Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam
TCCS - Nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 2-11-2023. Ngày 2-11-2023, sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm và dự Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023 với chủ đề: "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh" với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và Đoàn đại biểu cấp cao Hà Lan thăm chính thức Việt Nam theo nghi thức dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm chính thức Việt Nam. Sau lễ đón chính thức, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm.
Tại hội đàm, trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng trước "những thành tựu kỳ diệu" của Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 và kể từ chuyến thăm năm 2019 của ông.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong việc hiện thực hóa các cam kết và thỏa thuận hợp tác kể từ sau chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 12-2022) với hoạt động trao đổi đoàn sôi động, các cơ chế hợp tác tiếp tục được triển khai và một số văn kiện hợp tác mới đã được ký kết.
Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn cấp cao, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế và thỏa thuận hợp tác song phương, đồng thời nghiên cứu thiết lập các cơ chế mới nhằm làm sâu sắc hợp tác chuyên ngành giữa hai nước; khẳng định kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh đoàn gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte góp phần hiện thực hóa các cơ hội hợp tác giữa hai nước; đề nghị Hà Lan ủng hộ EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan, như công nghệ cao, cảng biển, hạ tầng chiến lược.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh khuôn khổ đối tác chiến lược giữa hai nước về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp bền vững, góp phần chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực khai thác cát ngoài khơi, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan cùng các nước G7 hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế nhằm triển khai hiệu quả “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), thiết lập cơ chế hợp tác ba bên về nông nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Thủ tướng Hà Lan bày tỏ quan tâm hỗ trợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định hỗ trợ Việt Nam triển khai Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nguồn nước.
Hai bên nhấn mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực mang tính đột phá; nhất trí khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như thăm dò, khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng; quốc phòng - an ninh; hải quan; hàng hải; logistic; đẩy mạnh giao lưu nhân dân… Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc, khuôn khổ ASEAN - EU…
Thủ tướng Hà Lan đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Hà Lan đã chính thức trở thành đối tác phát triển của ASEAN, mong muốn Hà Lan tham gia sâu hơn, có nhiều sáng kiến để góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN – EU nói chung và ASEAN – Hà Lan nói riêng. Về Biển Đông, hai bên nhất trí ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ủng hộ tiến trình đàm phán COC thiết thực, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao 4 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, hiệp hội hai nước trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng, hải quan, đầu tư, thương mại…, gồm: Trao Sách cam Hà Lan; Thỏa thuận về việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Hà Lan về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan; Quyết định viện trợ không hoàn lại của Hà Lan cho chương trình Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU thông qua nền tảng thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam; Ý định thư về hợp tác thăm dò và khai thác bền vững các khoáng sản quan trọng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan đã dự Diễn đàn Công nghệ cao Việt Nam - Hà Lan, dự Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023 với chủ đề: “Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức. Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận sôi nổi về các nội dung: Tương lai chung - Những cơ hội và thách thức khi theo đuổi sự bền vững trong nền kinh tế; an ninh và tính bền vững của hệ thống năng lượng - làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì vị thế dẫn đầu về năng lượng sạch ở Đông Nam Á; tính minh bạch và vững chắc của hệ thống tài chính - cách châu Âu quản lý sự đổi mới và niềm tin để hỗ trợ nền kinh tế; chủ quyền lương thực - cách Việt Nam có thể bảo đảm hiệu quả sử dụng và hoạt động thương mại đối với nguồn tài nguyên địa phương và thế giới; giảm phát thải các-bon và tính tuần hoàn - giảm nhu cầu về tài nguyên sơ cấp thông qua tối ưu hóa thiết kế và quy trình…
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Hà Lan cho rằng, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Tuy nhiên, cả hai nước đều đang đối mặt những thách thức về môi trường, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các chủ thể liên quan, song trước hết cần có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu về sản xuất bền vững. Thủ tướng Hà Lan đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này. Thủ tướng Mark Rutte đề nghị các doanh nghiệp cùng nhau biến khát vọng thành hiện thực, để Việt Nam xứng danh với tên gọi của mảnh đất của “rồng bay lên”, mảnh đất của những cơ hội; để Việt Nam và Hà Lan cùng trở thành “rồng xanh”.
Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, sau Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2022, các đối tác của Việt Nam và EU đã làm được một số việc. Diễn đàn năm 2023 tiếp tục khẳng định quyết tâm và sự ủng hộ của châu Âu với sự phát triển xanh của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu có tiếng nói thúc đẩy các nước EU tiếp tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam… Đánh giá cao quan điểm của Thủ tướng Hà Lan khi coi đồng bằng sông Cửu Long như là một phần của Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tăng cường đầu tư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, triển khai chương trình một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang ích cực ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy mạnh trồng rừng, triển khai bán tín chỉ carbon, phát triển điện sinh khối…. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng sau diễn đàn này, hai bên sẽ tiếp tục hành động và đạt bước tiến mới trong phát triển kinh tế xanh.
Trải qua 50 năm, quan hệ Việt Nam - Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư, thương mại, nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010, đối tác chiến lược về nông nghiệp và an ninh lương thực năm 2014 và đối tác toàn diện năm 2019. Chuyến thăm của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte tới Việt Nam lần này tiếp tục các biện pháp cụ thể nhằm triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đầu năm 2023. Hai bên thúc đẩy các lĩnh vực như thương mại, đầu tư; tài chính; khoa học, công nghệ; khoa học quản trị; đào tạo nguồn nhân lực; du lịch; nông nghiệp, logistics, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... Cùng với đó, Việt Nam và Hà Lan tiếp tục thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); thúc đẩy phát triển Đối tác chiến lược EU - ASEAN, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Mông Cổ phát triển thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực  (03/11/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ ký kết và triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn  (01/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển