“Bác đi... Di chúc giục lòng ta”

Song Thành
11:18, ngày 23-08-2009

Trước khi ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Lời nhắn nhủ của Người, từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ đã thấm sâu và lắng đọng vào trái tim mỗi người dân Việt Nam, giục giã bao thế hệ người Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo lý tưởng của Người, như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết: “Bác đi... Di chúc giục lòng ta”.

Bốn mươi năm về trước, đúng vào ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta! Trong đời sống chính trị - tinh thần của nhân dân Việt Nam, chưa bao giờ không khí đau thương lại trùm lên tất cả mọi người, mọi nhà như những ngày cả nước chịu tang vị lãnh tụ thiên tài, nhà yêu nước vĩ đại, người cha, người bác, người anh đức độ và nhân ái của toàn dân tộc. Cả thế giới nghiêng mình tiếc thương vĩnh biệt một vĩ nhân đã in dấu sâu sắc vào thời đại với những lời ca ngợi chân thành, cao đẹp và sâu sắc nhất.

Trong đau thương, nhân dân Việt Nam cảm thấy vô cùng tự hào về lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của mình. Đúng như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta”.

Trước khi từ biệt thế giới này, Người đã gửi gắm những lời căn dặn thiết tha, những mong muốn, khát khao cháy bỏng vào Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Thay mặt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trước anh linh của Người, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã long trọng tuyên đọc 5 lời thề, nguyện sẽ kiên quyết phấn đấu đem lá cờ bách chiến, bách thắng của Người tới đích cuối cùng. Bốn mươi năm sau khi Người đi xa, chúng ta kính cẩn báo cáo lên Người những nỗ lực phấn đấu thực hiện 5 lời thề đã long trọng hứa trước anh linh Người.

Quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngay trong những ngày tang lễ, hàng vạn lá đơn xin gia nhập Đảng đã được gửi tới các tổ chức cơ sở đảng, bày tỏ nguyện vọng được sống, chiến đấu, lao động, học tập dưới ngọn cờ, theo lý tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng vạn thanh niên nô nức tòng quân, lớp lớp lên đường, mang theo Di chúc vào chiến trường, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều sư đoàn mới được thành lập. Binh đoàn vận tải 559 được tăng cường. Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn, bao gồm cả tuyến xăng dầu, được mở ra. Hàng vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến từ miền Bắc đã vào chiến trường… Cả nước rầm rộ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Tháng 12-1972, quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân B52 của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (tháng 1-1973), chấp nhận rút quân khỏi miền Nam. Trưa ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam đã lặng lẽ làm lễ cuốn cờ tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Cùng ngày, những quân lính chư hầu Nam Triều Tiên, Phi-lip-pin cũng rút khỏi nước ta. Toàn Đảng, toàn dân ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”.

Ở miền Nam, quân và dân ta biến đau thương thành sức mạnh dồn xuống đầu thù, liên tục tiến công và nổi dậy, làm phá sản kế hoạch “bình định nông thôn” của địch, mở rộng vùng giải phóng. Phong trào đấu tranh ở đô thị phát triển mạnh: công nhân Sài Gòn tổng bãi công; sinh viên, học sinh đồng bào Phật giáo ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng,… liên tục xuống đường đấu tranh chống chính quyền Mỹ - Thiệu. Các lực lượng vũ trang của ta phối hợp với quân đội nhân dân Lào và Cam-pu-chia, giành chiến thắng lớn trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Xnun, cuộc hành quân Chenla II,…giải phóng 7 tỉnh của Cam-pu-chia, tạo ra hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam.

Quân ngụy - xương sống của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - bị thua nặng ở các chiến trường, đã giảm sút về số lượng, sa sút về tinh thần, lại phải dàn mỏng ra để thay thế quân Mỹ và chư hầu rút về nước, nên thế trận ngày càng sơ hở. Quân dân ta giành quyền chủ động trên chiến trường, liên tiếp mở các cuộc tiến công trên cả 3 hướng chiến lược: Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đồng thời phối hợp chiến đấu với quân đội bạn trên chiến trường Lào và Cam-pu-chia, giành được thắng lợi to lớn: giải phóng tỉnh Quảng Trị, phần lớn các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Bình Long, Phước Long…, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn.

Trên đà thắng lợi, tháng 7-1973, Trung ương Đảng ta họp Hội nghị lần thứ 21, bàn chủ trương, biện pháp đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Kế hoạch đó được các hội nghị Bộ Chính trị tiếp theo bổ sung, hoàn chỉnh và đi tới quyết tâm: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, giành thắng lợi to lớn. Địch rơi vào thế rút lui chiến lược. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã giải phóng hoàn toàn miền Trung. Tháng 4-1975, ta giải phóng các hải đảo và đồng bằng sông Cửu Long. Chiến dịch Hồ Chí Minh, mở màn từ ngày 9-4 đến ngày 30-4-1975, đã hoàn thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vào 10 giờ 45 phút, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Trong giây phút lịch sử đó, mọi người đều xúc động nhớ tới Bác Hồ, nắm tay nhau hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”!

Cả nước sung sướng, tự hào đã thực hiện trọn vẹn lời thề với Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất đất nước.

Phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào

Những ngày vui thống nhất, Bắc - Nam sum họp trôi qua nhanh chóng, toàn Đảng, toàn dân ta lại đối mặt với những khó khăn của thời hậu chiến. Thực tiễn đòi hỏi phải thay đổi cách làm ăn cho phù hợp với quy luật của cuộc sống.

Tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của nhiều địa phương, Đại hội VI của Đảng (tháng 12 - 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện với hình thức và bước đi thích hợp. Cả nước chuyển mình, nhiều sáng kiến thi đua tìm tòi cách làm ăn mới, làm giàu cho bản thân và gia đình, cho địa phương và cho đất nước được phát huy. Công cuộc đổi mới từng bước đạt được những kết quả quan trọng: đất nước dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội dân chủ hơn, cởi mở hơn, đời sống nhân dân thay đổi nhanh chóng - nhất là ở thành thị, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được tăng lên.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”, Đại hội VII của Đảng đã thảo luận và thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” nhằm bình ổn xã hội, phát triển đất nước, đưa đất nước ra khỏi khó khăn. Chiến lược này đã được các đại hội tiếp theo phát triển, bổ sung đến năm 2020. Kết quả đã làm cho đất nước mỗi ngày một đổi mới. Nhiều công trình thế kỷ đã đi vào sử dụng và phát huy tác dụng như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đường dây 500 KV Bắc - Nam, Nhà máy Thuỷ điện Trị An, Yaly, các nhà máy đóng tàu, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, cầu Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh xuyên Việt,v.v.. Mặc dầu vẫn còn những hạn chế nhưng nhân dân ta đã cố gắng thực hiện mong muốn của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”!

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, giáo dục, đào tạo được chú trọng phát triển, quy mô đào tạo được mở rộng cả ở đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; trình độ văn hoá của nhân dân được nâng cao thêm một bước. Đặc biệt, ngay sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta lựa chọn những thanh niên ưu tú nhất, đã qua rèn luyện trong chiến đấu, được ưu tiên đi học nước ngoài và các trường đại học trong nước, và họ đã trở thành những nhà chuyên môn có tài, những cán bộ quản lý đất nước có năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong đổi mới, đã và đang xuất hiện một thế hệ trẻ đầy tài năng, đi tiên phong trong các phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp”, đã xuất hiện nhiều tấm gương năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, trong học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật… Tuy nhiên, thế hệ thanh niên hiện nay vẫn còn những nhược điểm và yếu kém cần khắc phục. Muốn bồi dưỡng cho đời sau, thế hệ đi trước phải mẫu mực nêu gương về mọi mặt - cả về ý chí và đạo đức cách mạng, trước hết là những người lãnh đạo, có chức, có quyền.

Một trong những thành tựu quan trọng trong quá trình đổi mới là sự đổi mới tư duy về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại. Đây chính là cơ sở tạo ra những thắng lợi hết sức to lớn về ngoại giao và kinh tế: Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, tranh thủ được nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của hơn 50 nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhiều tập đoàn, công ty của hơn 60 nước và vùng lãnh thổ, chủ động hội nhập kinh tế khu vực (AFTA). Sau hơn 10 năm đàm phán, Việt Nam đã thành công và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào cuối năm 2006, đánh dấu một mốc quan trọng đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Việt Nam cũng đã được nhất trí bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khoá 2008 - 2009. Những thành tựu đó đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giữ gìn đoàn kết trong Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân

“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Thực hiện những lời dặn dò trong Di chúc của Người, từ Đại hội IV đến nay, Đảng ta đã mở nhiều cuộc vận động, tiêu biểu là cuộc vận động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tiến hành từ năm 2006 cho đến Đại hội XI. Theo nhận định của Đảng: Các cuộc vận động này vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn. Tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra, pháp luật chưa nghiêm, trừng trị chưa đúng người, đúng tội. Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái hư hỏng, cũ kỹ, như Bác Hồ nói, là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn, sự gương mẫu rất cao, trong đó đề cao vai trò nêu gương của những người lãnh đạo, người có chức, có quyền.

Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, sau Đại thắng mùa xuân 1975, Đảng ta đưa ra chủ trương: lấy độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xoá bỏ định kiến, mặc cảm, hướng tới tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Theo tinh thần đó, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, nhiều nhân vật thuộc “lực lượng thứ ba”,…đã được cử vào Ủy ban Trung ương và Đoàn Chủ tịch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bầu vào Quốc hội thống nhất, tham gia Chính phủ hoặc giữ các cương vị lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí minh; nhiều kiều bào đã tin tưởng, chuyển vốn đầu tư về trong nước làm ăn; nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi đã chuyển về sinh sống ở trong nước…

Trong vấn đề đoàn kết tôn giáo, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng. Ở Việt Nam hiện nay, các sinh hoạt tôn giáo như Lễ hội Phật đản, các lễ hội Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo, đặc biệt lễ hội Phật đản VESAK được Unesco thừa nhận, v.v.. đều được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, đã trở thành ngày vui chung của văn hóa dân tộc. Ngày nay, các chùa chiền, nhà thờ, thiền viện (như Thiền viện Trúc Lâm Yên tử, Tây Thiên, Sóc Sơn, Đà Lạt,…) được xây dựng mới với quy mô chưa từng có so với bất kỳ thời nào trong lịch sử trước đây.

Phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục cán bộ và nhân dân ta về tình nghĩa quốc tế thuỷ chung, về nghĩa vụ góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, “giúp bạn tức là tự giúp mình”.

Trong kháng chiến chống kẻ thù chung, ba nước Đông Dương Việt Nam - Lào và Cam-pu-chia đã đoàn kết trong một mặt trận, sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và cùng nhau giành thắng lợi vào năm 1975. Trong hòa bình, xây dựng, ba nước đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác về kinh tế và văn hoá, hiệp định về biên giới hoà bình, hữu nghị. Việt Nam đã viện trợ và đầu tư giúp Lào mở con đường ra biển, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng về kinh tế - kỹ thuật; giúp cách mạng Cam-pu-chia loại bỏ chế độ Pôn-pốt diệt chủng, v.v.

Sau khi thống nhất đất nước, thực hiện ước muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”, nhiều đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đã đi thăm nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ để thể hiện lòng biết ơn và tình cảm quốc tế trong sáng này.

Trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn tồn tại, Việt Nam vẫn không ngừng thắt chặt quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các đảng cộng sản và công nhân trong các nước tư bản; vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình, công bằng và đạo lý trong các mối quan hệ quốc tế.

Chúng ta tự hào đã trung thành và thực hiện tốt lời thề với Chủ tịch Hồ Chí Minh: luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, thuỷ chung, theo đúng tấm gương của Người.

Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cao cả, tuyệt vời trong sáng, có sức cổ cũ lớn lao, một nhân tố làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay từ Đại hội II (1951), Đảng ta đã nhận thấy sức mạnh to lớn của tấm gương đạo đức vô song này, nên đã sớm có nghị quyết về học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, coi đó là điều kiện tiên quyết để đưa cách mạng đến thành công.

Sau khi Người qua đời, Đảng ta đã liên tục đề ra các cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Tiến lên một bước, Đại hội VII đã ra nghị quyết: lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Các cuộc vận động này đã khơi dậy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên và thanh niên, đã góp phần vào việc bồi dưỡng nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng sống và làm theo tấm gương của Người. Tuy nhiên, trong đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, cũng đã có một số người không vượt lên được, đặc biệt là ở những thời điểm có tính bước ngoặt. Một số người có chức, có quyền đã tha hoá, biến chất, tham nhũng, cửa quyền. Điều đó cho thấy tính chất khó khăn, gian khổ, lâu dài của việc xây dựng con người mới; cho thấy ý nghĩa cấp bách, tầm quan trọng của cuộc vận động giáo dục, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình phấn đấu lâu dài của toàn Đảng, toàn dân. Bốn mươi năm qua mới là một chặng đường ngắn ngủi, trong đó có những việc chúng ta đã hoàn thành xuất sắc, có những việc làm chậm, có việc làm chưa tốt. Nhiều nhân tố “mới mẻ, tốt tươi” đã xuất hiện, nhưng cũng còn nhiều cái “cũ kỹ, hư hỏng” vẫn chưa được loại bỏ, đang là điều nhức nhối, phần nào làm giảm niềm tin của nhân dân. Chúng ta hứa với Người rằng, “cuộc chiến đấu khổng lồ” mà Người căn dặn trong Di chúc được chúng ta kiên trì phấn đấu thực hiện, nhằm đạt tới những thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển./.