Nhận dạng các thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 23-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với thời báo The Wall Street Journal (Mỹ) đã tổ chức Hội nghị doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 với chủ đề “Nhận dạng các thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự và chủ trì Diễn đàn "Nguồn nhân tài: Giáo dục và nâng cao năng lực". Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức trên thế giới.
Các báo cáo của các đại biểu trình bày tại hội nghị đã tập trung phân tích những vấn đề cũng như hệ quả dài hạn, những hiệu ứng lây lan của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với châu Á; tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của chính sách kinh tế thương mại Hoa Kỳ đối với khu vực; quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là tại các thành phố có tiến trình công nghiệp hóa nhanh; giải pháp củng cố hệ thống tài chính toàn cầu; giáo dục và nâng cao năng lực nguồn nhân lực; thế hệ doanh nhân mới của châu Á và liệu Việt Nam có nổi lên trở thành nước đứng đầu ASEAN?
Trả lời các nhà đầu tư thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định: Dù chịu ảnh hưởng khủng hoảng nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì tốt và tiếp tục phát triển, dự kiến quý 1-2009 đạt tốc độ tăng trưởng 3,1%, cả năm đạt từ 5%-5,5%. Thời gian qua Chính phủ tập trung nhiều giải pháp chống suy giảm, trong đó các gói kích cầu đã phát huy hiệu quả, tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tiến triển tốt; đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Các bộ ngành đang tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhanh chóng giải ngân vốn FDI… Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang quan tâm và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, cảng biển nước sâu, giáo dục - đào tạo nghề chất lượng cao.
Trả lời câu hỏi của một doanh nhân nước ngoài về sự minh bạch trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định, không có sự thiên vị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Minh bạch, công khai đang là xu hướng chung của các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam hiện tại đã lên tới 1.500 doanh nghiệp.
Các đại biểu đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a phát biểu tại hội nghị đã thể hiện tin tưởng vào sự ổn định nền kinh tế vĩ mô và tiếp tục kích thích tăng trưởng, giảm thiểu tác động tiêu cực của suy thoái toàn cầu của Chính phủ Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương kích cầu của Chính phủ Việt Nam đã đem lại hiệu quả nhanh chóng, và hy vọng trong gói kích cầu thứ 2 của Chính phủ sẽ giúp thị trường chứng khoán của Việt Nam từng bước ổn định trong thời gian không xa.
Tuy nhiên, một số đại biểu có ý kiến Việt Nam nên cải tổ sâu rộng và tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển, tận dụng mặt tích cực và hạn chế mặt trái của toàn cầu hóa.
Với kinh nghiệm đối phó suy thoái kinh tế từ Ấn Độ, Chủ tịch Tập đoàn Tata Syamal Gupta cho rằng, Việt Nam nên tập trung chủ yếu nguồn lực kích thích kinh tế vào khu vực nông thôn, sản xuất hàng hóa giá rẻ và có chất lượng phù hợp với người thu nhập thấp.
Trong phiên họp với tư cách chủ trì Diễn đàn "Nguồn nhân tài: Giáo dục và nâng cao năng lực” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu nêu rõ: Để duy trì bền vững và phát triển toàn diện, Việt Nam và các nước láng giềng trong ASEAN đang thúc đẩy nhanh công cuộc đào tạo và tuyển lựa nhân lực chất lượng cao, xem đây là khâu then chốt để giải quyết mọi vấn đề của quốc gia. Chính phủ Việt Nam đang dành những ưu tiên cao nhất từ ngân sách đến cơ chế cho phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Trong đó sẽ cơ cấu lại lĩnh vực đào tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng cũng đã nêu lên 9 nhóm giải pháp Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt để tiếp tục nâng cao và đổi mới chất lượng giáo dục. Đó là: Đưa internet về tất cả 40.000 trường học trên cả nước; Thành lập 4 trường đại học có đẳng cấp quốc tế; Cho học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; Chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ ở các nước có trình độ phát triển cao; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Dịch chuyển từ đào tạo số lượng sang đào tạo chất lượng; Chiến lược đào tạo ngoại ngữ trong các trường phổ thông từ nay đến năm 2020; Đào tạo theo nhu cầu xã hội và nhu cầu doanh nghiệp./.
Nước uống đóng chai và sức khỏe người tiêu dùng  (24/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển