Những vấn đề tổ chức lãnh thổ và liên kết vùng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
TCCS - Ngày 26-12-2022, tại thành phố Đà Nẵng, Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên thuộc Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Những vấn đề tổ chức lãnh thổ và liên kết vùng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS, TS. Trần Thọ Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên; TS. Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; TS. Nguyễn Văn Chung, Phó Vụ trưởng, Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên,... Cùng tham dự có các cán bộ, giảng viên, biên tập viên, nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học,...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Trần Thọ Quang chia sẻ, hội thảo với chủ đề: “Những vấn đề tổ chức lãnh thổ và liên kết vùng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được phê duyệt, tổ chức theo quyết định của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản. Đây cũng là hoạt động khoa học quan trọng của cả hai cơ quan trong tổng thể các chương trình hoạt động năm 2022; là dịp để hai cơ quan học hỏi, trao đổi, sinh hoạt khoa học, phối hợp, tổ chức mời các chuyên gia, nhà khoa học đến báo cáo chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu. Nhân dịp hội thảo, PGS, TS. Trần Thọ Quang gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đã tham dự và nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác tổ chức hội thảo.
Trình bày tham luận, TS. Hoàng Hồng Hiệp cho rằng, các nguồn lực phát triển kinh tế thường có ranh giới khá rõ ràng, tuy vậy, ở Việt Nam mới chỉ tập trung khái quát các yếu tố cơ bản và điều kiện nguồn lực của từng địa phương chứ chưa có các công trình nghiên cứu về vai trò của nhân tố vùng trong phát triển kinh tế. Hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được kỳ vọng là hạt nhân, động lực cho sự phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; tuy nhiên, nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, các vấn đề như quy hoạch, cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý còn nhiều bất cập; định hướng phát triển ngành và việc xây dựng kết cấu hạ tầng chưa có sự thống nhất, dẫn đến đầu tư dàn trải; ngành, nghề đào tạo ở các địa phương có sự chồng lấn,... gây cản trở cho sự phát triển trong toàn vùng. TS. Hoàng Hồng Hiệp cho rằng, thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp, như hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết phát triển vùng; thành lập, đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học của vùng và tiểu vùng; đầu tư ngân sách không nên dàn trải cho địa phương tự quyết mà tập trung vào những dự án có tác động liên địa phương; hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tăng trưởng,...
Trong khi đó, TS. Võ Công Khôi (Học viện Chính trị khu vực III) nhấn mạnh, sự hình thành và phát triển của nhà nước yêu cầu việc quản lý thống nhất trên quy mô lớn nên xuất hiện nhu cầu phân chia đơn vị hành chính; trong đó, cần có sự phân định rõ ràng thẩm quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Tại Hội thảo, TS. Võ Công Khôi đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam trong thời gian tới, như đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với tính chất của từng loại hình đơn vị hành chính và đặc điểm riêng của cộng đồng dân cư; chú trọng việc phân định đơn vị hành chính cơ bản, mang tính tự nhiên và đơn vị hành chính trung gian, mang tính nhân tạo; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả,...
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thoa (Trường Cao đẳng Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng) cho rằng, trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia hay mỗi vùng kinh tế thì hoạt động hợp tác hóa lãnh thổ đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hạn chế hiện tượng cạnh tranh không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hài hòa, bền vững, hiệu quả trong toàn vùng. Hiện nay, vấn đề hợp tác hóa lãnh thổ tại khu vực miền Trung gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ, phụ thuộc vào quan điểm, tầm nhìn của các lãnh đạo trong mỗi thời kỳ. Để nâng cao việc hợp tác hóa lãnh thổ, TS. Nguyễn Thị Thoa nhấn mạnh, cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá, như thống nhất quan điểm, nhận thức về hợp tác hóa lãnh thổ trong phát triển miền Trung; tăng cường công tác truyền thông về lợi ích và sự cần thiết hợp tác hóa lãnh thổ cho giới chức địa phương, doanh nghiệp và người dân; chuẩn bị nguồn vốn, nhân lực để tham gia chủ động vào các dự án liên kết, hợp tác,…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tập trung trao đổi nhằm làm rõ một số nhóm nội dung cơ bản, như vị thế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đối với sự phát triển của toàn khu vực; vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực phát triển nhanh, bền vững; việc phát triển ngành du lịch trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; giải pháp khơi thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt trong liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hay giữa các vùng; vấn đề phát triển công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng hiện nay,...
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp khẳng định, Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, với nhiều tham luận chuyên sâu, có chất lượng. Các bài viết, ý kiến tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn về tổ chức hợp tác lãnh thổ và liên kết vùng trên nhiều chiều cạnh, gợi mở nhiều vấn đề mới, rất cần được nghiên cứu, tuyên truyền trong thời gian tới; đồng thời đề xuất nhiều phương hướng, giải pháp mới để nâng cao hiệu quả hợp tác, phối hợp giữa các địa phương trong thời gian tới. Thành công của hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội cộng tác, phối hợp, trao đổi học thuật, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, nghiên cứu viên, biên tập viên của hai cơ quan trong thời gian tới./.
Hội thảo Văn hóa năm 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa  (18/12/2022)
Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững từ thực tế tỉnh Đắk Nông  (14/12/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển