Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần nhận thức và hành động đúng đắn vì đại dương xanh, hòa bình và phát triển bền vững
TCCS - Ngày 28-6-2022, tại đầu cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng đại dương xanh”. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại 2 điểm cầu là Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Hà Nội) và Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) nhân Ngày Đại dương Thế giới (8-6-2022) và Tuần lễ Biển và Đại dương Việt Nam.
Cùng dự tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường. Đến dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Trị trở ra.
Dự tại đầu cầu Khánh Hòa có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên - Huế trở vào; bà con ngư dân và cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trong chương trình, các phóng sự về tình yêu biển, đảo của người Việt Nam, tinh thần đoàn kết vươn ra biển lớn; quá trình nghiên cứu môi trường và sử dụng bền vững biển và đại dương được trình chiếu đan xen các tiết mục văn nghệ ca ngợi tình yêu biển, đảo quê hương. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý chia sẻ kiến thức và tình yêu biển, đảo, cũng như triển vọng về phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Chương trình khẳng định vai trò to lớn của biển và đại dương đối với sự sinh tồn của con người và nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên, môi trường biển, đảo; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, với khát vọng thịnh vượng từ biển; thể hiện ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, giữ hòa bình cho biển.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng “Mẹ thiên nhiên”, trong đó có biển và đại dương, là người mẹ vĩ đại che chở, nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta với trái tim bao dung, lòng nhân ái và tô điểm vẻ đẹp tâm hồn. Hành động bảo vệ, ứng xử với biển, đại dương là trả nghĩa ân tình, là trách nhiệm với “Mẹ thiên nhiên” và cuộc sống trên Trái đất của mỗi quốc gia, mỗi con người.
Theo Thủ tướng, biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại; là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có, như cướp biển, buôn lậu; những hành động đơn phương vi phạm pháp luật quốc tế; biến đổi khí hậu; việc khai thác tài nguyên biển quá mức; hệ sinh thái, môi trường biển bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là rác thải nhựa… Điều đó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, dân tộc và cộng đồng dân cư, bao loài sinh vật biển quý hiếm đã tuyệt chủng. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, nhiều loài sẽ tiếp tục biến mất nếu chúng ta không hành động kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển. Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp chính đáng của các quốc gia. Cùng với đó, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển; tuân thủ quy định về các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên, các nguyên tắc của Quy chuẩn ứng xử cho nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, là một quốc gia biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng, nỗ lực hành động, tôn trọng và tuân thủ luật pháp, công ước quốc tế; chủ động tham gia các cơ chế song phương và đa phương; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về biển và đại dương.
Việt Nam sẽ thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản trị biển và đại dương. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển dựa trên công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương, nhất là rác thải nhựa.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về biển và đại dương của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển trên thế giới. Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phần bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Theo Thủ tướng, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế vì một đại dương xanh, một đại dương hòa bình, một đại dương đoàn kết và phát triển, một đại dương nuôi dưỡng cuộc sống và làm đẹp tâm hồn mỗi người. Thủ tướng kêu gọi mọi người hãy hành động thực chất, hiệu quả, thật ý nghĩa để cảm ơn "Mẹ thiên nhiên", trong đó có biển và đại dương.
Cũng tại chương trình, các đơn vị, tổ chức tặng xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình 1.000 lá cờ Tổ quốc và 1.000 áo phao cứu sinh; tặng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh 30 bộ ảnh đẹp về biển, đảo cho các trường của 2 huyện; tặng đại diện xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) và xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh) 250 đèn pin phục vụ đi biển và cứu hộ cứu nạn; tặng ngư dân hai huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Ngọc Hiển (Cà Mau), mỗi huyện 10.000 lá cờ Tổ quốc và 1.000 ảnh Bác Hồ; ngư dân hai huyện thuộc tỉnh Phú Yên, Bình Định, mỗi huyện 500 phao cứu sinh…/.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022  (25/06/2022)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia  (24/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và nhân lực y tế nghỉ việc  (23/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030  (22/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển