỹ La-tinh, trong đó có Vê-nê-du-ê-la, Bô-li-vi-a và Ni-ca-ra-goa với lý do tương tự. Những nước nằm trong "danh sách đen" của Mỹ sẽ không nhận được các khoản viện trợ kinh tế từ Mỹ, không được hưởng những ưu đãi về thương mại cũng như ký kết các thỏa thuận thương mại.

10. Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân nguyên tử ở hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki

Ngày 6-8-2010, Nhật Bản tổ chức buổi lễ tưởng niệm nạn nhân nguyên tử ở hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki với lời kêu gọi về một thế giới hòa bình không vũ khí hạt nhân. Tham gia buổi lễ có đại diện hơn 70 quốc gia, trong đó lần đầu tiên Mỹ góp mặt với đại sứ Giôn Rốt (John Roos). Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun là Tổng thư ký đầu tiên của Liên hợp quốc có mặt tại buổi lễ tưởng niệm nạn nhân nguyên tử ở hai thành phố này. Hàng nghìn con chim bồ câu được thả bay qua Đài tưởng niệm Hòa bình với biểu tượng mái vòm hình chữ A của hầm tránh bom. Tại buổi lễ, Thị trưởng thành phố Hi-rô-si-ma, ông Ta-da-tô-si A-ki-ba (Tadatoshi Akiba) phát biểu: "Bây giờ chính là thời gian chín muồi cho chính phủ Nhật Bản để có hành động quyết định đi đầu trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân bằng cách đưa ba nguyên tắc phi hạt nhân vào luật, từ bỏ chiếc ô hạt nhân của Mỹ, công nhận về mặt pháp lý các 'khu vực mưa đen', và thực hiện tốt việc chăm sóc, hỗ trợ cho tất cả các nạn nhân giờ đã cao tuổi của vụ ném bom nguyên tử xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki ở mọi nơi trên thế giới." Ngay tại nước Mỹ, một số phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma về việc cử Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản John Roos tham dự Lễ kỷ niệm, khi cho rằng, hành động này như là một lời xin lỗi cho hành động ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945.

11. Thiên tai vẫn khiến nhiều người trên thế giới thiệt mạng

Trận lũ lụt lớn nhất trong vòng gần 1 thế kỷ qua ở Pa-ki-xtan, tính đến nay đã có 1.500 người thiệt mạng, 13 triệu người bị ảnh hưởng của trận lũ. Theo ước tính của Liên hợp quốc, Pa-ki-xtan phải cần tới hàng tỉ USD để khôi phục lại nước này. Ngày 6-8-2010, mưa lớn và lũ quét xảy ra ở vùng núi La-đát (Ladakh), khu vực Cát-xmia thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ đã làm ít nhất 112 người thiệt mạng và 400 người khác bị thương. Cũng trong ngày 6-8, những trận mưa xối xả còn gây lở đất tại nhiều nơi, chôn vùi nhiều căn nhà, làm gián đoạn hệ thống điện và viễn thông. Gần 2.000 khách du lịch nước ngoài hiện còn mắc kẹt ở La-đát. Công tác cứu hộ, dọn dẹp các đống đổ nát đang diễn ra hết sức khẩn trương. Ngày 7-8, tại huyện Châu Khúc tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) đã xảy ra một trận lở đất lớn do mưa lớn kéo dài. 127 người chết, 80 người bị thương, hơn 2.000 người mất tích. Dự kiến con số thương vong sẽ còn tiếp tục tăng cao. Tuần qua, tại thành phố Tây An (Trung Quốc), đã có 100 người chết vì đột quỵ, hàng trăm người khác phải vào viện cấp cứu do thời tiết nắng nóng. Điều đáng chú ý, đa số người chết đều là công nhân vệ sinh môi trường hay lao động nông thôn làm việc ngoài trời. Trung Quốc gần đây đã ban hành nhiều quy định để hạn chế tình trạng này xảy ra, như không để công nhân làm việc ngoài trời dưới thời tiết từ 36 độ C trở lên, phải có chế độ trợ cấp đối với công nhân làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng…Tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Còn tại In-đô-nê-xi-a, cơ quan quản lý thiên tai nước này cho biết, tuần qua, hơn 2.000 người đang phải sống trong các khu lều bạt tạm bợ khi một trận lũ lụt vừa xảy ra ở Gô-rôn-ta-lô phía Đông In-đô-nê-xi-a. Những trận mưa lớn liên tiếp mấy ngày nay gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực dân cư. Hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán. Lũ lụt còn làm hư hại hàng trăm ha hoa màu. Hệ thống giao thông và thông tin hầu như bị tê liệt. Hiện lực lượng cứu hộ địa phương vẫn đang nỗ lực công tác khắc phục thảm họa này.

12. FAO cảnh báo, sản lượng lương thực năm nay giảm mạnh do hạn hán kéo dài ở châu Âu, lũ lụt lớn tại châu Á

Do thời tiết toàn cầu diễn biến bất thường, ngày 6-8-2010, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, sản lượng lương thực năm nay giảm mạnh do hạn hán kéo dài ở châu Âu, lũ lụt lớn tại châu Á. Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi việc thu mua và tích trữ lương thực gặp khó khăn về kho bãi. Các hoạt động cứu trợ bị cản trở. Trong hai tháng qua, giá lúa mì đã tăng gấp hai lần. Trong tháng 7, giá gạo thế giới đã tăng 9%. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa phát động chiến dịch cứu trợ về y tế lớn nhất trong lịch sử tổ chức này ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Sản lượng lúa mì năm nay ở các nước sản xuất lúa mì hàng đầu ở châu Âu như Pháp và Ðức, đều giảm mạnh. Khu vực châu Âu bị hạn hán và nắng nóng làm khô héo những cánh đồng ngũ cốc và cháy rừng tràn lan, những khu dân cư và đất trồng trọt ở Trung Quốc, Pa-ki-xtan, Ấn Ðộ, Mỹ thì bị lũ lụtnhấn chìm hàng loạt, giá lạnh lại hoành hành tại Nam Mỹ... có thể đẩy giá ngũ cốc tăng cao trên thị trường thế giới, trước hết là giá lúa mì. Tháng 7 vừa qua, giá lúa mì trên sàn giao dịch Chi-ca-gô (Mỹ) đã tăng 42%, mức tăng trong tháng cao nhất trong vòng hơn 50 năm qua. Hội đồng Ngũ cốc quốc tế dự đoán, sản lượng ngũ cốc của Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba trên thế giới, sẽ giảm 19% trong năm nay do hạn hán triền miên và nắng nóng.

13. Nga tố cáo Mỹ vi phạm thỏa thuận WMD

Ngày 7-8-2010, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố tố cáo Mỹ không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong một số thỏa thuận về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và kiểm soát vũ khí. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Mỹ đã vi phạm các thỏa thuận đã ký về cắt giảm vũ khí song phương, công ước quốc tế về cấm vũ khí hóa học, cấm vũ khí sinh học và bộ luật La Hague về không phổ biến tên lửa đạn đạo. Trong tuyên bố dài 11 trang được đăng trên website, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ ra những thực tế về việc Mỹ vi phạm các nghĩa vụ của nước này về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và kiểm soát vũ khí. Ngày 8-4 vừa qua, Nga và Mỹ đã ký hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), sau khi START-I hết hiệu lực cuối năm 2009, nhằm cắt giảm mạnh các kho vũ khí hạt nhân của hai nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận trên vẫn chưa được Thượng viện Mỹ và Quốc hội Nga thông qua do hai bên vẫn bất đồng về kế hoạch của Mỹ lắp đặt các cơ sở phòng thủ tên lửa tại Đông Âu

14. Vê-nê-du-ê-la từ chối nhận Đại sứ Mỹ mới

Ngày 8-8-2010, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vết (Hugo Chavez) đã đưa ra lời từ chối không tiếp nhận ông La-ry Pan-mơ (Larry Palmer), người vừa được Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma chỉ định làm Đại sứ tại Ca-ra-cát trong nhiệm kỳ tiếp theo.Ông Hu-gô Cha-vết cho rằng ông Palmer là người không có tinh thần hợp tác trong việc giải quyết căng thẳng giữa Venezuela với người láng giềng Cô-lôm-bi-a thời gian qua. Tổng thống Hu-gô Cha-vết đã từng bày tỏ sự lạc quan rằng quan hệ giữa Vê-nê-du-ê-la và Mỹ sẽ cải thiện khi Tổng thống Ô-ba-ma nhậm chức. Nhưng trên thực tế quan hệ giữa hai nước vẫn chưa hết căng thẳng. Mỹ luôn đưa ra những quan điểm cho rằng các chính sách của ông Hu-gô Cha-vết là một mối đe dọa cho báo chí tự do và dân chủ của Vê-nê-du-ê-la, trong khi ông Hu-gô Cha-vết cáo buộc những hành động này của Mỹ là can thiệp vào công việc nội bộ của Vê-nê-du-ê-la và tiếp tục âm mưu chống lại chính phủ của ông. Hiện Mỹ chưa có phản ứng nào trước tuyên bố của Tổng thống Vê-nê-du-ê-la.

15. Dân số thế giới sẽ lên tới 7 tỉ người vào năm 2011

Nhóm nghiên cứu Liên hợp quốc và Mỹ cho rằng tỷ lệ gia tăng dân số cao chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển tăng mạnh. Ước tính, số dân ở các nước đang phát triển nghèo nhất thế giới sẽ tăng thêm 20 triệu người/năm. Theo dự báo trên, trung bình mỗi phút trên thế giới có 267 trẻ em được sinh ra và 108 người chết. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động so với số người già nghỉ hưu hưởng bảo hiểm xã hội ở các nước phát triển giảm mạnh do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ ngày càng cao. Dự báo, dân số thế giới vào năm 2025 sẽ là 8 tỉ người và lên tới 9,4 tỉ người trong vòng 40 năm tới, trong đó dân số Ấn Độ sẽ ở mức 1,7 tỉ người./.