Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam
TCCS - Ngày 12-4-2023, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam”.
Các đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS,TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các nhà khoa học, đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng, các đồng chí nguyên lãnh đạo và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam nêu rõ, đây là dịp để tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, luận giải những giá trị khoa học và tính thời sự trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ đó, vận dụng xây dựng luận cứ khoa học nhằm hoạch định chủ trương, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.
Đây là tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh tư tưởng, lý luận và định hướng thực tiễn, có tác động to lớn, sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lựa chọn.
Cuốn sách dù đặt tiêu đề khiêm tốn là “một số vấn đề” nhưng nội dung đã đề cập những vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và sâu sắc ở tầm tư tưởng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nội dung cuốn sách gồm các bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tất cả lĩnh vực.
Với ngôn ngữ giàu hình ảnh, gần gũi, dễ hiểu, cách trình bày chắt lọc, lấy tổng kết thực tiễn để chứng minh, thuyết phục; cuốn sách đã thể hiện tầm cao lý luận, có sức cảm hóa, lan tỏa đặc biệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội về chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... Các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng, cụ thể hóa thành chương trình hành động và quyết tâm thực hiện.
Nhắc lại truyền thống lịch sử của vùng đất Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc, đồng chí Phan Việt Cường khẳng định: “Trải qua bao thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử, với nền tảng văn hóa truyền thống của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” làm điểm tựa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và ra sức thi đua xây dựng, phát triển quê hương đạt nhiều thành tựu to lớn”.
Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay (1-1-1997), từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Với quyết tâm đổi mới, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, có bước chuyển cơ bản, rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 25 năm đạt trên 9,0%/năm (năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 11,2%, là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng hai con số). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm mạnh tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 50% lên 87,5%. Thu ngân sách, từ số thu 120 tỷ đồng năm 1996, đến năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đã lên đến 33.338 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa đạt 26.485 tỷ đồng), gấp gần 278 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Từ một địa phương phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách trung ương, đến năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tự cân đối được ngân sách và có đóng góp về Trung ương. GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, gấp khoảng 40 lần so với năm 1997.
Đặc biệt, Khu kinh tế mở Chu Lai được xây dựng thành công, đã hiện thực hóa khát vọng vươn lên, xác lập vị thế của Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngành du lịch đã khai thác tốt lợi thế, tiềm năng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển đáng kể, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện, đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo các vùng, miền trong tỉnh.
Các giá trị văn hóa bản địa, truyền thống được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy, nhất là 2 di sản văn hóa thế giới: Khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An; văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế... có sự chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế được tăng cường.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn và lớn mạnh. Từ một Đảng bộ với chỉ hơn 70 đảng viên khi mới thành lập năm 1930, đến cuối năm 2022, đã có 1.150 tổ chức cơ sở đảng với 71.319 đảng viên. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên….
Những thành quả trên là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Tuy nhiên, Người cũng nhắc nhở “Lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo, lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Việt Cường, với tinh thần lý luận gắn với thực tiễn, chủ trương, quan điểm của Đảng phải được nghiên cứu, vận dụng một cách khoa học, sáng tạo vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam. Việc tổ chức hội thảo hôm nay nhằm khẳng định, nghiên cứu luận giải những giá trị, ý nghĩa trong cuốn sách để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và phát triển của tỉnh.
“Với tinh thần khách quan, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm, chúng tôi rất mong các nhà khoa học, các đồng chí đại biểu với kết quả nghiên cứu của bản thân và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cùng trao đổi, thảo luận để làm sâu sắc hơn nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh có cơ sở khoa học để vận dụng sáng tạo lý luận vào việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới", đồng chí Phan Việt Cường khẳng định.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định, cuốn sách gồm 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bàn về những vấn đề lý luận rất rộng, chắt lọc, tổng kết thực tiễn, lấy đời sống thực tiễn để chứng minh, thuyết phục.
Cuốn sách của Tổng Bí thư thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây chính là nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Trên cơ sở đó hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, các quan điểm chỉ đạo được thể hiện trong cuốn sách về các vấn đề lớn của đất nước trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... là những định hướng quan trọng tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và là cơ sở để vận dụng vào hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Hội thảo nhận được 36 tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý và lãnh đạo các cấp gửi đến, với tinh thần khách quan, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm. Hội thảo cũng nghe nhiều ý kiến trao đổi thiết thực từ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã góp phần làm sâu sắc, rõ hơn nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua đó, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có cơ sở khoa học để vận dụng sáng tạo lý luận vào việc xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới./.
Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình  (26/02/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển