Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
TCCS - Ngày 29-3-2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013 - 2023).
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng có dịp trao đổi trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Tổng thống Joe Biden nhất trí với các ý kiến đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Để phát triển sâu sắc, bền vững và thực chất quan hệ hai nước trong thời gian tới, Tổng Bí thư nêu một số phương hướng lớn, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp, các ngành dưới các hình thức linh hoạt, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ Chính phủ, Quốc hội, quan hệ giữa các đảng và nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư cũng đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Đồng thời, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm và các lĩnh vực khác.
Tổng Bí thư đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực; cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.
Tổng Bí thư nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế trong việc tăng cường hữu nghị và đối thoại, củng cố hòa bình, thúc đẩy phát triển, đề cao luật pháp quốc tế và ứng phó với những thách thức chung. Theo hướng đó, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng các nước ASEAN thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện tham gia cùng với các đối tác khác đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) theo hướng mở, bao trùm, cân bằng, cùng có lợi, trong đó có tính đến điều kiện của các nước đang phát triển như Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hoa Kỳ và các đối tác thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững ở tiểu vùng Mê Công và hợp tác để Hoa Kỳ tổ chức thành công năm APEC 2023. Tổng Bí thư khẳng định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn trong chính sách phát triển của Việt Nam, hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ trong vấn đề này, mong Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.
Tổng thống Joe Biden trao đổi một số vấn đề quốc tế như ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, hợp tác dân chủ - nhân quyền. Tổng thống Hoa Kỳ nhất trí với những phương hướng hợp tác như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, trong đó nhấn mạnh hợp tác thương mại, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng là lĩnh vực tiềm năng. Đặc phái viên Tổng thống về khí hậu John Kerry sẽ tiếp tục trao đổi cụ thể với Việt Nam về vấn đề này.
Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mong muốn sự hợp tác của Việt Nam và các nước trong đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ủng hộ và hợp tác thúc đẩy khu vực Mê Công phát triển hòa bình, bền vững, khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, cảm ơn đóng góp của Việt Nam đối với thành công của Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN  (23/03/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm trực tuyến cấp cao với Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản  (10/02/2023)
Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV  (15/11/2022)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên