Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và nhân lực y tế nghỉ việc
TCCS - Ngày 23-6-2022, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, có tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương và bệnh viện tuyến trung ương, các thuốc thiếu gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch... Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và trung ương, trong đó chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm; một số trang thiết bị y tế chuyên sâu. Thời gian gần đây có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công. Nguyên nhân một phần do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; mặt khác do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, thảo luận đánh giá tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch cả trong trước mắt và lâu dài. Đặc biệt là cơ chế, chính sách, giải pháp, phương pháp thực hiện để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế và khắc phục vấn đề nhân lực y tế; với mục tiêu và phương châm là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục cập nhật thông tin, tổng hợp, thống kê số liệu thực sự khách quan, trung thực, chính xác về hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế và khắc phục vấn đề nhân lực y tế. Trên cơ sở nắm chắc tình hình để phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, phối hợp chặt chẽ khắc phục tình trạng này một cách kịp thời, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số nước với nguy cơ dịch quay trở lại. Đối với trong nước cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, trong đó tổ chức tích cực hơn nữa tiêm vaccine cho các đối tượng cần phải tiêm, nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi. Thủ tướng cho biết, dịch sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, chân tay miệng đang diễn biến phức tạp; một số loại bệnh khác như tim mạch, ung thư, xương khớp, đái tháo đường… tác động lẫn nhau khiến tình hình khó khăn hơn. Do đó, bên cạnh tăng cường năng lực y tế phòng, chống dịch COVID-19, phải tập trung thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống các dịch khác và khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân.
Việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Với mục tiêu “chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách, quy định liên quan mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động, tích cực xử lý những vướng mắc, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét. “Trong báo cáo, giải pháp, kế hoạch hành động các đồng chí phải chỉ rõ nội dung gì, ở đâu, ai làm”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế; rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu cả ở Trung ương và địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y dược; rà soát quy trình, thủ tục cấp phép thuốc bảo đảm đơn giản, phù hợp với tình hình, giảm chi phí, giảm giá thành; thực hiện mạnh mẽ phân cấp, phân quyền trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nắm chắc tình hình, dự báo nhu cầu về thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để chủ động đáp ứng; các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản pháp luật chuyên ngành, hướng dẫn cụ thể để Bộ Y tế, các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện thông suốt, hiệu quả việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Đối với vấn đề nhân lực ngành y bỏ việc, chuyển việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Tư pháp, Nội vụ rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở; xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực y tế; tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; hướng dẫn thành lập trạm y tế theo kết luận của Bộ Chính trị, với mô hình trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo yêu cầu khám chữa bệnh, phù hợp với tình hình thực tế.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các địa bàn, giữa các tuyến, các chuyên môn, chuyên ngành y tế để điều chỉnh, bổ trợ cho nhau; có phương án bố trí đủ lượng người làm việc, đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình để dân hiểu, dân biết, dân nghe, dân theo, dân làm; ủng hộ, hợp tác với ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. “Càng khó khăn, phức tạp, càng phải bình tĩnh, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030  (22/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Báo chí luôn là một trong những lực lượng trên tuyến đầu  (17/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh  (12/06/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển