Đồng tiền dự trữ quốc tế mới - thách thức trực diện vị thế của Mỹ
TCCSĐT - Trước thềm Hội nghị G-20, Trung Quốc và Nga đã đưa ra đề xuất về một đồng tiền dự trữ quốc tế mới. Bất chấp sự phản đối tức thời của Mỹ, đề xuất này vẫn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của hàng loạt các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới. Vì sao “đòn tấn công trực diện vào đồng đôla Mỹ” lại tạo ra tiếng vang và nhận được sự ủng hộ sâu rộng như vậy?
Thật ra ý tưởng tạo ra một đồng tiền chung làm phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế không hoàn toàn mới. Ngay từ năm 1944, nhà kinh tế học John Maynard Keynes (1883-1946) đã từng nêu sáng kiến tạo ra đồng tiền quốc tế Bancor dựa trên giá trị một rổ 30 loại hàng hoá nguyên nhiên liệu thông dụng nhất trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tại Hội nghị Tiền tệ thế giới Bretton Woods, đề xuất này bị Mỹ kiên quyết bác bỏ để dành chỗ cho đồng đôla Mỹ (lúc đó đang dựa trên chế độ bản vị vàng) đảm đương vai trò này.
Ý tưởng của Keynes được phát triển thành Quyền vay mượn đặc biệt (SDR) - một đơn vị tiền tệ tổng hợp do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tạo ra năm 1969 trên cơ sở bình quân gia quyền giá trị của một rổ 4 loại tiền thông dụng nhất trong thanh toán quốc tế là đồng đôla Mỹ (44%), ơ-rô (34%), bảng Anh (11%) và yên Nhật (11%). Sáng kiến của IMF lập tức bị Mỹ cô lập, thành thử trong suốt 40 năm qua, đồng SDR chỉ loanh quanh trong một vài hợp đồng riêng lẻ của IMF với một số nước đang phát triển với tổng trị giá chưa tới 32 tỉ đôla Mỹ. Đồng đôla Mỹ vẫn giữ địa vị thống soái trong thanh toán và dự trữ quốc tế.
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ hiện nay khiến người ta không khỏi lo ngại: trên 60% tổng dự trữ của các quốc gia trên thế giới là đôla Mỹ. Số phận lượng dự trữ này sẽ ra sao nếu Mỹ, để giải quyết khó khăn kinh tế của chính mình, mở máy in đôla và tung vào lưu thông?
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho rằng, cuộc khủng hoảng bùng nổ và lây lan ra toàn thế giới phản ánh tính dễ bị tổn thương và rủi ro cố hữu của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay. Ông đề nghị “cần tạo ra một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia, không phụ thuộc vào các nước riêng biệt và giữ được ổn định trong dài hạn” làm phương tiện dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Cùng quan điểm với Trung Quốc, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay có liên hệ trực tiếp đến sự vận hành của các đồng tiền dự trữ quốc tế. Cần phải xây dựng một hệ thống tiền tệ dự trữ quốc tế bình ổn hơn, thậm chí, xem xét khả năng thiết lập một đồng tiền chung, một đồng tiền siêu quốc gia, làm phương tiện dự trữ quốc tế. Giải thích thêm cho ý kiến của Tổng thống Mét-vê-đép, Trợ lý Tổng thống Nga Á-ca-di Đvô-cô-vich nói rằng, hệ thống tiền tệ quốc tế hiện hành không phù hợp với tiềm năng tài chính các nước và chứa đựng quá nhiều nguy cơ từ những hành động đơn phương của một số ít các quốc gia chịu trách nhiệm phát hành các đồng tiền mà thế giới đang dùng để dự trữ.
Đề xuất của Trung Quốc và Nga lập tức nhận được sự ủng hộ dư luận quốc tế. Tờ The Financial Times viết: “Đề nghị của Trung Quốc và Nga về một đồng tiền toàn cầu không phụ thuộc vào những quốc gia cụ thể phần nào có lý. Sử dụng đôla làm đồng tiền dự trữ có thể dẫn tới mất cân đối nguy hiểm trên thế giới. Và giờ đây, các nước, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang giữ đô la làm phương tiện dự trữ đã trở thành con tin của chính quyền Ô-ba-ma…
Tuy điều kiện để hình thành một đồng tiền dự trữ quốc tế mới còn chưa đủ, nhưng vai trò của đồng rúp Nga và nhân dân tệ Trung Quốc trong phạm vi khu vực có thể sẽ tăng lên”. Giám đốc điều hành IMF Đô-mi-nich Strao-Can (Dominique Strauss-Kahn) cũng cho rằng, việc thảo luận về một đồng tiền dự trữ mới là hoàn toàn hợp lý.
Hội đồng Chuyên gia về cải cách cấu trúc tài chính quốc tế của Liên hợp quốc cũng ra tuyên bố ủng hộ một hệ thống tiền tệ dự trữ toàn cầu mới thay cho đồng đôla Mỹ đã được các ngân hàng quốc tế sử dụng trong sáu thập kỷ qua. Các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính các nước Ấn Độ, Bra-xin, Hàn Quốc, Nam Phi, In-đô-nê-xi-a, Vê-nê-xu-ê-la, Thái Lan, Ma-lai-xi-a,… đã lần lượt lên tiếng ủng hộ đề xuất về đồng tiền dự trữ siêu quốc gia nói trên.
Trái với sự đồng tình của dư luận quốc tế, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma lập tức khẳng định: “Mỹ là nước có nền kinh tế mạnh nhất và hệ thống chính trị ổn định nhất… Tôi tin tưởng cả ở nền kinh tế Mỹ, cả ở đồng đôla… Và tôi tin rằng, một đồng tiền quốc tế mới là không có bất cứ sự cần thiết nào”. Phản ứng quyết liệt của Mỹ khiến vấn đề đồng tiền dự trữ quốc tế mới đã không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị G-20 tổ chức tại Luân-đôn ngày 2-4 vừa qua. Tuy nhiên, người ta không thể không đặt câu hỏi: vì sao Trung Quốc và Nga lại nêu vấn đề này ra, và, vì sao đề xuất của họ lại nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của dư luận quốc tế như vậy. Có thể có hai lý do sau:
Thứ nhất, về ngắn hạn, cả Trung Quốc, Nga và hàng loạt các nước trên thế giới đang có trong kho dự trữ một lượng đôla Mỹ khổng lồ và họ lo ngại chính quyền Mỹ tuỳ tiện đơn phương in thêm tiền để giải quyết khó khăn kinh tế của Mỹ. Nếu thế, đồng đôla Mỹ sẽ mất giá nhanh chóng và khoản dự trữ của họ sẽ “bốc hơi” đáng kể. Họ cần một lời cam kết không phá giá đồng đôla từ phía Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà bài viết của ông Chu Tiểu Xuyên được tung ra một tuần sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo yêu cầu Mỹ một lời cam kết như vậy mà chưa có câu trả lời chính thức.
Thứ hai, về dài hạn, đề xuất về một đồng tiền dự trữ quốc tế mới cho thấy, người ta đã bắt đầu nghi ngờ trên diện rộng về tính hợp lý của hệ thống tiền tệ hiện tại được xây dựng trên cơ sở đơn cực; và thể hiện mong muốn của nhiều quốc gia về một hệ thống tiền tệ mới hợp lý hơn trên cơ sở đa cực.
Đòn tấn công trực diện vào đồng đôla này là một dịp để các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính quốc tế thể hiện sự bất bình của mình đối với vai trò lãnh đạo thế giới mà Mỹ tự nhận, ít nhất là trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Nó không thể mang lại thắng lợi ngay lập tức, nhưng nó cho thấy vai trò của Mỹ đang suy giảm mạnh và các nước khác cần có vị trí xứng đáng hơn trên bàn cờ tài chính - tiền tệ toàn cầu.
Khi biết đề xuất về đồng tiền dự trữ quốc tế mới không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị G-20, Tổng thống Nga Mét-vê-đép nói: “Đề tài này có thể không cấp bách trong hội nghị lần này, nhưng chắc chắn nó sẽ cấp bách trong tương lai gần nhất”. Sự phản đối của Mỹ đã không cản phá được ý tưởng về một hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế hợp lý hơn đã nảy sinh và đang ngày càng phát triển./.
Đồng chí Trần Quốc Huy được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông  (18/04/2009)
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Bác Ngao 2009  (17/04/2009)
Tích cực triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch  (17/04/2009)
Đảng Cộng sản Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa  (17/04/2009)
Sự trỗi dậy của Liên bang Nga trong bối cảnh mới  (17/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển